Câu hỏi thường gặp về tiêm phòng cúm cho mẹ bầu (Phần 1)

GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Chuyên gia viết bài: GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương / Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội / Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa, Trường Đại học Y dược Quốc Gia
  • Ngày cập nhật: 28/4/2024

1. Tại sao cần tiêm phòng cúm khi mang thai?

Trong thời gian mang thai, cơ thể người mẹ trải qua nhiều thay đổi, làm cho hệ miễn dịch dễ bị tổn thương hơn trước các bệnh truyền nhiễm như cúm mùa. 

Thực tế, nguy cơ nhập viện do cúm ở phụ nữ mang thai cao gấp 2.44 lần so với phụ nữ không mang thai. Đặc biệt nếu mẹ bầu có các bệnh nền như tiểu đường, hen suyễn, hoặc bệnh tim thì nguy cơ phải nhập viện trong mùa cúm thậm chí còn cao hơn nữa.

Điều đáng lo ngại là phụ nữ mang thai nhập viện vì bệnh hô hấp trong mùa cúm có nguy cơ sinh non cao hơn so với những người không mắc bệnh. Chính vì vậy, tiêm phòng cúm là bước quan trọng để bảo vệ sức khỏe của mẹ và em bé trong thai kỳ.

2. Có những loại vaccine cúm nào?

Hiện nay, tại Việt Nam có hai loại vaccine cúm được sử dụng, vaccine bất hoạt dạng mảnh (split virion) và vaccine bất hoạt tiểu đơn vị (subunit). Sự khác biệt giữa hai loại này nằm ở thành phần vaccine.

các loại vaccine cúm
Sự khác biệt trong công thức các loại vaccine

Vaccine dạng mảnh chứa các mảnh vỡ của virus cúm, bao gồm tất cả các protein của virus và các kháng nguyên bề mặt. Trong khi đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa các kháng nguyên bề mặt, đây là thành phần giúp tạo ra kháng thể chống lại virus cúm.

Nhờ vậy, vaccine tiểu đơn vị thường có khả năng dung nạp tốt hơn và ít gây ra phản ứng không mong muốn so với các loại vaccine khác. Khi tiêm vaccine tiểu đơn vị, có thể ít gặp phải các phản ứng tại chỗ như đau, sưng, tấy đỏ tại vị trí tiêm cũng như các phản ứng toàn thân như sốt, đau đầu, mệt mỏi hơn.

Phụ nữ mang thai được khuyến cáo tiêm vaccine cúm loại bất hoạt, có thể là vaccine cúm tiểu đơn vị hoặc vaccine dạng mảnh.

3. Tiêm phòng cúm khi mang thai có an toàn không?

Nhiều người lo lắng về tính an toàn khi tiêm vaccine cúm trong thai kỳ, tuy nhiên những bằng chứng y khoa hiện tại không cho thấy mối quan ngại nào. Trong nhiều thập kỷ qua, hàng triệu phụ nữ mang thai đã được tiêm phòng cúm và có hồ sơ an toàn tốt.

Các nghiên cứu cho thấy tiêm phòng cúm không làm tăng nguy cơ gặp biến cố bất lợi cho thai nhi cũng như người mẹ. Tiêm phòng cúm cũng không gây ra các vấn đề sức khỏe cho em bé sơ sinh sau này.

Thực tế, tiêm phòng cúm trong thai kỳ không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi, mà còn mang lại lợi ích cho em bé sau sinh.

GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương
Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội

4. Tiêm phòng cúm có lợi gì cho người mẹ?

Tiêm phòng cúm mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho sức khỏe của người mẹ trong thời kỳ mang thai:

  • Giảm 40% nguy cơ nhập viện do cúm
  • Giảm 51% nguy cơ nhiễm trùng hô hấp cấp liên quan tới cúm 

5. Tiêm vaccine cúm có lợi gì cho thai nhi?

Lợi ích đáng chú ý của tiêm phòng cúm cho thai nhi có thể kể đến như:

  • giảm 27% nguy cơ sinh non ở phụ nữ mang thai.
  • giảm 27% nguy cơ sinh con thiếu cân. 
  • giảm tỷ lệ thai chết lưu và tử vong sơ sinh.

6. Tiêm vaccine cúm có giúp bảo vệ em bé khỏi cúm sau khi sinh không?

Tiêm phòng cúm trong thai kỳ không chỉ bảo vệ sức khỏe của người mẹ và thai nhi, mà còn bảo vệ cho em bé sau khi chào đời khỏi nhiễm cúm.

tiêm phòng cúm giúp bảo vệ bé khỏi cúm sau sinh
Tiêm vaccine cúm giúp bảo vệ cả mẹ và trẻ sơ sinh khỏi nhiễm cúm

Trẻ dưới 6 tháng tuổi có nguy cơ biến chứng cao khi nhiễm cúm nhưng lại chưa được tiêm vaccine để phòng cúm.

Những trẻ dưới 6 tháng tuổi, được sinh ra từ mẹ đã tiêm phòng cúm khi mang thai có nguy cơ mắc cúm thấp hơn 48%, và nguy cơ nhập nhập viện do cúm thấp hơn 72% so với những trẻ sinh ra từ mẹ không tiêm phòng cúm.

Những lợi ích này là do kháng thể chống lại virus cúm từ mẹ được truyền sang con thông qua nhau thai trong thời kỳ mang thai và sữa mẹ sau khi sinh. 

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

[1] Mertz D, Geraci J, Winkup J, et al. Pregnancy as a risk factor for severe outcomes from influenza virus infection: A systematic review and meta-analysis of observational studies. Vaccine, 2017;35:521–528

[2] Dodds L, McNeil SA, Fell DB. et al. Impact of influenza exposure on rates of hospital admissions and physician visits because of respiratory illness among pregnant women. CMAJ. 2007; 176(4):463-468.

[3] Martin A, Cox S, Jamieson DJ, et al. Respiratory Illness Hospitalizations Among Pregnant Women During Influenza Season, 1998–2008 Matern Child Health J. 2013;17:1325–1331

[4] Shah R and Prabhu S. Advantages of Subunit Influenza Vaccine: An Overall Perspective. Asian Journal of Paediatric Practice, 2018;1:19-28 

[5] Leeb A, Carcione D, Richond PC, et al. Vaccine 2011;29:7920– 7924.

[6] Dong PM, Li YQ, Zheng TZ, et al. Zhonghua Liu Xing Bing Xue Za Zhi 2003;24:570–573

[7] https://www.cdc.gov/vaccines/pregnancy/hcp-toolkit/flu-vaccine-pregnancy.html

[8] Lu QC, et al. BMC Public Health 2021;21:703; Mehrabadi A, et al. JAMA 2021;325:2285–2293

[9] Thompson MG, De-Kun Li, Shifflett P, et al. Effectiveness of Seasonal Trivalent Influenza Vaccine for Preventing Influenza Virus Illness Among Pregnant Women: A Population Based Case-Control Study During the 2010–2011 and 2011–2012 Influenza Seasons.CID.2014;58:449-457

[10] https://www.cdc.gov/flu/highrisk/qa_vacpregnant.htm#:~:text=Getting%20an%20influenza%20(flu)%20vaccine,and%20the%20baby%20from%20flu.

[11] Legge A, Dodds L, MacDonald NE, et al. Rates and determinants of seasonal influenza vaccination in pregnancy and association with neonatal outcomes CMAJ. 2014;186:E157–164.

[12] Fell DB, Sprague AE, Liu N, et al. H1N1 influenza vaccination during pregnancy and fetal and neonatal outcomes. Am J Public Health, 2012;102(6):e33–e40.

[13] Sheffield JS, Greer LG, Rogers VL, et al. Effect of influenza vaccination in the first trimester of pregnancy. . Obstetrics & Gynecology, 2012;120:532-537.

[14] Nunes MC and Madhi SA. Influenza vaccination during pregnancy for prevention of influenza confirmed illness in the infants: A systematic review and meta-analysis. Hum Vaccin Immunother. 2018;14 (3):758–766.

[15] https://www.cdc.gov/mmwr/volumes/68/wr/mm6840e1.htm#:~:text=Influenza%20vaccination%20reduces%20pregnant%20women’s,of%2072%25%20(5).

[16] https://www.acog.org/clinical/clinical-guidance/committee-opinion/articles/2018/04/influenza-vaccination-during-pregnancy

[17] Wang X, et al. Lancet Glob Health 2020;8:e497–510

VTM1314629 (v1.0)