LÀM THẾ NÀO ĐỂ QUẢN LÝ TÁO BÓN Ở NGƯỜI CAO TUỔI

TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Chuyên gia viết bài: TTƯT.TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115
  • Ngày cập nhật: 27/4/2024

1. Người cao tuổi thường mắc táo bón

Táo bón là triệu chứng được xác định khi đại tiện ít hơn ba lần trong một tuần kèm theo cảm giác khó đi ngoài, phân cứng, đau khi đi đại tiện, cảm giác đi không hết phân,… đây là một trong những phàn nàn và là nguyên nhân người bệnh đến khám về chuyên khoa tiêu hóa phổ biến nhất. Đôi khi do e ngại hoặc do không quan tâm đúng mức, táo bón thường không được điều trị cho đến khi bệnh phát triển các biến chứng như rối loạn cơ vòng hậu môn trực tràng, sa trực tràng, trĩ,.. gây khó khăn và giảm hiệu quả điều trị. 

Trên toàn thế giới, khoảng 20% dân số bị táo bón, người Châu Mỹ và Châu Á tỷ lệ gấp đôi người Châu Âu; giới tính nữ, độ tuổi, trình độ học vấn có liên quan chặt chẽ đến tỷ lệ mắc bệnh táo bón. 

Đặc biệt ở người cao tuổi do chế độ ăn ít chất xơ, ít uống nước, ít vận động, ngại đi tiêu, suy giảm chức năng tiêu hóa, sử dụng nhiều loại thuốc,…tỷ lệ táo bón khá cao, chiếm 30% dân số và đặc biệt tỷ lệ này tăng >50% ở nhóm người cao tuổi sống trong viện dưỡng lão.

Người cao tuổi thường mắc táo bón

Ở người cao tuổi, táo bón chính là một trong những nguyên nhân gây loét trực tràng, tắc ruột, đại tiện không kiểm soát, sa trực tràng, nứt hậu môn, rò hậu môn, tổn thương sàn chậu ở phụ nữ,…Một thực trạng đáng ngại cũng được ghi nhận táo bón là yếu tố nguy cơ làm tăng tỉ lệ biến cố tim mạch, đột quỵ và tử vong ở người cao tuổi. 

Bệnh nhân cao tuổi táo bón thường tự dùng nhiều loại thuốc nhuận tràng dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc, đòi hỏi liều lượng ngày càng tăng, gây giảm trương lực ruột đồng thời có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm do hậu quả điều trị.

2. Thay đổi chế độ ăn uống

Chìa khóa để điều trị hầu hết các bệnh nhân táo bón là tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống, tăng lượng chất xơ và chất lỏng, giảm sử dụng các chất gây táo bón (cà phê, trà, rượu, gia vị,…). Ngoài chất xơ, các thành phần đường (sorbitol và fructose) từ các thực phẩm như táo, đào, lê, nho và các loại hạt cũng có lợi cho người bị táo bón. Lượng chất xơ được khuyến nghị là 20 đến 35 g/ngày.

Thay đổi chế độ ăn uống

Tuy nhiên chế độ ăn giàu chất xơ sẽ kém hiệu quả với một số táo bón do giảm vận chuyển đại tràng, rối loạn đại tiện và tắc nghẽn đường ra,…(là những nguyên nhân táo bón thường gặp ở người cao tuổi), đồng thời ở người cao tuổi chất xơ cũng có thể gây đầy hơi, chướng bụng dẫn đến việc tuân thủ điều trị kém. Vì vậy táo bón ở người cao tuổi có thể được điều chỉnh bằng cách bắt đầu bổ sung chất xơ một lượng nhỏ và tăng từ từ tùy theo mức độ dung nạp và hiệu quả. Đồng thời lựa chọn một loại thuốc kiểm soát táo bón hiệu quả & an toàn khi sử dụng lâu dài là tiêu chí điều trị táo bón ở người cao tuổi.

3. Hoạt động thể chất phù hợp

Tập thể dục giúp giảm táo bón bằng cách giảm thời gian thức ăn di chuyển qua đại tràng, ngoài ra tập thể dục còn giúp kích thích sự co bóp tự nhiên của các cơ trong ruột, giúp di chuyển phân ra ngoài nhanh hơn. Ở người cao tuổi việc tập thể dục đơn giản chỉ cần đi bộ 10 đến 15 phút/ lần, vài lần trong ngày hoặc chạy bộ, bơi lội,…là phù hợp.

Hoạt động thể chất phù hợp

4. Khi nào cần đi khám bác sĩ

Bệnh nhân táo bón nên đi khám bác sĩ khi có một trong các yếu tố sau:

  • Có máu trong phân 
  • Táo bón kèm theo đau bụng, buồn nôn, nôn,…
  • Sụt cân
  • Táo bón kéo dài 
  • Tiền sử gia đình có người thân bị ung thư đại tràng
  • Táo bón gây ảnh hưởng bệnh nền & làm giảm chất lượng cuộc sống
TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115
TS.BS. Lê Thị Tuyết Phượng
Trưởng khoa Nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân dân 115

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.US National Library of Medicine.Constipation.MedlinePlus. Updated: May 7, 2019; Accessed: July 5, 2019.
2.Peery AF, Crockett SD, Murphy CC, et al. Burden and cost of gastrointestinal, liver, and pancreatic diseases in the United States: update 2018. Gastroenterology. 2019 Jan. 156 (1):254-72.e11. [Medline].
3.Bharucha AE, Lacy BE. Mechanisms, evaluation, and management of chronic constipation. Gastroenterology. 2020 Apr. 158 (5):1232-49.e3. [Medline].
4.Peppas G, Alexiou VG, Mourtzoukou E, et al. Epidemiology of constipation in Europe and Oceania: a systematic review. BMC Gastroenterol. 2008 Feb 12. 8:5. [Medline].
5.Arco S et al. Gerontology 2022; 68: 397-406
6.Emmanuel A et al. Int J Clin Pract. 2017 Jan; 71.
7.De Marco S, Tiso D. Front Surg. 2021 Aug 18;8:729166. Guérin A et al. Aliment Pharmacol Ther. 2014 Jul; 40(1):83-92.
8.Sumida K et al. Atherosclerosis. 2019 Feb; 281:114-120.
9.De Giorgio R., Ruggeri E., Stanghellini V., Eusebi L.H., Bazzoli F., Chiarioni G. Chronic constipation in the elderly: A primer for the gastroenterologist. BMC Gastroenterol. 2015;15:1–3. doi: 10.1186/s12876-015-0366-3. [PubMed]
10.Vazquez Roque M, Bouras EP. Epidemiology and management of chronic constipation in elderly patients. Clin Interv Aging. 2015;10:919-930.

VTM1314062 (v1.0)