5 bệnh theo mùa thường gặp ở trẻ em và những điều ba mẹ cần biết

TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
Chuyên gia viết bài: TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Giảng viên Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM
  • Ngày cập nhật: 12/09/2023

Các bệnh lý theo mùa nào thường gặp ở trẻ em tại Việt Nam?

Những thay đổi thời tiết, khí hậu trong năm có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh lý gia tăng, đặc biệt là những lúc giao mùa. 

Một số bệnh gặp nhiều vào mùa nắng nóng: viêm dạ dày ruột, bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản… 

Một số bệnh gặp nhiều vào lạnh (thu đông, đông xuân): cảm lạnh, cúm, ho gà, viêm tiểu phế quản, viêm phổi, quai bị, sởi, thủy đậu… 

Ở miền Nam Việt Nam, với đặc trưng thời tiết hai mùa bao gồm mùa nắng và mùa mưa, các bệnh lý đường hô hấp, viêm dạ dày ruột, bệnh tay chân miệng… có thể gặp quanh năm và có khuynh hướng tăng cao vào những tháng giao mùa.

Hiểu rõ các bệnh theo mùa giúp người chăm sóc trẻ hiểu được cách phòng tránh mắc bệnh, giảm nguy cơ trẻ phải nhập viện, giảm nguy cơ mắc các biến chứng nặng của bệnh thậm chí tử vong.

những bệnh lý theo mùa thường gặp ở trẻ em Việt Nam
Lúc giao mùa có thể tạo điều kiện thuận lợi cho một số bệnh lý gia tăng ở trẻ em

Tại sao trẻ lại thường mắc bệnh mỗi khi giao mùa?

Trẻ mắc bệnh do nhiễm tác nhân gây bệnh chứ không phải do thay đổi mùa. Tuy nhiên, những thay đổi trong giai đoạn giao mùa về khí hậu, nhiệt độ, độ ẩm… đưa đến những môi trường sống lý tưởng giúp một số tác nhân gây bệnh phát triển dễ dàng hơn, đồng thời giúp lây lan bệnh dễ dàng hơn.

Những bệnh nào gây tiêu chảy có kèm hoặc không kèm nôn ói ở trẻ?

Những bệnh lý gây tiêu chảy kèm hoặc không kèm với nôn ói được gọi là viêm dạ dày ruột. Nhiều tác nhân gây bệnh khác nhau có thể gây viêm dạ dày ruột, bao gồm các vi rút như rotavirus, norovirus; vi khuẩn như thương hàn, lỵ; ký sinh trùng. 

Các trường hợp tiêu chảy nhẹ thường tự khỏi sau vài ngày. Những trường hợp nặng trẻ cần được đưa đến sớm tại cơ sở y tế để được điều trị phù hợp. 

Một số thuốc hoặc tình trạng y khoa khác cũng có thể gây triệu chứng tương tự viêm dạ dày ruột. Bác sĩ sẽ giúp phân biệt tiêu chảy ở trẻ là do nhiễm trùng hay do nguyên nhân khác.

bệnh tiêu chảy thường gặp ở trẻ em
Tiêu chảy ở trẻ em là bệnh lý thường gặp

Ba mẹ nên làm gì để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cho trẻ?

  • Hướng dẫn trẻ vệ sinh tay với xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
  • Sử dụng nguồn nước sạch
  • Đảm bảo chế độ ăn đầy đủ, vệ sinh an toàn thực phẩm
  • Cho trẻ chủng ngừa vắc xin rota ngay từ 6 tuần tuổi
  • Hạn chế lạm dụng kháng sinh

Viêm tiểu phế quản ở trẻ có những đặc điểm gì?

Viêm tiểu phế quản là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 12 tháng tuổi. Bệnh thường do vi rút hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus, RSV) gây ra. 

Các triệu chứng thường gặp của bệnh bao gồm: 

  • Sốt nhẹ, một số trường hợp có thể sốt cao
  • Sung huyết mũi
  • Ho
  • Khò khè
  • Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, tím tái, thở co lõm thậm chí ngừng thở

Viêm tiểu phế quản có thể khởi phát giống cảm lạnh và sau đó diễn tiến nặng hơn với khò khè, khó thở, mất nước, ho có thể kéo dài hơn 2 tuần. Triệu chứng bệnh thường tiến triển trong vài ngày đầu và sau đó cải thiện dần. Đa số trẻ bệnh có thể được bác sĩ hướng dẫn theo dõi và điều trị tại nhà, một số trẻ sẽ cần nhập viện do khó thở hoặc mất nước. 

Để phòng bệnh, cần lưu ý:

  • Tận dụng nguồn sữa mẹ
  • Vệ sinh mũi họng cho trẻ hàng ngày với nước muối sinh lý
  • Hạn chế tiếp xúc người bệnh
  • Vệ sinh môi trường sống
  • Cho trẻ đến khám sớm tại cơ sở y tế khi có dấu hiệu gợi ý bệnh
bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ em
Viêm tiểu phế quản thường gặp ở trẻ dưới 12 tháng tuổi

Cần lưu ý những gì về bệnh viêm phổi ở trẻ em?

Viêm phổi là bệnh lý nhiễm trùng ở phổi với phổ bệnh thay đổi từ nhẹ đến nặng và có thể gặp ở tất cả lứa tuổi. Dù đã có nhiều tiến bộ trong y khoa, viêm phổi vẫn đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi, chiếm đến 14% tổng số ca tử vong tương ứng hơn 740.000 trường hợp ở trẻ lứa tuổi này mỗi năm. 

Nguyên nhân viêm phổi thường do vi rút (VD, cúm, RSV, SARS-CoV-2), vi khuẩn (VD, phế cầu, Mycoplasma pneumoniae), một số trường hợp có thể do các tác nhân hiếm hơn như nấm. 

Các triệu chứng thường gặp bao gồm: 

  • Sốt
  • Ho, nghẹt mũi
  • Thở nhanh, khó thở
  • Đau bụng, đau tức ngực
  • Buồn nôn, nôn ói

Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám khi có triệu chứng hoặc nghi ngờ viêm phổi để bác sĩ đánh giá tình trạng bệnh và đưa ra kế hoạch điều trị phù hợp.

Trẻ cần được đưa đến cơ sở y tế ngay nếu có biểu hiện sốt cao, sốt khó hạ, thở nhanh, khó thở, mệt, bú kém hoặc bỏ ăn bỏ bú, đau tức ngực khi thở, co giật.

Viêm phổi có thể được phòng ngừa thông qua việc cho trẻ chủng ngừa vắc xin đầy đủ, đảm bảo chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế tiếp xúc người bệnh đã được chẩn đoán, vệ sinh tay đúng cách. 

bệnh viêm phổi ở trẻ em
Hình ảnh minh họa Mycoplasma pneumoniae – vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình ở trẻ em

Bệnh tay chân miệng ở trẻ là gì?

Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột coxsackievirus A16 hoặc enterovirus 71 gây ra. Bệnh lây lan qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mụn nước, phân, nước bọt, dịch tiết mũi họng.

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có thể gặp quanh năm nhưng thường gia tăng vào tháng 3 – 6 tháng 9 – 12

Trẻ mắc bệnh thường xuất hiện những mụn nước trên nền hồng ban ở lòng bàn tay, khuỷu tay, lòng bàn chân, gối, mông, và/ hoặc lở họng. Đa phần các trường hợp sẽ tự khỏi bệnh sau 7-10 ngày, tuy nhiên một số trẻ sẽ diễn tiến đến các biến chứng nặng ở hệ thần kinh trung ương, thậm chí tử vong. 

Hiện tại ở Việt Nam vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng. Các biện pháp phòng ngừa chính bao gồm: vệ sinh tay đúng cách, hạn chế tiếp xúc người bệnh, cách ly trẻ bệnh, vệ sinh đồ chơi và các bề mặt dây nhiễm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bệnh tay chân miệng là một loại bệnh thường gặp ở trẻ em
Mụn nước xuất hiện trong lòng bàn tay trẻ – Một trong các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng

Cần lưu ý những gì về bệnh sốt xuất huyết?

Sốt xuất huyết là bệnh do vi rút dengue gây ra. Bệnh có thể diễn tiến nhiều mức độ từ nhẹ, không có dấu hiệu cảnh báo đến nặng, đe dọa tính mạng thậm chí tử vong.

Các triệu chứng có thể gặp của bệnh bao gồm:

  • Sốt cao
  • Đau đầu
  • Xuất huyết dưới da
  • Chảy máu chân răng, chảy máu mũi
  • Khi bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ có thể đau bụng, buồn nôn, tay chân lạnh, nôn nhiều, nôn ra máu…

Phụ huynh cần đưa trẻ đến khám sớm tại cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Trong đa số các trường hợp, bác sĩ có thể cho trẻ theo dõi ngoại trú kèm điều trị triệu chứng (VD, hạ sốt, bù dịch đúng cách, theo dõi). Những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo hoặc nặng sẽ cần phải nhập viện điều trị.

Tại Việt Nam, hiện chưa có vắc xin phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết. Phòng ngừa chính dựa vào vệ sinh môi trường sống, loại bỏ các ổ nước tù đọng quanh nhà, phòng chống muỗi đốt (VD, cho trẻ mặc quần áo dài, ngủ mùng kể cả ban ngày), dùng kem chống muỗi.

những điều cần lưu ý về bệnh sốt suất huyết ở trẻ
Phụ huynh cần đưa trẻ đi thăm khám sớm khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị sốt xuất huyết

Ba mẹ cần làm gì để giúp trẻ phòng ngừa các bệnh theo mùa?

  • Đảm bảo cho trẻ được chủng ngừa đầy đủ và đúng lịch
  • Giữ vệ sinh nơi ở, vệ sinh cá nhân: dọn sạch các ổ nước tù đọng xung quanh nhà, vệ sinh nhà cửa, đồ chơi của trẻ. Hướng dẫn trẻ cách vệ sinh tay, vệ sinh răng miệng đúng cách
  • Tránh hút thuốc lá thụ động cho trẻ
  • Cung cấp đủ nước, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm
  • Đảm bảo cho trẻ có giấc ngủ đủ và chất lượng
  • Cho trẻ tăng cường tham gia các hoạt động vận động, thể thao
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh
  • Cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế khi trẻ có dấu hiệu bệnh. Không tự ý mua thuốc, điều trị tại nhà vì có thể bỏ sót dấu hiệu bệnh khiến bệnh tiến triển nặng hơn.  
TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM
Giảng viên Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM

Tài liệu tham khảo

1. Bányai K, Estes MK, Martella V, et al. Viral gastroenteritis. Lancet, 2018. 392:175.

2. Bộ Y Tế. Cẩm nang điều trị sốt xuất huyết Dengue, 2020.

3. Bộ Y Tế. Cẩm nang hướng dẫn và chẩn đoán bệnh tay chân miệng, 2012.

4. Grabriel GH, Thomas PG. Diagnostic Approach to Respiratory Disease, in Nelson  Textbook of Pediatrics. Elsevier, 20th ed, 2016. pp1993-1999.

5. Lipsett SC, Monuteaux MC, Fine AM. Seasonality of Common Pediatric Infectious Diseases. Pediatr Emerg Care, 2021. 37(2):82-85

6. Ralston SL, Lieberthal AS, Meissner HC, et al. Clinical practice guideline: the diagnosis, management, and prevention of bronchiolitis. Pediatrics 2014; 134:e1474.

7. Unicef. Childhood diseases, 2021 (https://www.unicef.org/health/childhood-diseases) 

8. World Health Organization. Pneumonia in children, 2022. 

9. World Health Organization. A guide to clinical management and public health, 2011.

VTM1287776 (v1.0)