Hướng dẫn chăm sóc trẻ trước và sau khi tiêm vắc xin phòng cúm

Vắc xin cúm là loại vắc xin giúp phòng ngừa mắc bệnh cúm và giảm nguy cơ biến chứng nặng, nhập viện, tử vong liên quan đến cúm. Tiêm vắc xin phòng cảm cúm rất quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là trẻ nhỏ. Vậy có bao nhiêu loại vắc xin cúm hiện nay? Cần lưu ý gì trước khi tiêm phòng cúm? Cùng tham khảo thêm thông tin a:care Việt Nam cung cấp trong bài viết dưới đây để có câu trả lời.

1. Trước khi tiêm vắc xin cúm cho trẻ cần lưu ý những gì?

những lưu ý trước khi tiêm vắc xin cúm cho trẻ em
Những lưu ý trước khi tiêm vắc xin phòng cúm cho trẻ

Để đảm bảo trẻ tiêm vắc xin phòng cảm cúm an toàn, bố mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé để thông báo cho bác sĩ trong quá trình khám sàng lọc trước khi tiêm.

Nếu trẻ chưa đạt tiêu chuẩn về cân nặng hoặc có một trong các biểu hiện bệnh lý đang tiến triển thì phải trì hoãn lịch tiêm cho đến khi trẻ đủ cân nặng, hết sốt hoặc khỏi bệnh.

Đặc biệt lưu ý, nếu trẻ có các phản ứng nặng sau tiêm ở các lần tiêm chủng trước thì sẽ ngưng tiêm các mũi tiếp theo (nếu có).

Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, bố mẹ (người chăm sóc) cần mang đầy đủ sổ/phiếu tiêm chủng và thông báo đầy đủ tình trạng sức khỏe, các loại thuốc đang sử dụng để bác sĩ đánh giá và phối hợp cùng bố mẹ đưa ra lịch tiêm chủng hợp lý, tránh bỏ sót hay nhầm lẫn.

Ngoài ra, cha mẹ cần mặc quần áo rộng, dễ cởi cho con khi đi tiêm chủng.

Một trong những điều quan trọng nữa, cha mẹ nên chuẩn bị là sổ tiêm chủng hay phiếu tiêm chủng. Bởi vì sổ này ghi chú chi tiết những mũi tiêm mà trẻ đã chủng ngừa trước đây. Điều này là cơ sở cho bác sĩ quyết định trẻ nên tiêm bổ sung mũi nào hay tiêm bù, tiêm nhắc lại loại vắc xin nào.

Bác sĩ sẽ khám như thế nào?
Việc khám sàng lọc trước tiêm chủng được thực hiện theo đúng quy định nghiêm ngặt của Bộ Y Tế (Quyết định số 2470/QĐ-BYT ban hành ngày 14/6/2019), tập trung vào việc đánh giá tình trạng sức khỏe chung của cơ thể bao gồm:
– Đo thân nhiệt
– Đánh giá tri giác
– Quan sát nhịp thở, nghe phổi
– Nghe tim
– Phát hiện các bất thường khác

2. Cần chuẩn bị gì trong khi tiêm phòng cúm cho trẻ?

Khi tiêm phòng vắc xin cúm, cần lưu ý cho trẻ chế độ ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc để có cơ thể khỏe mạnh và đáp ứng miễn dịch tốt nhất khi được tiêm chủng.

Tiêm phòng vắc xin cúm giúp trẻ tăng đề kháng (Ảnh minh họa)
Tiêm phòng vắc xin cúm giúp trẻ tăng đề kháng (Ảnh minh họa)

Cả trẻ em và người lớn khi tiêm cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhân viên y tế, cùng với đó cần theo dõi sức khỏe sau tiêm.

3. Các phản ứng của trẻ sau khi tiêm chủng

Phản ứng phụ thường gặp nhất của vắc xin cúm (đối với cả trẻ em và người lớn) là đau ở chỗ được tiêm. Trẻ em, đặc biệt là những trẻ chưa từng nhiễm vi rút cúm, có thể bị sốt nhẹ, cảm thấy đau và mệt mỏi. Những triệu chứng sau khi tiêm phòng cúm cho trẻ này có thể kéo dài đến 2 ngày.

Các phản ứng dị ứng rất hiếm hoi nhưng cũng có thể xảy ra với bất cứ loại vắc xin nào. Để an toàn, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về cách nhận biết xem con bạn có gặp bất kỳ phản ứng nghiêm trọng nào không, cũng như cách giảm đau, hạ sốt cho bé sau khi tiêm phòng.

4. Các phản ứng nặng của trẻ cần đưa đến bệnh viện

Trong trường hợp trẻ có những biểu hiện nguy hiểm dưới đây cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất:

Sốt trên 39 độ C kéo dài;

Co giật hay mệt lả, lừ đừ, không có phản ứng khi được gọi;

Tím tái, khó thở, thở rít, rút lõm lồng ngực khi thở;

Trẻ quấy khóc dữ dội, khóc thét kéo dài;

Trẻ ăn/bú kém cùng các phản ứng thường gặp: sốt nhẹ, quấy khóc, phát ban,… kéo dài trên 1 ngày.

Theo các chuyên gia y tế, những phản ứng nặng sau tiêm chủng thường rất hiếm gặp và không gây nguy hiểm nếu được phát hiện và xử trí kịp thời. An toàn tiêm chủng không đơn thuần là chất lượng vắc xin, sự tuân thủ quy trình của nhân viên y tế mà còn bao gồm cả sự theo dõi, chăm sóc của gia đình sau khi tiêm chủng cho trẻ/ người đi tiêm.

Cần chú ý các phản ứng của trẻ sau khi tiêm vắc xin
Cần chú ý các phản ứng của trẻ sau khi tiêm vắc xin

5. Chăm sóc trẻ sau khi tiêm vắc xin phòng cúm

Sau khi tiêm phòng vắc xin cúm, tùy theo thể trạng của trẻ mà hệ miễn dịch sẽ được tập luyện nhận diện “kẻ thù” (nhờ các kháng nguyên của vi rút cúm) và xuất hiện các phản ứng khác nhau. Vắc xin sẽ giúp cơ thể tạo ra số lượng kháng thể nhất định nhưng khoảng thời gian để tạo đủ kháng thể ở mỗi người sẽ khác nhau. Sau khi tiêm vắc xin phòng cảm cúm trẻ có thể sốt, có trẻ không, nhưng mục đích cuối cùng vẫn đảm bảo hiệu quả của vắc xin.

Để trẻ nhanh khỏe sau khi tiêm vắc xin phòng cúm, cha mẹ chăm sóc con cần tuân thủ những lưu ý:

Nếu trẻ có dấu hiệu sốt cao, điều quan trọng nhất là các bậc phụ huynh nên bình tĩnh, không nên lo lắng, thường xuyên theo dõi thân nhiệt, nhanh chóng hạ sốt cho trẻ bằng nhiều cách khác nhau như:

Hãy chọn phòng thoáng mát, mặc quần áo rộng, thoải mái cho trẻ. Khi trẻ sốt hãy lau người bằng nước ấm, chườm khăn đã vắt khô lên trán cho trẻ.

Trường hợp, nếu nhiệt độ trẻ trên 39 độ C, nên cho trẻ dùng thuốc hạ sốt như paracetamol, ibuprofen,… Sốt cao có thể gây ra tình trạng mất nước, rối loạn cân bằng điện giải trong cơ thể, do vậy có thể cho trẻ dùng oresol, cháo muối nấu loãng để bù lượng nước mất và điện giải. Cha mẹ có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, chuyên gia y tế.

Chế độ ăn uống đảm bảo giàu dinh dưỡng, ăn lỏng và dễ tiêu cho trẻ: sữa, cháo, súp, bún… Ngoài ra, nên bổ sung nhiều trái cây hoặc làm sinh tố hoa quả cho trẻ sử dụng.

Trong một vài trường hợp, nếu bố mẹ đã áp dụng nhiều cách nhưng thân nhiệt của trẻ không hề giảm, kèm theo các biểu hiện như quấy khóc dai dẳng, co giật, bố mẹ nên gọi ngay cho bác sĩ hoặc đưa trẻ đến những cơ sở y tế để được chăm sóc khẩn cấp.

Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách khắc phục khi trẻ nhỏ bị cảm cúm

Cha mẹ nên cho trẻ ăn súp hoặc cháo loãng (Ảnh minh họa).

6. Các loại vắc xin cúm nào an toàn?

Hiện nay các vắc xin cúm có tại Việt Nam là vắc xin cúm tứ giá (chứa 4 chủng virus cúm gồm 2 chủng cúm A (A/H1N1), (A/H3N2) và 2 chủng cúm B (B/Yamagata) và (B/Victoria)) dùng được cho trẻ từ 6 tháng tuổi, gồm vắc xin phân mảnh và vắc xin tiểu đơn vị. Hai loại vắc xin này khác biệt về công nghệ vắc xin. Trong đó, vắc xin phân mảnh có chứa các mảnh virus sau phân cắt, còn vắc xin tiểu đơn vị chỉ chứa kháng nguyên bề mặt virus với tính sinh miễn dịch tốt và ít gây phản ứng phụ sau tiêm như sốt, đau tại nơi tiêm, … Vì vậy, đặc biệt phù hợp với trẻ nhỏ, giúp trẻ ít quấy khóc, bỏ bú sau tiêm và hạn chế cảm giác sợ hãi khi tiêm phòng.

Như vậy, a:care Việt Nam vừa cung cấp thông tin về các loại vắc xin cúm, các phản ứng và cách chăm sóc trẻ em trước và sau khi tiêm phòng vắc xin. Hy vọng bài viết đã giúp cha mẹ hiểu rõ và biết cách để chăm sóc trẻ đúng cách. Hãy chung tay bảo vệ cho mầm non của thế giới.

THẾ HÀO

Tài liệu tham khảo:

  1. https://hellobacsi.com/nuoi-day-con/nhi-khoa/tiem-phong-cho-tre/tiem-phong-cum-cho-tre/
VTM1298351