Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em là gì? Cách phòng ngừa hiệu quả

Nhiễm trùng đường hô hấp là tình trạng nhiễm trùng các bộ phận liên quan đến đường thở như mũi xoang, hầu họng, phổi. Việc hiểu rõ về bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em cùng các phương pháp điều trị, phòng ngừa điều cần thiết. Cùng a:care Việt Nam tìm hiểu thông tin trong bài viết dưới đây.

1. Các bệnh nhiễm trùng hô hấp thường gặp ở trẻ em

Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, đặc biệt là khi không được điều trị kịp thời. Bệnh được phân thành 2 loại gồm: nhiễm trùng đường hô hấp trên và nhiễm trùng đường hô hấp dưới. Dưới đây là một số bệnh nhiễm trùng hô hấp ở trẻ em thường gặp:

  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên: Là bệnh truyền nhiễm phổ biến, nhiễm trùng đường hô hấp trên bao gồm các bệnh như viêm mũi, cảm lạnh thông thường, viêm xoang, nhiễm trùng tai, viêm họng, viêm amidan, viêm nắp thanh quản và viêm thanh quản.
  • Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: Các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp dưới phổ biến ở trẻ em là viêm phổi, viêm phế quản và viêm tiểu phế quản
Các bệnh nhiễm trùng hô hấp thường gặp ở trẻ em
Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em thường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống

2. Triệu chứng của trẻ bị nhiễm trùng hô hấp

Nhiễm trùng đường hô hấp có nhiều triệu chứng chung như: Ho, hắt xì, nghẹt mũi, chảy nước mũi, đau họng, đau đầu, đau cơ, khó thở, tức ngực, sốt. Ngoài ra, cần nhận biết được các triệu chứng cụ thể của một số bệnh sau đây:

Viêm họng

Viêm họng (đau họng) là tình trạng phổ biến và thường không nghiêm trọng. Hầu hết mọi người sẽ gặp từ 2-3 lần mỗi năm, trẻ em và thanh thiếu niên có nhiều khả năng bị viêm họng hơn người lớn. 

Các triệu chứng đau họng thường gặp:

  • Đau họng hoặc đau khi nuốt
  • Khàn giọng
  • Ho, nhức đầu, cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường
  • Các khối u mềm, sưng tấy ở hai bên cổ 
  • Đau tai
  • Buồn nôn, nôn, tiêu chảy hoặc đau dạ dày
  • Phát ban
Viêm họng ở trẻ em
Viêm họng là tình trạng phổ biến ở trẻ em

Viêm amidan

Amidan là cấu trúc bạch huyết nằm ở thành sau của họng. 

Viêm amidan là tình trạng trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp, thường do vi rút hoặc vi khuẩn khiến amidan bị viêm, sưng đỏ, có thể được bao phủ bởi một lớp hoặc đốm vàng, trắng. Một đứa trẻ bị viêm amidan có thể có các triệu chứng:

  • Đau họng
  • Sốt
  • Hơi thở hôi
  • Sưng hạch cổ
  • Khó nuốt
  • Đau bụng
  • Đau đầu
Viêm amidan ở trẻ em
Viêm amidan thường do nhiễm trùng do vi rút hoặc vi khuẩn

Viêm xoang

Viêm xoang là tình trạng nhiễm trùng xoang, thường xảy ra sau khi bị cảm lạnh hoặc dị ứng.  

Các triệu chứng cho thấy trẻ em đã mắc viêm xoang:

  • Nghẹt mũi
  • Chảy nước mũi trong
  • Đau đầu
  • Ho 
  • Đau, nhức vùng xoang
  • Sốt
  • Mất mùi
Viêm xoang ở trẻ em
Chảy nước mũi là một trong các triệu chứng trẻ mắc viêm xoang

Viêm phổi

Một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em thường gặp nữa là viêm phổi. Viêm phổi là nguyên nhân nhiễm trùng gây tử vong lớn nhất ở trẻ em trên toàn thế giới, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Viêm phổi thường do nhiễm trùng, hầu hết mọi người sẽ hết bệnh sau 2 đến 4 tuần. Nhưng đối với trẻ sơ sinh, người lớn tuổi và những người mắc bệnh tim hoặc phổi sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng hơn và có thể cần được điều trị tại bệnh viện.

Vì viêm phổi là bệnh nhiễm trùng ở phổi nên các triệu chứng phổ biến nhất là ho, khó thở và sốt. Trẻ bị viêm phổi thường thở nhanh, ngực dưới có thể hóp vào hoặc co lại khi hít vào (ở người khỏe mạnh, ngực nở ra khi hít vào)

Cúm

Cúm là một bệnh truyền nhiễm do vi rút, có thể ảnh hưởng đến phổi. Cúm gây sốt cao, đau nhức cơ thể, ho và các triệu chứng khác. Cúm có thể sẽ tự khỏi trong vòng một tuần, tuy nhiên ở những trẻ nhỏ và có bệnh mãn tính, cúm có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng hơn cần phải điều trị tại bệnh viện. Cúm cũng có thể dẫn đến nhiễm trùng phổi (viêm phổi) hoặc tử vong.

Các triệu chứng cúm ở trẻ em:

  • Sốt cao (từ 39,4 độ C đến 40,5 độ C)
  • Đau nhức cơ thể
  • Đau đầu
  • Đau họng
  • Ho
  • Mệt mỏi
  • Chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi
Bệnh cúm ở trẻ em
Cúm là một bệnh truyền nhiễm do vi rút, có thể ảnh hưởng đến phổi

3. Khi nào tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em cần đi gặp bác sĩ ngay

Nếu bé có xuất hiện bất kỳ triệu chứng nào sau đây hãy liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được thăm khám và chẩn đoán bệnh. 

  • Mất ý thức.
  • Sốt cao (cao hơn 39 độ C).
  • Thở nhanh hoặc khó thở.
  • Ho thường xuyên, dữ dội, có thể kèm theo nôn mửa.
  • Khò khè.
  • Chóng mặt.
  • Khi thấy đường viền của lồng ngực hoặc xương sườn sâu hơn bình thường.
Nên đi gặp bác sĩ khi bị sốt cao
Ba mẹ nên cho bé đi gặp bác sĩ khi có triệu chứng như ho, sốt cao

4. Nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em cần chăm sóc như thế nào?

Chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp
Cần chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp cẩn thận
  • Chăm sóc đường thở: Vệ sinh mũi cho trẻ bằng tăm bông hoặc hút mũi. Cha mẹ không cần can thiệp nếu trẻ ho ít vì ho giúp tống chất tiết ra ngoài. Tuy nhiên, nếu tình trạng ho kéo dài gây nôn trớ và mất ngủ, cần cho bé uống nước ấm để làm dịu bớt cơn ho.
  • Kiểm soát thân nhiệt: Kiểm soát xem trẻ có bị sốt không? Nới rộng và bỏ bớt đồ áo, chăn đắp, lau các vùng nách, bẹn và chườm trán bằng khăn ấm khi trẻ sốt từ 37,5oC – 38,5oC. Đồng thời cho trẻ uống thêm nhiều nước. 
  • Chăm sóc dinh dưỡng: Cho trẻ nhỏ bú sữa mẹ và trẻ lớn ăn đủ chất, thức ăn lỏng dễ tiêu và chia thành nhiều bữa nhỏ để duy trì sức đề kháng cho trẻ.
  • Chăm sóc vệ sinh: Vệ sinh phòng và các vật dụng thường xuyên để tránh bệnh lây lan.

5. Cách phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em

Việc phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp không chỉ giúp duy trì sức khỏe tốt mà còn ngăn chặn sự lây lan của các bệnh này. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa quan trọng giúp bảo vệ đường hô hấp của trẻ:

Phòng ngừa viêm họng, viêm amidan, viêm xoang cho trẻ

Để phòng ngừa viêm amidan, viêm xoang cho trẻ, cha mẹ có thể:

  • Rửa tay của mình và con trẻ thường xuyên bằng xà phòng hoặc chất khử trùng tay (chứa khoảng 60% cồn).
  • Rửa ly uống nước và dụng cụ ăn uống của con trẻ bằng xà phòng, nước nóng trước khi dùng.
  • Không dùng chung khăn tắm, ly uống nước hoặc dụng cụ ăn uống với người bệnh.
  • Sử dụng túi giấy để đựng toàn bộ khăn giấy con đã sử dụng vào túi để tránh lây lan.
  • Giữ trẻ cách xa những người bị viêm họng, cảm lạnh hoặc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp trên
  • Không hút thuốc lá, giữ cho trẻ cách xa khói thuốc

Cha mẹ có thể sử dụng máy tạo độ ẩm trong mùa đông để duy trì độ ẩm trong nhà ở mức 45%–50%. Điều này giúp ngăn luồng không khí khô gây kích ứng xoang, tuy nhiên nhớ làm sạch máy tạo độ ẩm thường xuyên để ngăn ngừa nấm mốc phát triển.

Phòng ngừa viêm phổi cho trẻ

Ngăn ngừa viêm phổi ở trẻ em là một phần thiết yếu trong chiến lược giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em. Tiêm chủng ngừa Hib, phế cầu khuẩn, sởi và ho gà là cách phòng ngừa viêm phổi hiệu quả nhất.

Ngoài ra, bạn nên nâng cao sức miễn dịch cho bé thông qua chế độ dinh dưỡng đầy đủ, với trẻ sơ sinh cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Bởi ngoài tác dụng ngăn ngừa viêm phổi, còn giúp thời gian mắc bệnh không kéo dài.

Giữ gìn nhà cửa sạch sẽ vệ sinh, lưu ý đeo khẩu trang cho trẻ khi ra ngoài nơi công cộng, nơi đông người.

Phòng ngừa cúm cho trẻ

Để phòng ngừa bệnh nhiễm trùng đường hô hấp – cúm ở trẻ em, cha mẹ cần cho trẻ tiêm vắc xin phòng cúm hàng năm và thực hiện các hoạt động phòng ngừa khác, cụ thể:

Tiêm phòng vắc xin cúm cho trẻ 

  • Tiêm phòng vắc xin cúm để bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ nhiễm cúm
  • Vắc xin cúm đã được chứng minh là làm giảm nguy cơ mắc bệnh cúm, nhập viện và tử vong ở trẻ em.
  • Chủng ngừa cúm mỗi năm cho trẻ em từ 6 tháng tuổi
  • Cha mẹ và người thân chăm sóc cho trẻ cần chủng ngừa cúm mỗi năm. Bạn sẽ có ít khả năng bị cúm hơn khi tiêm vắc xin cúm, do đó giảm thiểu khả năng lây nhiễm cúm cho bé.
Tiêm phòng vắc xin cúm để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em
Tiêm phòng vắc xin cúm để phòng ngừa nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em

Thực hiện các hoạt động phòng ngừa hàng ngày:

  • Giữ cho bản thân cha mẹ và con trẻ tránh xa những người mắc cúm
  • Nếu bạn có các triệu chứng cúm, hãy cân nhắc việc sắp xếp một người khác để chăm sóc trẻ để bạn không lây cúm cho trẻ.
  • Che mũi và miệng bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi – vứt khăn giấy đi sau khi sử dụng và rửa tay.
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước hoặc nước rửa tay chứa cồn, đặc biệt là sau khi ho hoặc hắt hơi. 
  • Cố gắng không chạm vào mắt, mũi hoặc miệng. 
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt thường xuyên chạm vào.

Hy vọng bài viết trên của a:care Việt Nam đã giúp cha mẹ hiểu rõ về nhiễm trùng đường hô hấp ở trẻ em cũng như cách chăm sóc và phòng ngừa hiệu quả. Nhận thấy trẻ có các triệu chứng bệnh dù nặng hay nhẹ, cha mẹ nên theo dõi và đưa bé đến bác sĩ kịp thời để được thăm khám và chữa trị. Đừng quên giữ gìn sạch sẽ và vệ sinh môi trường sống thường xuyên để tránh lây nhiễm bệnh cho trẻ.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

1.Ncbi.nlm.nih.gov. Chapter 25 Acute Respiratory Infections in Children. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK11786/

2.Nhs.uk. Pneumonia. https://www.nhs.uk/conditions/pneumonia/

3.Nhs.uk. Respiratory tract infections (RTIs). https://www.nhs.uk/conditions/respiratory-tract-infection/

4.Www2.hse.ie. Sore throat. https://www2.hse.ie/conditions/sore-throat/

5.Mayoclinic.org. Sore throat in children. https://www.mayoclinic.org/symptom-checker/sore-throat-in-children-child/related-factors/itt-20009075

6.kidshealth.org. Tonsillitis. https://kidshealth.org/en/parents/tonsillitis.html

7.Kidshealth.org. Sinusitis (Sinus Infection). https://kidshealth.org/en/parents/sinusitis.html

8.Stanfordchildrens.org. Sinusitis in Children. stanfordchildrens.org/en/topic/default?id=sinusitis-in-children-90-P02063

9.WHO. Pneumonia in children. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/pneumonia

10.UNICEF. Childhood pneumonia: Everything you need to know. unicef.org/stories/childhood-pneumonia-explained

11.Hopkinsmedicine.org. Influenza (Flu) in Children. https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children

12.My.clevelandclinic.org. Upper Respiratory Infection. https://my.clevelandclinic.org/health/articles/4022-upper-respiratory-infection

13.Bệnh viện nhi trung ương. Chăm sóc trẻ nhiễm khuẩn hô hấp cấp tại nhà.https://benhviennhitrunguong.gov.vn/9148.html

14.Nationwidechildrens.org. Sore Throat (Viral). https://www.nationwidechildrens.org/conditions/sore-throat

15.Cedars-sinai.org. Pharyngitis and Tonsillitis in Children. https://www.cedars-sinai.org/health-library/diseases-and-conditions—pediatrics/p/pharyngitis-and-tonsillitis-in-children.html.

16.CDC. Protect Against Flu: Caregivers of Infants and Young Children. cdc.gov/flu/highrisk/infantcare.htm

VTM1301985 (v1.0)