Tác dụng của thuốc kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng đường hô hấp

Thuốc kháng sinh đã và đang đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị các nhiễm trùng đường hô hấp (RTIs), nhưng liệu pháp này chỉ hiệu quả đối với các nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Trong hành trình điều trị, việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ về cách sử dụng kháng sinh rất quan trọng để đảm bảo tác dụng tối ưu và ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng kháng kháng sinh.

Tác dụng của thuốc kháng sinh là gì?

Tác dụng của thuốc kháng sinh trong điều trị nhiễm trùng đường hô hấp (RTIs) sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

  • Nếu nhiễm trùng do virus gây ra, bệnh sẽ tự khỏi trong vòng một vài tuần. Thuốc kháng sinh chỉ có tác dụng đối với nhiễm trùng do vi khuẩn, vì vậy thuốc không giúp điều trị nhiễm trùng do virus.
  • Nếu nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra, ví dụ viêm phổi, thuốc kháng sinh sẽ có tác dụng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh cho bạn.

Tại sao tuân thủ điều trị lại quan trọng?

Đầu tiên, việc tuân thủ rất quan trọng vì thuốc sẽ không có tác dụng nếu không uống đầy đủ.

Nếu cần sử dụng kháng sinh, việc sử dụng sai hoặc không tuân thủ liều lượng cũng sẽ góp phần gây nên tình trạng đề kháng kháng sinh trong cộng đồng.

Đề kháng kháng sinh là gì?
Hiện tượng đề kháng kháng sinh xảy ra khi vi khuẩn gây bệnh thay đổi (hoặc đột biến) và có thể đề kháng lại thuốc kháng sinh. Điều này có nghĩa là thuốc kháng sinh không còn tác dụng tiêu diệt vi khuẩn. Thay vì bị tiêu diệt bởi kháng sinh, một số vi khuẩn sống sót và tiếp tục sinh sôi, gây ảnh hưởng nhiều hơn. Nguyên nhân chính của hiện tượng đề kháng kháng sinh là do sử dụng sai và lạm dụng thuốc kháng sinh (như sử dụng thuốc kháng sinh khi không cần thiết). 

“Tuân thủ” liệu pháp kháng sinh nghĩa là gì?

Tuân thủ là việc người bệnh thực hiện theo đúng chỉ định của bác sĩ.

Đối với mọi loại thuốc do bác sĩ kê đơnbạn cần phải:

  • Khi bắt đầu điều trị: Bạn cần trao đổi với bác sĩ để tìm ra hướng điều trị tốt nhất dành cho bạn. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ về:
    • Những lợi ích/rủi ro của giải pháp mà bác sĩ đề xuất
    • Những mối lo lắng của bạn
    • Những khó khăn lường trước và những giải pháp khả thi

Sau khi đồng ý một phương pháp điều trị, bạn hãy bắt đầu thực hiện theo phương pháp đó. Đây là bước đầu tiên để kiểm soát bệnh lý của bạn.

  • Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và tần suất dùng thuốc: Liều thấp có thể không hiệu quả; còn liều cao có thể gây hại. Thêm một điều quan trọng là bạn phải uống thuốc trong khoảng thời gian chỉ định: nếu được kê đơn bảy viên một tuần, mỗi ngày uống một viên thì việc bạn uống bảy viên trong một ngày không có nghĩa là bạn tuân thủ đúng cách điều trị. Nếu bạn bỏ lỡ một liều thuốc hoặc cho rằng mình khó mà có thể tuân thủ điều trị thì luôn có cách khác. Đừng ngại trao đổi với bác sĩ về vấn đề này.
  • Hãy tuân thủ các liệu pháp điều trị được chỉ định. Nếu bác sĩ kê đơn điều trị cho bạn trong một thời gian cụ thể thì điều đó có nghĩa là thuốc sẽ chỉ có hiệu quả nếu sử dụng đúng trong khoảng thời gian đó. Nếu không, thuốc có thể không đạt hiệu quả, gây hại hoặc cả hai.
    • Nếu bạn cảm thấy rằng phương pháp điều trị không phù hợp với bạn hoặc có thắc mắc, đừng tự ý ngừng điều trị. Hãy trao đổi với bác sĩ và chia sẻ tình hình của bạn. Bác sĩ có thể đưa ra các giải pháp thay thế.
    • Nếu bạn bắt đầu cảm thấy khỏe hơn và không còn các triệu chứng trước khi kết thúc thời gian điều trị đã dự tính, bạn vẫn cần tiếp tục uống hết liều lượng thuốc đã chỉ định.

Hãy nhớ rằng, ngoài tuân thủ cách dùng thuốc, bạn còn phải áp dụng một lối sống lành mạnh theo khuyến nghị của bác sĩ. Ví dụ, bạn cần cai thuốc lá khi bị nhiễm trùng đường hô hấp.

Nếu thấy khó có thể tuân thủ phương pháp điều trị hiện tại, hãy trao đổi lại với bác sĩ. Nói cho bác sĩ biết điều bạn có thể thực hiện để tuân thủ phương pháp điều trị tốt hơn. Không được áp dụng, ngừng hoặc thay đổi phương pháp điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ.

Tài liệu tham khảo:

  1. National Health Service, Respiratory tract infections (RTIs). https://www.nhs.uk/conditions/respiratory-tract-infection/. Accessed October 28, 2020.
  2. Everett Koop. C: “Drugs don’t work in patients who don’t take them”, Eur. J. Heart Fail; 19 (1412–1413), 2017.
  3. Health Navigator New Zealand, Antibiotic Resistance. https://www.healthnavigator.org.nz/medicines/a/antibiotic-resistance/. Accessed October 28, 2020.
  4. Jimmy B., & Jimmy J. Patient medication adherence: Measures in daily practice,Oman Med. J; 26(3): 155–9, 2011.
VTM1298369