Thuốc được sử dụng trong điều trị táo bón ở người cao tuổi

TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Chuyên gia viết bài: TTƯT.TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115
  • Ngày cập nhật: 27/4/2024

Với tốc độ già hóa dân số ngày nay, táo bón là vấn đề ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe người cao tuổi và cần được quan tâm hơn. Điều trị táo bón ở người cao tuổi đòi hỏi sự cẩn trọng, đặc biệt với những người nhiều bệnh nền (Đọc thêm: Điều trị táo bón ở người cao tuổi có bệnh nền)

Trong bài viết này chúng ta sẽ đào sâu vào các thuốc thường dùng trong điều trị táo bón ở người cao tuổi

1. Chất tạo khối

Chất tạo khối: methylcellulose, canxi polycarbophil,..là các polysaccharid, các dẫn xuất cellulose tự nhiên hoặc tổng hợp có tác dụng nhuận tràng bằng cách hấp thụ nước và tăng khối lượng phân, giúp tạo ra các cơn co thắt trong ruột. Tác dụng phụ phổ biến là đầy hơi hoặc đau bụng.

2. Thuốc trị táo bón theo cơ chế hút giữ nước, làm mềm phân

  • Lactulose: hiệu quả trong cải thiện tần suất và độ đặc của phân, phù hợp sử dụng lâu dài cho bệnh nhân táo bón mạn tính, táo bón ở người cao tuổi. Lactulose đến ruột ở dạng không đổi được vi khuẩn phân hủy thành acid béo chuỗi ngắn, giảm pH ruột, tăng áp lực thẩm thấu, giữ nước trong lòng ruột, giúp làm mềm phân. Lactulose không làm tăng đường huyết, sử dụng được cho bệnh nhân đái tháo đường. Có thể sử dụng để điều trị táo bón cho các đối tượng trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ có thai, cho con bú, suy thận, suy gan, đái tháo đường,..
TTƯT.TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
TTƯT.TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
  • Magnesi hydroxyd thẩm thấu giữ lại chất lỏng, làm căng đại tràng và tăng nhu động, thúc đẩy làm rỗng ruột, lưu ý tăng magne huyết khi dùng thuốc, chủ yếu gặp ở bệnh nhân suy thận.
  • Polyethylene glycol là chất không hấp thụ, không chuyển hóa, hiệu quả trong táo bón mạn tính, tuy nhiên ảnh hưởng lâu dài chưa được nghiên cứu rõ ràng. 
  • Natri phosphate: tháng 1 năm 2014 FDA cảnh báo có thể gây hại nghiêm trọng cho thận và tim và trong một số trường hợp có thể gây tử vong, sử dụng nhiều hơn liều khuyến cáo gây mất nước điện giải nghiêm trọng, nguy cơ cao ở bệnh nhân trên 55 tuổi; bệnh nhân bị mất nước; bệnh nhân bệnh thận, tắc ruột, viêm ruột; đang sử dụng các loại thuốc có ảnh hưởng đến chức năng thận.

3. Chất diện hoạt làm mềm phân (muối docusat,…)

Bổ sung nước vào phân, giúp giảm sức căng bề mặt của phân, cho phép nước dễ đi vào phân hơn, dễ sử dụng nhưng mất tác dụng khi sử dụng lâu dài, thường để dự phòng ngắn hạn (sau phẫu thuật).

4. Chất bôi trơn (dầu khoáng,…)

Tác dụng nhanh: bao phủ phân, giúp phân dễ dàng đi qua ruột, thường chỉ sử dụng để kiểm soát táo bón cấp tính hoặc bán cấp. Sử dụng lâu dài nguy cơ viêm phổi do lipid, tăng sản lympho, thiếu vitamin A, D, E và K.

5. Nhuận tràng kích thích (bisacodyl,…)

Tác động trực tiếp lên niêm mạc ruột hoặc đám rối thần kinh, kích thích tăng nhu động ruột.

Nhuận tràng kích thích (bisacodyl,...)

Nhóm này không thích hợp để điều trị táo bón mạn tính, táo bón ở người cao tuổi. Uống liên tục kéo dài có thể gây mất nước, hạ kali máu, mất trương lực ruột, tổn thương niêm mạc ruột, bệnh ruột mất protein, lệ thuộc thuốc,…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Black C.J., Ford A.C. Chronic idiopathic constipation in adults: Epidemiology, pathophysiology, diagnosis and clinical management. Med. J. Aust. 2018;209:86–91. [PubMed]
2.Steudle J. World J Gastrointest Pharmacol Ther 2018;9:22-30
3.WESSELIUS-DE CASPARIS, S. BRAADBAART, G. E. V.D. BERGH-BOHLKEN and M. MIMICA. Treatment of chronic constipation with lactulose syrup: results of a double-blind study. Gut, 1968, 9, 84-86.
4.Brooks M. FDA issues safety warning for sodium phosphate for constipation. January 8, 2014. Medscape from WebMD.
5.FDA Safety Announcement. FDA warns of possible harm from exceeding recommended dose of over-the-counter sodium phosphate products to treat constipation. US Food and Drug Administration. Available at http://www.fda.gov/Drugs/DrugSafety/ucm380757.htm. Accessed: January 13, 2014.
6.Taghavi SA, Shabani S, Mehramiri A, et al. Colchicine is effective for short-term treatment of slow transit constipation: a double-blind placebo-controlled clinical trial. Int J Colorectal Dis. 2010 Mar. 25(3):389-94. [Medline].
7.Casparis et al. Gut, 1968, 9, 84-86
8.Kasugai et al. J Gastroenterol (2019) 54:530 – 540.
9.Tse Y et al. Can J Gastroenterol Hepatol. 2017;2017:8612189.
10.Diabetes Care 30:1056–1061, 2007, Curr Treat Options Gastroenterol. 2017 December ; 15(4): 460–474, Scientific Reports | 6:33005 | DOI: 10.1038/srep33005
11.Journal of Nursing and Health Care, volume 35 no.3 : July – September 2017
12.Kidney Int Rep. 2020 Feb; 5(2): 121–134.

VTM1314064 (v1.1)