Câu hỏi thường gặp về tiêm phòng cúm cho mẹ bầu (Phần 2)

GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Chuyên gia viết bài: GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương / Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội / Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa, Trường Đại học Y dược Quốc Gia
  • Ngày cập nhật: 28/4/2024

Trong phần trước, chúng ta đã tìm hiểu về tính an toàn và lợi ích của việc tiêm phòng cúm cho phụ nữ mang thai. Trong phần này, chúng ta sẽ đi sâu vào một số câu hỏi thường gặp khác về tiêm phòng cúm trong thai kỳ.

1. Thời điểm nào trong thai kỳ phù hợp để tiêm phòng cúm?

Về thời điểm tiêm phòng cúm, phụ nữ mang thai có thể tiêm vắc-xin cúm trong bất kỳ tam cá nguyệt nào của thai kỳ. Tiêm phòng cúm vào 3 tháng cuối thai kỳ thì hiệu quả bảo vệ trẻ mới sinh dưới 6 tháng tuổi có thể tốt hơn so với khi tiêm ở 3 tháng đầu hoặc 3 tháng giữa. Tuy nhiên, để bảo vệ người mẹ và thai nhi trong suốt thai kỳ và thời điểm sau sinh thì vẫn nên tiêm phòng cúm sớm, ngay khi vắc-xin có sẵn.

thời điểm tiêm phòng cúm cho bà bầu
Mẹ bầu nên tiêm phòng cúm sớm ngay khi vắc xin có sẵn

2. Tôi bị đái tháo đường thai kỳ thì có nên tiêm phòng cúm không?

Đối với phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ, tiêm phòng cúm vẫn được khuyến cáo. Trên thực tế, những phụ nữ mang thai mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường có nguy cơ cao hơn đối với các biến chứng liên quan đến cúm. Do đó, tiêm phòng cúm là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

3. Tôi bị tăng huyết áp trong thai kỳ thì có nên tiêm phòng cúm không?

Tương tự như đái tháo đường thai kỳ, phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp cũng có khả năng gặp các biến chứng do cúm cao hơn. Tiêm phòng cúm giúp giảm nguy cơ nhiễm bệnh và các biến chứng tiềm ẩn, từ đó bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.

phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp nên tiêm phòng cúm
Phụ nữ mang thai có tăng huyết áp hay đái tháo đường thì vẫn nên tiêm phòng cúm

Xem thêm: Dấu hiệu nhận biết và đối tượng dễ bị đái tháo đường

4. Tôi có thể được bảo vệ khỏi cúm trong bao lâu kể từ khi tiêm phòng?

Khi tiêm phòng cúm, cơ thể cần khoảng 2 tuần để tạo ra miễn dịch bảo vệ. Miễn dịch mạnh nhất thường sau 3-4 tháng tiêm phòng và kéo dài ít nhất khoảng 5-6 tháng. Nhưng do virus cúm liên tục biến đổi, việc tiêm phòng hàng năm là cần thiết để duy trì mức độ bảo vệ tối ưu.

5. Phụ nữ cho con bú có nên tiêm phòng cúm không?

Phụ nữ cho con bú cũng cần được tiêm phòng cúm. Vaccine cúm có hồ sơ an toàn cao cho cả mẹ và bé trong thời kỳ cho con bú. Hơn nữa, kháng thể từ mẹ có thể truyền sang trẻ qua sữa mẹ, giúp bảo vệ trẻ nhũ nhi khỏi bệnh cúm. Một điểm nữa là trẻ dưới 6 tháng tuổi chưa thể tiêm phòng cúm, trong khi mẹ lại tiếp xúc gần và thường xuyên với trẻ, mẹ tiêm phòng cúm sẽ giảm nguy cơ lây nhiễm cúm cho trẻ.

GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội

Tóm lại, tiêm phòng cúm là một biện pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của phụ nữ mang thai và thai nhi. Các bằng chứng khoa học đã chỉ ra rằng lợi ích của việc tiêm phòng cúm trong thai kỳ lớn hơn nhiều so với nguy cơ tiềm ẩn. Phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn và xây dựng kế hoạch tiêm chủng phù hợp.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1] Dodds L, McNeil SA, Fell DB, Allen VM, Coombs A, Scott J, MacDonald N. Impact of influenza exposure on rates of hospital admissions and physician visits because of respiratory illness among pregnant women. CMAJ. 2007;176(4):463-468.

[2] Thompson MG, Kwong JC, Regan AK, Katz MA, Drews SL, Azziz-Baumgartner E, Klein NP, Chung H, Effler PV, Feldman BC, Simmonds K, Wyant BE, Dawood FS, Jackson ML, Fell DB, Levy A, Barda N, Svenson LW, Fink BV, Ball SW, Naleway A. Influenza Vaccine Effectiveness in Preventing Influenza-associated Hospitalizations During Pregnancy: A Multi-country Retrospective Test Negative Design Study, 2010-2016. Clin Infect Dis. 2019;68(9):1444-1453.

[3] https://www.health.gov.au/topics/immunisation/vaccines/influenza-flu-vaccine

[4] National Center for Immunization and Respiratory Diseases. Ask the Experts: Influenza.

[5] Zaman K, Roy E, Arifeen SE, Rahman M, Raqib R, Wilson E, Omer SB, Shahid NS, Breiman RF, Steinhoff MC. Effectiveness of maternal influenza immunization in mothers and infants. N Engl J Med. 2008;359(15):1555-1564.

[6] Håberg SE, Trogstad L, Gunnes N, Wilcox AJ, Gjessing HK, Samuelsen SO, Skrondal , Cappelen I, Engeland A, Aavitsland P, Madsen S, Buajordet I, Furu K, Nafstad P, Vollset SE, Feiring B, Nøkleby H, Magnus P, Stoltenberg C. Risk of fetal death after pandemic influenza virus infection or vaccination. N Engl J Med. 2013;368(4):333-340 .

[7] https://www.cdc.gov/breastfeeding/breastfeeding-special-circumstances/maternal-or-infant-illnesses/influenza.html#:~:text=Flu%20vaccination%20is%20safe%20for,infants%20through%20their%20breast%20milk.

[8] Sahni LC, Olson SM, Halasa NB, et al. Maternal Vaccine Effectiveness Against Influenza-Associated Hospitalizations and Emergency Department Visits in Infants. JAMA Pediatr. 2024;178(2):176-184. doi:10.1001/jamapediatrics.2023.5639

VTM1314634 (v1.0)