Những điều cần biết về tiêm phòng cúm cho mẹ và bé

TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Chuyên gia viết bài: TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Chủ nhiệm bộ môn Sản Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. / Trưởng khoa Phòng sanh, bệnh viện Hùng Vương. / Phó Chủ tịch Hội Nữ Hộ sinh thành phố Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 31/3/2024

1. Tiêm Vắc –xin cúm cho mẹ khi mang thai có giúp bảo vệ cho bé sơ sinh không?

Tiêm vắc xin cúm cho thai phụ có thể mang lại lợi ích gấp đôi khi có thể bảo vệ cho cả bạn và thai nhi. Mặt khác, em bé sau sinh chưa thể chủng ngừa cúm cho đến khi được 6 tháng tuổi. Khi bà mẹ thực hiện tiêm phòng cúm khi mang thai, các kháng thể được tạo ra trong cơ thể của mẹ sẽ được truyền sang thai nhi. Những kháng thể này sẽ bảo vệ em bé khỏi bệnh cúm cho đến khi bé có thể chủng ngừa cúm lần đầu tiên khi được 6 tháng tuổi.

Nghiên cứu trong y văn ghi nhận những trẻ dưới 6 tháng tuổi, được sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng cúm khi mang thai có nguy cơ mắc cúm thấp hơn 48%, và nguy cơ nhập nhập viện do cúm thấp hơn 72% so với những trẻ sinh ra từ mẹ không tiêm phòng cúm.

2. Trẻ có thể tiêm ngừa cúm từ khi nào? Lịch tiêm ra sao?

Trẻ có thể được tiêm ngừa cúm từ khi 6 tháng tuổi.

Trẻ có thể được tiêm ngừa cúm từ khi 6 tháng tuổi.

Sau khi tiêm chủng, vắc xin cúm không phát huy hiệu quả ngay lập tức mà cần khoảng thời gian từ 10 – 14 ngày để cơ thể sản sinh kháng thể đặc hiệu chống cúm. Virus cúm liên tục biến đổi hàng năm, thậm chí diễn tiến theo mùa rất khó lường. Vắc xin cúm chỉ có tác dụng phòng bệnh trong 1 năm và cần tiêm nhắc hàng năm để duy trì “hàng rào” bảo vệ tốt nhất do mỗi năm công thức cúm đều cập nhật để bảo đảm sự tương đồng giữa chủng virus cúm có trong vắc xin và chủng virus cúm hiện đang lưu hành theo từng khu vực.

Theo khuyến cáo trong tiêm chủng phòng ngừa cúm: Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

3. Nếu đã tiêm phòng trước mang thai, khi mang thai có cần tiêm phòng cúm nữa không?

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tiêm phòng cúm trước khi có thai cần ưu tiên vì 3 lý do sau:

  • Ngăn ngừa nguy cơ mắc cúm và biến chứng cho thai phụ: Khi hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể người mẹ không thể tự chống lại bệnh cúm. Bệnh có thể tiến triển nặng lên, dẫn đến viêm phổi và những vấn đề khác. Đây là nguy cơ khiến em bé dễ sinh nhẹ cân, sinh non, thai chết lưu, nhất là khi mắc cúm trong 3 tháng đầu thai kỳ.
  • Ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe thai nhi tiềm ẩn: Bị sốt do cúm trong thai kỳ đầu mang thai có thể làm tăng nguy cơ dị tật thai nhi. Thậm chí, nếu bệnh cúm nặng có thể sẽ dẫn đến nhiễm trùng phổi nghiêm trọng ở thai phụ và thậm chí là tử vong ở cả mẹ và bé.
  • Bảo vệ trẻ sau khi sinh: Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao mắc triệu chứng cúm nặng, nhưng trẻ chỉ có thể tiêm vắc xin cúm khi được 6 tháng tuổi trở lên. Nếu thai phụ tiêm phòng cúm, các kháng thể sẽ truyền qua nhau thai và sữa mẹ, giúp bảo vệ bé khỏi cúm ngay khi chào đời.

Phụ nữ cần tiêm 1 mũi vắc xin cúm trước khi mang thai 1 tháng có thể yên tâm bởi kháng thể sẽ duy trì hiệu quả trong khoảng thời gian mang thai 9 tháng vừa có thể bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và trẻ sơ sinh khỏi các biến chứng nặng của bệnh cúm trong những tháng đầu đời.

Phụ nữ cần tiêm 1 mũi vắc xin cúm trước khi mang thai 1 tháng

4. Vắc xin ngừa cúm có thể tiêm cùng một một thời điểm với các vắc xin khác không?

Vắc xin ngừa cúm có thể tiêm cùng một thời điểm với các vắc xin khác như: Covid 19, RSV (Respiratory syncytial virus- vi rút hợp bào gây viêm hô hấp). Vị trí tiêm khác nhau.

Chỉ có các loại vắc xin được chế tạo từ vi rút sống là không dùng tiêm trên phụ nữ mang thai (chống chỉ định)

5. Phụ nữ mang thai không nên tiêm ngừa cúm khi nào?

Khi đang bị cúm thì tốt nhất mẹ bầu không nên đi tiêm phòng cúm. Để các loại vắc-xin phát huy tối đa hiệu quả thì cần được tiêm vào lúc cơ thể khỏe mạnh nhất. Bên cạnh đó, việc tiêm phòng trong lúc đang bị cúm có thể gây ra những biến chứng không mong muốn.

Ngoài trường hợp người đang bị cúm, các trường hợp sau cũng không nên tiêm phòng cúm:

  • Từng bị dị ứng khi đi tiêm phòng cúm trước đó
  • Người bị suy dinh dưỡng
  • Người đang mắc bệnh nhiễm trùng cấp 
  • Dị ứng với kháng sinh Gentamicin, formaldehyde
  • Từng bị hội chứng Guillain-Barre (liệt tủy tiến triển) trong 6 tuần sau khi tiêm vắc-xin cúm
TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
TTND. PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang
Trưởng bộ môn Sản Phụ khoa, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Trưởng khoa Phòng sanh, bệnh viện Hùng Vương, Sở Y tế, thành phố Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Hội Nữ Hộ sinh thành phố Hồ Chí Minh

Xem thêm:

VTM1310966 (v1.0)