Mẹ bầu bị cúm có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường hết sức cẩn trọng để không mắc phải cúm. Vậy cúm gây nguy hiểm cho bà bầu ra sao? Mẹ bầu bị cúm có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? Ở bài viết này, hãy cùng a:care Việt Nam tìm câu trả lời liên quan tới cúm ở mẹ bầu qua những thông tin sau.

Thông tin tổng quan về bệnh cúm ở mẹ bầu

Cúm ở mẹ bầu là do vi rút cúm gây ra. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người qua người bằng đường hô hấp hoặc gián tiếp qua các bề mặt tiếp xúc có vi rút cúm. Khi mang thai, hệ thống miễn dịch thay đổi khiến mẹ bầu dễ mắc cúm và bị các triệu chứng nặng hơn. Trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 5-11% mẹ bầu bị ảnh hưởng bởi cúm mùa hằng năm.

Tiến triển của bệnh cúm thường lành tính nhưng cũng có thể gây biến chứng. Bệnh nguy hiểm hơn ở những mẹ bầu có bệnh lý về hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch, hay các bệnh mạn tính. Cúm có thể khiến bệnh nhân bị viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng và nguy hiểm đến tính mạng.

Thông tin tổng quan về bệnh cúm ở mẹ bầu
Cơ thể mẹ bầu thường dễ mắc cúm

Triệu chứng bệnh cúm ở mẹ bầu

Các dấu hiệu và triệu chứng phổ biến của bệnh cúm ở mẹ bầu bao gồm:

  • Rất mệt mỏi hoặc buồn ngủ 
  • Ho
  • Sốt (380C trở lên), ớn lạnh hoặc run rẩy toàn thân. 
  • Đau đầu, đau nhức cơ bắp hoặc toàn thân
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
  • Đau họng
  • Nôn mửa hoặc tiêu chảy (phổ biến hơn ở trẻ em)

Bệnh cúm thường xuất hiện nhanh chóng. Sốt và hầu hết các triệu chứng khác có thể kéo dài một tuần hoặc lâu hơn. Một số đối tượng có thể bị cúm trong thời gian dài hơn như trẻ em, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai và phụ nữ mới sinh con.

Gọi bác sĩ tư vấn và đi đến bệnh viện để được thăm khám ngay nếu mẹ bầu có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào sau đây:

  • Cảm thấy em bé cử động ít hơn hoặc không cử động
  • Sốt cao 
  • Đau tức ở ngực hoặc bụng
  • Chóng mặt hoặc nhầm lẫn tức thời
  • Khó thở
  • Nôn mửa nghiêm trọng hoặc không ngừng
  • Các dấu hiệu hoặc triệu chứng cúm thuyên giảm nhưng sau đó tái phát với sốt và ho nặng hơn

Mắc cúm khi mang thai có nguy hiểm không?

Những thay đổi trong hệ thống miễn dịch, tim và phổi khi mang thai khiến mẹ bầu (và phụ nữ sau sinh hai tuần) dễ bị bệnh nặng do cúm. Phụ nữ mang thai bị cúm có nhiều khả năng phải nhập viện hơn phụ nữ không mang thai.

 mắc cúm khi mang thai có nhiều biến chứng nguy hiểm
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Phụ nữ mắc cúm khi mang thai cũng có khả năng bị biến chứng nghiêm trọng hơn những người bình thường. Hệ thống miễn dịch của phụ nữ mang thai thay đổi một cách tự nhiên để đảm bảo quá trình mang thai thành công, vậy nên khả năng chống lại nhiễm trùng có thể kém hơn.

Những biến chứng khác mà phụ nữ mang thai có thể gặp đó là:

  • Bị nhiễm trùng tai
  • Viêm phổi
  • Viêm xoang
  • Tình trạng bệnh mạn tính như hen suyễn, suy tim sung huyết hoặc tiểu đường trở nên trầm trọng hơn.

Hơn thế nữa, nếu mắc cúm khi đang mang thai, mẹ bầu có nguy cơ cao gặp phải các biến chứng liên quan đến thai kì như sinh non, đồng thời tăng nguy cơ nhập viện và tăng nguy cơ tử vong.

Mẹ bầu bị cúm có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào?

Mọi người cũng rất quan tâm đến việc bà bầu bị cúm có ảnh hưởng tới thai nhi không? Câu trả lời là có thể. 

Phụ nữ mang thai bị cúm cũng có nhiều khả năng sinh non (trẻ chào đời khi chưa đủ 37 tuần của thai kỳ) hơn những mẹ bầu không mắc cúm.

Trong thai kỳ, bà bầu bị cúm cần làm gì?

Cách tốt nhất để chăm sóc bản thân mẹ bầu và thai nhi khi bị cúm đó là:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ  khi sử dụng thuốc.
  • Nghỉ ngơi.
  • Uống nhiều nước.

Tránh lây lan vi rút sang người khác.

Bị cúm khi đang mang thai có thể ảnh hưởng đến thai nhi và mẹ bầu. Do đó, khi có bất cứ dấu hiệu cảnh báo nào (xem phần Triệu chứng bệnh cúm ở mẹ bầu), hãy liên hệ ngay với bác sĩ phụ sản để được thăm khám và tư vấn kịp thời.. Tiêm vắc xin cúm khi mang thai  là biện pháp hữu ích để bảo vệ mẹ bầu và thai nhi. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về việc tiêm phòng cúm ngay hôm nay.

Bà bầu bị cúm nên ăn gì hết bệnh mà vẫn an toàn cho bé?

  • Mắc cúm khi đang mang thai sẽ sinh ra cảm giác chán ăn nhưng mẹ bầu cần cố gắng ăn đầy đủ các chất cần thiết. Mẹ bầu nên ăn nhiều thực phẩm có vitamin C để tăng cường miễn dịch như: cam, bưởi, kiwi, dứa, quả mâm xôi, cà chua, cải xoăn, bông cải xanh, rau bina và các thực phẩm chứa nhiều kẽm như: thịt nạc đỏ, ức gà, ngũ cốc, trứng, đậu xanh, hạt bí ngô…
  • Bổ sung vitamin tổng hợp dành cho mẹ bầu, chứa liều lượng phù hợp vitamin C, kẽm, folate, canxi và các chất dinh dưỡng cần thiết khác cho mẹ bầu và thai nhi.
  • Dùng 1-2 thìa cafe  mật ong có thể giúp làm dịu và giảm cơn ho.
  • Súp gà là món ăn mẹ bầu có thể cân nhắc khi bị cúm.
Trong thai kỳ, bà bầu bị cúm cần làm gì?
Súp gà là món ăn mẹ bầu có thể cân nhắc khi bị cúm

Mẹ bầu có được uống thuốc khi bị cúm không?

Mẹ bầu mắc cúm không nên tự ý mua và sử dụng thuốc. Một số loại thuốc không an toàn để sử dụng khi đang mang thai. Do đó, khi thấy những triệu chứng nghi ngờ cúm, hãy đến gặp bác sĩ ngay để điều trị phù hợp và kịp thời.Một số loại thuốc điều trị cúm có thể an toàn với mẹ bầu hơn so với các loại khác, tuy nhiên không có loại thuốc nào được chứng minh là an toàn 100%. Hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn thêm và đưa ra lựa chọn phù hợp. 

Trong thai kỳ, bà bầu bị cúm nên làm gì?
Mẹ bầu không nên tự ý dùng thuốc trị cúm

Phòng ngừa cúm ở bà bầu

Tiêm phòng vắc xin cúm là cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm ở mẹ bầu. Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kì (US CDC) và Tổ chức y tế thế giới (WHO)  khuyến cáo phụ nữ mang thai nên tiêm phòng vắc xin cúm bất cứ lúc nào trong thai kỳ. 

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tuân theo các biện pháp phòng ngừa cúm dưới đây để bảo vệ bản thân và thai nhi:

  • Tránh tiếp xúc gần với người mắc cúm.
  • Tránh dùng tay chạm vào mắt hoặc mũi.
  • Làm sạch các bề mặt ở nhà bằng chất khử trùng.
  • Che kỹ miệng và mũi.
  • Rửa tay thường xuyên.
Phòng ngừa cúm ở bà bầu
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Có thể thấy mẹ bầu bị cúm có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi rất nhiều. Hãy áp dụng các biện pháp phòng cúm phù hợp để bảo vệ cho bản thân và thai nhi trong thai kì bạn nhé. Hy vọng bài viết này của a:care Việt Nam sẽ giúp bạn trả lời cho câu hỏi mẹ bầu bị cúm có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào và là cẩm nang hữu ích để mẹ bầu biết cách phòng ngừa cúm để có một thai kì khỏe mạnh.

Tài liệu tham khảo:

1.Bộ Y Tế. Bà bầu bị cảm: Bác sĩ chỉ cách nhận biết cảm cúm khác cảm lạnh trong thai kỳ
https://moh.gov.vn/home?p_p_id=101&p_p_lifecycle=0&p_p_state=maximized&p_p_mode=view&_101_struts_action=%2Fasset_publisher%2Fview_content&_101_type=content&_101_urlTitle=ba-bau-bi-cam-bac-si-chi-cach-nhan-biet-cam-cum-khac-cam-lanh-trong-thai-ky
2.Orwh.od.nih.gov. Pregnant Women & Influenza (Flu). https://orwh.od.nih.gov/research/maternal-morbidity-and-mortality/information-for-women/pregnant-women-influenza-flu
Vousden N, Bunch K, Knight M; UKOSS Influenza Co-Investigators Group. Incidence, risk factors and impact of seasonal influenza in pregnancy: A national cohort study. PLoS One. 2021;16(1):e0244986. Published 2021 Jan 15. doi:10.1371/journal.pone.0244986
3.Marchofdimes.org. Influenza (flu) and pregnancy. https://www.marchofdimes.org/find-support/topics/pregnancy/influenza-flu-and-pregnancy.
4.Doh.wa.gov. Flu and Pregnancy. https://doh.wa.gov/you-and-your-family/illness-and-disease-z/flu/flu-and-pregnancy
5.My.clevelandclinic.org. Flu While Pregnant. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/23104-flu-while-pregnant
6.Whattoexpect.com. Flu While Pregnant: How to Stay Safe. https://www.whattoexpect.com/pregnancy/pregnancy-health/flu-during-pregnancy/
7.Pregnancybirthbaby.org.au. Colds and flu during pregnancy and breastfeeding. https://www.pregnancybirthbaby.org.au/cold-and-flu-during-pregnancy#medicines-pregnant
8.Medlineplus.gov. Pregnancy and the flu. https://medlineplus.gov/ency/article/007443.htm.

VTM1295398