Mối liên hệ giữa thuốc tránh thai và sức khỏe làn da 

BS.CKII Lê Ngọc Diệp
Chuyên gia viết bài: BS.CKII Lê Ngọc Diệp
Trưởng khoa Nội soi bệnh viện Từ Dũ, TP. HCM
  • Ngày cập nhật: 30/5/2024

Đối với nhiều phụ nữ, thuốc tránh thai đường uống không chỉ là biện pháp ngừa thai mà còn là cách để kiểm soát các vấn đề về da. Tuy nhiên, mối liên hệ giữa thuốc tránh thai và sức khỏe làn da là khá phức tạp, tùy từng loại thuốc tránh thai mà có thể có những lợi ích và rủi ro khác nhau. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu tác động của thuốc tránh thai đường uống, cũng như một số điểm cập nhật của thuốc tránh thai thế hệ mới đối với sức khỏe làn da.

1. Thuốc tránh thai và mụn trứng cá

Điểm đáng chú ý của một số loại thuốc tránh thaiđường uống là khả năng cải thiện mụn trứng cá. Tuy nhiên, không phải thuốc tránh thai nào cũng có tác dụng điều trị mụn, những thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có thể làm tăng tiết nhờn, làm cho da nổi nhiều mụn hơn.

Thuốc tránh thai và mụn trứng cá

Những thuốc tránh thai chứa cả estrogen và progestin mới có thể giúp điều hòa mất cân bằng nội tiết tố, một yếu tố quan trọng gây ra mụn. Nhờ ức chế sản xuất androgen, thuốc làm giảm sản xuất dầu trên da, từ đó giảm tình trạng tắc nghẽn lỗ chân lông và ngăn ngừa mụn trứng cá.

2. Thuốc tránh thai thế hệ thứ tư và lợi ích cho làn da

Thuốc tránh thai thế hệ thứ tư chứa estradiol và một loại progestin đặc biệt gọi là progestin thế hệ 4, có thêm tác dụng kháng androgen. Nghĩa là các loại thuốc tránh thai này còn hiệu quả hơn trong việc giảm mụn trứng cá và các vấn đề về da liên quan đến androgen như rậm lông.

Thuốc tránh thai thế hệ thứ tư và lợi ích cho làn da

Đối với mụn trứng cá, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thuốc tránh thai chứa progestin thế hệ 4, liệu trình 24+4 (24 viên nội tiết và 4 viên không nội tiết) cải thiện đáng kể cả tổn thương viêm và không viêm do mụn, lợi ích đối với làn da được thấy sau 3 tháng sử dụng.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc

Một số phụ nữ khi sử dụng viên uống tránh thai có thể gặp phải các tác dụng không mong muốn như buồn nôn, đau ngực, hoặc thay đổi chu kỳ kinh nguyệt, gây khó chịu và phiền toái trong cuộc sống hằng ngày. Với những trường hợp trên, lựa chọn viên uống tránh thai thế hệ thứ 4 liệu trình 24+4 giúp rút ngắn thời gian không nội tiết, nhờ đó giảm bớt tác dụng phụ.

Đối với những chị em phụ nữ bị rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt (cảm thấy buồn, lo, căng thẳng, khó chịu, giận dữ…) gây ảnh hưởng nhiều đến công việc và học tập, viên uống tránh thai thế hệ 4 liệu trình 24 + 4 cũng là sự lựa chọn phù hợp vì giúp giảm hiệu quả các triệu chứng khó chịu mà các chị em gặp phải.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc tránh thai

Và các chị em cũng hãy nhớ rằng để có làn da sạch mụn, chúng ta cần kiên nhẫn và cho thuốc thời gian để phát huy tác dụng. Đừng nản lòng nếu kết quả không đến ngay, vì cơ thể cần có thời gian để đáp ứng với thuốc. Hãy tin tưởng và kiên trì sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ!

BS.CKII Lê Ngọc Diệp
BS.CKII Lê Ngọc Diệp

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

[1] Taylor R. Birth Control for Acne Treatment: Types, Benefits, Risks. WebMD. Published January 18, 2022. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/birth-control-for-acne-treatment

[2] Koltun W, Maloney JM, Marr J, Kunz M. Treatment of moderate acne vulgaris using a combined oral contraceptive containing ethinylestradiol 20 μg plus drospirenone 3mg administered in a 24/4 regimen: a pooled analysis. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol. 2011;155(2):171-175. doi:10.1016/j.ejogrb.2010.12.027

[3] Batukan C, Muderris II. Efficacy of a new oral contraceptive containing drospirenone and ethinyl estradiol in the long-term treatment of hirsutism. Fertil Steril. 2006;85(2):436-440. doi:10.1016/j.fertnstert.2005.07.1311

[4]  Mikkelsen, E.M., et al., Pre-gravid oral contraceptive use and time to pregnancy: a Danish prospective cohort study. Human reproduction, 2013. 28(5): p. 1398-1405.

[5] Cronin, M., I. Schellschmidt, and J. Dinger, Rate of pregnancy after using drospirenone and other progestin-containing oral contraceptives. Obstetrics & Gynecology, 2009. 114(3): p. 616-622.

VTM1317270 (v1.0)