Giai đoạn tiền hôn nhân

Ngày nay các cặp đôi thường được khuyên bảo đi khám sức khỏe tiền hôn nhân trước khi cùng về chung một nhà. Vậy tại sao khám sức khỏe tiền hôn nhân lại cần thiết? Có ảnh hưởng ra sao đến đời sống vợ chồng và khả năng làm cha mẹ trong tương lai? Cùng a:care Việt Nam giải đáp các thắc mắc này trong bài viết dưới đây!

Về giai đoạn tiền hôn nhân

Tiền hôn nhân là gì?

Là giai đoạn từ lúc một người bắt đầu có khả năng sinh sản đến khi kết hôn

Tại sao nên khám sức khoẻ tiền hôn nhân?

Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm quan trọng
Khám sức khỏe tiền hôn nhân là việc làm quan trọng

• Chuẩn bị kiến thức, tâm lý đầy đủ cho cuộc sống tình dục vợ chồng một cách thoải mái, thoả mãn và an toàn nhất.

• Đánh giá tổng quát tình trạng sức khoẻ cá nhân.

• Kiểm tra và phát hiện những bệnh lý do di truyền.

• Kiểm tra và phát hiện những bệnh lý truyền nhiễm ví dụ như viêm gan B hay HIV, những bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai…

• Tầm soát và điều trị sớm (nếu có thể) một số bệnh lý có thể ảnh hưởng đến vấn đề tình dục, mang thai, sinh nở về sau.

• Thực hiện kế hoạch sinh con an toàn và hiệu quả nhất. Tránh tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai không an toàn.

• Dự phòng các bệnh lý, dị tật bẩm sinh cho đứa con trong tương lai, chuẩn bị cho người phụ nữ có đủ điều kiện sức khoẻ để mang thai và sinh nở an toàn về sau.

Khám sức khoẻ tiền hôn nhân giúp các bạn trẻ biết rõ tình trạng sức khoẻ của nhau để chăm sóc nhau tốt hơn trong cuộc sống sau này.

Thời điểm khám sức khoẻ tiền hôn nhân thích hợp nhất?

Trước khi cưới khoảng 3 đến 6 tháng, đặc biệt đối với những người dự định sinh con ngay.

Các nội dung khám sức khoẻ tiền hôn nhân là gì?

Thông thường, khi khám sức khoẻ tiền hôn nhân, các bác sĩ sẽ thực hiện các bước kiểm tra sức khoẻ sau:

• Kiểm tra sức khoẻ chung: mạch, huyết áp, cân nặng, chiều cao, thị lực, các xét nghiệm máu, nước tiểu,…

• Khám tầm soát bệnh lây truyền qua đường tình dục: lậu, giang mai, viêm gan siêu vi B, sùi mào gà, HIV…

• Xem xét tiền sử bệnh của cả vợ và chồng: đã mắc các bệnh nào trước đây, đã có những phẫu thuật nào, tim mạch, mắc bệnh truyền nhiễm, môi trường làm việc có tiếp xúc chất độc hại, các tai nạn, thương tích…

• Bệnh sử gia đình: người thân mắc những bệnh gì? Ví dụ tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn tâm thần,…

• Bệnh di truyền như: hội chứng Down, câm điếc bẩm sinh, ung thư, rối loạn đông máu…

Tuỳ vào tiền căn bệnh lý của cá nhân trong cặp đôi, bác sĩ có thể đề nghị làm thêm một số xét nghiệm chuyên sâu hơn về di truyền học, chẩn đoán hình ảnh hoặc đề nghị khám thêm chuyên khoa.

Cần tiêm chủng các vắc-xin nào để chuẩn bị trước khi mang thai?

Để bảo vệ đứa con tương lai, bạn nữ nên tiêm chủng một số vắc-xin như:

• Rubella (có trong vắc-xin 3 trong 1 MMR)

• Cúm

• Thuỷ đậu

• Viêm màng não mô cầu

• Viêm gan siêu vi A

• Viêm gan siêu vi B..
.
Trong đó, tiêm chủng vắc-xin Rubella là rất cần thiết. Bạn nên dùng các biện pháp tránh thai để tránh có thai ít nhất một tháng sau khi tiêm ngừa.

Ngoài ra, khi có kế hoạch du lịch nước ngoài, bạn nên thảo luận với bác sĩ trước khoảng một tháng về nơi bạn sẽ đến để có kế hoạch tiêm chủng hoặc phòng bệnh phù hợp.

16 bước nên làm để có một đứa con khoẻ mạnh

1. Lên kế hoạch thai kỳ

Lên kế hoạch thai kỳ là tiền đề để thai nhi khỏe mạnh
Lên kế hoạch thai kỳ là tiền đề để thai nhi khỏe mạnh

• Quyết định những mục tiêu cần đạt được trước khi có con: về học hành, công việc, tài chính.

• Sử dụng biện pháp tránh thai đúng cách và liên tục cho đến khi mang thai. Nên tư vấn với chuyên viên y tế để chọn biện pháp tránh thai phù hợp với đặc điểm bản thân.

• Suy nghĩ về những mục tiêu của bạn về con cái: bạn muốn có bao nhiêu con, lúc mấy tuổi, khoảng cách giữa hai lần
mang thai là bao nhiêu năm, độ tuổi mà bạn muốn kết thúc sinh đẻ.

• Lên kế hoạch khám sức khỏe sinh sản định kỳ với bác sĩ (khám phụ khoa).

2. Dùng thức ăn có lợi cho sức khỏe

3. Tăng cường vận động, tập thể dục

4. Uống 400 mcg a-xít folic mỗi ngày

Giúp phòng ngừa một số dị tật bẩm sinh liên quan đến thần kinh của thai nhi, có thể dùng 3 đến 6 tháng trước khi có thai.

5. Bảo vệ bản thân khỏi các bệnh lây truyền qua đường tình dục

6. Bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân nhiễm trùng

Chất thải của thú cưng (chó, mèo) có thể gây sẩy thai hay nhiễm khuẩn cho thai.

7. Tránh tiếp xúc với hóa chất, kim loại có hại và những độc chất khác

8. Chắc chắn rằng bạn đã tiêm ngừa các vắc-xin cần thiết, đúng và đủ theo lịch 

9. Giảm căng thẳng, có cuộc sống tinh thần lành mạnh

Cuộc sống tinh thần lành mạnh ảnh hưởng tích cực tới thai nhi
Cuộc sống tinh thần lành mạnh ảnh hưởng tích cực tới thai nhi

10. Ngừng hút thuốc lá

Và hạn chế hút thuốc lá thụ động từ người thân xung quanh

11. Không nên tự ý mua thuốc điều trị

12. Giảm lượng rượu uống vào khi chuẩn bị có thai

Và ngưng rượu hoàn toàn khi đã có thai.

13. Phòng chống bạo hành gia đình

14. Kiểm soát ổn định các bệnh lý nội khoa

Như hen suyễn, đái tháo đường, thừa cân béo phì.

15. Tìm hiểu về tiền sử bệnh lý gia đình hai bên

16. Thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ

Theo các chuyên gia tâm lý, bạn nên có khoảng thời gian từ 1 đến 2 năm sau khi cưới để tìm hiểu cũng như chuẩn bị mọi thứ cho cuộc sống hôn nhân với những thiên thần nhỏ.

Khi bạn chưa sẵn sàng để đón thêm một thành viên mới, việc tìm hiểu các biện pháp tránh thai là rất cần thiết.

Thậm chí, bạn có thể tìm hiểu về tránh thai ngay trong giai đoạn tiền hôn nhân.

Bên cạnh tình yêu và đồng cảm thì trong hôn nhân đời sống tình dục của hai vợ chồng và con cái cũng là yếu tố quan trọng góp phần duy trì hạnh phúc gia đình. Hãy dắt nhau đi khám sức khỏe tiền hôn nhân vì những lợi ích đã được đề cập trong bài viết để bảo vệ hạnh phúc trong tương lai. 

VTM1295672