Tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai

Chuyên gia viết bài: GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh
Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương / Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội / Trưởng Bộ môn Sản phụ khoa, Trường Đại học Y dược Quốc Gia
  • Ngày cập nhật: 6/5/2024

1. Lạc nội mạc tử cung tác động đến khả năng mang thai như thế nào?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa phổ biến, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng mang thai của phụ nữ. Theo một nghiên cứu, tỷ lệ vô sinh ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung dao động từ 30-50% (Bulletti et al., 2010). 

Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra tình trạng viêm, dính vùng chậu, thay đổi giải phẫu vùng chậu. Từ đó làm giảm khả năng giải phóng hoặc nhận trứng, làm thay đổi khả năng chuyển động của tinh trùng, gây rối loạn co bóp cơ tử cung, làm giảm quá trình thụ tinh và tăng nguy cơ sảy thai (Macer & Taylor, 2012).

GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh nói về tác động của lạc nội mạc tử cung đến khả năng mang thai
GS.TS.TTND. Nguyễn Duy Ánh. Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Dược Quốc gia. Phó Trưởng Bộ môn Sản Phụ khoa Trường Đại học Y Hà Nội

2. Nguy cơ biến chứng trong thai kỳ ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung

Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có nguy cơ gặp biến chứng trong thai kỳ cao hơn. Một phân tích tổng hợp cho thấy, nguy cơ sảy thai tự nhiên ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung cao hơn 75% so với phụ nữ bình thường khỏe mạnh (Zullo et al., 2017). 

Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung còn làm tăng nguy cơ nhau tiền đạo, thai nhỏ hơn so với tuổi thai, và sinh non (Zullo et al., 2017).

3. Tầm quan trọng của phát hiện lạc nội mạc tử cung sớm trước khi mang thai

Chính vì những ảnh hưởng tiêu cực của lạc nội mạc tử cung đến khả năng mang thai và duy trì thai kỳ, việc phát hiện và chẩn đoán sớm bệnh là vô cùng quan trọng. 

Điều trị lạc nội mạc tử cung  có thể cải thiện đáng kể khả năng có thai ở những người bị vô sinh do lạc nội mạc tử cung. Phát hiện sớm bệnh cũng giúp người phụ nữ, gia đình và bác sĩ có những kế hoạch chăm sóc phù hợp trước, trong và sau thai kỳ (Dunselman et al., 2014).

Phát hiện lạc nội mạc tử cung sớm trước khi mang thai là rất quan trọng

4. Các phương pháp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung

Để chẩn đoán lạc nội mạc tử cung, bác sĩ sẽ dựa vào nhiều phương pháp khác nhau. Khám lâm sàng và đánh giá tiền sử bệnh là bước đầu tiên. Siêu âm là một công cụ hữu ích trong việc phát hiện lạc nội mạc tử cung (Guerriero et al., 2016). Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ (MRI) hoặc nội soi có thể được chỉ định để xác nhận chẩn đoán (Chapron et al., 2019).

Hiện nay, phụ nữ trẻ ít có thói quen thăm khám sức khỏe phụ khoa định kỳ dẫn đến việc phát hiện bệnh lạc nội mạc tử cung khá trễ. Bệnh thường được chẩn đoán sau 5-7 năm khởi phát bệnh. Hiểu về tác động của lạc nội mạc tử cung đến khả năng sinh sản và thai kỳ, chị em phụ nữ cần chủ động kiểm tra sức khỏe phụ khoa để phát hiện bệnh sớm. Điều này đem lại cơ hội điều trị kịp thời, cải thiện khả năng mang thai, góp phần mang lại kết quả thai kỳ tốt hơn.

phương pháp chẩn đoán lạc nội mạc tử cung trước khi mang thai

Xem thêm: Quản lý thai kỳ ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung

Tài liệu tham khảo:

1. Bulletti, C., Coccia, M. E., Battistoni, S., & Borini, A. (2010). Endometriosis and infertility. Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 27(8), 441-447.

2. Macer ML, Taylor HS. Endometriosis and infertility: a review of the pathogenesis and treatment of endometriosis-associated infertility. Obstet Gynecol Clin North Am. 2012;39(4):535-549. doi:10.1016/j.ogc.2012.10.002

3. Zullo F, Spagnolo E, Saccone G, et al. Endometriosis and obstetrics complications: a systematic review and meta-analysis. Fertil Steril. 2017;108(4):667-672.e5. doi:10.1016/j.fertnstert.2017.07.019

4. Dunselman GA, Vermeulen N, Becker C, et al. ESHRE guideline: management of women with endometriosis. Hum Reprod. 2014;29(3):400-412. doi:10.1093/humrep/det457

5. Guerriero S, Condous G, van den Bosch T, et al. Systematic approach to sonographic evaluation of the pelvis in women with suspected endometriosis, including terms, definitions and measurements: a consensus opinion from the International Deep Endometriosis Analysis (IDEA) group. Ultrasound Obstet Gynecol. 2016;48(3):318-332. doi:10.1002/uog.15955

6. Chapron C, Marcellin L, Borghese B, Santulli P. Rethinking mechanisms, diagnosis and management of endometriosis. Nat Rev Endocrinol. 2019;15(11):666-682. doi:10.1038/s41574-019-0245-z

VTM1314637 (v1.1)