Viêm Họng Ở Trẻ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Điều Trị Và Các Lưu Ý

Viêm họng là một trong những bệnh lý thường gặp ở trẻ nhưng không thể xem thường. Các bậc cha mẹ cần hiểu rõ từ nguyên nhân, triệu chứng cho đến cách điều trị viêm họng tại nhà và những lưu ý quan trọng khác. a:care Việt Nam sẽ giúp quý độc giả nắm bắt những thông tin này qua bài viết sau.

Viêm họng là gì?

Viêm họng là tình trạng viêm vùng họng miệng. Viêm họng cấp, viêm mũi họng cấp là bệnh lý thường gặp ở trẻ em.

Viêm họng ở trẻ
Cần khám và điều trị bệnh viêm họng thường gặp ở trẻ em

Các yếu tố tăng nguy cơ bị viêm họng ở trẻ em

Có nhiều yếu tố có thể góp phần gây ra viêm họng và viêm mũi họng cấp ở trẻ em, bao gồm: 

  • Cân nặng lúc sinh < 2 500 g).
  • Suy dinh dưỡng, thiếu vitamin A
  • Không được nuôi bằng sữa mẹ.
  • Ô nhiễm trong nhà.
  • Tiếp xúc khói thuốc lá.
  • Thời tiết lạnh, thay đổi.
  • Điều kiện sống thiếu vệ sinh

Nguyên nhân gây ra viêm họng ở trẻ em

Viêm họng ở trẻ em có thể do môi trường sống, hoặc do các tác nhân vi-rút, vi khuẩn và nấm. Cụ thể là:

Do môi trường sống

Nguyên nhân gây viêm họng ở trẻ là môi trường sống
Môi trường sống có thể là nguyên nhân gây ra viêm họng ở trẻ
  • Thời tiết thay đổi đột ngột, mưa ẩm.
  • Khói xe, khói thuốc lá, thuốc lào, bụi than, bụi bẩn,…
  • Trẻ mới đi học nhà trẻ, mẫu giáo…
  • Trẻ mới cai sữa hoặc thay đổi chế độ ăn dặm.

Do vi-rút, vi khuẩn, vi nấm

  • Vi-rút (~60%): cúm, sởi, Adenovirus…
  • Vi khuẩn (~40%): phế cầu, tụ cầu, liên cầu… Trong nhóm bệnh do vi khuẩn, liên cầu khuẩn tan huyết bêta nhóm A (GABHS) chiếm đa số:20-30% (Nguồn: IDSA 2012)
  • Nấm: Candida

Các triệu chứng thường gặp trong viêm họng ở trẻ em

Triệu chứng viêm họng ở trẻ
Ho khan là một trong những triệu chứng thường gặp ở trẻ

Các triệu chứng phổ biến của viêm họng ở trẻ em bao gồm: 

  • Sốt nhẹ hoặc sốt cao có thể lên đến 39-40 ºC.
  • Chảy nước mũi, nghẹt mũi, hắt hơi, thường thở bằng miệng do nghẹt mũi.
  • Ngứa, rát cổ họng, đau họng / đau khi nuốt.
  • Ho khan/ ho có đàm.
  • Nhức đầu.
  • Có thể có hạch sưng ở cổ
  • Các biểu hiện khác: hắt hơi, sổ mũi, người mệt mỏi, bị mất tiếng, khàn

Biến chứng và hậu quả viêm họng do liên cầu khuẩn (GABHS)

Viêm họng do liên cầu tán huyết bêta nhóm A nếu không điều trị triệt để có thể dẫn đến tái phát thường xuyên do vi khuẩn xâm nhập vào bên trong tế bào hệ hô hấp, có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng: thấp tim, viêm cầu thận cấp.

Biến chứng nhiễm trùng

Biến chứng viêm họng ở trẻ do liên cầu khuẩn
Viêm hạch cổ trước là biến chứng của viêm họng do liên cầu khuẩn

Biến chứng nhiễm trùng có thể xảy đến do sự xâm lấn của GABHS sang các mô liền kề, bao gồm: 

  • Viêm hạch cổ trước
  • Áp xe sau khí quản
  • Viêm tai giữa
  • Viêm tai xương chũm
  • Viêm xoang

Biến chứng không nhiễm trùng

Biến chứng không nhiễm trùng có thể gặp là: 

  • Thấp khớp cấp (RAA)
  • Viêm cầu thận cấp sau nhiễm GABHS (Streptococcus pyogenes)
  • Múa giật Sydenham
  • Viêm khớp phản ứng
  • Rối loạn tâm thần tự miễn ở trẻ em có liên quan đến GABHS (Streptococcus pyogenes)

Các biến chứng có thể xảy ra sau khi bị viêm họng, viêm mũi họng cấp

Bên cạnh đó, các biến chứng có thể xảy ra sau khi bị viêm họng hoặc viêm mũi họng cấp là: 

  • Viêm tai giữa.
  • Viêm đường hô hấp dưới như: viêm phế quản phổi, viêm phổi.

Các lưu ý khi trẻ bị viêm họng

Các dấu hiệu nguy kịch

Dấu hiệu nguy kịch ở trẻ dưới 2 tháng tuổi: Tím tái, bú kém hoặc bỏ bú, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở rít khi nằm yên, thở khò khè, sốt hoặc hạ nhiệt độ (trẻ lạnh).

Dấu hiệu nguy kịch ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi: Không uống được hoặc bỏ bú, co giật, ngủ li bì hoặc khó đánh thức, thở rít khi nằm yên, suy dinh dưỡng nặng.

Những lưu ý khi trẻ bị viêm họng
Bố mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ khi trẻ có dấu hiệu viêm họng nặng

Khi nào cần đưa trẻ bị viêm mũi họng cấp đi khám bác sĩ

Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất để kiểm tra và điều trị đúng cách nếu trẻ gặp phải một trong các trường hợp sau đây: 

• Tím tái

• Rút lõm lồng ngực

• Trẻ ho nhiều, khó thở hơn hoặc thở nhanh hơn

• Vẫn sốt cao liên tục, không hạ sốt sau khi lau mát và dùng thuốc

• Trẻ nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày

• Chảy mủ tai

• Mệt hơn

• Bỏ bú/ bỏ ăn

• Không uống được nước

Đưa trẻ đến khám lại ngay tại cơ sở y tế hoặc bệnh viện gần nhất nếu sau điều trị trẻ có các dấu hiệu nguy kịch hoặc có một trong các biểu hiện kể trên.

Chăm sóc trẻ bị viêm họng, viêm mũi họng cấp tại nhà

Trong trường hợp bệnh không quá nặng thì chăm sóc trẻ tại nhà đúng cách sẽ giúp trẻ nhanh chóng hồi phục sức khỏe:  

Vệ sinh mũi họng

  • Nếu trẻ mới bị nghẹt mũi nhẹ, dịch mũi còn lỏng thì có thể lau rửa mũi ngay cho trẻ bằng khăn mềm. Trong trường hợp dịch mũi đặc, có rỉ mũi thì nên nhỏ 2 – 3 giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên mũi, đợi một lúc cho nước muối ngấm làm mềm rỉ mũi rồi nhẹ nhàng dùng tay day day mũi bé để rỉ mũi mềm và bong ra.
  • Nếu dịch mũi quá nhiều và đặc có thể dùng dụng cụ hút mũi để hút cho trẻ. Tuy nhiên không nên lạm dụng hút mũi vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ.
  • Dùng khăn giấy mềm lau sạch mũi, dãi rồi vứt bỏ ngay sau khi sử dụng (không nên dùng khăn xô vì sau mỗi lần lau mũi, dãi cho trẻ, nếu không thay khăn mới, dùng lại khăn cũ vi khuẩn/ vi rút vẫn bám lại trên khăn).
Chăm sóc trẻ bị viêm họng tại nhà
Bố mẹ cần quan tâm và theo sát trẻ khi chăm sóc trẻ bị viêm họng tại nhà

Khi trẻ bị viêm mũi họng có thể dùng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc họng cho trẻ nhưng phải theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Chế độ ăn

  • Cho trẻ bú mẹ nhiều lần hoặc ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, mềm, dễ tiêu, dễ nuốt.
  • Cho trẻ ăn theo nhu cầu, chia nhiều bữa trong ngày và số lượng mỗi bữa ít hơn bình thường, không nên ép trẻ ăn hết phần thức ăn cha mẹ đã chuẩn bị.
  • Cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất do sốt, thở nhanh, nôn trớ, tiêu chảy.

Chăm sóc chung

Xây dựng chế độ ăn cho trẻ bị viêm họng
Bố mẹ cần chăm sóc và cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ bị viêm họng
  • Giữ ấm cho trẻ, nhất là về mùa lạnh
  • Giúp trẻ giảm ho
  • Giúp hạ sốt cho trẻ: đặt trẻ nằm phòng thoáng mát, nới rộng quần áo, tã lót, cho trẻ uống nhiều nước/ sữa, chườm mát, khi trẻ sốt > 38 ºC dùng thuốc hạ sốt (ibuprofen hoặc paracetamol) theo liều hướng dẫn
  • Không tự ý dùng kháng sinh

Phòng bệnh viêm họng, viêm mũi họng cấp

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Hạn chế nguy cơ mắc viêm họng và viêm mũi họng cấp cho trẻ bằng những cách sau:

  • Chăm sóc tốt sức khỏe cho bà mẹ trong thời gian mang thai. Tránh cho trẻ hít phải nước ối, không bị ngạt lúc sinh.
  • Nên nuôi trẻ bằng sữa mẹ, cho trẻ bú mẹ sau khi sinh càng sớm càng tốt, ăn dặm một cách khoa học đảm bảo chế độ dinh dưỡng, đủ vitamin đặc biệt là
    vitamin A.
  • Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch.
  • Vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ. Nhà ở và lớp học của trẻ cần thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, không hút thuốc trong buồng trẻ.
  • Vệ sinh họng, miệng cho trẻ sạch sẽ bằng cách đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.
  • Rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch nước rửa tay có chứa cồn trước và sau khi chăm sóc trẻ.
  • Tập cho trẻ có thói quen rửa tay sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi ăn. Bỏ thói quen cho tay lên miệng, ngoáy mũi.
  • Giữ ấm cơ thể cho trẻ về mùa đông và khi thay đổi thời tiết.
  • Tránh cho trẻ gần gũi người đang cảm ho, tránh cho trẻ đến chỗ đông người, nhất là khi đang có nhiều người cảm ho.
  • Phát hiện sớm và xử lý đúng các trường hợp mắc bệnh viêm họng, viêm mũi họng cấp.

Cha mẹ cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ:

  • Không tự ý dùng thuốc kháng sinh, không dùng lại đơn thuốc cũ của lần khác trước.
  • Không tự ý nhỏ các thuốc co mạch kéo dài cho trẻ.

Kết Luận

Bài viết này đã trình bày thông tin quan trọng về viêm họng ở trẻ em, gồm nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng, cách chăm sóc tại nhà và những điều cần lưu ý. Mong rằng a:care Việt Nam đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn. 

VTM1294288 (v1.0)