Bệnh lạc nội mạc tử cung: lời khuyên hữu ích từ chuyên gia

PGS.TS.BS. Đặng Thị Minh Nguyệt
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Đặng Thị Minh Nguyệt
Phó Trưởng khoa Phụ nội tiết – Bệnh viện Phụ sản Trung ương Phó Trưởng khoa Phụ nội tiết – Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Sản – Trường Đại học Y Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 24/10/2023

1. Dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung cần đi thăm khám sớm

Dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung (LNMTC) ở mỗi người là khác nhau, có thể từ mức nhẹ đến trung bình, nặng. Việc kết hợp các dấu hiệu làm tăng khả năng nghĩ đến bệnh lạc nội mạc tử cung và giúp người bệnh có cơ hội được chẩn đoán sớm, tiếp cận điều trị sớm, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống. Các dấu hiệu thường gặp là:

Đau là dấu hiệu thường gặp nhất, gặp trong kì kinh nguyệt:

  • Đau ở vùng bụng dưới rốn, hoặc lưng, thường nặng hơn trong kì kinh nguyệt, gặp 45-90%, thường ở các nước phát triển. Cơn đau kinh nguyệt khiến bạn không thể thực hiện được các hoạt động bình thường.
  • Đau trong hoặc sau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đi tiểu hoặc đại tiện trong kì kinh nguyệt
  • Cảm thấy ốm, mệt mỏi, táo bón, tiêu chảy hoặc nước tiểu có máu, đại tiện có máu trong kì kinh nguyệt
  • Khó mang thai
  • Kinh nguyệt kéo dài, số lượng máu kinh nhiều.
  • Các biểu hiện trên làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng tinh thần, đôi khi có thể dẫn đến trầm cảm, rối loạn lo âu
Dấu hiệu của bệnh lạc nội mạc tử cung cần đi thăm khám sớm
Dấu hiệu lạc nội mạc tử cung ở mỗi người là khác nhau

2. Lối sống phù hợp cho người bị bệnh lạc nội mạc tử cung

2.1 Tập thể dục

Các triệu chứng lạc nội mạc tử cung có thể giảm bớt nhờ hoạt động thể chất, chẳng hạn như giảm estrogen hoàng thể tăng mức globulin gắn với hormone sinh dục.

2.2 Chế độ ăn uống

Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến nguyên nhân gây ra bệnh lạc nội mạc tử cung thông qua ảnh hưởng của nó đến nồng độ hormon steroid, cùng với các cơ chế tiềm năng khác.

Nên:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3 như cá thu, cá hồi, dầu gan cá tuyết, cá mòi, cá cơm, cá trích, hàu, trứng cá muối, hạt lanh, hạt chia, quả óc chó, đậu nành….
  • Trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt.
  • Thực phẩm giàu protein: Protein nên chọn từ cá, gia cầm, từ thực vật như lạc, đậu tương….
  • Các chất bổ sung hữu ích.
  • Vitamin D,E,B là các chất chống oxy hóa tế bào, thực phẩm giàu canxi, omega-3 có thể bảo vệ, chống lại sự phát triển của lạc nội mạc tử cung.
  • Acid folic, vitamin C, E.
  • Curcumin là thành phần chống viêm của nghệ, một gia vị quen thuộc. Curcumin giảm sản xuất Estradiol nhằm ức chế các tế bào nội mạc tử cung. Những lợi ích từ chất curcumin được cho là do đặc tính chống viêm, chống oxy hóa, chống khối u và chống tạo mạch. Nghệ và Curcumin cũng có nhiều lợi ích cho sức khỏe.
  • Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ có bổ sung vitamin D hàng ngày có tỉ lệ lạc nội mạc tử cung giảm đáng kể. Ngoài vitamin D, Canxi và Magie từ thực phẩm hoặc chất bổ sung cũng có thể có lợi.
Lối sống phù hợp cho người bị bệnh lạc nội mạc tử cung
Thực phẩm giàu chất xơ, omega-3, vitamin nên được bổ sung trong chế độ ăn hằng ngày

Không nên:

  • Chất béo: có liên quan đến stress oxy hóa và viêm. Chất béo chuyển hóa được tìm thấy chủ yếu trong thức ăn chiên rán, đồ chế biến sẵn, thức ăn nhanh.
  • Thịt đỏ: làm tăng nồng độ estrogen dẫn đến thừa estrogen và cơ thể tăng sản xuất prostaglandin kích thích mô nội mạc phát triển nhanh gây cảm giác khó chịu và tăng cảm giác đau cho người bệnh. Nghiên cứu chỉ ra bệnh lạc nội mạc tử cung được chẩn đoán ở  người có khẩu phần ăn thịt đỏ nhiều lên tới 56% so với người có khẩu phần ăn thịt đỏ ít.
  • Chế độ ăn Gluten và bệnh Celiac: Căng thẳng oxy hóa, viêm mãn tính và rối loạn miễn dịch là những đặc điểm chung giữa bệnh celiac và lạc nội mạc tử cung do liên quan đến sự gia tăng đáng kể của interferon-gamma (IFN-γ) và interleukin-6 (IL-6).
  • Gluten có nhiều trong lúa mì, lúa mạch, lúa mạch đen và tiểu hắc mạch, có mặt nhiều trong các loại thực phẩm như bánh ngọt, bánh mì, mì ống và ngũ cốc.
  • Thực phẩm đã qua chế biến thường thúc đẩy cơn đau và viêm do chứa quá nhiều chất béo và đường không lành mạnh, ít dinh dưỡng và chất xơ thiết yếu.
  • Hạn chế các loại thực phẩm như bánh ngọt, khoai tây chiên, bánh quy, kẹo và đồ chiên rán.
  • Acid béo omega-6 gây viêm, làm tăng cơn đau.
  • Thực phẩm giàu FODMAP: Các triệu chứng bệnh lạc nội mạc tử cung được cải thiện ở những người theo chế độ ăn ít FODMAP (những loại carbonhydrate mà nhiều người không thể tiêu hóa, đặc biệt là người mắc hội chứng ruột kích thích).
Chế độ ăn uống
Thực phẩm giàu FODMAP nên tránh ở người bệnh lạc nội mạc tử cung
  • Ngoài các nhóm thực phẩm kể trên, những người bị lạc nội mạc tử cung nên tránh rượu, caffeine, chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa….
  • Đồ cay nóng: Các thực phẩm cay nóng như ớt, hạt tiêu, sa tế… thường sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển gây viêm nhiễm. Điều nãy cũng khiến tình trạng bệnh nặng hơn.

2.3 Kiểm soát căng thẳng

Cơn đau do lạc nội mạc tử cung có thể làm tăng căng thẳng và phản ứng căng thẳng cũng có thể làm tăng cơn đau. Gây ra chu kì căng thẳng mãn tính. Để kiểm soát cần có:

Chiến lược quản lí căng thẳng: Không thể tránh khỏi căng thẳng hoàn toàn, do đó tâm trí cần thích nghi và đối phó với các tác nhân gây căng thẳng. Giúp cơ thể thoát khỏi phản ứng chiến đấu, trở lại trạng thái thư giãn hơn. Bao gồm:

  • Tập thể dục, yoga…: người bệnh có thể nản lòng với việc tập thể dục khi cảm thấy không khỏe và sống chung với cơn đau mạn tính, do vậy cần có bác sĩ vật lí trị liệu hỗ trợ, tìm ra kế hoạch tập thể dục phù hợp với người bệnh.
  • Chánh niệm: thực hiện trong bất kì thời điểm nào.
  • Tập thở sâu và tập trung vào hơi thở.
  • Nhắm mắt, ghi lại những âm thanh nghe được xung quang.
  • Ngồi im lặng trong vài phút, ghi lại những suy nghĩ trong tâm trí.
  • Tập trung sự chú ý vào những gì đang thấy trước mắt.
  • Xem sách, các lớp học, video về các buổi thiền, chánh niệm.
  • Trị liệu: Nhà trị liệu sẽ giúp người bệnh quản lí về suy nghĩ và cảm xúc.
Kiểm soát căng thẳng
Tìm ra kế hoạch tập luyện cần phù hợp với bản thân là điều cần thiết khi kiểm soát đau, căng thẳng do lạc nội mạc tử cung

3. Các lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung

Bệnh chỉ điều trị khi có biểu hiện đau hoặc vô sinh, với mục tiêu giảm đau, tăng khả năng có thai, giảm mức độ diễn tiến và tái phát của bệnh. Điều trị đau và vô sinh là 2 điều trị trái chiều nhau, do đó cần cá thể hóa bệnh nhân, nếu bệnh nhân mong con thì cần ưu tiên điều trị vô sinh.

Bao gồm: Điều trị đau bằng phương pháp nội khoa và ngoại khoa, điều trị vô sinh do lạc nội mạc tử cung bằng hormon, phẫu thuật, hỗ trợ sinh sản.

3.1. Điều trị đau

a. Điều trị nội khoa

  • Thuốc kháng viêm không steroid và các thuốc giảm đau khác: có tác dụng phụ nguy cơ gây lét dạ dày, bệnh tim mạch.
  • Thuốc tránh thai nội tiết phối hợp: liệu pháp được dùng liên tục không có khoảng nghỉ để tăng hiệu qủa giảm đau.
  • Progestogen và kháng Progestogen: có nhiều dạng như dạng uống, đường tiêm, que cấy, hay dụng cụ đặt trong tử cung.
  • Đồng vận GnRh: Nhiều tác dụng phụ giống như tình trạng mãn kinh do thiếu hụt estrogen. Phối hợp với thuốc hỗ trợ có thể làm giảm tình trạng này.
  • Ức chế men Aromatase.
  • Một số thuốc khác: GnRG đối vận, SERMs (non-steroid) đối kháng estrogen tại nội mạc tử cung nhưng lại đồng vận với estrogen tại xương và trên chuyển hóa lipoprotein trong huyết thanh.

b. Điều trị ngoại khoa

  • Khi điều trị nội khoa thất bại, phụ nữ không mong con.
  • Nội soi : Được ưu tiên vì ít đau hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, phục hồi nhanh hơn nên thường được ưa chuộng hơn mổ mở.
  • Mổ mở: Bác sĩ phẫu thuật tiên lượng và đánh giá. Cân nhắc cắt tử cung và buồng trứng ở phụ nữ không còn nguyền vọng mong con.
Các lựa chọn điều trị lạc nội mạc tử cung
Điều trị nội khoa để giảm đau do lạc nội mạc tử cung

3.2 Điều trị vô sinh liên quan đến LNMTC

  • Liệu pháp hormon
  • Phẫu thuật
  • Hỗ trợ sinh sản

Một số khuyến cáo ESHRE 2022:

  • Không có chỉ định sử dụng thuốc ức chế buồng trứng để cải thiện khả năng sinh sản.
  • Không chỉ định ức chế nội tiết sau phẫu thuật với mục tiêu nâng cao tỉ lệ có thai ở nhóm phụ nữ mong con.
  • Những phụ nữ quyết định có thai sớm sau phẫu thuật có thể áp dụng liệu pháp hormon vì không gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản và giảm đau sau mổ.
  • Phẫu thuật nội soi có thể được xem như một lựa chọn điều trị vô sinh liên quan LNMTC giai đoạn I/II rASRM vì có cải thiện tỉ lệ có thai diễn tiến.
  • LNMTC giai đoạn I/II rASRM nên chỉ định kích thích buồng trứng.
  • Hỗ trợ sinh sản an toàn cho bệnh nhân vô sinh liên quan LNMTC vì tỉ lệ tái phát không tăng so với những trường hợp không hỗ trợ sinh sản.
  • Không khuyến cáo thực hiện thường quy  phẫu thuật u LNMTC trước hỗ trợ sinh sản để cải thiện tỷ lệ sống, vì bằng chứng hiện tại cho thấy không có lợi ích và phẫu thuật có thể ảnh hưởng tiêu cực đến dự trữ buồng trứng.
Điều trị vô sinh liên quan đến LNMTC
Liệu pháp hormon trong điều trị vô sinh liên quan đến lạc nội mạc tử cung

4. Điều trị đau vùng chậu

Sử dụng phương pháp nội khoa (sử dụng thuốc) hoặc ngoại khoa (phẫu thuật). Song song đó có thể sử dụng một số liệu pháp giúp cải thiện triệu chứng.

Uống thuốc: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID).

Kết hợp với các liệu pháp hỗ trợ như: Tắm nước ấm, chườm nóng bằng cách đặt một chai nước nóng hoặc miếng đệm nóng lên bụng, tập thể dục đều đặn, châm cứu, massage.

Điều trị nội tiết:

  • Liệu pháp nội tiết nhằm làm giảm lượng estrogen mà cơ thể tạo ra, giúp các mô cấy chảy máu ít hơn, từ đó ngăn ngừa tình trạng viêm, dính và hình thành u nang. Phương pháp này có thể làm chu kỳ kinh nguyệt của bạn tạm ngừng. 
  • Đối với đa số phụ nữ, các triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung được cải thiện đáng kể sau khi trải qua thời kỳ mãn kinh. Đó là do khi cơ thể ngừng sản xuất hormone estrogen, u nội mạc tử cung sẽ phát triển chậm lại. Tuy nhiên, một số phụ nữ dùng liệu pháp hormone mãn kinh vẫn thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.
  • Các loại thuốc được chỉ định để giảm nồng độ hormone estrogen bao gồm: Viên tránh thai kết hợp, Progestogen, sử dụng thuốc nào với liều lượng ra sao cần có sự chỉ định của bác sĩ điều trị. Người bệnh không được tự ý dùng thuốc.
Điều trị đau vùng chậu
Liệu pháp nội tiết trong điều trị đau vùng chậu

Phẫu thuật bảo tồn:

  • Phương pháp này thích hợp cho những phụ nữ không đáp ứng với hai liệu pháp uống thuốc và điều chỉnh nồng độ nội tiết tố. Mục tiêu của phẫu thuật bảo tồn là loại bỏ hoặc phá hủy sự phát triển của nội mạc tử cung mà không làm tổn thương cơ quan sinh sản.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng là phương pháp phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, được áp dụng nhằm bóc bỏ các khối lạc nội mạc tử cung, phẫu thuật cắt bỏ các khối u đang phát triển. Biện pháp đốt laser cũng thường được sử dụng nhằm đốt phá hủy mô “lạc chỗ” này.

Phẫu thuật cắt bỏ tử cung:

  • Khi tình trạng bệnh của bạn không cải thiện với mọi phương pháp điều trị khác thì phẫu thuật cắt bỏ tử cung là phương pháp cuối cùng.
  • Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ sẽ cắt hoàn toàn tử cung, cổ tử cung, hoặc cả buồng trứng vì các cơ quan này tạo ra estrogen là nguyên nhân gây ra sự phát triển của mô nội mạc tử cung. Ngoài ra, bác sĩ còn loại bỏ các mô bị tổn thương xung quanh.
  • Khi cắt hoàn toàn tử cung, bạn sẽ không thể mang thai được nữa. Chính vì thế, hãy cân nhắc thật kỹ trước khi tiến hành phương pháp này, nhất là khi bạn còn trong độ tuổi lập gia đình và sinh con.

5. Điều trị khó có thai, dọa sảy cho các mẹ mong con

Bệnh lý LNMTC vào cơ tử cung có thể gây ra các bệnh cảnh như khó có thai, dọa sảy thai, sảy thai sớm, sảy thai liên tiếp, sinh non….

Một vài con số thống kê được ghi nhận từ y văn như sau: 

  • Dọa sảy thai, sảy thai: Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sảy thai ở thai phụ bị LNMTC khoảng 35,8%, trong khi những thai phụ không bị LNMTC chỉ khoảng 22%. 
  • Sinh non: Các nghiên cứu cho kết quả thai phụ bị LNMTC có nguy cơ sinh non cao gấp 1,5 lần so với thai phụ không bị LNMTC. 
  • Rau tiền đạo: Thai phụ bị LNMTC cũng có nguy cơ bị rau tiền đạo cao hơn thai phụ không bị LNMTC.
  • Vô sinh: Các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ thai không làm tổ được trong lòng tử cung ở thai phụ bị LNMTC khoảng 30-55%. 
Điều trị khó có thai, dọa sảy cho các mẹ mong con
LNMTC vào cơ tử cung có thể gây ra các bệnh cảnh như khó có thai, dọa sảy thai

Ngoài ra có nhiều nguyên nhân khác dẫn đến khó có thai, dọa sảy thai như:

  • Bất thường cấu trúc giải phẫu tử cung (u xơ tử cung, bệnh lý LNMTC, tử cung có vách ngăn, tử cung đôi…).
  • Nhiễm trùng, nhiễm siêu vi.
  • Có thể có liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể xảy ra trong quá trình phát triển thai, bất thường di truyền đến từ cha mẹ. Trong đó, nhóm nguyên nhân liên quan bất thường về nhiễm sắc thể chiếm 50-60% các trường hợp.
  • Thiếu hụt nội tiết duy trì thai kỳ.

Trường hợp khó có thai cần làm rõ nguyên nhân là gì. Bác sĩ sản phụ khoa sẽ trực tiếp thăm khám và hướng dẫn vợ chồng làm các xét nghiệm tìm nguyên nhân. Đánh giá tình trạng bệnh lý LNMTC của vợ có thật sự là nguyên nhân chính hay duy nhất gây khó có thai. Từ đó cá thể hóa điều trị bằng liệu pháp hormon, phẫu thuật hoặc hỗ trợ sinh sản (bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh ống nghiệm)….

Khi mang thai, sản phụ nên khám thai định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ sản phụ khoa để được tầm soát, chẩn đoán và phát hiện sớm các vấn đề dọa sảy, can thiệp điều trị tối ưu để duy trì thai kỳ, giúp thai kì khỏe mạnh.

6. Điều trị lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ trẻ

Ở nhóm phụ nữ trẻ, ưu tiên hàng đầu là điều trị nội khoa để làm thuyên giảm các triệu chứng đau và kìm hãm sự phát triển của bệnh. Đồng thời cần kết hợp khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng hoặc 1 năm/ lần để được bác sĩ đánh giá sự phát triển của khối lạc nội mạc tử cung và hiệu quả điều trị, thay đổi phác đồ đồ điều trị phù hợp.

Đối với phụ nữ trẻ mong con, hiếm muộn thì ưu tiên điều trị vô sinh.

Điều trị lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ trẻ
Phụ nữ trẻ nếu bị lạc nội mạc tử cung cần khám phụ khoa định kì mỗi 6 tháng hoặc 1 năm/ lần

7. Khi nào cần phẫu thuật?

Phẫu thuật LNMTC có tỷ lệ tái phát sau 2 năm khoảng 50-60%. Sau phẫu thuật có thể tổn thương dính nhiều hơn và xuất hiện những cơn đau nhiều hơn.

Do đó, chỉ định phẫu thuật không phải là ưu tiên hàng đầu. Bác sĩ sẽ ưu tiên điều trị nội khoa.

Tùy thuộc vào việc đáp ứng điều trị nội khoa mà có thời gian điều trị kéo dài, có thể phải điều trị đến tuổi mãn kinh.

Chỉ khi khối lạc nội mạc tử cung có dấu hiệu chèn ép lên các cơ quan lân cận, gây biến chứng mới bắt buộc can thiệp phẫu thuật. Theo khuyến cáo của ESRHE 2022, nếu phụ nữ không có nguyện vọng mang thai thì sau phẫu thuật cần điều trị nội tiết kéo dài để dự phòng tái phát u LNMTC và các triệu chứng liên quan LNMTC.

8. Một trường hợp điều trị lạc nội mạc tử cung

Bệnh án:

Nữ 33 tuổi, PARA 1001, đẻ thường năm 2018.

Tiền sử: khỏe mạnh.

Ngày 10 kỳ kinh, kinh nguyệt đều, chu kì 28 ngày, có kinh 3 ngày.

Khám vì: đau bụng kinh nhiều và mong con 1 năm nay.

Bệnh sử: Khoảng 2 năm nay, bệnh nhân tự nhiên xuất hiện đau bụng vùng bụng dưới khi có kinh, đau từng cơn không lan, đau giảm sau mỗi lần ra máu kinh, sạch kinh 2 ngày thì hết đau, không sốt. Sinh hoạt vợ chồng thấy đau nhói bộ phận sinh dục, không ra máu, không sử dụng biện pháp tránh thai, quan hệ 2 lần/ tuần. Đại, tiểu tiện bình thường.

Toàn trạng tỉnh, tiếp xúc tốt. Da niêm mạc hồng, không phù không xuất huyết.

Mạch 80 lần/phút, huyết áp 110/70 mmHg.

Bụng mềm, không chướng.

Âm hộ bình thường.

Âm đạo bình thường.

CTC đóng kín, không tổn thương.

TC bình thường.

2 phần phụ cảm giác nề không rõ khối, ấn hơi đau.

  • Khám (07/09, ngày 2 chu kì kinh)

Các cơ quan khác hiện tại chưa phát hiện gì bất thường.

  • CLS:

+ Siêu âm: Hình ảnh khối lạc nội mạc tử cung buồng trứng 2 bên, buồng trứng trái KT.           25x30mm, buồng trứng phải KT 28x20mm. Tử cung bình thường.

Xét nghiệm cơ bản: Vào ngày 2 chu kì kinh

CTM bình thường

E2/ FSH/ LH/ Progesterone bình thường

Prolactin bình thường

AMH: 4,5

+ Test Chlamydia âm tính

       + Chụp XQ 2 bên vòi trứng có bơm thuốc cản quang: (10/9, sau sạch kinh 2 ngày) 2 vòi trứng thông.

Chẩn đoán sơ bộ:

Lạc nội mạc tử cung buồng trứng 2 bên giai đoạn I – BN vô sinh thứ phát

  • LNMTC giai đoạn I theo ASRM 1996 : Khối LNMTC buồng trứng trái KT 15x10mm,  buồng trứng phải KT 18x20mm. Không tổn thương cùng đồ sau.

Điều trị:

  • Hướng điều trị

+ Bệnh nhân mong con, mục đích điều trị LNMT, giảm đau, đồng thời dùng thuốc không gây ức chế phóng noãn.

  • Điều trị cụ thể

+ Nội khoa:

Dùng thuốc chứa progestogen đường uống, theo dõi phóng noãn, tư vấn thời điểm quan hệ vợ chồng

Tài liệu tham khảo

[1] NHS. Overview – Endometriosis. NHS. Published 2019. https://www.nhs.uk/conditions/endometriosis/

[2] Ozerdogan N, Sayiner D, Ayranci U, Unsal A, Giray S. Prevalence and predictors of dysmenorrhea among students at a university in Turkey. Int J Gynaecol Obstet. 2009;107(1):39-43. doi:10.1016/j.ijgo.2009.05.010

[3] Chang SF, Chuang MH. Factors that affect self-care behaviour of female high school students with dysmenorrhoea: a cluster sampling study. Int J Nurs Pract. 2012;18(2):117-124. doi:10.1111/j.1440-172X.2012.02007.x

[4] Laganà AS, La Rosa V, Petrosino B, Vitale SG. Comment on “Risk of developing major depression and anxiety disorders among women with endometriosis: A longitudinal follow-up study”. J Affect Disord. 2017;208:672-673. doi:10.1016/j.jad.2016.07.016

[5] Ek M, Roth B, Nilsson PM, Ohlsson B. Characteristics of endometriosis: A case-cohort study showing elevated IgG titers against the TSH receptor (TRAb) and mental comorbidity. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol. 2018;231:8-14. doi:10.1016/j.ejogrb.2018.09.034

[6] Parazzini F, Esposito G, Tozzi L, Noli S, Bianchi S. Epidemiology of endometriosis and its comorbidities. Eur J Obstet Gynecol Reprod Biol. 2017;209:3-7. doi:10.1016/j.ejogrb.2016.04.021

[7] Tworoger SS, Missmer SA, Eliassen AH, Barbieri RL, Dowsett M, Hankinson SE. Physical activity and inactivity in relation to sex hormone, prolactin, and insulin-like growth factor concentrations in premenopausal women – exercise and premenopausal hormones. Cancer Causes Control. 2007;18(7):743-752. doi:10.1007/s10552-007-9017-5

[8] An P, Rice T, Gagnon J, et al. A genetic study of sex hormone–binding globulin measured before and after a 20-week endurance exercise training program: the HERITAGE Family Study. Metabolism. 2000;49(8):1014-1020. doi:10.1053/meta.2000.7737 [9] Trabert B, Peters U, De Roos AJ, Scholes D, Holt VL. Diet and risk of endometriosis in a population-based case-control study. Br J Nutr. 2011;105(3):459-467. doi:10.1017/S0007114510003661

[10] Habib N, Buzzaccarini G, Centini G, et al. Impact of lifestyle and diet on endometriosis: a fresh look to a busy corner. Prz Menopauzalny. 2022;21(2):124-132. doi:10.5114/pm.2022.116437

VTM1292964 (v1.0)