Mãn kinh là gì?
Một quá trình tự nhiên
Mãn kinh ở phụ nữ là một quá trình tự nhiên, được định nghĩa là tình trạng không còn kinh nguyệt trong 12 tháng1. Tiền mãn kinh (giai đoạn trước mãn kinh) và hậu mãn kinh (giai đoạn sau mãn kinh) dẫn đến những thay đổi đáng kể trong cân bằng nội tiết tố ở cơ thể phụ nữ, cụ thể là giảm nồng độ estrogen và progesterone 2. Estrogen giúp điều hòa hoạt động của nhiều cơ quan và hệ thống, bao gồm não, cơ quan sinh dục, xương, cơ, mạch máu và da3. Suy giảm nồng độ estrogen ở phụ nữ có tác động rất lớn đến cơ thể và thường đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng như bốc hỏa hoặc đau khớp, có thể kéo dài đến 12 năm.2
Progesterone là nội tiết tố chịu trách nhiệm giúp tử cung chuẩn bị cho quá trình mang thai và được sản xuất vào nửa sau của chu kỳ kinh nguyệt sau khi rụng trứng4. Thời kỳ mãn kinh cũng đánh dấu bằng việc kết thúc độ tuổi sinh đẻ, có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý phụ nữ và gia đình.
Mặc dù thời kỳ mãn kinh là giai đoạn tự nhiên và không thể tránh khỏi, việc tìm hiểu cơ chế, hậu quả tiềm ẩn cũng như cách đối phó với cột mốc đặc biệt này trong cuộc đời người phụ nữ là điều vô cùng quan trọng để duy trì tốt chất lượng cuộc sống. Trao đổi với bác sĩ và các thành viên trong gia đình là một bước quan trọng trong việc quản lý thời kỳ mãn kinh.
Hậu quả của mãn kinh đối với sức khỏe phụ nữ
Ngoài các triệu chứng thường gặp, mãn kinh có thể khiến phụ nữ phải đối mặt những vấn đề sức khỏe nguy hiểm. Mất cân bằng nội tiết tố sinh dục trong cơ thể ngăn buồng trứng sản xuất ra estrogen và ngăn phóng thích trứng (rụng trứng) mỗi tháng.
Các vấn đề không được giải quyết có thể dẫn đến nhiều hậu quả như:
- Loãng xương: Phụ nữ ở thời kỳ hậu mãn kinh dễ bị loãng xương nguyên phát vì loãng xương có liên quan mật thiết đến thiếu hụt estrogen. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, sự sụt giảm estrogen khiến mật độ xương tiêu hủy cao hơn mật độ xương hình thành, từ đó có thể dẫn đến loãng xương5. Tỷ lệ loãng xương ở phụ nữ hậu mãn kinh có thể lên tới 10%, hay nói cách khác, cứ 10 phụ nữ ở giai đoạn hậu mãn kinh thì có tới 1 người có thể bị loãng xương 14. Loãng xương khiến xương yếu đi, do đó có nguy cơ gãy xương cao hơn. Bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến cổ tay, hông và cột sống15.
- Bệnh tim mạch: Ở phụ nữ mãn kinh, huyết áp bắt đầu tăng. Nồng độ cholesterol LDL (cholesterol “xấu”) có xu hướng tăng, trong khi HDL (cholesterol “tốt”) giảm hoặc giữ nguyên. Triglyceride, một số loại chất béo trong máu, cũng tăng lên. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến các biến cố tim mạch6.
- Bệnh Alzheimer: Ở phụ nữ, estrogen chịu trách nhiệm cho chức năng não bộ; do đó, estrogen giảm có thể làm thay đổi hoạt động của não bộ. Phụ nữ dễ mắc bệnh Alzheimer hơn (khoảng 2/3 số bệnh nhân Alzheimer là phụ nữ7), và một số nhà nghiên cứu đã cho thấy nguy cơ mắc bệnh cao hơn nếu tình trạng mãn kinh không được giải quyết8.
- Các vấn đề về nhận thức và tâm lý như trầm cảm hoặc lo lắng.
- Thay đổi về da: Estrogen có vai trò rất quan trọng giúp giữ cho làn da khỏe mạnh. Khi nồng độ estrogen giảm theo thời kỳ mãn kinh, nhiều thay đổi về da xảy ra như da khô, teo cơ, nếp nhăn và vết thương lâu lành9. Nồng độ estrogen thấp còn khiến da bị lão hóa.
- Sức khỏe tình dục: Mặc dù khô âm đạo và đau rát khi quan hệ có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, nhưng tình trạng này xảy ra nhiều hơn ở phụ nữ đang trong thời kỳ mãn kinh13. Khi nồng độ estrogen trong cơ thể phụ nữ suy giảm, các mô ở âm đạo trở nên khô hơn, dẫn đến âm đạo bị khô và đau rát khi quan hệ13.
Để khắc phục tất cả những hậu quả tiềm ẩn, bạn nên trao đổi với bác sĩ về tình trạng mãn kinh và lên phương án điều trị. Các giải pháp sẽ giúp bạn vượt qua giai đoạn này và có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn.

Mãn kinh sớm
Thời kỳ mãn kinh thường xảy ra vào khoảng độ tuổi 50 tuổi, thông thường là 45 – 5510 tuổi. Khoảng 1% phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh trước 40 tuổi, đây được gọi là mãn kinh sớm11. Phụ nữ mãn kinh sớm có thể mắc các bệnh về thần kinh, rối loạn chức năng tâm lý, rối loạn tâm trạng, loãng xương, thiếu máu cơ tim và vô sinh11. Nguyên nhân dẫn đến mãn kinh sớm không phải lúc nào cũng rõ ràng, nhưng các bệnh tự miễn, quai bị, hút thuốc, xạ trị và hóa trị, phẫu thuật buồng trứng hoặc liệu pháp nội tiết giải phóng gonadotropin kéo dài đôi khi có thể là nguyên nhân tiềm ẩn11.
Nếu bị mãn kinh sớm, bạn cần đến gặp bác sĩ ngay để xác định nguyên nhân và lên phương án điều trị. Phụ nữ mãn kinh sớm có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và loãng xương11. Nếu bạn thường xuyên gặp các triệu chứng mãn kinh, hãy liên hệ với chuyên gia y tế và yêu cầu hỗ trợ.
- Tài liệu tham khảo:Harlow SD, Paramsothy P. Menstruation and the menopausal transition. Obstet Gynecol Clin North Am. 2011;38(3):595-607
- U.S. Department of Health & Human Services, Menopause, Accessed October 18, 2020 https://www.womenshealth.gov/menopause/menopause-basics#1
- Sacks D., Freeborn D., Cunningham L., Low Estrogen Levels in Menopause, University of Rochester Medical School, Accessed October 18, 2020, https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=85&ContentID=P00559
- Haldeman-Englert C., Foley M., Turley R., Progesterone, University of Rochester Medical School, October 18, 2020, https://www.urmc.rochester.edu/encyclopedia/content.aspx?ContentTypeID=167&ContentID=progesterone
- Ji MX, Yu Q. Primary osteoporosis in postmenopausal women. Chronic Dis Transl Med. 2015;1(1):9-13.
- American Heart Association, Menopause and Heart Disease, Accessed October 18, 2020, https://www.heart.org/en/health-topics/consumer-healthcare/what-is-cardiovascular-disease/menopause-and-heart-disease
- Carrillo M., Alzheimer’s Association, Why Does Alzheimer’s Disease Affect More Women Than Men? New Alzheimer’s Association Grant Will Help Researchers Explore That Question, https://www.alz.org/blog/alz/february_2016/why_does_alzheimer_s_disease_affect_more_women_tha, February 11, 2016, Accessed October 18, 2020,
- Ratnakumar A, Zimmerman S, Jordan B, Mar J. Estrogen activates Alzheimer’s disease genes. Alzheimers Dement (N Y). 2019;5:906-917.
- Rzepecki AK, Murase JE, Juran R, Fabi SG, McLellan BN. Estrogen-deficient skin: The role of topical therapy. Int J Womens Dermatol. 2019 Mar 15;5(2):85-90.
- Johnson A, Roberts L, Elkins G. Complementary and alternative medicine for menopause. J Evid Based Integr Med. 2019;24.
- Okeke T, Anyaehie U, Ezenyeaku C. Premature menopause. Ann Med Health Sci Res. 2013;3(1):90-95.
- NHS. Menopause – Symptoms. https://www.nhs.uk/conditions/menopause/symptoms/#:~:text=Symptoms%20usually%20start%20a%20few,for%20up%20to%2012%20years, Accessed October 18, 2020
- Harvard Health Publishing, Don’t ignore vaginal dryness and pain, https://www.health.harvard.edu/womens-health/dont-ignore-vaginal-dryness-and-pain, March 2019, October 18, 2020
- Tian L, Yang R, Wei L, et al. Prevalence of osteoporosis and related lifestyle and metabolic factors of postmenopausal women and elderly men: A cross-sectional study in Gansu province, Northwestern of China. Medicine (Baltimore). 2017;96(43):e8294.
- NHS, Overview-Osteoporosis, https://www.nhs.uk/conditions/osteoporosis/, Published June 2019, October 18, 2020