Chứng khó tiêu chức năng và những điều bạn cần biết

Chuyên gia viết bài: TTƯT.TS.BS VŨ TRƯỜNG KHANH
Trưởng khoa Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 16/10/2023

1. Chứng khó tiêu chức năng là bệnh gì?

Chứng khó tiêu là tình trạng đau, hoặc khó chịu tại vùng thượng vị (vùng nằm ở dưới mũi ức và trên rốn). Chứng khó tiêu được chia thành hai loại là chứng khó tiêu chức  năng và chứng khó tiêu thực thể. 

Chứng khó tiêu thực thể do các bệnh thực thể gây ra, nguyên nhân: do vi khuẩn Helicobacter pylori, do loét dạ dày tá tràng, viêm cấp tính dạ dày tá tràng, ung thư thực quản, ung thư dạ dày, bệnh lý tụy tạng, bệnh lý đường mật, do thuốc, do thức ăn, do nhiễm khuẩn. 

Chứng khó tiêu chức năng là chứng khó tiêu khi đã được loại trừ các nguyên nhân do các bệnh thực thể gây ra.

Chứng khó tiêu chức năng là bệnh gì
Chứng khó tiêu gồm chứng khó tiêu chức  năng và chứng khó tiêu thực thể

2. Những ai hay bị ? Vì sao lại bị chứng khó tiêu chức năng và biểu hiện của bệnh?

10 – 30% dân số có thể bị chứng khó tiêu chức năng, thường gặp ở người căng thẳng, lo lắng kéo dài, trầm cảm, có thể sau một đợt nhiễm khuẩn đường ruột cấp tính, sau ăn uống quá nhiều gia vị, chất kích thích chất béo. Cho đến nay có một số nguyên nhân và yếu tố liên quan tới bệnh:  

  • Thứ nhất là chậm quá trình lưu chuyển thức ăn từ dạ dày xuống ruột: bình thường sau ăn 2h, 80% thức ăn được chuyển từ dạ dày xuống ruột. Trong chứng khó tiêu chức năng, 30- 50% người bệnh có hiện tượng chậm lưu thông này; 
  • Thứ 2 là giảm khả năng chứa đựng thức ăn trong dạ dày; 
  • Thứ 3 là tăng nhạy cảm của dạ dày tá tràng với axít, mức độ căng giãn của dạ dày tá tràng và những kích thích khác trong lòng dạ dày tá tràng; 
  • Thứ 4 là các yếu tố tâm thần kinh như lo lắng, stress kéo dài.

Chứng khó tiêu gồm 4 biểu hiện chính: 

  • Đau vùng thượng vị, 
  • Nóng rát vùng thượng vị, 
  • Ăn nhanh no
  • Đầy tức khó chịu tại vùng thượng vị sau ăn. 

Các triệu chứng này thường có liên quan đến bữa ăn có thể xuất hiện trước, trong, hoặc sau khi ăn. Đây là bệnh mạn tính thường đã kéo dài trên 6 tháng. 

khó tiêu chức năng liên quan đến bữa ăn
Triệu chứng khó tiêu chức năng thường có liên quan đến bữa ăn

Bệnh được chia thành hai thể: thể đầy bụng sau ăn và đau bụng vùng thượng vị. 

  • Thể đầy bụng sau ăn:  trong một tuần có ít nhất 3 ngày xuất hiện các triêu chứng ăn nhanh no, đầy tức khó chịu tại vùng thượng vị sau ăn. 
  • Thể đau bụng vùng thượng vị có đau vùng thượng vị, nóng rát vùng thượng vị ít nhất 1 ngày trong tuần. 

Trong thực tế có những bệnh nhân có cả triệu chứng của hai thể bệnh.

Những người bị chứng khó tiêu chức năng thì từ 20 – 50 % số trường hợp có kèm thêm một trong hai bệnh hoặc cả hai bệnh, đó là bệnh trào ngược dạ dày thực quảnhội chứng ruột kích thích. Ngoài ra người bệnh còn hay có biểu hiện: lo lắng, bồn chồn; khó ngủ và tỉnh giấc ban đêm sau đó rất khó ngủ lại, tiểu đêm, đau lưng, đau mỏi vai gáy, cảm giác trong người bứt rứt chán nản… thậm chí là trầm cảm.

chứng khó tiêu chức năng có thể dẫn đến trào ngược dạ dày
Người bị chứng khó tiêu chức năng có thể mắc kèm bệnh trào ngược dạ dày thực quản và hội chứng ruột kích thích

3. Cần phân biệt chứng khó tiêu chức năng với bệnh gì?

Chứng khó tiêu chức năng cần phân biệt với các chứng khó tiêu thực thể như:

  • Trào ngược dạ dày thực quản, loét thực quản, ung thư thực quản, viêm cấp tính dạ dày tá tràng, loét dạ dày tá tràng, ung thư dạ dày
  • Nguyên nhân từ cơ quan gan, mật và tụy: sỏi mật, viêm túi mật mạn tính, bệnh lý tụy

4. Những sai lầm hay gặp ở chứng khó tiêu chức năng

Những người bị chứng khó tiêu chức năng là bệnh rối loạn mạn tính, vì có triệu chứng giống như loét dạ dày tá tràng nên rất hay đi nội soi dạ dày. Khi nội soi thường chỉ thấy có hình ảnh viêm teo niêm mạc, hoặc viêm trợt niêm mạc dạ dày. Nhiều bác sỹ không chuyên khoa hoặc thiếu kinh nghiệm cho viêm dạ dày là nguyên nhân gây đau và các triệu chứng khác. Và thực tế là sau điều trị, nội soi lại hình ảnh viêm niêm mạc không hết, dẫn tới bệnh nhân lo lắng, luôn bị ám ảnh bởi mình bị bệnh viêm dạ dày

Mặt khác, thầy thuốc có kinh nghiệm nhưng không giải thích kỹ cho người bệnh, làm bệnh nhân vẫn lo lắng khi xuất hiện triệu chứng tái diễn.

những sai lầm hay gặp ở chứng khó tiêu chức năng
Người bị chứng khó tiêu chức năng có triệu chứng giống như loét dạ dày tá tràng nên hay được thực hiện nội soi dạ dày

5. Điều trị chứng khó tiêu chức năng như thế nào?

Tập luyện cân bằng cuộc sống, tránh stress và lo lắng kéo dài như tăng cường vận động động thể lực bằng cách bơi, chạy, đạp xe…giúp ích rất nhiều cho người bệnh. Triệu chứng của bệnh sẽ nặng hơn hoặc xuất hiện khi suy nghĩ lo lắng nhiều. 

Thuốc cũng có tác dụng điều trị làm giảm hoặc mất các triệu chứng: các thuốc giảm tiết axit như thuốc ức chế bơm proton hoặc thuốc kháng thụ thể H2 làm giảm hoặc mất các triệu chứng đau vùng thượng vị và nóng rát vùng thượng vị; các thuốc làm tăng vận động đường tiêu hóa (prokinetics) làm giảm các triệu chứng ăn nhanh no và đầy bụng sau ăn. Trường hợp không đáp ứng có thể dùng các thuốc chống trầm cảm để điều trị.

TS.BS Vũ Trương Khanh
TTƯT.TS.BS VŨ TRƯỜNG KHANH
Trưởng khoa Khoa Tiêu hóa – Gan mật – Tụy
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội

Với chứng khó tiêu chức năng, thầy thuốc cần phải có nhiều thời gian giải thích và tạo được tin tưởng cho người bệnh thì việc phối hợp điều trị mới hiệu quả.

Cơ chế của thuốc tăng vận động đường tiêu hóa
Cơ chế của thuốc tăng vận động đường tiêu hóa (prokinetic)

6. Phòng bệnh

Sau khi điều trị hết các triệu chứng, bệnh dễ bị tái phát. Vì vậy việc dự phòng là rất quan trọng. Tạo được một cuộc sống tương đối cân bằng không chỉ phòng được chứng khó tiêu chức năng mà còn phòng được các bệnh chức năng của đường tiêu hóa khác như hội chứng ruột kích thích và hạn chế được bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Người bệnh cần ăn uống đúng giờ, tăng cường hoạt động thể lực, không dùng các thức ăn có gia vị quá nhiều, nhiều chất béo.

ăn đúng giờ giúp phòng bệnh khó tiêu chức năng
Ăn uống đúng giờ, không dùng các thức ăn có gia vị quá nhiều, nhiều chất béo để phòng bệnh khó tiêu chức năng

Tài liệu tham khảo

1. Stanghellini V, Chan FK, Hasler WL, Malagelada JR, Suzuki H, Tack J, Talley NJ. Gastroenterology. 2016 May;150(6):1380-92. doi: 10.1053/j.gastro.2016.02.011.

2. Black CJ, Paine PA, Agrawal A, Aziz I, Eugenicos MP, Houghton LA, Hungin P, Overshott R, Vasant DH, Rudd S, Winning RC, Corsetti M, Ford AC. British Society of Gastroenterology guidelines on the management of functional dyspepsia.Gut. 2022 Sep;71(9):1697-1723. doi: 10.1136/gutjnl-2022-327737. Epub 2022 Jul 7.

3. Rane SV, Asgaonkar B, Rathi P, Contractor Q, Chandnani S, Junare P, Debnath P, Bhat V. Effect of moderate aerobic exercises on symptoms of functional dyspepsia. Indian J Gastroenterol. 2021 Apr;40(2):189-197. doi: 10.1007/s12664-021-01174-8. Epub 2021 May 26.

4. Okawa Y, Fukudo S, Sanada H. Specific foods can reduce symptoms of irritable bowel syndrome and functional constipation: a review. Biopsychosoc Med. 2019 May 8;13:10. doi: 10.1186/s13030-019-0152-5. eCollection 2019.

5. Oshima T.Functional Dyspepsia: Current Understanding and Future Perspective. Digestion. 2023 Aug 18:1-8. doi: 10.1159/000532082. Online ahead of print.

VTM1291679 (v1.0)