Phòng ngừa cúm cho bé: Những câu hỏi về cúm mùa ba mẹ cần hỏi bác sĩ nhi khoa

TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
Chuyên gia viết bài: TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM. Giảng viên Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM
  • Ngày cập nhật: 12/09/2023

Cúm mùa ở trẻ là bệnh gì?

Cúm là một bệnh lý truyền nhiễm ở đường hô hấp do siêu vi cúm gây ra, gây nhiễm trùng ở mũi, họng và có thể đến phổi. Bệnh biểu hiện bởi sốt cao, ho, đau mỏi khắp người và các triệu chứng khác. 

Bệnh tăng cao trong mùa đông ở những vùng có khí hậu ôn đới nhưng có thể xuất hiện quanh năm ở những vùng có khí hậu nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. 

Đa phần trẻ mắc bệnh sẽ khỏi trong vòng một tuần, tuy nhiên một số trẻ có thể diễn tiến nặng cần phải nhập viện điều trị, một số trường hợp thậm chí tử vong. Thống kê cho thấy hàng năm trên thế giới, khoảng 28.000-111.500 trường hợp tử vong ở trẻ em có liên quan đến cúm mùa. 

Những tác nhân nào gây bệnh cúm mùa ở trẻ em?

Bệnh cúm mùa do vi rút cúm gây ra. Có hai týp vi rút cúm chính gây bệnh ở người: týp A và týp B. Đây là hai týp gây nên các đợt bệnh lớn vào mùa lạnh, làm tăng số trẻ mắc cúm, số trẻ phải nhập viện vì cúm cũng như số trẻ tử vong do cúm. Các vắc xin ngừa cúm thường tập trung vào hai týp cúm này.

Ngoài ra, còn có týp cúm C có thể gây bệnh lý đường hô hấp nhẹ hoặc không triệu chứng, không gây dịch lớn.

Tác nhân gây bệnh cúm ở trẻ em
Trẻ có thể diễn tiến nặng cần phải nhập viện điều trị vì cúm mùa

Vi rút cúm mùa lây truyền như thế nào?

Vi rút cúm lây từ người này sang người khác thông qua các giọt chất tiết nhỏ từ đường hô hấp bắn ra khi người bệnh hắt hơi, ho hoặc nói chuyện. Các hạt nhỏ này có thể bắn đến mũi miệng người xung quanh. Hiếm hơn, vi rút cúm có thể lây khi người chưa mắc bệnh chạm vào các bề mặt bị dây nhiễm vi rút cúm (VD, tay nắm cửa, đồ chơi, bút, bàn phím, điện thoại di động, máy tính bảng, mặt bàn, ly uống nước, chén bát…) và sau đó chạm vào mũi, miệng, mắt của bản thân.

Người nhiễm cúm có thể là nguồn lây bệnh trong bao lâu?

Người bệnh cúm có thể lây nhiễm cúm cho những người xung quanh trước khi có triệu chứng đầu tiên. Khoảng thời gian lây nhiễm kéo dài trong vòng 24 giờ trước khi khởi phát triệu chứng và trong suốt khoảng thời gian xuất hiện các triệu chứng chính. Nguy cơ lây nhiễm cho người khác thường kết thúc vào khoảng ngày thứ 5 đến 7 của bệnh. Một số người bệnh, đặc biệt trẻ nhỏ và người bệnh suy giảm miễn dịch, có thể lây bệnh kéo dài hơn khoảng thời gian đề cập ở trên.

Những trẻ nào có nguy cơ cao nhiễm cúm?

Trẻ có nguy cơ cao nhiễm cúm khi:

  • Tiếp xúc với nhiều người nhiễm cúm xung quanh
  • Chưa chủng ngừa vắc xin cúm
  • Không vệ sinh tay đúng cách sau khi chạm vào những bề mặt dây nhiễm cúm
  • Trẻ nhỏ hoặc trẻ với các bệnh lý nền gia tăng nguy cơ nhiễm cúm và diễn tiến nặng một khi mắc cúm: bệnh lý tim phổi mạn, bệnh lý nội tiết (VD, đái tháo đường), bệnh thận mạn, suy giảm miễn dịch bẩm sinh hoặc mắc phải, bệnh hồng cầu hình liềm
Trẻ nhỏ và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn
Trẻ nhỏ và trẻ có các bệnh lý nền có nguy cơ nhiễm cúm cao hơn

Các biến chứng có thể gặp ở trẻ mắc cúm mùa là gì?

Cúm có thể gây các biến chứng nặng nề ở đường hô hấp, cụ thể như viêm phổi do cúm hoặc viêm phổi bội nhiễm. Trong một số trường hợp, bệnh có thể diễn tiến nặng dẫn đến tử vong.

Những trẻ có bệnh lý nền liên quan hô hấp, ví dụ hen phế quản, sẽ dễ gặp các biến chứng của cúm hơn so với trẻ bình thường. 

Cúm còn có thể dẫn đến các biến chứng thường gặp khác như viêm tai, viêm xoang, hoặc các biến chứng dù ít gặp nhưng rất nặng nề như viêm cơ tim, viêm não. Ngoài ra, cúm còn có thể làm nặng hơn các bệnh lý nền sẵn có (VD, suy tim, hen phế quản, đái tháo đường).

Cách ngăn ngừa cúm hiệu quả cho trẻ?

Cách tốt nhất để ngăn ngừa cúm là cho trẻ chủng ngừa vắc xin cúm hàng năm

Tiêm ngừa vắc xin cúm giúp trẻ giảm nguy cơ nhiễm cúm, giảm nguy cơ gặp các biến chứng của cúm, giảm nguy cơ trở nặng các bệnh lý nền, giảm tỷ lệ nhập việntỷ lệ tử vong liên quan cúm.

Vắc xin cúm thường được sử dụng theo đường tiêm bắp. Vị trí tiêm thường ở đùi đối với trẻ nhỏ và ở cơ delta vùng cánh tay đối với trẻ lớn. 

Vắc xin cúm được khuyến cáo cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi. Trẻ có thể nhận mũi vắc xin đầu tiên khi trẻ tròn 6 tháng tuổimũi thứ hai sau mũi đầu tiên một tháng. Nên cho trẻ được chủng ngừa vắc xin ngừa cúm sớm nhất có thể để giúp trẻ có được bảo vệ chống lại các bệnh lý do cúm. Sau mùa cúm đầu tiên, trẻ chỉ cần nhắc một mũi vắc xin cúm mỗi năm.

Bên cạnh việc chủng ngừa, để ngừa cúm, nên tránh cho trẻ tiếp xúc với người đang bệnh và hướng dẫn trẻ vệ sinh tay đúng thời điểm, đúng cách.

Tiêm vaccine cúm hằng năm cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm
Tiêm vaccine cúm hằng năm cho trẻ là cách tốt nhất để phòng ngừa cúm

Trẻ mắc cúm mùa có thể có những triệu chứng như thế nào?

Cúm là một bệnh lý đường hô hấp nhưng biểu hiện không chỉ ở đường hô hấp mà có cả những biểu hiện toàn thân. Phổ triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng, thậm chí tử vong. Triệu chứng cúm thường khởi phát đột ngột với thời gian ủ bệnh trung bình khoảng hai ngày (dao động 1-4 ngày), trẻ mắc cúm có thể biểu hiện một vài hoặc thậm chí tất cả các triệu chứng sau:

  • Sốt, cảm giác ớn lạnh, lạnh run, có thể sốt cao đến 39,5oC – 40,5oC. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng không phải tất cả trẻ mắc cúm đều sốt
  • Ho
  • Đau họng
  • Chảy mũi trong hay nghẹt mũi
  • Đau mỏi cơ, thân mình
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi

Trong một số trường hợp, trẻ có thể:

  • Buồn nôn
  • Nôn ói
  • Tiêu chảy

Đa số trẻ sẽ hồi phục trong vòng một tuần. Tuy nhiên, trẻ có thể vẫn còn cảm thấy mệt mỏi kéo dài đến 3-4 tuần sau khởi bệnh.

Những triệu chứng cảnh báo nào cần đưa trẻ đến khám tại cơ sở y tế ngay?

Những trẻ có một trong các biểu hiện bên dưới cần được đưa đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt:

  • Thở nhanh, khó thở
  • Thở co lõm ngực
  • Môi tím, tái
  • Đau ngực
  • Đau nhức cơ nhiều (VD, trẻ từ chối đi do đau)
  • Mất nước (VD, không đi tiểu trong vòng 8 giờ, môi miệng khô, khóc không có nước mắt)
  • Không tỉnh táo, tương tác kém khi thức
  • Co giật
  • Sốt trên 40oC
  • Trẻ < 3 tháng tuổi kèm sốt
  • Sốt hoặc ho có cải thiện nhưng lại xuất hiện trở lại hoặc trở nên tệ hơn
  • Biểu hiện của bệnh lý nền nặng hơn
Dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi thăm khám
Có những dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi thăm khám ngay

Cảm lạnh và cúm có khác nhau không?

Cảm lạnh thường nhẹ và tự hồi phục sau vài ngày. Cúm có thể gây những triệu chứng nặng hơn và có thể diễn tiến nặng hơn đến viêm phổi, viêm não, thậm chí tử vong

Có thể lưu ý một số điểm khác biệt giữa cảm lạnh và cúm như sau:

Cảm lạnhCúm
Sốt nhẹ hoặc không sốtThường sốt cao
Thỉnh thoảng đau đầu, nhẹĐau đầu xuất hiện trong đa số ca bệnh, nhiều
Chảy mũi, nghẹt mũiMột ít trường hợp có nghẹt mũi, sổ mũi trong
Nhảy mũiMột ít trường hợp có nhảy mũi
Ho khan, nhẹHo, thường chuyển nặng
Đau nhức thân mình ítĐau nhức thân mình, đau cơ nhiều
Ít có cảm giác mệt mỏi hoặc chỉ nhẹ, ngắnMệt mỏi nhiều, có thể kéo dài cả tuần
Cảm lạnh tự phục hồi, cúm có triệu chứng nặng hơn
Cảm lạnh thường tự phục hồi sau vài ngày, trong khi cúm có triệu chứng nặng hơn và có thể dẫn đến biến chứng cần nhập viện

Làm thế nào để chẩn đoán cúm mùa ở trẻ em?

Thường thì bác sĩ sẽ hỏi về triệu chứng, quá trình bệnh và thực hiện thăm khám trẻ để đưa ra chẩn đoán cúm. Một số trường hợp có thể cần thực hiện xét nghiệm phết mũi họng để hỗ trợ chẩn đoán. 

Cúm được điều trị thế nào?

Kế hoạch điều trị sẽ tùy thuộc vào triệu chứng, mức độ nặng của triệu chứng, tuổi, tình trạng sức khỏe chung của trẻ. Mục tiêu điều trị nhằm làm thuyên giảm triệu chứng hoặc ngăn ngừa biến chứng xuất hiện.

Điều trị có thể bao gồm:

  • Điều trị hỗ trợ:
    • Hạ sốt: thuốc thường được chỉ định là acetaminophen, giúp trẻ giảm sốt và giảm triệu chứng đau mỏi cơ thể. Lưu ý không sử dụng aspirin để hạ sốt cho trẻ.
    • Đảm bảo cho trẻ được nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước, chế độ dinh dưỡng phù hợp
  • Điều trị chuyên biệt:
    • Thuốc kháng siêu vi: có thể giúp giảm triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh, thuốc cũng có thể giúp giảm các biến chứng, giảm tỷ lệ trẻ phải nhập viện điều trị. Lưu ý rằng đây là thuốc cần bác sĩ kê toa và phụ huynh trẻ không được tự ý mua cho trẻ uống.

Kháng sinh không có hiệu quả chống vi rút. Tuy nhiên, bác sĩ có thể kê toa kháng sinh nếu trẻ có triệu chứng viêm phổi bội nhiễm.

TS.BS. Nguyễn An Nghĩa
TS.BS. Nguyễn An Nghĩa Phó Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh – Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM Giảng viên Bộ môn Nhi – Đại học Y Dược TP.HCM

Tài liệu tham khảo

1. American Academy of Pediatrics. Influenza. In: Red Book: 2021-2024 Report of the Committee on Infectious Diseases, 32nd ed, Kimberlin DW, Barnett ED, Lynfield R, Sawyer MH (Eds), American Academy of Pediatrics, Itasca, IL 2021. p.447.

2. Centers for Disease Control and Prevention. Influenza (flu). What to do if you get sick, 2022. https://www.cdc.gov/flu/treatment/takingcare.htm 

3. Center for Disease Control and Prevention. Key facts about Influenza (Flu), 2022. (https://www.cdc.gov/flu/about/keyfacts.htm) 

4. Commitee on Infectious Diseases. Recommendations for prevention and control of Influenza in children, 2022-2023. Pediatrics 2022; 150.

5. Esposito S. et al. Clinical and economic impact of influenza vaccination on healthy children aged 2-5 years. Vaccine 2006; 24:629-635. 

6. Kramarz et al. Does influenza vaccination prevent asthma exacerbation in children? J Pediatric 2001; 138:306-10;

7. Johns Hopkins Medicine. Influenza (Flu) in children. (https://www.hopkinsmedicine.org/health/conditions-and-diseases/influenza/influenza-flu-in-children) 

8. Influenza: the green book, chapter 19 (https://www.gov.uk/government/publications/influenza-the-green-book-chapter-19)

9. Memoli MJ, Athota R, Reed S, et al. The natural history of influenza infection in the severely immunocompromised vs nonimmunocompromised hosts. Clin Infect Dis 2014; 58:214.

10. Principi N, Scala A, Daleno C, Esposito S. Influenza C virus–associated community-acquired pneumonia in children. Influenza Other Respir Viruses 2013; 7:999.

11. SAGE, Working Group, Background paper on influenza vaccines and immunization, 2012

12. Schuster JE, Williams JV. Emerging Respiratory Viruses in Children. Infect Dis Clin North Am 2018; 32:65.

VTM1287775 (v1.0)