Những lầm tưởng về mãn kinh và lời đồn từ xa xưa, đâu mới là sự thật?

Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO). Cố vấn cấp cao – Bệnh viện Mỹ Đức. Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP Hồ Chí Minh (HOSREM). Nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.
  • Ngày cập nhật: 24/1/2024

Mục lục

  1. Lời đồn: Mãn kinh là khi không còn có kinh nguyệt
  2. Lời đồn: Mãn kinh tự nhiên bắt đầu ở tuổi 50
  3. Lầm tưởng: Thời kỳ mãn kinh đến nghĩa là tuổi già đã đến
  4. Lầm tưởng: Mãn kinh là một quá trình tự nhiên nên không cần điều trị
  5. Lầm tưởng: Thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh chỉ kéo dài một thời gian ngắn
  6. Lầm tưởng: Bốc hỏa là thường gặp, người khác chịu được mình cũng chịu được
  7. Lời đồn: Liệu pháp nội tiết mãn kinh mang đến nhiều nguy cơ
  8. Lời đồn: Liệu pháp nội tiết mãn kinh gây tăng cân
  9. Lời đồn: Thực phẩm chức năng có hiệu quả như liệu pháp nội tiết mãn kinh và an toàn hơn
  10. Lời đồn: Chị em sẽ không còn hứng thú tình dục sau khi mãn kinh
  11. Lời đồn: Phụ nữ sẽ không có thai trong thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh
  12. Lời đồn: Chị em phụ nữ sẽ có độ tuổi mãn kinh giống mẹ mình
  13. Lời đồn: Mãn kinh là thời điểm tăng cân
  14. Lời đồn: Đàn ông cũng có thời kỳ mãn kinh (mãn dục)

Mãn kinh là khoảng thời gian đặc biệt trong cuộc đời người phụ nữ, khi buồng trứng ngừng sản xuất trứng (nên không còn rụng trứng) và chu kỳ kinh nguyệt kết thúc. Thời kỳ mãn kinh thường không xảy ra đột ngột; hầu hết phụ nữ trải qua vài năm thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt trước khi dừng hẳn. 

Trong thời kỳ mãn kinh, nhiều phụ nữ có những triệu chứng và thay đổi trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp bao gồm bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng, đau nhức xương khớp, khó ngủ và khô âm đạo. Xem thêm tại: Tuổi mãn kinh – Một hành trình mới của người phụ nữ. Nguyên nhân là do nồng độ nội tiết sinh dục trong cơ thể giảm.

Lời đồn: Mãn kinh là khi không còn có kinh nguyệt

Trên thực tế, phụ nữ chưa thực sự mãn kinh cho đến khi không có kinh trong 12 tháng liên tiếp. Phụ nữ thường gặp phải kinh nguyệt không đều trong thời kỳ tiền mãn kinh, thời kỳ này có thể kéo dài tới 8 năm.

Lời đồn: Mãn kinh tự nhiên bắt đầu ở tuổi 50

Mỗi phụ nữ đều khác nhau và chưa có cách nào dự đoán chắc chắn độ tuổi mãn kinh của chị em. Tuy nhiên, tuổi mãn kinh tự nhiên thường từ 45 đến 55 tuổi đối với tất cả phụ nữ trên thế giới. Tuổi mãn kinh trung bình thay đổi tùy khu vực, ở Châu Á độ tuổi trung bình khoảng 49 tuổi

Độ tuổi mãn kinh cũng chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố, chẳng hạn như: 

  • Tuổi mãn kinh của người mẹ, 
  • Tuổi có kinh lần đầu, số lần mang thai, tuổi thai, 
  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều 
  • Chỉ số khối cơ thể
  • Sử dụng thuốc lá và rượu
  • Hoạt động thể chất
  • Phẫu thuật cắt buồng trứng
  • Nồng độ chì trong huyết thanh
  • Chế độ ăn nhiều chất béo không bão hòa
  • Điều kiện kinh tế xã hội
Tuổi mãn kinh tự nhiên thường từ 45-55 tuổi
Tuổi mãn kinh tự nhiên thường từ 45-55 tuổi

Lầm tưởng: Thời kỳ mãn kinh đến nghĩa là tuổi già đã đến.

Cũng như rất nhiều điều khác xảy ra trong cuộc sống, thái độ của mỗi người sẽ tạo ra sự khác biệt rất lớn. Hãy xem mãn kinh đơn giản chỉ là một sự thay đổi của cơ thể, là một hành trình mang đến những trải nghiệm, là thời điểm để phụ nữ quan tâm, chăm sóc, yêu thương bản thân mình nhiều hơn.

Những triệu chứng khi mãn kinh, thay đổi trong cuộc sống, hay không có kinh nguyệt là những trải nghiệm đáng được trân trọng! Tuy nhiên vẫn nhiều chị em còn tâm lý dè dặt, lảng tránh nên không quan tâm đến bản thân đúng mực, khiến cho thời gian mãn kinh, sau mãn kinh, cuộc sống không còn được chất lượng như những độ tuổi trước.

Các chị em đừng e ngại cũng đừng lo sợ, hãy cởi mở, chia sẻ, và nhờ giúp đỡ khi cần thiết. Trang bị thêm kiến thức về mãn kinh cũng như tuân thủ khám phụ khoa định kỳ sẽ giúp cho chị em có một thời kỳ mãn kinh khỏe mạnh, dễ chịu và vui tươi.

Mãn kinh đơn giản chỉ là một sự thay đổi của cơ thể
Mãn kinh đơn giản chỉ là một sự thay đổi của cơ thể

Lầm tưởng: Mãn kinh là một quá trình tự nhiên nên không cần điều trị.

Tuy mãn kinh là một trải nghiệm tự nhiên của người phụ nữ, ai cũng sẽ gặp phải, nhưng chị em và cả bạn đời đều không nên chủ quan xem nhẹ quá trình này, bởi vì ở một số chị em, mãn kinh ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe thể chất, tinh thần, và chất lượng cuộc sống.

Triệu chứng trong giai đoạn quanh có thể làm:

  • Giảm khả năng tập trungchất lượng công việc: kém tập trung
  • Ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần: thay đổi tâm trạng, lo lắng, căng thẳng, mất tự tin
  • Ảnh hưởng đến làn da: giảm độ đàn hổi, da khô hơn, giảm hàng rào bảo vệ,…
  • Ảnh hưởng đến sinh hoạt vợ chồng: niêm mạc âm đạo teo mỏng, khô, nên quan hệ tình dục gây đau, rát…
  • Thường bị tiểu gắt, buốt do viêm nhiễm trùng, tiểu không tự chủ…… 
  • Nguy cơ gặp phải các bệnh lý tuổi mãn kinh như bệnh tim mạch, loãng xương, sa sút trí tuệ.

Xem thêm: Tuổi mãn kinh có thể đến sớm hơn bạn nghĩ, lắng nghe cơ thể để bảo vệ tốt hơn

Như vậy, với các trường hợp mà triệu chứng tiền mãn kinh – mãn kinh tác động nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, việc dự phòng và điều trị là cần thiết cho chị em phụ nữ thay vì âm thầm chịu đựng.

Lầm tưởng: Thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh chỉ kéo dài một thời gian ngắn

Đối với hầu hết phụ nữ, thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh diễn ra trong nhiều năm. Tiền mãn kinh bắt đầu khi buồng trứng giảm sản xuất estrogen và progesterone. Tốc độ giảm hàm lượng estrogen và progesterone thay đổi rất nhiều tùy từng người.

Thời gian thường diễn ra trong khoảng vài năm nhưng có thể kéo dài tới 14 năm. Thời gian tiền mãn kinh-mãn kinh có thể phụ thuộc vào yếu tố lối sống như hút thuốc, chủng tộc và sắc tộc.

Thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh diễn ra trong nhiều năm
Thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh diễn ra trong nhiều năm

Lầm tưởng: Bốc hỏa là thường gặp, người khác chịu được mình cũng chịu được

Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn bốc hỏa khác nhau ở phụ nữ. Có những người gặp những cơn bốc hỏa nhẹ, thoáng qua, nhưng cũng có những người cơn bốc hỏa ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống hàng ngày, gây mất ngủ ban đêm, tâm lý căng thẳng khó chịu, giảm hiệu suất công việc. 

Bốc hỏa có thể kéo dài từ sáu tháng đến vài năm. Có những giải pháp có thể giúp giảm bớt triệu chứng và sự khó chịu bốc hỏa mang lại. 

Ở những phụ nữ gặp cơn bốc hỏa, hay các triệu chứng mãn kinh khác ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì nên chủ động đi khám bác sĩ sản phụ khoa. Bác sĩ có thể tư vấn liệu pháp nội tiết mãn kinh để giúp các chị em giảm bớt các triệu chứng, trải qua thời kỳ mãn kinh một cách nhẹ nhàng, thoải mái.

Lời đồn: Liệu pháp nội tiết mãn kinh mang đến nhiều nguy cơ

Điều quan trọng mà chị em cần hiểu là không có loại thuốc, hoặc phương pháp điều trị y tế nào mà không có những nguy cơ khi sử dụng, ngay cả các loại thuốc bổ, các sinh tố. Tuy nhiên, khả năng gặp nguy cơ sẽ khác nhau ở mỗi người, mỗi loại thuốc. 

Đừng vội quy chụp bất cứ điều gì, hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết thêm thông tin. Một liệu pháp phù hợp, với nhiều lợi ích, tỷ lệ tác dụng phụ thấp sẽ giúp ích nhiều cho các chị em.

Liệu pháp nội tiết mãn kinh thường dùng để điều trị các cơn bốc hỏa và các triệu chứng khác của mãn kinh. Phần lớn phụ nữ có triệu chứng mãn kinh khi dưới 60 tuổi, hoặc thời gian kể từ khi bắt đầu mãn kinh dưới 10 năm sẽ được nhiều lợi ích từ liệu pháp này.

GS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
GS.TS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng
Phó chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO)
Cố vấn cấp cao – Bệnh viện Mỹ Đức
Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP Hồ Chí Minh (HOSREM)
Nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ.

Ngoài ra, liệu pháp nội tiết giúp cải thiện mật độ khoáng xương, do đó khi sử dụng để điều trị triệu chứng mãn kinh, liệu pháp còn giúp phòng ngừa loãng xương. Trao đổi, thảo luận với bác sĩ để được tư vấn kỹ hơn sẽ giúp các chị em cân nhắc và cùng bác sĩ quyết định chọn lựa một  liệu pháp phù hợp cho riêng mình.

Xem thêm: Liệu pháp nội tiết mãn kinh, nhẹ nhàng cùng bạn bước vào tuổi mãn kinh

Lời đồn: Liệu pháp nội tiết mãn kinh gây tăng cân

Chưa có bằng chứng nào cho thấy liệu pháp nội tiết mãn kinh ảnh hưởng đến cân nặng. Một số liệu pháp nội tiết với loại hormone nhất định thậm chí có thể giúp giảm tích lũy mỡ vùng bụng, ngăn ngừa tăng cân quá nhiều

Tuy vậy, thời kỳ mãn kinh dễ dẫn đến tăng cân do thay đổi quá trình trao đổi chất, giảm khối lượng cơ, ít vận động. Duy trì vận động và tập thể dục song song với một chế độ dinh dưỡng tốt rất quan trọng với các chị em để duy trì cân nặng phù hợp.

Duy trì vận động rất quan trọng để duy trì cân nặng phù hợp.

Lời đồn: Thực phẩm chức năng có hiệu quả như liệu pháp nội tiết mãn kinh và an toàn hơn

Liệu pháp nội tiết vẫn là cách hiệu quả nhất để kiểm soát các triệu chứng mãn kinh. Một số thực phẩm chức năng và liệu pháp bổ sung được quảng cáo là tự nhiên và an toàn mà chưa có bằng chứng khoa học xác thực. 

Bên cạnh đó, những ai không phù hợp với liệu pháp nội tiết mãn kinh cũng nên tránh một số sản phẩm bổ sung và thực phẩm chức năng nhất định

Thường khó biết về độ an toàn của các loại thực phẩm chức năng khi mua trên mạng. Hãy trao đổi và nhờ bác sĩ tư vấn thêm về các loại thực phẩm chức năng hoặc liệu pháp bổ sung phù hợp.

Lời đồn: Chị em sẽ không còn hứng thú tình dục sau khi mãn kinh.

Trên thực tế, một số phụ nữ cho biết ham muốn tình dục tăng lên trong thời kỳ mãn kinh, do cảm thấy tự do hơn và vơi bớt nỗi sợ mang thai ngoài ý muốn.

Tuy nhiên, nhiều phụ nữ bị khô âm đạo dẫn đến khó khăn khi quan hệ tình dục, và có thể gây nhiễm trùng âm đạo hoặc đường tiểu.  Các phương pháp điều trị như kem bôi trơn và dưỡng ẩm, liệu pháp nội tiết mãn kinh,… thường giúp ích trong các trường hợp này. Chị em có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp.

Lời đồn: Chị em sẽ không còn hứng thú tình dục sau khi mãn kinh.

Lời đồn: Phụ nữ sẽ không có thai trong thời kỳ tiền mãn kinh-mãn kinh

Khả năng sinh sản của chị em chưa hẳn sẽ mất đi khi ngừng có kinh lần đầu. Đúng là phụ nữ sẽ ít khả năng thụ thai hơn sau tuổi 45, nhưng không phải chắc chắn sẽ không mang thai trong thời kỳ tiền mãn kinh. Để đảm bảo an toàn, bác sĩ khuyên sử dụng biện pháp tránh thai cho đến khi không có kinh nguyệt trong suốt một năm

Một số phụ nữ vẫn có thể có thai sau khi mãn kinh, nếu sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản chuyên biệt. 

Trong trường hợp rất hiếm, phụ nữ có thể mang thai tự nhiên sau nhiều năm mãn kinh.

Lời đồn: Chị em phụ nữ sẽ có độ tuổi mãn kinh giống mẹ mình

Gen đóng một vai trò quan trọng khi nữ giới trải qua thời kỳ mãn kinh. Nhưng các yếu tố khác cũng quan trọng không kém. 

Những người hút thuốc bắt đầu thời kỳ mãn kinh trung bình sớm hơn 2 năm so với những người không hút thuốc. Nếu mắc bệnh tự miễn hoặc đã điều trị hóa trị, chị em cũng có nhiều khả năng mãn kinh sớm hơn.

Gen đóng một vai trò quan trọng khi nữ giới trải qua thời kỳ mãn kinh
Gen đóng một vai trò quan trọng khi nữ giới trải qua thời kỳ mãn kinh

Lời đồn: Mãn kinh là thời điểm tăng cân.

Mặc dù thay đổi nội tiết trong thời kỳ mãn kinh là thủ phạm làm chị em dễ tăng cân, nhưng không phải ai cũng gặp tình trạng trên. 

Sự thật là sau một độ tuổi nhất định, việc kiểm soát cân nặng ở phụ nữ sẽ khó khăn hơn trước. Tuy nhiên, nếu duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, phù hợp và thói quen tập thể dục đều đặn, cân nặng của chị em có thể được duy trì trong thời kỳ mãn kinh.

Lời đồn: Đàn ông cũng có thời kỳ mãn kinh (mãn dục)

Thông thường, nam giới sẽ giảm testosterone khi có tuổi, nhưng “thời kỳ mãn kinh (mãn dục)” ở nam giới hoàn toàn không giống như ở nữ giới.
Nồng độ testosterone giảm dần khi nam giới già đi, nhưng không giảm nhanh như estrogen ở phụ nữ. Vì thế không có nhiều “thay đổi” hay triệu chứng ở nam giới.

Hy vọng bài viết trên a:care mang lại những thông tin hữu ích, làm sáng rỏ thêm những hiểu lầm thường gặp về thời kỳ mãn kinh của phụ nữ. Việc hiểu rõ hơn về thời kỳ mãn kinh không chỉ làm giảm bớt tâm lý lo lắng, dè dặt, mà còn giúp phụ nữ chuẩn bị cho những thay đổi của cơ thể một cách tích cực và tự tin hơn. Mãn kinh là một phần tự nhiên của cuộc sống và là thời kỳ để trải nghiệm cuộc sống một cách trọn vẹn. Hãy đón nhận và tiếp tục chăm sóc bản thân một cách toàn diện trong thời kỳ này.

Tài liệu tham khảo:

1.UpToDate. www.uptodate.com. https://www.uptodate.com/contents/menopause-beyond-the-basics

2.Myths About Menopause. WebMD. https://www.webmd.com/menopause/ss/slideshow-menopause-myths

3.Ceylan B, Özerdoğan N. Factors affecting age of onset of menopause and determination of quality of life in menopause. Journal of Turkish Society of Obstetric and Gynecology. 2015;12(1):43-49. doi:10.4274/tjod.79836

4.What Is Menopause? National Institute on Aging. Published September 30, 2021. https://www.nia.nih.gov/health/menopause/what-menopause

5.Lugo T, Tetrokalashvili M. Hot Flashes. PubMed. Published 2023. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/30969649/

6.Mahajan A, Patni R. Hot Flashes–How long ?? Journal of Mid-life Health. 2018;9(2):53. doi:10.4103/jmh.jmh_71_18

7.Stuenkel CA, Davis SR, Gompel A, et al. Treatment of Symptoms of the Menopause: An Endocrine Society Clinical Practice Guideline. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism. 2015;100(11):3975-4011. doi:10.1210/jc.2015-2236

8.Gambacciani M, Levancini M. Featured Editorial Hormone replacement therapy and the prevention of postmenopausal osteoporosis. Menopausal Review. 2014;13(4):213-220. doi:10.5114/pm.2014.44996

9.Does Hormone Replacement Therapy (HRT) Cause Weight Gain or Loss? MedicineNet. Accessed December 12, 2023. https://www.medicinenet.com/hormone_replacement_therapy_cause_weight_gain_loss/article.htm#:~:text=While%20menopause%20may%20lead%20to

10.Hormone replacement therapy has no effect on body weight and cannot prevent weight gain at menopause. www.cochrane.org. Accessed December 12, 2023. https://www.cochrane.org/CD001018/MENSTR_hormone-replacement-therapy-has-no-effect-on-body-weight-and-cannot-prevent-weight-gain-at-menopause.

11.Maintaining your weight and health during and after menopause – Australasian Menopause Society. www.menopause.org.au. Accessed December 12, 2023. https://www.menopause.org.au/health-info/fact-sheets/maintaining-your-weight-and-health

12.Stuart A. Menopause, Weight Gain, and Exercise Tips. WebMD. Accessed December 12, 2023. https://www.webmd.com/menopause/menopause-weight-gain-and-exercise-tips

13.9 myths and misunderstandings about MHT – Australasian Menopause Society. www.menopause.org.au. https://www.menopause.org.au/health-info/fact-sheets/9-myths-and-misunderstandings-about-mht

14.Boost Your Fertility: Ovulation Calculator, Pregnancy Planning and More. MedicineNet. https://www.medicinenet.com/ovulation_and_fertility_pictures_slideshow/article.htm

15.Attarha M, Mirsafi R. Postmenopausal pregnancy: A case report. Iranian Journal of Nursing and Midwifery Research. 2020;25(3):260. doi:10.4103/ijnmr.ijnmr_94_19

VTM1302471 (v1.1)