Tìm Hiểu Về Hội Chứng Ruột Kích Thích (IBS)

Hội chứng ruột kích thích – Irritable Bowel Syndrome (IBS) là một hội chứng khá phổ biến và gây nhiều ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống.  Hãy để a:care Việt Nam cung cấp thêm thông tin về hội chứng ruột kích thích cho bạn. 

Hội chứng ruột kích thích là gì?

Hội chứng ruột kích thích (Irritable Bowel Syndrome – IBS), là rối loạn chức năng đường ruột gây đau bụng và thay đổi thói quen đi tiêu, chẳng hạn tiêu chảy, táo bón hoặc xen kẽ cả hai theo đợt. Hội chứng ruột kích thích có thể gây ra các triệu chứng khác như quặn bụng, chướng bụng và đầy hơi. Mặc dù tỷ lệ mắc hội chứng ruột kích thích khác nhau ở mỗi quốc gia, nhưng căn bệnh này phổ biến hơn bạn nghĩ: ước tính có khoảng 4% dân số trên toàn thế giới mắc hội chứng ruột kích thích.

Hội chứng ruột kích thích gồm những loại nào?

Hội chứng ruột kích thích có nhiều biểu hiện khác nhau, được chia thành bốn loại dựa trên các thay đổi hoặc bất thường về đi tiêu:

  • Hội chứng ruột kích thích thể táo bón – IBS-C.
  • Hội chứng ruột kích thích thể tiêu chảy – IBS-D.
  • Hội chứng ruột kích thích thể táo bón xen kẽ tiêu chảy – IBS-M.
  • Hội chứng ruột kích thích không phân loại – IBS-U.
Nữ giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao
Nữ giới là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao

Bác sĩ có thể đưa ra quyết định điều trị dựa trên loại hội chứng ruột kích thích mà bạn mắc phải, vì một số loại thuốc chỉ có tác dụng với loại hội chứng ruột kích thích nhất định hoặc có thể làm cho các loại khác trầm trọng hơn. Bác sĩ có thể chẩn đoán hội chứng ruột kích thích ngay cả khi thói quen đi tiêu không thuộc một loại cụ thể nào. Các đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao bao gồm người trẻ tuổi hoặc nữ giới; gia đình có tiền sử mắc hội chứng ruột kích thích; và có vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Yếu tố gây kích thích khởi phát triệu chứng ruột kích thích

Có rất nhiều giả thiết về nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích, nhưng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định. Các yếu tố gây kích thích khởi phát triệu chứng hoặc khiến triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn bao gồm:

  • Thực phẩm: Dù vai trò của dị ứng hoặc không dung nạp thực phẩm đối với hội chứng ruột kích thích vẫn chưa sáng tỏ hoàn toàn, dị ứng thực phẩm hiếm khi gây ra hội chứng ruột kích thích. Tuy nhiên, nhiều người nhận thấy các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích trầm trọng hơn khi ăn hoặc uống một số loại thức ăn hoặc thức uống nhất định. Những thực phẩm này bao gồm lúa mì, chế phẩm từ sữa, trái cây họ cam quýt, các loại đậu, cải bắp, sữa, đồ uống có ga, rượu, đồ uống chứa cafein, thức ăn cay và mặn.
  • Căng thẳng: Mặc dù lo lắng và căng thẳng không gây ra các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích, nhưng hầu hết người mắc bệnh này có triệu chứng nghiêm trọng hơn hoặc thường xuyên hơn khi họ bị căng thẳng quá mức.
  • Hoóc-môn: Phụ nữ có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao gấp đôi so với nam giới, điều này gợi ý sự thay đổi hoóc-môn cũng đóng vai trò trong bệnh lý này. Nhiều phụ nữ nhận thấy các dấu hiệu và triệu chứng của của hội chứng ruột kích thích trở nên nghiêm trọng hơn trong hoặc gần kỳ kinh nguyệt.

Một số điều đáng chú ý về hội chứng ruột kích thích

Nếu bạn đang có các triệu chứng và nghĩ mình có thể mắc hội chứng ruột kích thích, đầu tiên hãy trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và tìm ra phương pháp điều trị thích hợp để giảm nhẹ các triệu chứng. Những thông tin nhanh dưới đây sẽ có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về hội chứng ruột kích thích cũng như vì sao việc chẩn đoán bệnh là điều cần thiết:

  • Hội chứng ruột kích thích là bệnh mạn tính có thể tái đi tái lại nhiều lần.
  • Nữ giới có nguy cơ mắc hội chứng ruột kích thích cao hơn gấp đôi so với nam giới.
  • Hội chứng ruột kích thích không dự đoán trước được. Các triệu chứng của bệnh thay đổi, có thể là táo bón hoặc tiêu chảy.
  • Triệu chứng kéo dài có thể gây cản trở đến các hoạt động đời sống và trong công việc cũng như hạn chế sự phát triển năng lực cá nhân.
  • Khoảng 20-40% người bệnh đến khám bác sĩ tiêu hóa vì các triệu chứng hội chứng ruột kích thích.
  • Hội chứng ruột kích thích không phải là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư hay viêm đại tràng.
  • Hội chứng ruột kích thích không gây ra tình trạng suy dinh dưỡng.
  • Hội chứng ruột kích thích không dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác hoặc gây tổn thương đường tiêu hóa.

Hãy nhớ rằng chỉ những ai có chuyên môn y khoa mới có thể chẩn đoán hội chứng ruột kích thích. Có các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng hội chứng ruột kích thích, nhưng không phải phương pháp nào cũng có tác dụng với tất cả mọi người.

Bước đầu tiên và quan trọng nhất là hãy khám với bác sĩ. Chỉ bác sĩ mới có khả năng đưa ra chẩn đoán chính xác dựa trên tình trạng sức khỏe thực tế của bạn!

Bác sĩ chẩn đoán hội chứng ruột kích thích
Chỉ có bác sĩ mới có khả năng đưa ra chẩn đoán hội chứng ruột kích thích chính xác

Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm về hội chứng ruột kích thích, ví dụ như hội chứng ruột kích thích ảnh hưởng như thế nào đến cơ thể bạn và cách bác sĩ chẩn đoán bệnh. Hãy đọc thêm các bài viết để tìm câu trả lời cho những câu hỏi này và biết thêm thông tin.

Các triệu chứng đau bụng và rối loạn đi tiêu do hội chứng ruột kích thích

Rối loạn nhu động ruột:

Táo bón, tiêu chảy.

Sôi bụng, bụng trướng hơi.

Chán ăn: nhưng ít khi sụt cân.

Đau bụng:

Với vị trí và đặc điểm đa dạng, không đặc hiệu.

Ít khi đau về đêm khiến bệnh nhân phải tỉnh giấc.

Các phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích

Có chế độ ăn và chế độ sinh hoạt hợp lý.

Uống thuốc điều trị triệu chứng.

Kết hợp điều trị Tâm lý liệu pháp.

Lưu ý khi ăn:

  • Ăn chậm, nhai kỹ
  • Tránh thức ăn khó tiêu dễ sinh hơi: khoai, sắn, bánh ngọt nhiều bơ, hoa quả nhiều đường, đồ uống có gas.  Tránh các thức ăn để lâu và hạn chế các chất kích thích: café, thuốc lá, gia vị cay, chua, rượu, bia…
  • Thức ăn nhiều chất xơ không hòa tan, được tìm thấy trong vỏ của một số loại trái cây và rau quả (cám gạo, cám lúa mì, cám bắp, hoa quả, rau củ, đậu khô, hạt quả) có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của HCRKT do vậy không nên ăn. Nên ăn các thức ăn chứa nhiều chất xơ hòa tan (chất nhầy) như rau mồng tơi, rau đay, đậu bắp, mướp hương, rau khoai lang, cà tím…
  • Trường hợp táo bón thường xuyên nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau quả và thức ăn có chứa chất xơ.
  • Trường hợp tiêu chảy tránh thức ăn nhiều mỡ, thức ăn chiên rán…  tránh thức ăn nhiều xơ.

Lưu ý về chế độ luyện tập:

  • Chế độ luyện tập rất cần thiết và phải kiên trì.
  • Nên luyện tập thói quen đại tiện 1 lần/ngày, xoa bụng buổi sáng khi ngủ dậy để gây cảm giác muốn đại tiện.
  • Thay đổi môi trường tạo không khí thoải mái, dễ chịu như đi tắm biển, tắm suối nước nóng nơi có không khí dễ chịu.
  • Luyện tập thư giãn, khí công, tập thể dục, đi bộ thường xuyên. Ngoài ra nên luyện tập Yoga (các động tác Yoga cho vùng bụng dưới có thể có hiệu quả cho HCRKT).
  • Về châm cứu: chưa rõ ràng, còn đang được nghiên cứu.

Tâm lý liệu pháp:

  • Cần tạo sự tin cậy trong mối quan hệ giữa bệnh nhân và thầy thuốc. Thầy thuốc cần kiên nhẫn lắng nghe bệnh nhân, giải thích cho bệnh nhân hiểu tiên lượng khả quan của bệnh để bệnh nhân yên tâm, bớt lo lắng về bệnh tật.
  • Những bệnh nhân có stress nên gặp chuyên gia tâm lý, luyện tập thể dục, giải trí… Giảm stress có thể giúp giảm tần số và mức độ nghiêm trọng các triệu chứng bệnh HCRKT. Các liệu pháp: nhận thức hành vi trị liệu, thôi miên, thư giãn đã cho thấy có lợi ích.

Trên đây một số thông tin cần biết về Hội chứng ruột kích thích. a:care Việt Nam hy vọng những chia sẻ này hữu ích với bạn và gia đình. 

Tài liệu tham khảo

1. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, Symptoms & Causes of Irritable Bowel Syndrome. Available at: https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes (accessed 22.09.2020).

2. National Health Service, Symptoms: Irritable Bowel Syndrome (IBS). Available at: https://www.nhs.uk/conditions/irritable-bowel-syndrome-ibs/symptoms/ (accessed 22.09.2020).

3. Ballou S and Keefer L. The Impact of Irritable Bowel Syndrome on Daily Functioning: Characterizing and Understanding Daily Consequences of IBS. Neurogastroenterol Moil. 2017;29(4): doi:10.1111/nmo.12982.

4. National Institute of Diabetes and Digestive and Kidney Diseases, Definition & Facts for Irritable Bowel Syndrome. Available at: https://www.niddk.nih.gov/health-information/digestive-diseases/irritable-bowel-syndrome/definition-facts#types (accessed 22.09.2020).

5. Mayo Clinic, Irritable Bowel Syndrome. Available at: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/irritable-bowel-syndrome/symptoms-causes/syc-20360016#:~:text=Irritable%20bowel%20syndrome%20(IBS)%20is,need%20to%20manage%20long%20term (accessed 22.09.2020).

6. International Foundation for Gastrointestinal Disorders, Facts About IBS. Available at: https://www.aboutibs.org/facts-about-ibs.html (accessed 22.09.2020).

7. International Foundation for Gastrointestinal Disorders, IBS Treatment Options. Available at: https://www.aboutibs.org/treatment-main.html (accessed 25.09.2020).

8. Sperber AD, Bangdiwala SI, Drossman DA, Ghoshal UC, Simren M, Tack J, Whitehead WE, Dumitrascu DL, Fang X, Fukudo S, Kellow J. Worldwide prevalence and burden of functional gastrointestinal disorders, results of Rome Foundation global study. Gastroenterology. 2020 Apr 12.

9. Schmulson MJ, Drossman DA. What is new in Rome IV. Journal of neurogastroenterology and motility. 2017 Apr;23(2):151.

10. National Health Service, Diet, lifestyle and medicines: Irritable Bowel Syndrome (IBS). Available at: https://www.nhs.uk/conditions/irritable-bowel-syndrome-ibs/symptoms/ (accessed 28.10.2020).

11. Bowel Disorders-Gastroenterology 2016;150:1393–1407

VTM1291416 (v1.0)