Cúm mùa ở trẻ từ 6 tháng tuổi: Nguy cơ và giải pháp phòng ngừa

Cúm là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra do virus cúm (Influenza virus). Bệnh có tính lây lan cao và rất dễ xuất hiện ở người có hệ miễn dịch yếu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Bệnh cúm có thể nguy hiểm dẫn đến tử vong đối với trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ dưới 2 tuổi nếu có những biến chứng nghiêm trọng, nhưng lại không được phát hiện và điều trị phù hợp kịp thời.

Xem lại tọa đàm tư vấn “Cúm mùa ở trẻ từ 6 tháng tuổi: Nguy cơ và giải pháp phòng ngừa” ngay

Trong chương trình toạ đàm tư vấn “CÚM MÙA Ở TRẺ TỪ 6 THÁNG TUỔI: NGUY CƠ VÀ GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA” được phát sóng trực tuyến trên VNExpress ngày 17/03, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nghiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pauster TP. HCM cùng với BS. Trương Hữu Khanh, phó Chủ tịch Liên chi Hội Bệnh Truyễn nhiễm TP HCM đã chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về cách phòng ngừa chủ động bảo vệ sức khỏe cho các bé.

Cúm là bệnh dễ gặp nhất ở trẻ em và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng

Theo BS Khanh, ở giai đoạn trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện đầy đủ, dẫn đến nguy cơ mắc bệnh nói chung và mắc cúm nói riêng cao hơn ở đối tượng người lớn. Do đó, ở trẻ nên chủ động tạo miễn dịch để bảo vệ trẻ trước bệnh cúm và các biến chứng trầm trọng.

Trong năm 2022, ghi nhận rất nhiều trường hợp trẻ mắc các bệnh hô hấp, trong đó cúm là một trong các tác nhân chiếm tỉ lệ cao nhất. Do hệ miễn dịch chưa đầy đủ, trẻ rất dễ nhiễm cúm từ nhiều nguồn như môi trường, người thân hay từ những trường hợp trẻ đi học bị nhiễm cúm nhưng nhầm lẫn với cảm lạnh, và không được chăm sóc, ngăn ngừa đúng cách, từ đó trở thành nguồn lây cho các trẻ khác trong trường lớp thông qua việc cùng chơi chung đồ chơi, giao tiếp, sinh hoạt chung trong không gian trường học.. Ngoài ra, nhiễm cúm thường đi cùng với “bạn đồng hành” như vi khuẩn, vi rút khác cùng là tác nhân hô hấp. Do đó, việc có các giải pháp phòng ngừa phù hợp không chỉ giúp trẻ phòng nhiễm cúm mà còn hạn chế sự đồng nhiễm các tác nhân khác, từ đó bảo vệ trẻ trước những biến chứng nặng nề phía sau. – PGS. Nghĩa nhấn mạnh mức độ lây lan và đồng nhiễm cúm ở trẻ hiện nay.

Tầm quan trọng của việc nhận diện bệnh cúm và biện pháp chăm sóc đúng cách khi trẻ nhiễm cúm

Triệu chứng của cúm thường rất rộng, tùy theo sức đề kháng của trẻ mà triệu chứng có thể thoáng qua hoặc rầm rộ, thường gặp như sốt nhẹ rồi tăng dần, ho, đau họng, mệt mỏi, kém ăn. Tuy nhiên, do nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường nên cúm không được chẩn đoán sớm và chính xác,  trên nền sức đề kháng yếu, đặc biệt ở trẻ nhỏ, có thể dẫn đến các biến chứng rất nhanh, trong đó có viêm phổi dẫn đến suy hô hấp gây nguy hiểm cho trẻ.

Ngoài ra, trẻ nhiễm cúm còn có thể trở thành nguồn lây cho người thân trong gia đình, cho bạn bè cùng lớp, cùng trường, dẫn đến mắc cúm trên các đối tượng nguy cơ cao như ông bà trong gia đình hay trẻ khác. Bên cạnh đó, nhiễm cúm còn làm mất ngày công lao động của bố mẹ khi phải nghỉ làm để chăm sóc cho cả trẻ và ông bà, hay người có miễn dịch suy giảm trong gia đình. Như vậy, trẻ em là đối tượng nguy cơ cao nhất dễ mắc cúm và trở thành nguồn lây, đặc biệt là với những trẻ nhiễm cúm nhưng triệu chứng thoáng qua, gây nhầm lẫn trong chẩn đoán.

BS. Trương Hữu Khanh, phó Chủ tịch Liên chi Hội Bệnh Truyền nhiễm TP HCM

Việc chăm sóc và điều trị cho trẻ nhiễm cúm tập trung chủ yếu vào điều trị triệu chứng và nâng cao sức đề kháng cho trẻ bằng dinh dưỡng, bù nước và chế độ nghỉ ngơi đầy đủ. Trẻ thường biếng ăn khi bị bệnh nên phải cung cấp đủ năng lượng bằng chế độ ăn dễ tiêu, kèm trái cây tươi, tránh sử dụng mật ong cho trẻ dưới 1 tuổi. Nếu điều trị và chăm sóc tốt các triệu chứng sẽ lui sau 3 đến 5 ngày và trẻ dần hồi phục. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ gặp biến chứng trên đường hô hấp, cùng với tình trạng bội nhiễm vi khuẩn, suy hô hấp phải can thiệp cho trẻ thở máy, làm ảnh hưởng trầm trọng sức khỏe và kéo dài thời gian điều trị. Các chuyên gia cũng lưu ý, người chăm sóc trẻ cũng nên tuân thủ các biện pháp phòng tránh như đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên, vệ sinh bề mặt tiếp xúc… để hạn chế lây nhiễm từ trẻ. Tuy nhiên các biện pháp này sẽ khó thực hiện và đem lại hiệu quả bảo vệ tuyệt đối.

Qua phần trao đổi, khi đánh giá nguy cơ lây nhiễm dễ dàng của vi rút cúm cũng như những biến chứng ở trẻ khi nhiễm cúm, cả hai chuyên gia đều đồng thuận việc chủ động phòng bệnh bằng vắc xin cúm hàng năm là rất cần thiết.

Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng cúm cho trẻ

PGS. Nghĩa đưa ra thông điệp nên chủ động tiêm cúm hàng năm cho trẻ, ngay từ khi trẻ có thể tiếp cận vắc xin từ 6 tháng tuổi với những lợi ích rõ ràng đã được chứng minh thông qua các nghiên cứu. Theo nghiên cứu của CDC, vắc xin cúm giúp giảm 74% nguy cơ biến chứng nặng do cúm ở trẻ, giảm hơn 50% khả năng tử vong liên quan đến cúm ở trẻ có bệnh mãn tính, đặc biệt giảm 65% nguy cơ tử vong ở trẻ khỏe mạnh nhiễm cúm.

Bên cạnh đó, PGS. Nghĩa cũng chia sẻ chi tiết cách dự phòng cúm tốt nhất cho trẻ nhũ nhi (<6 tháng tuổi) khi trẻ chưa được tiêm vắc xin cúm. Ngay từ khi mang thai, người mẹ có thể chủ động tiêm phòng cúm, từ đó có thể truyền kháng thể từ mẹ sang con qua nhau thai, có giá trị bảo vệ trẻ ở giai đoạn từ 0 đến 6 tháng. Sau đó, từ 6 tháng trẻ sẽ được tiêm vắc xin cúm, nhắc lại 2 mũi trong thời gian 4 tuần khi trẻ lần đầu tiêm vắc xin cúm và sau đó trẻ được tiêm nhắc lại vắc xin cúm hàng năm. Việc nhắc lại hàng năm có ý nghĩa quan trọng do sự biến đổi liên tục của vi rút cúm và chủng cúm gây bệnh.

PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa, Chủ nghiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pauster TP. HCM

Đồng quan điểm với PGS. Nghĩa, BS. Khanh chia sẻ cúm hiện nay không còn xảy ra theo mùa mà diễn biến phức tạp quanh năm, với sự biến đổi liên tục của kháng nguyên gây bệnh. Do đó, việc tiêm phòng cúm nên được thực hiện ngay tại thời điểm có sẵn vắc xin và tối ưu nhất là tại đầu các thời điểm có vắc xin mùa mới vào giai đoạn tháng 4-5 hoặc tháng 9-10 hàng năm. Ngoài ra, khi lựa chọn các vắc xin cho trẻ, có thể lựa chọn vắc xin cúm dạng tiểu đơn vị, được nghiên cứu ít phản ứng sau tiêm như đau tại chỗ tiêm…

Trong suốt quá trình diễn ra tọa đàm, PGS. TS. BS. Cao Hữu Nghĩa và BS. Trương Hữu Khanh đã giải đáp trực tiếp rất nhiều các câu hỏi liên quan đến bệnh cúm và tiêm phòng cúm hàng năm cho trẻ, cũng như các đối tượng khác. Từ đó, đem đến nhiều thông tin bổ ích và giúp bố mẹ an tâm hơn để bảo vệ trẻ trước tình hình cúm diễn biến phức tạp song hành với các tác nhân hô hấp khác.

Xem lại đầy đủ chương trình tại: https://www.facebook.com/congdongvnexpress/videos/1671934953225503/

VTM2274545