Những điều cần lưu ý về viêm họng ở trẻ em trong thời điểm giao mùa

PGS.TS.BS Nguyễn Tuyết Xương
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Nguyễn Tuyết Xương
Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Trung ương. Phó Trưởng bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội. Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam.
  • Ngày cập nhật: 29/2/2024

Viêm họng cấp ở trẻ em là bệnh lý viêm đường hô hấp trên, là tình trạng nhiễm trùng gây viêm niêm mạc hầu họng kèm hoặc không kèm viêm Amidan gây ra cảm giác đau, ngứa ngáy và nóng rát ở họng. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gặp nhất là thời điểm giao mùa từ thu sang đông hoặc xuân hè.

1. Các triệu chứng viêm họng ở trẻ là gì?

Một số triệu chứng có thể là dấu hiệu viêm họng ở trẻ bao gồm:

  • Đau họng
  • Ho, có thể ho khan hoặc có đờm trong, vàng, nâu nhạt hoặc xanh lục
  • Khó nuốt, nuốt đau
  • Khô họng  hoặc tắc nghẽn
  • Hạch bạch huyết sưng, đau thường gặp trong amidan 
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khàn tiếng
  • mủ hoặc mảng trắng bao phủ amidan hoặc họng
  • Đau, nhức mỏi cơ thể 

Có thể gặp hoặc không gặp tất cả các triệu chứng này, tùy thuộc vào nguyên nhân hoặc mức độ nhiễm trùng.

2. Các yếu tố nguy cơ gây viêm họng ở trẻ em

Có một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng họng, tuy nhiên không phải tất cả các trẻ có yếu tố nguy cơ đều sẽ bị bệnh. 

Các yếu tố nguy cơ gây nhiễm trùng họng các phụ huynh cần lưu ý:

  • Trẻ nhỏ
  • Trẻ suy dinh dưỡng
  • Trẻ suy giảm miễn dịch hoặc có cơ địa dị ứng
  • Không gian làm việc hoặc sinh hoạt khép kín
  • Tiếp xúc nơi đông người
Trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ nhiễm trùng cổ họng cao hơn
Trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng có nguy cơ nhiễm trùng họng cao hơn

3. Các biến chứng của viêm họng ở trẻ

Biến chứng thường gặp nhất là áp xe quanh amidan hoặc áp xe thành sau họng. Các biến chứng của nhiễm trùng họng ở trẻ không được điều trị có thể trở nên nghiêm trọng. Trong một số ít trường hợp, nếu trì hoãn điều trị trong một thời gian dài, vi khuẩn xâm nhập vào máu có thể gây nhiễm trùng huyết. 

Chính vì vậy, khi trẻ bị viêm họng, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, các phụ huynh cần lưu ý các dấu hiệu mà tôi sẽ đề cập dưới đây để đưa trẻ đi thăm khám sớm.

4. Khi nào phụ huynh cần đưa trẻ đi khám?

Các phụ huynh cần đưa trẻ đi khám nếu:

  • Trẻ bị sốt trên  38,5° trong hơn 2 ngày
  • Khó ngủ 
  • Xuất hiện ban đỏ
  • Có  mảng trắng  ở sau họng hoặc trên amidan
  • Đang điều trị viêm họng nhưng triệu chứng trở nặng hơn hoặc dai dẳng
  • Cảm thấy lo lắng vì bất kỳ lý do nào khác
Ba mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm nếu có các dấu hiệu cảnh báo
Ba mẹ cần đưa trẻ đi thăm khám sớm nếu có các dấu hiệu cảnh báo

5. Trường hợp nào cần đưa trẻ đi khám cấp cứu?

Cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng như:

  • Khó thở
  • Nhịp tim nhanh
  • Sưng nề, phù nề họng, thanh quản đột ngột
  • Thay đổi mức độ ý thức như: hôn mê, li bì, khó đánh thức
  • Thay đổi đột ngột về trạng thái tinh thần hoặc hành vi như: lú lẫn, mê sảng, hôn mê, ảo giác
PGS.TS.BS Nguyễn Tuyết Xương
PGS.TS.BS Nguyễn Tuyết Xương
Trưởng Khoa Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Trung ương
Phó Trưởng bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội
Chủ tịch Hội Thính học Việt Nam

Xem thêm: Viêm Họng Ở Trẻ: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Điều Trị Và Các Lưu Ý

VTM1307149 (v1.0)