Các loại thuốc tránh thai hàng ngày thông dụng hiện nay

Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày là biện pháp tránh thai thông dụng nhất hiện nay. Tuy nhiên có rất nhiều chị em vẫn chưa hiểu rõ về thuốc tránh thai hàng ngày dẫn đến tình trạng “vỡ kế hoạch”. Cùng xem qua bài viết dưới đây của a:care Việt Nam để hiểu thêm về các loại thuốc tránh thai hàng ngày.

Tổng quan về thuốc tránh thai 

Thuốc tránh thai là hình thức tránh thai phổ biến nhất ở Hoa Kỳ. Khoảng 25% phụ nữ từ 15 đến 44 tuổi hiện đang sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày làm biện pháp tránh thai.

Thuốc tránh thai là loại thuốc uống hàng ngày có chứa hormone nhằm thay đổi cách hoạt động của cơ thể và ngăn ngừa mang thai. Hormon là những chất hóa học giúp kiểm soát hoạt động của các cơ quan trong cơ thể. Trong trường hợp này, hormone trong thuốc sẽ kiểm soát buồng trứng và tử cung.

Hầu hết các loại thuốc tránh thai đều là “thuốc kết hợp” với sự kết hợp của hormone estrogen và progestin để ngăn chặn sự rụng trứng. Như vậy, quá trình thụ tinh sẽ không diễn ra và phụ nữ sẽ không mang thai. 

Thuốc cũng hoạt động bằng cách làm đặc chất nhầy xung quanh cổ tử cung, khiến tinh trùng khó đi vào tử cung và gặp bất kỳ trứng nào có thể đã được phóng ra. Các hormone trong thuốc tránh thai đôi khi cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc tử cung, khiến trứng khó bám vào thành tử cung.

Khi uống thuốc hàng ngày và chính xác theo liệu trình, thuốc tránh thai giúp ngừa thai với hiệu quả tới 99%. Thuốc tránh thai hàng ngày không giúp bảo vệ các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Vì vậy, cùng với việc dùng viên uống tránh thai, bạn cần sử dụng biện pháp bảo vệ bổ sung cùng với việc dùng viên uống bổ sung.

Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày là phương pháp thông dụng hiện nay
Tổng quan về thuốc tránh thai

Các loại thuốc tránh thai hàng ngày

Hiện nay, các loại thuốc ngừa thai hàng ngày được chia làm 2 loại là: thuốc tránh thai kết hợp và thuốc tránh thai chỉ chứa progestin. 

Thuốc tránh thai kết hợp

Hầu hết các loại thuốc tránh thai hàng ngày hiện nay đều là thuốc tránh thai kết hợp. Mỗi viên thuốc tránh thai kết hợp có chứa hoạt chất estrogen phối hợp với progestin được dùng từ 21 đến 24 ngày. Sau đó, uống thêm một viên thuốc không hoạt tính (hay còn gọi là giả dược) mỗi ngày trong 4 đến 7 ngày để giúp duy trì thói quen uống thuốc. Trong một số sản phẩm, giả dược có chứa sắt và axit folic. Có 2 loại thuốc tránh thai kết hợp:

  • Thuốc tránh thai 28 viên (21+7):  Uống thuốc có hoạt tính trong 21 ngày và giả dược (viên không có hoạt chất) trong 7 ngày. Bạn sẽ bị ra máu âm đạo khi uống giả dược.
  • Thuốc tránh thai 28 viên (24+4): Uống thuốc có hoạt tính trong 24 ngày, uống viên giả dược trong 4 ngày. Ra máu âm đạo xảy ra vào thời điểm dùng 4 viên cuối cùng. Lưu ý: Uống vỉ sau liên tiếp không ngưng thuốc
  • Thuốc tránh thai 28 viên (21+2+5): Uống thuốc có hoạt tính trong 21 ngày, uống viên giả dược trong 2 ngày, uống viên chứa nội tiết tố nữ nồng độ thấp trong 5 ngày. Đây là liệu trình mới bên cạnh tác dụng giảm quên thuốc còn giúp giảm đau bụng kinh. 
  • Thuốc tránh thai 21 viên: Uống thuốc có hoạt tính trong 21 ngày và không dùng thuốc trong 7 ngày. Bạn sẽ bị ra máu âm đạo trong tuần bạn không uống thuốc. (Bạn cần lưu ý để không quên uống vỉ thuốc mới vào ngày 29).
Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày để ngừa thai
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Ngoài tác dụng ngừa thai, một số thuốc tránh thai kết hợp còn mang lại các tác dụng cộng thêm như: 

  • Giảm mụn
  • Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng.
  • Giảm máu kinh, giảm đau bụng kinh. 
  • Cải thiện triệu chứng của Hội chứng rối loạn tâm lý tiền kinh nguyệt

Tuy nhiên, thuốc tránh thai kết hợp bị chống chỉ định trong một số trường hợp sau: 

  • Đang mắc ung thư vú hoặc đã từng mắc ung thư vú. 
  • Những người hút thuốc (hơn 15 điếu thuốc mỗi ngày) trên 35 tuổi.
  • Thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch.
  • Tăng huyết áp. (Huyết áp ≥ 140/90 mmHg)
  • Bệnh lý tim mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ. 

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin giúp ngừa thai bằng cách làm đặc chất nhầy cổ tử cung, ngăn chặn tinh trùng đi qua ống cổ tử cung và khoang nội mạc tử cung để thụ tinh cho trứng. Thuốc cũng ức chế sự rụng trứng, ngăn trứng giải phóng làm cho quá trình thụ tinh không diễn ra.  Để đạt hiệu quả, người dùng phải tuân thủ dùng thuốc tránh thai chỉ chứa progestin chứa 28 viên vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

Tỷ lệ mang thai khi sử dụng liên tục thuốc tránh thai chỉ chứa progestin và thuốc tránh thai kết hợp tương tự như nhau.

Thuốc tránh thai progestin
Thuốc tránh thai chỉ chứa progestin

Tại sao lại phát triển các thế hệ khác nhau của thuốc tránh thai kết hợp?

Thuốc tránh thai đầu tiên được phát triển vào những năm 1950, đến nay trên thế giới có hơn 30 nhãn hiệu thuốc tránh thai kết hợp khác nhau, chứa các kết hợp hormon khác nhau.

Theo thời gian, khi các công thức thuốc mới được phát triển, các hormon tổng hợp mới hơn cũng được đưa vào. Thành phần progestin trong viên uống tránh thai liên tục được cải tiến, gần đây viên uống tránh thai kết hợp cũng được phát triển với các loại hormone estrogen mới hơn.

Phát triển các thế hệ khác nhau của thuốc tránh thai kết hợp giúp giảm tác dụng phụ và tăng sự an toàn của thuốc
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Thuốc tránh thai thế hệ thứ nhất, thứ 2, thứ 3, thứ 4

Các loại thuốc tránh thai kết hợp có thể được chia thành các thế hệ như sau:

  • Thuốc tránh thai kết hợp đường uống thế hệ thứ nhất chứa Ethinyl estradiol (EE) 50mcg. 
  • Thuốc tránh thai kết hợp đường uống thế hệ thứ hai chứa estradiol liều thấp hơn (20, 30 hoặc 35 mcg) và progestin là Norethindron hoặc các dẫn chất, bao gồm Levonorgestrel. Thuốc có hiệu quả tránh thai cao hơn thế hệ thứ 1 tuy nhiên lại gây ra nhiều tác dụng phụ hơn. 
  • Thuốc tránh thai kết hợp đường uống thế hệ thứ ba chứa progestin là Desogestrel và Gestoden, có ít hoạt tính androgen hơn so với các progestin thế hệ thứ hai. Thuốc tránh thai thế hệ ba khắc phục được một số tác dụng phụ của thế hệ 2. 
  • Thuốc tránh thai đường uống thế hệ thứ tư chứa progestin là Drospirenone, một dẫn xuất của Spironolacton và có hoạt tính kháng androgen. Thuốc tránh thai thế hệ mới nhất này giúp hạn chế các tác dụng phụ như giữ nước, gây tăng cân, mụn và chứng rậm lông. 

Sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn

Các hormone được gọi là androgen thúc đẩy sản xuất bã nhờn, một loại dầu do da bạn tạo ra. Quá nhiều bã nhờn có thể dẫn đến tắc nghẽn lỗ chân lông và vi khuẩn phát triển, tạo điều kiện cho mụn trứng cá phát triển.

Sử dụng thuốc tránh thai để trị mụn
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Lượng hormon androgen ở phụ nữ thường sản sinh ra thấp, tuy nhiên những thay đổi nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt có thể làm tăng nồng độ androgen và gây mụn trứng cá. Đối với một số phụ nữ, mụn trứng cá vẫn tồn tại sau tuổi trưởng thành. Ngay cả trong thời kỳ tiền mãn kinh, khi cơ thể phụ nữ chuẩn bị bước vào thời kỳ mãn kinh, sự thay đổi nội tiết tố vẫn có thể tiếp tục thúc đẩy mụn trứng cá. 

Thuốc tránh thai có chứa hormone estrogen và progestin thế hệ 4 với tác động kháng androgen, do đó làm giảm sản xuất bã nhờn và mụn trứng cá hiệu quả.

Trong khi đó thuốc tránh thai chỉ chứa progestin có thể khiến tình trạng mụn trở nên nặng hơn.

Tác dụng phụ của thuốc tránh thai hàng ngày. Sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày có bị tăng cân không?

Tác dụng phụ do thuốc tránh thai hàng ngày tuỳ thuộc vào từng loại thuốc tránh thai, loại hormone trong thuốc tránh thai đó. Dưới đây là một số tác dụng phụ điển hình. 

  • Buồn nôn
  • Đau, tức ngực 
  • Nhức đầu
  • Mất kinh hoặc vô kinh
  • Thay đổi tâm trạng

Nhiều người thắc mắc sử dụng các loại thuốc ngừa thai hàng ngày có gây tăng cân không. Các nhãn hiệu thuốc tránh thai sử dụng hỗn hợp hormone và lượng hormone khác nhau. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại thuốc tránh thai nội tiết tố không gây tăng cân đáng kể. Một số người có thể bị tăng cân tạm thời khi mới bắt đầu dùng thuốc, nhưng hiện tượng này thường là do giữ nước chứ không phải tích mỡ.

Sử dụng thuốc tránh thai có bị tăng cân không?
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Các lưu ý cần biết khi uống thuốc tránh thai hàng ngày

Để đạt hiệu quả tránh thai tốt nhất, bạn cần tuân thủ một số lưu ý khi uống thuốc tránh thai hàng ngày dưới đây:

  • Luôn chuẩn bị một biện pháp ngừa thai khác bổ sung như bao cao su, phòng trường hợp bạn quên uống thuốc. 
  • Nên uống thuốc vào một giờ cố định trong ngày, tránh tình trạng quên uống thuốc làm giảm hoặc mất tác dụng ngừa thai.
  • Luôn chuẩn bị vỉ thuốc mới sớm, đừng đợi đến hết viên cuối cùng của vỉ đang dùng. Nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ hay có biểu hiện lạ nào khác, bạn cần gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách khắc phục và xử lý kịp thời.

Thuốc tránh thai có làm giảm ham muốn tình dục của phụ nữ?

Một tổng quan tài liệu y văn từ 36 nghiên cứu khác nhau về ham muốn tình dục ở những người sử dụng thuốc tránh thai kết hợp.

Trong số 8.422 người tham gia nghiên cứu, có 85% phụ nữ cho biết ham muốn tình dục tăng hoặc không đổi, 15% báo cáo giảm ham muốn tình dục. Các tác giả đưa ra kết luận rằng đa số những người sử dụng viên uống tránh thai kết hợp không có sự thay đổi đáng kể về ham muốn tình dục.

Thuốc tránh thai có làm giảm ham muốn tình dục?
Hình ảnh mang tính chất minh họa

Khi chưa có ý định mang thai thì việc sử dụng thuốc tránh thai hàng ngày nên là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Hy vọng những thông tin a:care Việt Nam vừa cung cấp cho bạn về các loại thuốc tránh thai hàng ngày sẽ giúp bạn có thêm kiến thức trong việc sử dụng thuốc tránh thai. 

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. healthline.com. Does Birth Control Affect Your Sex Drive? Here’s What You Should Know. https://www.healthline.com/health/birth-control/does-birth-control-affect-sex-drive 

2. msdmanuals. Oral Contraceptives. https://www.msdmanuals.com/professional/gynecology-and-obstetrics/family-planning/oral-contraceptives#

3. healthline.com. Your Guide to Birth Control Pills: Types, Effectiveness, and Safety. https://www.healthline.com/health/birth-control-pills#

4. doctorfox.co.uk. New generation contraceptive pills. https://www.doctorfox.co.uk/contraceptive-pill/2nd-3rd-generation-pills.html

5. Bệnh viện Từ Dũ. Thuốc tránh thai nội tiết phối hợp và nguy cơ thuyên tắc huyết khối tĩnh mạch (VTE). https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/thong-tin-thuoc/thong-tin-thuoc-thang-102017/

6. scripps.org. How Do Birth Control Pills Help with Acne? https://www.scripps.org/news_items/7002-how-do-birth-control-pills-help-with-acne

7. webmd.com. Birth Control for Acne. https://www.webmd.com/skin-problems-and-treatments/acne/birth-control-for-acne-treatment

8. lloydspharmacy.com. Does birth control cause weight gain? https://onlinedoctor.lloydspharmacy.com/uk/contraception-advice/does-birth-control-cause-weight-gain#

9. brown.edu. What are the side effects of birth control pills? https://www.brown.edu/campus-life/health/services/promotion/content/what-are-side-effects-birth-control-pills#

10. webmd.com.  Birth Control Pills, https://www.webmd.com/sex/birth-control/birth-control-pills

VTM1302135 (v1.0)