Những câu hỏi thường gặp về đầy bụng khó tiêu? (Phần 1)

Bác Sĩ Võ Duy Thông
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Võ Duy Thông
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM / Giảng viên cao cấp – Bộ môn Nội Tổng quát, Khoa Y, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 31/5/2024

Trong cuộc sống hiện đại, việc ăn uống không đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề tiêu hóa, trong đó có tình trạng đầy bụng khó tiêu. Đây không chỉ là một cảm giác khó chịu mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Trong bài viết này tôi sẽ giải đáp một số câu hỏi về đầy bụng khó tiêu, hy vọng sẽ giúp các bạn có thêm thông tin để quản lý và cải thiện những triệu chứng này.

1. Những thực phẩm nào dễ gây đầy bụng khó tiêu?

Những thực phẩm dễ gây đầy bụng khó tiêu bao gồm thực phẩm chứa nhiều chất béo (thức ăn chiên rán, sữa và các sản phẩm từ sữa như bơ, kem, phô mai); đồ uống có ga và cồn; thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột (bánh kẹo ngọt và thức phẩm chế biến sẵn); các loại rau củ có khả năng gây đầy hơi như cải bắp, súp lơ, bông cải xanh (những loại rau thuộc họ cải thường chứa nhiều chất xơ và đường phức, có thể gây đầy hơi); thức ăn cay nóng như ớt, tiêu (các loại gia vị cay có thể kích thích dạ dày và gây khó tiêu), hành tỏi cũng có thể gây đầy hơi.

Điều chỉnh lượng tiêu thụ và cách chế biến các loại thực phẩm này có thể giúp giảm thiểu tình trạng đầy bụng và khó tiêu.

Rau củ giúp dễ tiêu hóa

2. Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh có gây đầy bụng khó tiêu không?

Ăn quá nhiều hoặc ăn quá nhanh đều có thể gây đầy bụng và khó tiêu. Khi ăn quá nhiều, dạ dày phải làm việc vất vả hơn để tiêu hóa lượng thức ăn lớn, gây ra cảm giác đầy bụng và khó tiêu. Đồng thời, lượng thức ăn quá lớn tạo ra áp lực trong dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và gây khó chịu.

Khi ăn nhanh, bạn có thể nuốt phải nhiều không khí cùng với thức ăn, dẫn đến đầy hơi và chướng bụng. Nhai không kỹ làm dạ dày phải làm việc nhiều hơn để nghiền nhỏ thức ăn, kéo dài thời gian tiêu hóa và gây khó tiêu.

Những thói quen này có thể làm rối loạn quá trình tiêu hóa, dẫn đến các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, ợ nóng, và cảm giác nặng nề sau khi ăn. Để tránh tình trạng này, nên ăn uống điều độ, nhai kỹ thức ăn, và ăn chậm rãi để giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

ăn quá nhanh có thể gây ra đầy bụng khó tiêu

3. Stress và căng thẳng có thể làm trầm trọng tình trạng đầy bụng khó tiêu không?

Stress và căng thẳng có thể làm trầm trọng tình trạng đầy bụng khó tiêu do ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thông qua các tác động như: 

  • Tăng sản xuất axit dạ dày: Căng thẳng và lo âu có thể kích thích dạ dày sản xuất nhiều axit hơn, gây ra các triệu chứng khó tiêu và ợ nóng.
  •  Rối loạn nhu động ruột: Stress có thể làm thay đổi tốc độ co bóp của ruột, gây ra tình trạng tiêu hóa chậm hoặc thậm chí là co thắt ruột, dẫn đến đầy bụng và khó tiêu.
  • Thay đổi thói quen ăn uống: Khi bị stress, nhiều người có xu hướng ăn uống không điều độ, chẳng hạn như ăn quá nhanh, bỏ bữa, hoặc ăn nhiều thức ăn không lành mạnh, làm tăng nguy cơ đầy bụng và khó tiêu. Stress có thể khiến người ta thèm đồ ngọt, thức ăn nhanh, và các loại thực phẩm khó tiêu khác, góp phần làm trầm trọng thêm tình trạng đầy bụng.
  • Kích thích hệ thần kinh ruột: Căng thẳng ảnh hưởng đến hệ thần kinh ruột, làm thay đổi cách thức hoạt động của hệ tiêu hóa, có thể dẫn đến cảm giác đầy bụng, buồn nôn, và khó tiêu.
Bác sĩ Võ Duy Thông nói về stress và căng thẳng có thể làm trầm trọng tình trạng đầy bụng khó tiêu

PGS.TS.BS Võ Duy Thông

Do đó, việc quản lý stress và căng thẳng thông qua các biện pháp như tập thể dục, thiền, yoga, và duy trì lối sống lành mạnh có thể giúp cải thiện các triệu chứng đầy bụng và khó tiêu.

4. Uống nhiều nước có giảm được tình trạng đầy bụng khó tiêu không?

Uống nhiều nước có thể giúp giảm tình trạng đầy bụng khó tiêu, nhưng hiệu quả này phụ thuộc vào cách và thời điểm bạn uống nước. 

Uống nước trong suốt cả ngày giúp cơ thể duy trì đủ lượng dịch cần thiết để tiêu hóa thức ăn hiệu quả hơn. Nước giúp hòa tan chất dinh dưỡng và giúp chuyển động của thức ăn qua hệ tiêu hóa trở nên dễ dàng hơn. Nước giúp làm mềm phân, ngăn ngừa táo bón – một nguyên nhân gây đầy bụng và khó tiêu.

Uống nước có thể giúp đẩy các khí trong dạ dày ra ngoài, giảm cảm giác đầy hơi, giúp loại bỏ các chất độc hại và các sản phẩm phụ của quá trình tiêu hóa ra khỏi cơ thể, giảm nguy cơ đầy bụng và khó tiêu.

Do đó, nên uống nước đều đặn trong ngày thay vì uống nhiều nước một lúc. Tránh uống quá nhiều nước trong bữa ăn. Uống quá nhiều nước trong bữa ăn có thể làm loãng dịch tiêu hóa, gây khó khăn cho quá trình tiêu hóa. Tốt nhất là uống nước trước bữa ăn khoảng 30 phút hoặc sau khi ăn xong.

Xem thêm:

VTM1318630 (v1.0)