Lợi ích khi tiêm phòng cúm cho những người có bệnh mạch vành

GS.TS.NGND.AHLĐ Nguyễn Lân Việt
Chuyên gia viết bài: GS.TS.NGND.AHLĐ Nguyễn Lân Việt
Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Việt nam. Chủ tịch Hội đồng chuyên BVSK cán bộ miền Bắc. Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà nội. Nguyên Viện trưởng Viện Tim mạch Việt nam.
  • Ngày cập nhật: 18/4/2024

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc khám và điều trị các bệnh tim mạch, tôi muốn chia sẻ với cộng đồng và bạn đọc về một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn đó là phòng ngừa cúm ở những người có bệnh mạch vành.

1. Người bệnh mạch vành gặp nhiều nguy cơ về sức khỏe hơn khi nhiễm cúm

Người bệnh mạch vành cần đặc biệt cảnh giác với bệnh cúm do nguy cơ cao hơn gặp các biến chứng tim mạch. Nhiễm virus cúm có thể làm trầm trọng hơn bệnh tim mạch sẵn có và tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và suy tim [1]. 

Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhồi máu cơ tim cấp tăng gấp 5-10 lần trong tuần đầu sau khi chẩn đoán cúm [2]. Các cơ chế bao gồm tổn thương trực tiếp cơ tim, stress do nhiễm trùng, và mất cân bằng cung cầu oxy [3]. Vì vậy, người bệnh mạch vành nên chủ động tiêm vaccine cúm hàng năm và tuân thủ các biện pháp phòng ngừa nhiễm cúm để bảo vệ sức khỏe [4].

Người bệnh mạch vành nên chủ động tiêm vaccine cúm hằng năm
Người bệnh mạch vành nên chủ động tiêm vaccine cúm hằng năm

2. Tiêm phòng cúm mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mạch vành

Tiêm phòng cúm hàng năm là một biện pháp hữu hiệu giúp phòng tránh bệnh cúm và giảm nguy cơ gặp các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cúm. Theo các nghiên cứu trên người mắc bệnh mạch vành, vaccine cúm làm giảm [5]

• 37% nguy cơ biến cố tim mạch chính, 

• 42% tử vong do mọi nguyên nhân và 

• 47% tử vong do tim mạch.

Tiêm phòng cúm cũng góp phần giảm thiểu gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe bằng cách làm giảm số ca nhập viện và chi phí điều trị. Điều này không chỉ có lợi cho cá nhân mà còn cho toàn xã hội.

Nguyễn Lân Việt

3. Vaccine cúm có hồ sơ an toàn tốt [6], [7], [8]

Một số người có thể lo ngại về tác dụng phụ sau khi tiêm phòng cúm. Tuy nhiên, hầu hết các tác dụng phụ thường gặp là nhẹ và sẽ tự khỏi sau vài ngày, như đau nhức, sưng tấy tại chỗ tiêm và sốt nhẹ. 

Vaccine cúm được chứng minh là dung nạp tốt ở nhiều đối tượng bệnh nhân khác nhau. Nguy cơ xảy ra phản ứng nghiêm trọng với vaccine cúm là rất hiếm. 

Đối với những người có nguy cơ cao mắc các biến chứng nguy hiểm liên quan đến cúm, chẳng hạn như người có bệnh mạch vành, lợi ích của việc tiêm phòng cúm lớn hơn nhiều so với những nguy cơ có thể xảy ra.

Đối với người có bệnh mạch vành, lợi ích của việc tiêm phòng cúm lớn hơn nhiều so với những nguy cơ có thể xảy ra
Đối với người có bệnh mạch vành, lợi ích của việc tiêm phòng cúm lớn hơn nhiều so với những nguy cơ có thể xảy ra

Tóm lại, tiêm phòng cúm mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh mạch vành, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch và giảm gánh nặng cho hệ thống y tế. Tôi khuyến khích tất cả mọi người, đặc biệt là những người có bệnh mạch vành, hãy trao đổi với bác sĩ của mình về việc tiêm phòng cúm hàng năm để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Xem thêm: Những lưu ý khi tiêm phòng cúm cho người bệnh mạch vành

Tài liệu tham khảo:

1. Barnes, M., Heywood, A. E., Mahimbo, A., Rahman, B., Newall, A. T., & Macintyre, C. R. (2015). Acute myocardial infarction and influenza: a meta-analysis of case-control studies. Heart, 101(21), 1738-1747.
2. Kwong, J. C., Schwartz, K. L., Campitelli, M. A., Chung, H., Crowcroft, N. S., Karnauchow, T., … & Rosella, L. C. (2018). Acute myocardial infarction after laboratory-confirmed influenza infection. New England Journal of Medicine, 378(4), 345-353.
3. Madjid M, Aboshady I, Awan I, Litovsky S, Casscells SW. Influenza and cardiovascular disease: is there a causal relationship?. Tex Heart Inst J. 2004;31(1):4-13.
4. MacIntyre, C. R., Mahimbo, A., Moa, A. M., & Barnes, M. (2016). Influenza vaccine as a coronary intervention for prevention of myocardial infarction. Heart, 102(24), 1953-1956.
5. Diaz-Arocutipa C, Saucedo-Chinchay J, Mamas MA, Vicent L. Influenza vaccine improves cardiovascular outcomes in patients with coronary artery disease: A systematic review and meta-analysis. Travel Med Infect Dis. 2022;47:102311. doi:10.1016/j.tmaid.2022.102311
6. Scheifele DW, McNeil SA, Ward BJ, Dionne M, Cooper C, Coleman B, Loeb M, Rubinstein E, McElhaney J, Hatchette T, Li Y, Montomoli E, Schneeberg A, Bettinger JA, Halperin SA. Safety, immunogenicity, and tolerability of three influenza vaccines in older adults: results of a randomized, controlled comparison. Hum Vaccin Immunother. 2013;9(11):2460-2473.
7. Van de Witte SV, Nauta J, Giezeman-Smits KM, de Voogd JM. Trivalent inactivated subunit influenza vaccine Influvac: 30-year experience of safety and immunogenicity. Trials Vaccinol. 2012;1:42-48.
8. World Health Organization. Vaccines against influenza WHO position paper – November 2012. Wkly Epidemiol Rec. 2012;87(47):461-476.

VTM1313211 (v1.0)