Chủ động phòng ngừa cúm cho phụ nữ có thai

TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Chuyên gia viết bài: TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Chủ nhiệm bộ môn Sản Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. / Trưởng khoa Phòng sanh, bệnh viện Hùng Vương. / Phó Chủ tịch Hội Nữ Hộ sinh thành phố Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 31/3/2024

1. Bệnh cúm là gì?

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế thế giới khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em nhiễm cúm mỗi năm. Trong đó, khoảng nửa triệu ca tử vong do các vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận khoảng 1 – 1,8 triệu người mắc cúm mùa.

Bệnh cúm có thể tự khỏi nhưng cũng có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, thiếu máu, bệnh chuyển hóa hoặc người có suy giảm miễn dịch, người trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… Bệnh có thể gây ra các biến chứng như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus)

Có 4 chủng virus cúm được ký hiệu là A, B, C, D. Trong đó chủng cúm A và B thường gặp ở người, cúm C gây bệnh nhẹ và thường không có triệu chứng, trong khi đó cúm D ảnh hưởng đến gia súc và không gây bệnh ở người.Cúm A là dạng cúm mùa phổ biến nhất, chiếm khoảng 75% số ca nhiễm cúm ở người. Virus cúm A được phân loại thành nhiều phân típ. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, cúm A có thể bùng phát thành những đợt dịch. Các đại dịch cúm toàn cầu trong lịch sử thế giới do các chủng của virus cúm A gây nên như dịch cúm A (H5N1), dịch cúm A (H3N2), đại dịch cúm A (H1N1).

2. Có cách nào để phòng ngừa bệnh cúm không?

Tiêm vắc xin cúm là biện pháp hiệu quả nhất: Tổ chức y thế thế giới khuyến cáo nên tiêm phòng cúm hàng năm cho tất cả mọi người từ 6 tháng tuổi trở lên. Hầu hết các loại vắc xin cúm đều chứa một lượng nhỏ protein của trứng. Nếu bị dị ứng với trứng thì nên cân nhắc bởi có nguy cơ xảy ra các tai biến sau tiêm vắc xin cúm. 

Rửa tay: Rửa tay đúng cách và thường xuyên là một cách hiệu quả để ngăn ngừa nhiều bệnh nhiễm trùng thông thường.

Rửa tay đúng cách và thường xuyên

Che miệng và mũi khi hắt hơi hoặc ho: Để tránh làm nhiễm bẩn bàn tay, hãy ho hoặc hắt hơi vào khăn giấy hoặc vào khu vực bên trong khuỷu tay.

Tránh đám đông: Cúm lây lan dễ dàng bất cứ nơi nào mọi người tụ tập đông người như nhà trẻ, trường học, văn phòng, khu vực công cộng.

3. Phụ nữ mang thai có thể và có cần tiêm ngừa cúm không?

Phụ nữ mang thai và thai nhi nằm trong nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh truyền nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo tiêm phòng vắc xin khi mang thai là 1 trong những biện pháp hữu hiệu nhằm tránh rủi ro cho thai phụ và bé sơ sinh sau sinh, do đó tất cả phụ nữ mang thai trong mùa cúm nên tiêm phòng cúm.

tất cả phụ nữ mang thai trong mùa cúm nên tiêm phòng cúm

Vắc xin cúm phải được tiêm nhắc lại hằng năm vì virus cúm thường xuyên thay đổi tính kháng nguyên. Kháng thể bảo vệ tạo ra bởi vắc xin cúm tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm.

Hiện nay, Vắc-xin cúm bất hoạt dạng tiêm được dùng phổ biến và đã được chứng minh an toàn khi sử dụng cho phụ nữ mang thai và không gây ra các vấn đề về thai kỳ hoặc dị tật bẩm sinh. Lưu ý các vắc-xin đươc điều chế từ vi rút sống giảm độc lực chống chỉ định cho phụ nữ mang thai.

Ở Việt Nam, kết quả giám sát cúm cho thấy dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, đạt đỉnh vào tháng 3- 4 và tháng 9 – 10 hàng năm. Do đó, tốt nhất nên tiêm vắc xin cúm vào trước mùa cúm.

TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Trưởng bộ môn Sản Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trưởng Khối Sản, bệnh viện Hùng Vương, Sở Y tế, thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Hội Nữ Hộ sinh thành phố Hồ Chí Minh
TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Trưởng bộ môn Sản Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trưởng khoa Phòng sanh, bệnh viện Hùng Vương, Sở Y tế, thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Hội Nữ Hộ sinh thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm:

VTM1310963 (v1.0)