Hành trình mang thai thành công ở những người phụ nữ lạc nội mạc tử cung

Bác sĩ Trần Trọng Thạch
Chuyên gia viết bài: ThS.BS Thân Trọng Thạch
Bác sĩ khoa IVF Bệnh viện Hùng Vương / Giảng viên bộ môn Sản Đại học Y dược TPHCM
  • Ngày cập nhật: 17/5/2024

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa mạn tính thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh lý này gây những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và đặc biệt là đối với khả năng sinh sản của người phụ nữ. Tuy nhiên, nhờ vào chẩn đoán sớm và sự giúp sức của hỗ trợ sinh sản, nhiều phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung đã có những thai kỳ thành công.

1. Chẩn đoán sớm giúp phát hiện bệnh sớm

Tuy lạc nội mạc tử cung gây ra những triệu chứng khá rầm rộ, việc chẩn đoán bệnh lý này thường bị chậm trễ. Ước tính chẩn đoán xác định lạc nội mạc tử cung thường bị trì hoãn từ 8 – 12 năm. Đây là một bệnh lý có khả năng tiến triển, do đó, nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh có thể chuyển sang những giai đoạn nặng hơn, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do đó, nếu được phát hiện và điều trị kịp thời có thể ngăn chặn tiến triển của bệnh, giảm các vấn đề về đau vùng chậu, giảm sự hình thành của các dải sợi dính và từ đó của có thể giảm các vấn đề liên quan hiếm muộn.

Tìm hiểu thêm: Lạc nội mạc tử cung: ĐÚNG và CHƯA ĐÚNG?

Chẩn đoán giúp phát hiện sớm lạc nội mạc tử cung ở phụ nữ mang thai

2. Chia sẻ kinh nghiệm từ chuẩn bị mang thai đến quá trình vượt cạn

Tuy hiếm muộn là vấn đề thường gặp ở những phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung và cần can thiệp của hỗ trợ sinh sản, có đến hơn 50% phụ nữ có thể mang thai một cách tự nhiên. Do đó, khi mắc lạc nội mạc tử cung, nếu chưa có triệu chứng hiếm muộn (không có thai sau 12 tháng), phụ nữ hoàn toàn vẫn có cơ hội để có thai tự nhiên. Nhưng nếu gặp phải trắc trở trong việc thụ thai tự nhiên, phụ nữ nên được thăm khám sớm để được kiểm tra, chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến khả năng mang thai như tuổi và lối sống. Dù có lạc nội mạc tử cung hay không, khả năng mang thai vẫn suy giảm theo độ tuổi, đặc biệt là sau 35 tuổi. Do đó, phụ nữ thường được khuyên mang thai càng sớm càng tốt, đặc biệt với phụ nữ lạc nội mạc tử cung. Bên cạnh đó, một số thay đổi về lối sống như ăn nhiều rau củ quả, hạn chế tinh bột và chất béo, kiểm soát cân nặng, tăng cường hoạt động thể chất, tránh thuốc lá và rượu bia… có thể được áp dụng để tăng khả năng có thai. 

Thay đổi lối sống ăn nhiều củ quả để vượt qua lạc nội mạc tử cung

Tìm hiểu thêm: Quản lý thai kỳ ở phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung

Trong thai kì, việc khám thai thường xuyên hơn bình thường do bệnh lý lạc nội mạc tử cung hiện không được áp dụng. Vì vậy, thai phụ không nên quá lo lắng và nên giữ tinh thần lạc quan trong thai kỳ. Đồng thời, thai phụ cũng nên duy trì lối sống lành mạnh với chế độ ăn uống và tập luyện hợp lí để có một thai kỳ khoẻ mạnh. Khi có những vấn đề bất thường trong thai kỳ, thai phụ nên liên hệ ngay với bác sĩ sản khoa của mình để được thăm khám, tư vấn và điều trị kịp thời. 

3. Lời khuyên cho các trường hợp lạc nội mạc tử cung khác

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý mạn tính, cần được chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn tiến trình của bệnh. Vì là bệnh mạn tính nên bệnh lý này lại có thể tồn tại trong suốt cuộc đời sinh sản của người phụ nữ. Tuy nhiên, những rắc rối do bệnh lý này gây ra có thể được điều chỉnh kịp thời bằng thuốc hoặc những can thiệp khác nếu cần thiết. Vì vậy, khi có những triệu chứng của bệnh như đau bụng khi hành kinh, đau vùng chậu hay vấn đề hiếm muộn, phụ nữ cần đến với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị sớm.

4. Truyền cảm hứng và tinh thần lạc quan

Hơn 50% những phụ nữ mắc lạc nội mạc tử cung có thể được thụ thai tự nhiên mà không cần bất cứ sự can thiệp nào. Mức độ nặng của bệnh cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Do đó, phát hiện và điều trị bệnh sớm cũng giúp cho người phụ nữ giảm thiểu những triệu chứng liên quan lạc nội mạc tử cung, đặc biệt là những vấn đề về hiếm muộn.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo

1. Horne AW, Missmer SA. Pathophysiology, diagnosis, and management of endometriosis. Bmj. Nov 14 2022;379:e070750. doi:10.1136/bmj-2022-070750

2. Vercellini P, Viganò P, Bandini V, Buggio L, Berlanda N, Somigliana E. Association of endometriosis and adenomyosis with pregnancy and infertility. Fertil Steril. May 2023;119(5):727-740. doi:10.1016/j.fertnstert.2023.03.018

3. Pascoal E, Wessels JM, Aas-Eng MK, et al. Strengths and limitations of diagnostic tools for endometriosis and relevance in diagnostic test accuracy research. Ultrasound Obstet Gynecol. Sep 2022;60(3):309-327. doi:10.1002/uog.24892

VTM1316524 (v1.0)