Đừng chủ quan khi thấy hiện tượng ra máu sau mãn kinh

Tình trạng ra máu sau mãn kinh có thể gây ra nhiều lo lắng, bất an cho người mắc phải. Đây có thể là dấu hiệu của ung thư nội mạc tử cung. Đôi khi tình trạng xuất huyết không nghiêm trọng nhưng bạn nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám. Hãy cùng a:care Việt Nam tìm hiểu về hiện tượng ra máu sau mãn kinh cùng những nguy hiểm ẩn giấu trong bài viết dưới đây.

Thế nào là ra máu bất thường sau mãn kinh?

Mãn kinh là khoảng thời gian sau khi buồng trứng của người phụ nữ ngừng hoạt động hoàn toàn, không còn sản xuất các loại nội tiết tố và rụng trứng. Phụ nữ được gọi là bước vào thời kỳ mãn kinh khi vượt quá 12 tháng liên tiếp không có kinh nguyệt. Tuổi mãn kinh thường diễn ra từ 45 đến 55 tuổi. 

Trường hợp phụ nữ bị ra huyết âm đạo sau 1 năm không có kinh nguyệt được gọi là hiện tượng ra máu sau mãn kinh. Hiện tượng này không có nghĩa là có kinh nguyệt trở lại mà thường do bệnh phụ khoa lành tính như polyp lòng tử cung.

Hiện tượng ra máu sau mãn kinh
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Triệu chứng ra máu bất thường sau mãn kinh rất đa dạng, mức độ xuất huyết nhiều hoặc ít, có thể lặp lại hoặc là không. Đôi khi tình trạng ra huyết chỉ xuất hiện 1 lần, không có triệu chứng bất thường khác đi kèm, lượng rất ít hoặc chỉ phớt hồng do đó rất có khả năng bị người bệnh bỏ qua và bỏ sót bệnh lý.
Mọi trường hợp ra máu bất thường sau mãn kinh đều cần được thăm khám bởi bác sĩ chuyên khoa, kể cả khi người bệnh chỉ bị chảy máu ít hoặc không chắc đó có phải là máu hay không. Hiện tượng ra máu sau mãn kinh thường không nghiêm trọng, nhưng nó có thể là dấu hiệu của ung thư. Do đó, người bệnh cần đi khám để chẩn đoán nguy cơ ung thư và có kế hoạch điều trị sớm. Khả năng chữa khỏi càng cao nếu ung thư được phát hiện ở giai đoạn sớm.

Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng ra máu bất thường sau mãn kinh

Trong số các phụ nữ gặp hiện tượng ra máu sau khi mãn kinh, có 5-10% được phát hiện mắc ung thư nội mạc tử cung. Một số nguyên nhân khác gây nên hiện tượng ra máu bất thường sau mãn kinh là do teo nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung, polyp tử cung, tăng sinh nội mạc tử cung,…

Polyp lòng tử cung

Polyp lòng tử cung là một nguyên nhân gây ra hiện tượng ra máu sau mãn kinh
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Polyp lòng tử cung (EP) là một trong những nguyên nhân gây ra máu bất thường phổ biến ở phụ nữ sau mãn kinh.

Theo một nghiên cứu về tỷ lệ mắc polyp trong độ tuổi 20-74 cho thấy, có 5,8% phụ nữ trước mãn kinh và 11,8% phụ nữ sau mãn kinh được chẩn đoán có Polyp lòng tử cung. 

Polyp có thể xuất hiện bên trong lòng tử cung, bên trong cổ tử cung hoặc nằm trên bề mặt cổ tử cung. Trong một số trường hợp thò ra ngoài qua cổ tử cung và trong âm đạo. Những polyp này có thể gây chảy máu sau khi mãn kinh, nhưng thường lành tính.

Ung thư nội mạc tử cung (ung thư tử cung)

Hiện tượng ra máu sau mãn kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa
Hiện tượng ra máu sau mãn kinh có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư phụ khoa

Có tới 90% phụ nữ mắc ung thư tử cung có dấu hiệu chảy máu âm đạo bất thường, trong đó bao gồm các phụ nữ ở độ tuổi sau mãn kinh. Các triệu chứng khác của ung thư nội mạc tử cung ở phụ nữ mãn kinh có thể bao gồm đau vùng chậu, sụt cân không rõ nguyên nhân, đau sau khi quan hệ hoặc đi tiểu, tiết dịch âm đạo bất thường (Dịch tiết âm đạo có thể màu hồng hoặc màu nâu, loãng đến đặc, và có mùi hôi). Chính vì mức độ nguy hiểm của bệnh, Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) khuyến cáo phụ nữ trên 45 tuổi bị ra máu bất thường đều cần đi khám và đánh giá ung thư nội mạc tử cung để sớm được điều trị.

Tăng sản nội mạc tử cung

Tăng sản nội mạc tử cung là sự gia tăng số lượng và mật độ của những tế bào tuyến nội mạc tử cung gây ra do estrogen quá mức nhưng lại bị thiếu progesterone. Triệu chứng phổ biến nhất của tăng sản nội mạc tử cung là chảy máu bất thường ở tử cung.

Tình trạng này thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh, tuy nhiên với những phụ nữ bổ sung chỉ estrogen từ bất kỳ nguồn nào có nguy cơ tăng sản nội mạc tử cung.

Teo hoặc mỏng nội mạc tử cung

Ngược lại với tăng sản nội mạc tử cung, teo nội mạc tử cung là tình trạng niêm mạc tử cung bị mỏng đi do nồng độ hormon estrogen giảm dần ở thời kỳ mãn kinh. Tương tự như ở tăng sản nội mạc tử cung thì khi nội mạc tử cung mỏng cũng có thể gây ra hiện tượng ra máu sau mãn kinh.

Một nghiên cứu ở 226 phụ nữ có chảy máu tử cung sau mãn kinh, cho thấy có tới 45% phụ nữ được chẩn đoán là do teo nội mạc tử cung, trong khi nguyên do ung thư tử cung và tăng sản nội mạc tử cung lần lượt chỉ chiếm phần nhỏ là 7% và 15%.

Cách điều trị ra máu sau mãn kinh

Nên đến ngay cơ sở y tế nếu đột nhiên có hiện tượng ra máu sau mãn kinh
Nên đến ngay cơ sở y tế nếu đột nhiên có hiện tượng ra máu sau mãn kinh

Nếu đột nhiên có hiện tượng ra máu sau mãn kinh, hãy tới ngay các cơ sở y tế để thăm khám và kiểm tra, tránh mắc phải các bệnh lý tiềm ẩn rủi ro cao.

Cách điều trị sẽ dựa vào nguyên nhân gây ra chảy máu bất thường sau mãn kinh. 

  • Polyp: Việc cắt bỏ Polyp sẽ giải quyết được tình trạng ra máu bất thường sau mãn kinh. Polyp tử cung thường lành tính, nhưng tiềm ẩn nguy cơ tăng sản hoặc ác tính khoảng 5%. Do đó, nên xem xét cắt bỏ polyp bằng phương pháp nội soi tử cung. Đặc biệt, với những người bệnh xuất hiện triệu chứng hay có các nguy cơ ác tính như polyp to hơn, sử dụng tamoxifen, béo phì, tiểu đường nên cắt bỏ polyp.
  • Nguyên nhân do teo hoặc mỏng nội mạc tử cung thì thường không cần điều trị. Bác sĩ có thể chỉ định chất bôi trơn khi giao hợp hoặc sử dụng hormon bôi như estrogen, DHEA. 
  • Tăng sản nội mạc tử cung lành tính thì thường không cần can thiệp phẫu thuật, điều trị nội khoa và theo dõi thêm, nhưng nếu là ác tính thì khuynh hướng điều trị sẽ là phẫu thuật cắt bỏ tử cung.
  • Nếu tìm ra nguyên nhân là ung thư nội mạc tử cung, việc cắt bỏ toàn bộ tử cung sẽ là phương pháp điều trị được khuyến nghị khi các phương pháp khác không có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và kiểm soát lượng máu mất đi.

Hiện tượng ra máu sau mãn kinh có thể tiềm ẩn những rủi ro mà bạn không thể lường trước được. Qua đó nhắc nhở phụ nữ sau mãn kinh khi có chảy máu âm đạo thì nên tới bệnh viện, cơ sở y tế để được thăm khám và tìm ra nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Hãy cùng a:care Việt Nam chung tay góp phần bảo vệ sức khỏe cho “một nửa thế giới” cũng như những người xung quanh nhé.

Tài liệu tham khảo

1. Bệnh viện Từ Dũ. Làm gì khi có xuất huyết âm đạo sau mãn kinh. https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/suc-khoe-tien-man-kinh-man-kinh/lam-gi-khi-co-xuat-huyet-am-dao-sau-man-kinh/
2.Bệnh viện Từ Dũ. Nỗi lo nào sẽ đến với tuổi mãn kinh. https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/suc-khoe-tien-man-kinh-man-kinh/noi-lo-nao-se-den-voi-tuoi-man-kinh/
3.https://trungtamytequan11.medinet.gov.vn/. Ra huyết sau mãn kinh – Cẩn thận bệnh nguy hiểm! https://trungtamytequan11.medinet.gov.vn/suc-khoe-cho-moi-nguoi/ra-huyet-sau-man-kinh-can-than-benh-nguy-hiem-cmobile16195-50394.aspx
4.American Family Physician. Abnormal Uterine Bleeding. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/1999/1001/p1371.html
5.SpringerLink. Endometrial polyps. https://link.springer.com/article/10.1007/s004040050241
6.Obgyn.onlinelibrary. Prevalence of endometrial polyps and abnormal uterine bleeding in a Danish population aged 20–74 years. https://obgyn.onlinelibrary.wiley.com/doi/full/10.1002/uog.6259.
7.BỆNH VIỆN K. Ung thư phụ khoa – Nỗi ám ảnh của nhiều chị em? https://benhvienk.vn/ung-thu-phu-khoa-noi-am-anh-cua-nhieu-chi-em-nd31819.html
8.American Family Physician. Diagnosis and Management of Endometrial Cancer. https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2016/0315/p468.html
9.Journals. Endometrial Hyperplasia: A Review. https://journals.lww.com/obgynsurvey/abstract/2004/05000/endometrial_hyperplasia__a_review.25.aspx
10.Obgyn.online library. Histopathological Findings in 226 Women with Post-Menopausal Uterine Bleeding . https://obgyn.onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.3109/00016348609158227
11.Ncbi.nlm.nih.gov. Postmenopausal Bleeding. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK562188/
12.https://www.nhs.uk/conditions/post-menopausal-bleeding/
13.Endometrial Cancer Symptoms | Signs of Endometrial Cancer | American Cancer Society

VTM1297667