Nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ em an toàn và hiệu quả

Kháng sinh là thuốc được sử dụng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, nhưng việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh không hợp lý đang làm gia tăng tỷ lệ đề kháng kháng sinh. Để hạn chế tình trạng đó, a:care Việt Nam thông tin tới cha mẹ nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ em. 

Tìm hiểu kháng sinh là gì?

Kháng sinh là một nhóm thuốc đang được quan tâm đặc biệt vì việc sử dụng chúng không chỉ ảnh hưởng đến người bệnh mà còn ảnh hưởng đến cộng đồng. 

Kháng sinh là những chất kháng khuẩn được tạo ra bởi các chủng vi sinh vật (vi khuẩn, nấm, Actinomycetes) có tác dụng ức chế sự phát triển của các vi sinh vật khác.

Kháng sinh là gì?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Có những nhóm kháng sinh nào? Cách thức hoạt động?

Các nhóm kháng sinh được phân loại dựa theo cấu trúc hoá học, bao gồm:

  • Kháng sinh nhóm Beta-lactam: Gồm các penicilin, cephalosporin, beta-lactam khác, Carbapenem, Monobactam, Các chất ức chế beta-lactamase.
  • Kháng sinh nhóm Aminoglycosid.
  • Kháng sinh nhóm Macrolid.
  • Kháng sinh nhóm Lincosamid.
  • Kháng sinh nhóm Phenicol.
  • Kháng sinh nhóm Tetracyclin gồm kháng sinh thế hệ 1 và thế hệ 2
  • Kháng sinh nhóm Peptid gồm Glycopeptid, Polypetid, Lipopeptid
  • Kháng sinh nhóm Quinolon gồm kháng sinh thế hệ 1, Các fluoroquinolonthế hệ 2, 3 và 4.
  • Các nhóm kháng sinh khác như Sulfonamid và Oxazolidinon, 5-nitroimidazol.

Có nhiều loại kháng sinh khác nhau và chúng sẽ có cách thức hoạt động riêng. Cụ thể:

Sau khi vào tế bào, kháng sinh được đưa tới đích tác động và phát huy tác dụng: kìm hãm sự sinh trưởng & phát triển hoặc tiêu diệt vi khuẩn.

Kháng sinh thường dùng để điều trị nhiễm khuẩn hô hấp trên

Điều trị bằng kháng sinh sớm có thể được chỉ định ở những bệnh nhân bị viêm tai giữa cấp tính, viêm họng do liên cầu khuẩn nhóm A, viêm nắp thanh quản.

Những nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ an toàn

Sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ định

Không tự ý sử dụng kháng sinh, chỉ sử dụng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, khi chẩn đoán nguyên nhân do vi khuẩn gây ra, hoặc có bội nhiễm vi khuẩn. Bác sĩ sẽ lựa chọn loại kháng sinh hiệu quả với tình trạng nhiễm khuẩn và an toàn theo độ tuổi của trẻ, với liều lượng phù hợp,….

Sử dụng kháng sinh theo đúng chỉ dẫn

Cha mẹ cần đảm bảo cho trẻ sử dụng đúng điều lượng, tần suất, thời gian theo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu bác sĩ kê đơn thuốc trong 10 ngày hãy đảm bảo bé dùng hết 10 ngày, ngay cả khi bé đã cảm thấy đỡ hơn. Nếu ngừng thuốc kháng sinh sớm, vi khuẩn gây bệnh chưa được tiêu diệt có thể phát triển trở lại khiến cho các triệu chứng bệnh quay trở lại.

Không sử dụng kháng sinh theo đơn cũ hoặc theo đơn thuốc của trẻ khác có cùng triệu chứng

Cha mẹ không nên sử dụng những loại thuốc kháng sinh cũ, đã được bác sĩ kê từ trước hoặc sử dụng theo đơn thuốc của trẻ khác có cùng triệu chứng. Bởi thuốc kháng sinh đó có thể không phù hợp với tình trạng bệnh hiện tại của trẻ. Hãy vứt bỏ các loại thuốc kháng sinh cũ, không nên để lại để sử dụng cho những lần sau.

Sử dụng thuốc đúng thời điểm là nguyên tắc sử dụng kháng sinh an toàn
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Lưu ý tương tác với thuốc kháng sinh

Kháng sinh thường được uống với nước vì uống cùng với các đồ uống khác như nước ép trái cây, sữa hoặc các đồ uống có sữa có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc. Sau khi dùng kháng sinh, nên đợi khoảng ba tiếng trước khi cho trẻ uống bất kỳ sản phẩm từ sữa nào. Nước ép bưởi chùm và các thực phẩm bổ sung có chứa canxi cũng có thể làm giảm tác dụng của kháng sinh.

Kháng sinh có thể tương tác với các loại thuốc khác nên cha mẹ cần báo với bác sĩ nếu trẻ đang sử dụng các loại thuốc khác. Ví dụ, thuốc kháng sinh có thể tương tác với một số thuốc chống đông máu và thuốc kháng axit dạ dày.

Lưu ý trẻ nôn thuốc/dễ nôn thuốc khi dùng kháng sinh

Trẻ đôi khi bị nôn khi vừa mới dùng kháng sinh. Cha mẹ nên cho trẻ uống bổ sung theo hướng dẫn của thầy thuốc. Trong trường hợp trẻ dễ nôn thuốc, hãy hỏi bác sĩ cách cho trẻ uống thuốc phù hợp hơn để hạn chế tình trạng này.

Dùng thuốc kháng sinh tại nhà cho bé có thể dụng dạng thuốc bột để pha hỗn dịch uống. Dùng thuốc hỗn dịch có thể phù hợp cho bé vì hạn chế tình trạng hóc thuốc.

Trẻ không chịu uống vì kháng sinh có vị đắng

Cha mẹ có thể cho trẻ uống 1 lượng nhỏ nước, nước trái cây, nước ngọt sau khi uống thuốc để làm giảm vị đắng của kháng sinh.

Cha mẹ cũng có thể trộn thuốc với 1 lượng nhỏ mật ong hoặc mứt, hoa quả xay nhuyễn để làm giảm vị đắng. Tuy nhiên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi trộn thuốc với bất kỳ thực phẩm nào.

Lưu ý tác dụng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh

Tác dụng phụ thường gặp khi dùng kháng sinh có thể bao gồm phát ban, phản ứng dị ứng, buồn nôn, tiêu chảy và đau dạ dày. Nếu trẻ đã từng bị phản ứng với thuốc kháng sinh trước đó cha mẹ cần thông báo với bác sĩ.

Đôi khi phát ban sẽ xảy ra trong thời gian trẻ đang dùng thuốc kháng sinh. Hãy thông báo tới bác sĩ nếu bạn thấy các nốt phát ban trông giống như mụn đỏ sau khi dùng kháng sinh vì đây có thể là một phản ứng dị ứng.

Các dạng bào chế kháng sinh

Thuốc kháng sinh có thể được dùng theo nhiều cách khác nhau:

  • Bằng miệng: Thường là thuốc viên, viên nang hoặc chất lỏng.
  • Dạng kem, xịt hoặc thuốc mỡ để bôi lên da. Nó cũng có thể là thuốc mỡ mắt, thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc nhỏ tai.
  • Tiêm tĩnh mạch (IV): Phương pháp này thường dành cho các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.

Qua bài viết a:care Việt Nam vừa chia sẻ, hy vọng cha mẹ đã có thêm những thông tin cần thiết về việc sử dụng kháng sinh cho trẻ. Để hạn chế những rủi ro tiềm ẩn về sức khỏe, trước khi sử dụng kháng sinh cho bé, cha mẹ nên nắm rõ các nguyên tắc sử dụng kháng sinh cho trẻ cũng như tham khảo ý kiến của bác sĩ. 

Tài liệu tham khảo:

1: Antibiotics:

https://medlineplus.gov/antibiotics.html#:~:text=Antibiotics%20can%20be,more%20serious%20infections.

2: Antibiotic Use in Acute Upper Respiratory Tract Infections: https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2012/1101/p817.html#:~:text=Febrile%20infants%20

3: HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG KHÁNG SINH :http://cucytegiaothong.mt.gov.vn/Uploads/File/Huong%20dan%20su%20dung%20khang%20sinh.pdf

VTM1305785 (v1.0)