Vì sao táo bón tái đi tái lại ở người cao tuổi? Giải đáp từ chuyên gia

PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng
Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh / Phó Chủ tịch Hội Gan mật Thành phố Hồ Chí Minh (HASLD)
  • Ngày cập nhật: 25/09/2023

1. Vì sao người cao tuổi hay bị táo bón? 

Một số nguyên nhân làm tăng nguy cơ táo bón ở người cao tuổi bao gồm: 

  • Ít vận động, chế độ ăn uống không đủ nước và chất xơ
  • Cơ bụng, cơ sàn chậu bị yếu do tuổi cao
  • Giảm nhạy cảm trực tràng, giảm nhu động ruột 
  • Mắc một số bệnh mạn tính có thể gây ra táo bón (đái tháo đường, đột quỵ, bệnh Parkinson, hội chứng ruột kích thích,…)
  • Sử dụng nhiều thuốc do nhiều bệnh phối hợp (một số thuốc gây táo bón như thuốc giảm đau, thuốc hạ huyết áp, thuốc chống loạn thần, thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng dị ứng…) 
  • Ngoài ra, các yếu tố tâm lý, xã hội và hành vi có thể góp phần gia tăng tình trạng táo bón ở người cao tuổi.
người cao tuổi hay bị táo bón
Do một số nguyên nhân sinh lý và bệnh lý, người cao tuổi dễ bị táo bón hơn

2. Táo bón để lâu không điều trị sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào? 

Táo bón để lâu không điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng và gây đau ở vùng hậu môn-trực tràng, bao gồm đau tức hậu môn, nứt hậu môn, trĩ, chảy máu trực tràng, sa trực tràng và ứ phân

Ứ phân là hậu quả của tình trạng táo bón lâu ngày, khi phân không được tống ra ngoài, tích tụ trong ruột ngày càng nhiều. Phân lỏng và chất nhầy từ đại tràng phía trên có thể len qua khối phân cứng bị kẹt và rỉ dịch ra ngoài, gây nên tình trạng đi tiêu không tự chủ, dễ bị nhầm lẫn với tiêu chảy. Trong trường hợp nghiêm trọng, phân vón cục có thể gây loét trực tràng, tắc ruột hoặc thủng ruột

Ngoài ra, người bệnh bị táo bón mạn tính có tỷ lệ biến cố tim mạch, đột quỵ, ung thư đại trực tràng, và tử vong tăng cao hơn so với người không bị táo bón mạn tính.

3. Những phương pháp điều trị nào phù hợp cho người cao tuổi?

Hầu hết người bệnh được bắt đầu điều trị bằng cách thay đổi lối sống, chẳng hạn như khuyến khích uống nhiều nước hơn, ăn nhiều chất xơ, và tập thói quen đi vệ sinh… Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện, bước tiếp theo trong điều trị táo bón là sử dụng thuốc nhuận tràng. Bơm thụt chỉ nên được sử dụng để giải quyết nhất thời tình trạng ứ phân, không phải là điều trị ưu tiên lựa chọn điều trị táo bón ở người cao tuổi.

phương pháp điều trị táo bón cho người cao tuổi
Thay đổi lối sống là bước đầu cần thực hiện để cải thiện các triệu chứng

4. Thay đổi lối sống như thế nào để giảm bớt táo bón?

Uống đủ nước 

Người cao tuổi cần khuyến khích tập uống nước thường xuyên hơn, mỗi ngày uống khoảng 1.500-1.700 mLmỗi lần uống 50-100 mL, chủ động uống trước khi thấy khát. 

Ăn đủ chất xơ, hạn chế một số thực phẩm gây táo bón

Cung cấp đủ chất xơ là nền tảng để kiểm soát táo bón, lượng chất xơ cơ thể cần sử dụng mỗi ngày từ 25-30 g. Tuy nhiên, thực phẩm giàu chất xơ thường kém ngon, và khi tuổi cao, chức năng nhai cũng bị suy giảm; vì vậy, thức ăn nên được nấu mềm, nấu ngon để dễ ăn hơn. 

Một số loại trái cây giàu chất xơ có thể kể đến như lê, táo, cam, bưởi.

Một số loại thực phẩm người cao tuổi cần hạn chế vì có thể dễ gây táo bón như đồ ngọt, pho mát, kem, bánh ngọt, bánh quy, thịt nhiều chất béo, thực phẩm đông lạnh hoặc đóng gói. 

Vận động nhiều hơn, giảm căng thẳng 

Thiếu hoạt động thể chất có thể dẫn đến táo bón, đặc biệt ở người cao tuổi. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp đi tiêu đều đặn hơn, trong khi lười vận động khiến cơ thể dễ bị táo bón hơn. 

Căng thẳng cũng có thể gây táo bón do làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển qua ruột. Hãy thử thiền, hít thở sâu, nghe nhạc, cố gắng ngủ đủ giấc để giữ tinh thần thoải mái, thư giãn, và hạn chế căng thẳng. 

người cao tuổi vận động
Tập thể dục thường xuyên, hợp lý giúp người cao tuổi đi tiêu đều đặn hơn

Luyện tập thói quen đi đại tiện

Nếu cảm thấy muốn đi đại tiện, cần đi ngay không nín nhịn vì càng để lâu, phân sẽ rắn lại và khó đi hơn.Thời điểm tốt nhất để đi đại tiện thường là trong vòng 2 giờ đầu sau khi thức dậysau bữa ăn sáng. Người bệnh nên luyện tập thói quen đi vệ sinh đúng giờ, thường là 30 phút sau bữa ănrặn không quá năm phút. Người bệnh cần tập trung khi đi tiêu, giảm sự gián đoạn hoặc các tác động từ bên ngoài. Khi đi tiêu nên nâng bàn chân lên cao bằng 1 ghế đẩu hoặc dùng bàn cầu thấp.

5. Có những loại thuốc điều trị táo bón nào?

Các loại thuốc điều trị táo bón thường dùng bao gồm:

Nhuận tràng thẩm thấu (phân ngấm nước sẽ mềm và được tống xuất ra ngoài dễ dàng hơn)

Nhuận tràng tạo khối phân (chất xơ làm tăng khối lượng phân gây kích thích nhu động)

Nhuận tràng kích thích

Thuốc làm mềm phân, bơm thụt, viên đặt trực tràng

Ngoài ra còn một số loại thuốc khác có thể được sử dụng

6. Loại nào phù hợp hơn cho người cao tuổi? 

Sau khi thay đổi lối sống kết hợp với quản lý tốt các bệnh nền, tối ưu việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh đồng mắc nhưng tình trạng táo bón vẫn không cải thiện thì loại thuốc được lựa chọn ưu tiên cho người cao tuổi là thuốc nhuận tràng thẩm thấu

Người cao tuổi khi bị táo bón nên đi khám sớm để được tư vấn loại thuốc phù hợp và loại trừ các bệnh lý ung thư đường tiêu hóa. Một số loại thuốc không kê đơn để điều trị táo bón mua tại nhà thuốc cũng có hiệu quả.

tư vấn với các bác sĩ để tìm phương pháp thích hợp
Tư vấn sớm với các bác sĩ/dược sĩ để tìm được phương pháp phù hợp

7. Nhuận tràng thẩm thấu là gì?

Nhuận tràng thẩm thấu là thuốc điều trị táo bón bằng cách hút nước vào trong phân, làm cho phân mềm hơn, giúp đi tiêu thường xuyên và dễ dàng hơn

Nhiều khuyến cáo điều trị khuyên dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu vì tính hiệu quả, giá thành hợp lý, ít tác dụng phụ, ít tương tác thuốc, đặc biệt ở người cao tuổi khi dùng chung với các thuốc khác.Thuốc nhuận tràng thẩm thấu có thể được sử dụng dài ngày cho bệnh nhân táo bón mạn tính. Một số thuốc loại này cũng giúp tăng cường lợi khuẩn đường ruột, cải thiện khả năng tiêu hóa. Người bệnh cần trao đổi thêm với bác sĩ/dược sĩ để được tư vấn phù hợp.

8. Một số lưu ý khi dùng thuốc nhuận tràng chữa táo bón 

Có đến 85% trường hợp táo bón đi khám bác sĩ được chỉ định thuốc nhuận tràng. Vì vậy, sử dụng thuốc nhuận tràng đúng cách là rất quan trọng. Hầu hết các thuốc nhuận tràng đều an toàn khi được sử dụng phù hợp và đúng cách ở những người không có chống chỉ định.

Nhuận tràng thẩm thấuNgười bệnh cần uống nhiều nước sau khi sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu, không chỉ để thuốc nhuận tràng có hiệu quả mà còn giảm tình trạng đầy bụng, chướng hơi.

uống đủ nước để phòng ngừa táo bón
Uống đủ lượng nước cần thiết vừa giúp thuốc đạt hiệu quả vừa giúp giảm tác dụng phụ

Nhuận tràng kích thích

Không sử dụng thuốc nhuận tràng kích thích hàng ngày hoặc thường xuyên. Loại thuốc nhuận tràng này có thể làm suy yếu khả năng đại tiện tự nhiên của cơ thể và gây ra tình trạng phụ thuộc thuốc nhuận tràng. 

9. Kiểm soát táo bón đúng cách ở người cao tuổi

Bác NMQ, 67 tuổi thường bị táo bón tái lại nhiều lần, ăn nhiều rau xanh và uống nhiều nước nhưng không cải thiện. Bác có bệnh nền là đái tháo đường, tăng huyết áp, hiện đang được điều trị bằng thuốc uống. Mỗi khi bị táo bón Bác Q thường mua bơm thụt để giải quyết nhanh. Lần bị táo bón mới đây khi sử dụng thuốc thụt Bác cảm thấy bị đau rát hậu môn khiến việc đi ngoài rất khó khăn.

Sau khi đi khám tại khoa tiêu hóa bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, bác Q được chỉ định sử dụng thuốc dạng dung dịch uống, uống 1 gói x 3 lần/ngày để điều trị táo bón trong một tháng. Bác cũng được kê một số thuốc khác để điều trị tình trạng viêm nhiễm ở hậu môn do dùng thuốc thụt dài ngày gây ra. Bác vẫn dùng thuốc điều trị tăng huyết áp và đái tháo đường như bình thường mà không bị gián đoạn. Sau khi sử dụng thuốc nhuận trường khoảng 2 ngày, Bác Q đã đi ngoài được dễ dàng, phân mềm; sau một tuần thì không còn bị đau rát hậu môn nữa. Bác tái khám theo lịch hẹn và được sử dụng thuốc điều trị táo bón duy trì. Bác dùng thuốc và thay đổi lối sống theo lời khuyên của bác sĩ, vận động nhiều hơn, hạn chế những thực phẩm dễ gây táo bón, ăn uống khoa học hơn, và tập thói quen đi vệ sinh hằng ngày.

tư vấn của PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng
PGS.TS.BS Bùi Hữu Hoàng
Trưởng khoa Nội Tiêu hóa Bệnh viện Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Phó Chủ tịch Hội Gan mật Thành phố Hồ Chí Minh (HASLD)
Trưởng Ban Đào tạo – Ban Chấp hành Hội Gan mật Việt Nam (VASLD)
Giảng viên cao cấp Bộ môn Nội Trường Đại học Y Dược TPHCM

Tài liệu tham khảo:

1. Mari A, Mahamid M, Amara H, Baker FA, Yaccob A. Chronic Constipation in the Elderly Patient: Updates in Evaluation and Management. Korean Journal of Family Medicine. 2020;41(3):139-145.

2. Rao S, Go. Update on the management of constipation in the elderly: new treatment options. Clinical Interventions in Aging. 2010;5:163. 

3. Mounsey A, Raleigh M, Wilson A. Management of Constipation in Older Adults. Am Fam Physician. 2015;92(6):500-504.

4. Emmanuel A, Mattace-Raso F, Neri MC, Petersen KU, Rey E, Rogers J. Constipation in older people: A consensus statement. International Journal of Clinical Practice. 2016;71(1):e12920. 

5. Schuster BG, Kosar L, Kamrul R. Constipation in older adults: stepwise approach to keep things moving. Canadian family physician Medecin de famille canadien. 2015;61(2):152-158. 

6. Zheng S, Yao J; Chinese Geriatric Society, Editorial Board of Chinese Journal of Geriatrics. Expert consensus on the assessment and treatment of chronic constipation in the elderly. Aging Med (Milton). 2018;1(1):8-17. 

7. Gordon M, MacDonald JK, Parker CE, Akobeng AK, Thomas AG. Osmotic and stimulant laxatives for the management of childhood constipation. Cochrane Database Syst Rev. 2016;2016(8):CD009118. 

8. Kang SJ, Cho YS, Lee TH, et al. Medical Management of Constipation in Elderly Patients: Systematic Review. Journal of Neurogastroenterology and Motility. 2021;27(4):495-512. 

9. Constipation and risk of death and cardiovascular events. Atherosclerosis. 2019;281:114-120. 

VTM1287777 (v1.0)