Khi nào cần thăm khám bác sĩ vì đầy bụng khó tiêu?

Bác Sĩ Võ Duy Thông
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Võ Duy Thông
Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM / Giảng viên cao cấp – Bộ môn Nội Tổng quát, Khoa Y, ĐH Y Dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 31/5/2024

Là bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, tôi hiểu rằng đầy bụng khó tiêu ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu thêm về những thói quen sinh hoạt gây đầy bụng khó tiêu để tìm cách khắc phục, cũng như những trường hợp  cần đi thăm khám sớm khi có đầy bụng khó tiêu.

1. Những thói quen sinh hoạt nào có thể gây đầy bụng khó tiêu?

Trước hết, bạn cần lưu ý rằng một số thói quen sinh hoạt có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng đầy bụng khó tiêu, như ăn uống không điều độ, sử dụng nhiều đồ ăn thức uống khó tiêu, không  vận động sau khi ăn, căng thẳng, lo âu, và hút thuốc lá.

Đầu tiên, ăn quá nhanh, không nhai kỹ thức ăn, ăn quá nhiều một lúc, ăn quá khuya, ăn không đúng bữa, bỏ bữa sáng, hoặc ăn uống không đầy đủ dinh dưỡng đều có thể dẫn đến đầy bụng, khó tiêu. Các loại thực phẩm chứa nhiều chất béo, đồ ăn chiên rán, thức ăn cay nóng, đồ uống có ga, cà phê, và rượu bia cũng có thể gây kích thích dạ dày và dẫn đến khó tiêu. 

Thức ăn nhanh dễ gây ra đầy bụng khó tiêu

Bên cạnh đó, không vận động sau khi ăn, như ngồi hoặc nằm ngay sau khi ăn làm giảm quá trình tiêu hóa, gây ra cảm giác đầy bụng. Ngược lại, vận động nhẹ sau bữa ăn giúp kích thích quá trình tiêu hóa và giảm nguy cơ đầy bụng.

Thêm vào đó, căng thẳng và lo âu ảnh hưởng tiêu cực đến hệ tiêu hóa, gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu. Stress làm tăng sản xuất axit dạ dày, làm chậm quá trình tiêu hóa và gây co thắt dạ dày.

Cuối cùng, sử dụng thuốc lá cũng là một yếu tố góp phần gây khó tiêu. Hút thuốc lá làm giảm hiệu quả hoạt động của cơ thắt thực quản dưới, dẫn đến việc axit dạ dày có thể trào ngược lên thực quản, gây ra cảm giác đầy bụng, khó tiêu.

Điều chỉnh lại những thói quen này sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng đầy bụng và khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.

2. Đầy bụng khó tiêu kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?

Tình trạng đầy bụng khó tiêu kéo dài có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. 

Cảm giác đầy bụng, chướng hơi, và khó tiêu gây khó chịu liên tục, ảnh hưởng đến tâm trạng và hoạt động hàng ngày. Tình trạng này có thể làm giảm khả năng tập trung và hiệu suất làm việc hoặc học tập. 

đầy bụng khó tiêu ảnh hưởng đến năng suất làm việc

Bên cạnh đó, khó tiêu kéo dài có thể dẫn đến mất cảm giác ngon miệng, ăn ít hơn và từ đó gây sụt cân, cũng có thể gây ra các vấn đề như táo bón hoặc tiêu chảy. Đầy bụng khó tiêu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ phát triển GERD, gây ra các triệu chứng như ợ nóng và đau ngực. Acid dạ dày dư thừa do khó tiêu kéo dài có thể gây tổn thương niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét dạ dày.

Hơn nữa, tình trạng khó tiêu kéo dài có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng và lo âu. Đầy bụng và khó tiêu thường xuyên có thể làm gián đoạn giấc ngủ, dẫn đến mất ngủ hoặc chất lượng giấc ngủ kém.

Để tránh những hậu quả này, việc thăm khám, điều trị kịp thời và quản lý các nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu là rất quan trọng. 

Bác sĩ Võ Duy Thông nói về đầy bụng khó tiêu kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe
PGS.TS.BS Võ Duy Thông

3. Khi nào cần thăm khám bác khi có đầy bụng khó tiêu?

Khi gặp tình trạng đầy bụng khó tiêu, có một số dấu hiệu và tình huống cho thấy bạn nên đi khám bác sĩ:

  • Triệu chứng kéo dài: Nếu cảm giác đầy bụng khó tiêu kéo dài hơn vài tuần và không có dấu hiệu cải thiện dù đã thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt.
  • Triệu chứng nặng hơn: Khi các triệu chứng trở nên nặng hơn hoặc gây khó chịu nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
  • Các triệu chứng kèm theo: Đau bụng dữ dội hoặc liên tục, sụt cân không rõ nguyên nhân, buồn nôn hoặc nôn kéo dài, khó nuốt hoặc cảm giác đau khi nuốt, chán ăn hoặc mất cảm giác thèm ăn, vàng da hoặc mắt (dấu hiệu của các vấn đề về gan).
  • Có tiền sử bệnh lý tiêu hóa: Nếu bạn có tiền sử các bệnh lý về tiêu hóa như viêm loét dạ dày, trào ngược dạ dày-thực quản, hoặc bệnh celiac.
  • Sử dụng thuốc dài ngày: Nếu bạn đang dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa, như thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống trầm cảm, hoặc thuốc điều trị loãng xương.
  • Tuổi tác và yếu tố nguy cơ: Người lớn tuổi hoặc những người có các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, uống rượu nhiều, hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư dạ dày hoặc thực quản nên đi khám sớm nếu có triệu chứng đầy bụng khó tiêu.

Xem thêm:

VTM1318639 (v1.0)