Cách tránh xa cúm mùa – kẻ phá bĩnh trong các chuyến du lịch

Cúm mùa có thể phá hỏng chuyến du lịch trong mơ của bạn và gia đình với các triệu chứng khó chịu và tương tự với COVID-19 như sốt, ho, sổ mũi… Tiêm phòng vắc-xin cúm là cách tốt nhất để bạn và người thân tận hưởng kỳ nghỉ khoẻ mạnh và trọn vẹn.

cúm - kẻ phá bĩnh trong các chuyến du lịch
Cần tránh xa cúm để chuyến du lịch được trọn vẹn

Nếu bạn đang có kế hoạch du lịch mùa cuối năm, hãy nhớ đó cũng là lúc cúm mùa “lên ngôi”. Cúm “thay áo mới” hàng năm, và rất dễ lây nhiễm khi thời tiết thay đổi hoặc vào mùa đông xuân. Máy bay, xe tàu hay các địa điểm tham quan, nghỉ mát là những nơi lý tưởng để phát tán virus. Không chỉ “phá bĩnh” chuyến đi của bạn, cúm còn làm bạn và gia đình thêm căng thẳng, bất an khi ở một nơi xa, khó tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế khi cần. Bài viết dưới đây, bên cạnh việc tiêm vắc xin cúm a:care Việt Nam còn mách bạn những cách phòng ngừa và điều trị ngay tại nhà khi bị mắc cúm mùa.

Nguy cơ nhiễm cúm khi đi du lịch

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC), nguy cơ nhiễm cúm cao hay thấp phụ thuộc vào thời gian và địa điểm mà bạn chọn lưu trú. Ở Bắc bán cầu, mùa cúm có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 10 và có thể kéo dài đến cuối tháng 4 hoặc tháng 5. Ở các nước Nam bán cầu, dịch cúm thường xảy ra trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9. Ở vùng nhiệt đới như Việt Nam dịch cúm có thể xảy ra quanh năm, ngay cả trong mùa hè.

Gia đình có trẻ nhỏ và người lớn tuổi càng cần cẩn trọng khi đi du lịch nếu chưa được tiêm vắc-xin cúm vì hệ miễn dịch của 2 nhóm đối tượng này yếu, rất dễ bị tấn công.

Tìm hiểu thêm: Virus cúm thay đổi thế nào trong mùa đông xuân năm nay

Tiêm vắc-xin cúm trước chuyến đi là “lá chắn” an toàn

Các nghiên cứu của Tổ chức Nghiên cứu và Giáo dục Y tế Mayo, chứng minh hiệu quả giảm nguy cơ nhiễm cúm của vắc- xin cúm với khách du lịch trong suốt chuyến đi.

Các nghiên cứu hàng năm của CDC cũng chỉ ra mức độ bảo vệ của vắc-xin cúm đối với bệnh cúm: Tiêm phòng cúm định kỳ hàng năm giúp giảm nguy cơ mắc cúm mùa từ 40% đến 60% ở các độ tuổi vào các mùa trong năm.

Cúm không chỉ là một bệnh lý đơn thuần mà có thể gây biến chứng hoặc tử vong đối với cả người lớn và trẻ em. Ở người cao tuổi, tiêm vắc-xin cúm có thể làm giảm nguy cơ tử vong đến 61%, trong khi với đối tượng trẻ em, vắc-xin cúm giúp giảm hơn 70% nguy cơ tử vong.

Cẩm nang tiêm phòng cúm trước khi đi du lịch

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh CDC Hoa Kỳ, để vắc-xin cúm phát huy tối đa hiệu quả, bạn nên tiêm ngừa vắc-xin cúm hàng năm cho đối tượng từ 6 tháng tuổi trở lên; nên tiêm trước khi đi ít nhất 2 tuần và tiêm định kỳ hằng năm để tối ưu hiệu quả bảo vệ của vắc-xin cúm.

Theo Bác sĩ Nguyễn Trí Thức – BS chuyên khoa 2 Lao – Bệnh Phổi, Nội Chung, Nguyên Trưởng khoa Lao Nam, BV Phạm Ngọc Thạch: Vắc xin cúm là một trong những loại vắc-xin ít tác dụng phụ nhất và có hiệu quả bảo vệ trước các biến chủng cúm trong suốt 6 đến 12 tháng.

Cúm luôn có biến chủng mới hàng năm, do vậy các công ty sản xuất vắc-xin dựa trên khuyến cáo của WHO để cập nhật chủng mới, nhằm đảm bảo vắc-xin cúm có hiệu quả bảo vệ tốt nhất. Chính vì vậy, các chuyên gia luôn khuyến cáo người lớn và trẻ em cần tiêm phòng cúm mỗi năm.

tiêm phòng cúm trước khi đi du lịch
Cách để tránh xa cúm là gia đình nên tiêm phòng cúm trước khi đi du lịch

Tại Việt Nam hiện đã có vaccine cúm tứ giá xuất xứ từ Hà Lan, Pháp có thể phòng ngừa được cả 4 chủng virus cúm gồm hai chủng cúm A (H1N1), A(H3N2) và hai chủng cúm B (Yamagata và Victoria) thường gây ra dịch hoặc đại dịch cũng như biến chứng nguy hiểm cho người có nguy cơ.

Cách điều trị cảm cúm tại nhà hoặc nơi du lịch

Khi có các triệu chứng giống cúm như: sốt, ho, đau họng, chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi, đau đầu, đau cơ và mệt mỏi; bạn nên hạn chế đi lại và tiếp xúc với người khác, che chắn mũi miệng khi ho hoặc đeo khẩu trang…

Theo chia sẻ của Bác sĩ Nguyễn Trí Thức – BS chuyên khoa 2 Lao – Bệnh Phổi, Nội Chung, Nguyên Trưởng khoa Lao Nam, BV Phạm Ngọc Thạch Nếu không may bị cúm “ghé thăm” trong chuyến đi, bạn có thể thực hiện theo các bước sau: ngủ nghỉ, uống nhiều nước, giữ ấm cơ thể, dùng paracetamol hoặc ibuprofen để hạ sốt và giảm đau nhức. Lưu ý không nên dùng cùng lúc paracetamol và các loại thuốc chữa cảm cúm có chứa paracetamol vì dễ uống quá liều khuyến cáo.

Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc người mắc bệnh có nguy cơ cao bị biến chứng, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất.

Để kỳ nghỉ của bạn và cả nhà được trọn vẹn, đừng quên lên lịch tiêm vắc-xin phòng cúm mùa cho cả nhà nhé, nhất là với trẻ em và người cao tuổi. Bên cạnh đó, a:care Việt Nam khuyên bạn vẫn nên thực hiện các biện pháp nhằm giảm nguy cơ lây nhiễm cúm trong suốt chuyến đi như: thường xuyên rửa tay, uống nhiều nước, che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho hoặc hắt hơi, tránh tiếp xúc gần với người có nhiễm bệnh…

Theo Bác sĩ Nguyễn Trí Thức – BS chuyên khoa 2 Lao – Bệnh Phổi, Nội Chung, Nguyên Trưởng khoa Lao Nam, BV Phạm Ngọc Thạch

*https://www.cdc.gov/flu/school-business/travelersfacts.htm

(1) https://www.mayoclinichealthsystem.org/hometown-health/speaking-of-health/foreign-travel-plans-what-to-know-about-influenza

(2) https://www.facebook.com/congdongvnexpress/videos/5627826047260507

(3) https://www.cdc.gov/flu/vaccines-work/vaccineeffect.htm

VTM1298344