Giải pháp và cách phòng tránh táo bón cho nhân viên văn phòng

Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Nguyễn Công Long
Giám đốc Trung tâm Tiêu hoá – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai / Trưởng Bộ môn Nội Tiêu hóa, Trường Đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 10/4/2024

1. Điều trị táo bón cho nhân viên văn phòng nói riêng và người lớn nói chung

Tùy thuộc vào nguyên nhân gây táo bón, sẽ có những phương pháp điều trị khác nhau, đặc biệt là với các trường hợp có tổn thương thực thể. Với các trường hợp còn lại, điều trị táo bón thường bao gồm:

– Thay đổi chế độ ăn uống: 

+ Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày (tương đương 8 cốc nước), bao gồm các loại nước ép hoa quả

+ Tăng cường chất xơ trong chế độ ăn uống như ăn nhiều rau xanh và trái cây, ngũ cốc nguyên cám

+ Hạn chế uống nước ngọt đóng chai, hạn chế ăn/uống thực phẩm chứa nhiều đường, hạn chế uống rượu, bia…

– Vận động: Nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.  Hoạt động vận động như đi bộ, bơi lội, và yoga cũng như các công việc hàng ngày như làm vườn hoặc làm việc nhà đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của hệ tiêu hóa.

– Tạo thói quen đi đại tiện: 

+ Không nhịn đi đại tiện 

+ Tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định hàng ngày

điều trị táo bón cho nhân viên văn phòng
Nhân viên văn phòng cần có chế độ ăn cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cần thiết

– Thuốc: Một số loại thuốc trị táo bón như Lactulose, PEG, chất xơ, sorbitol,… hoặc thuốc thụt hậu môn có thể giúp giảm triệu chứng táo bón, cần lưu ý thụt tháo chỉ sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp do những tác dụng không mong muốn. 

2. Phương pháp phòng ngừa táo bón như thế nào?

– Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày (tương đương 8 cốc nước)

– Duy trì một chế độ ăn giàu chất xơ bao gồm tăng cường rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên cám.

– Hạn chế các ăn các thực phẩm không lành mạnh như thực phẩm giàu chất béo có nguồn gốc động vật, đồ ăn nhanh, nước ngọt đóng chai, bia, rượu, hút thuốc lá, các loại quả xanh, chát.

– Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. 

– Tránh stress căng thẳng, trầm cảm.

– Tạo thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định hàng ngày.

– Đi khám sức khỏe định kỳ.

phương pháp phòng ngừa táo bón
Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày

3. Một trường hợp điều trị táo bón hiệu quả cho nhân viên văn phòng

Chị N. 25 tuổi, nhân viên văn phòng tại một ngân hàng tại Hà Nội. 3 tháng nay, do thường xuyên có biểu hiện táo bón, mỗi tuần chị chỉ đi đại tiện 1 – 2 lần, mỗi lần thường kéo dài 30 phút, phân chắc rắn, và phải gắng sức rất nhiều, chị đã đến khám tại Trung tâm Tiêu hóa – Gan mật, Bệnh viện Bạch Mai. Qua hỏi bệnh, chị N có biểu hiện của việc quá tải với công việc, mỗi ngày chị làm việc 12 – 14 tiếng liên tục trước màn hình máy tính. Phần lớn các bữa ăn của chị là đồ ăn nhanh, và uống nhiều nước có ga. Chị hầu như không có các vận động ngoài giờ. Bác sĩ chẩn đoán chị N. mắc táo bón. Chị N được bác sĩ khuyên thay đổi lối sống; đặc biệt là bổ sung rau xanh, chất xơ; tăng cường vận động thể dục thể thao; uống đủ nước mỗi ngày; tư vấn tập thói quen đi đại tiện vào một khung giờ nhất định trong ngày. Ngoài ra để giúp bệnh nhân giảm triệu chứng, bác sĩ kê thêm cho chị thuốc táo bón (lactulose) trong tuần đầu tiên. Chị N cho biết, sau 1 tháng điều trị, các biểu hiện táo bón của chị đã được cải thiện rõ rệt, đi đại tiện 1 lần mỗi ngày và không còn tình trạng phải gắng sức khi đi đại tiện.  

điều trị táo bón cho nhân viên văn phòng
Một số trường hợp điều trị táo bón hiệu quả

Tóm lại, táo bón có thể được phòng ngừa hiệu quả bằng việc thay đổi chế độ ăn uống và tập luyện. Nếu tình trạng táo bón kéo dài, cần phải thảo luận với bác sĩ để xác định nguyên nhân và có phương pháp điều trị nhanh chóng, hiệu quả, phù hợp.

Xem thêm: Nhân viên văn phòng bị táo bón – Những điều cần chú ý?

Tài liệu tham khảo

1. Lindberg, et al (2011). World Gastroenterology Organisation global guideline: Constipation–a global perspective. Journal of clinical gastroenterology45(6), 483–487. https://doi.org/10.1097/MCG.0b013e31820fb914

2. Drossman DA, Hasler WL. Rome IV—Functional GI Disorders: Disorders of Gut-Brain Interaction. Gastroenterology. 2016;150(6):1257-1261. doi:10.1053/j.gastro.2016.03.035

3. Wald A. Update on the Management of Constipation. JAMA. 2019;322(22):2239–2240. doi:10.1001/jama.2019.16029

4. Rollet M, Bohn T, Vahid F, On Behalf Of The Oriscav Working Group. Association between Dietary Factors and Constipation in Adults Living in Luxembourg and Taking Part in the ORISCAV-LUX 2 Survey. Nutrients. 2021;14(1):122. Published 2021 Dec 28. doi:10.3390/nu14010122.

5. Hướng dẫn điều trị nội tiêu hóa – gan mật; Nhà Xuất Bản Y học; 2021

VTM1312193 (v1.0)