Cách kiểm soát tiêu chảy cấp ở trẻ em tại nhà

Tiêu chảy cấp là bệnh khá phổ biến có tỷ lệ mắc và tử vong cao, đứng thứ hai sau nhiễm khuẩn hô hấp cấp. Vì vậy điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em là điều hết sức cần thiết. Bài viết dưới đây a:care Việt Nam sẽ thông tin tới bạn những cách điều trị, kiểm soát tiêu chảy cấp ở trẻ em hiệu quả nhất.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì? 

Để điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em cần hiểu được tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì? Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hàng năm có khoảng 1,3 tỷ lượt trẻ bị mắc tiêu chảy cấp và khoảng 4 triệu trẻ dưới 5 tuổi tử vong.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là chứng rối loạn tiêu hóa thường gặp nhất và là nguyên nhân chính gây mất nước ở trẻ. Bệnh được biểu hiện bằng số lần đi tiêu ≥ 3 lần/ngày, lượng dịch trong phân của bé thay đổi khiến phân lỏng như nước hoặc giảm rõ rệt về độ đặc và tăng tần suất đi tiêu. Tình trạng này kéo dài không quá 14 ngày.

Có rất nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Nhưng nguyên nhân chính được cho là nhiễm trùng đường tiêu hóa, vi rút và vi khuẩn hoặc hiếm gặp hơn là nhiễm độc đường tiêu hóa.

Ngoài ra các yếu tố khác như: dùng thực phẩm bị ô nhiễm, dị ứng với lactose, đậu nành và gluten và một số bệnh lý khác như nhiễm trùng tai, nhiễm trùng đường tiết niệu, dùng thuốc kháng axit hoặc kháng sinh cũng là những lý do khiến trẻ bị tiêu chảy cấp.

Tiêu chảy cấp ở trẻ em là gì?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Hậu quả của tiêu chảy cấp ở trẻ em

Mất nước và mất cân bằng dinh dưỡng là những hậu quả điển hình khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Mất nước nghiêm trọng có thể gây co giật, tổn thương não, thâm chí tử vong. 

Ngoài ra, trẻ tiêu chảy cấp còn có thể gặp phải các biến chứng khác như: Chậm phát triển, suy dinh dưỡng và suy giảm phát triển nhận thức.

Tiêu chảy cấp khiến trẻ bị suy dinh dưỡng
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Cách kiểm soát tiêu chảy nhanh chóng tại nhà

  • Bù nước và điện giải: cho trẻ uống dung dịch ORS bù nước theo chỉ dẫn. Dung dịch bù nước đường uống (ORS) có lượng nước, muối và đường phù hợp mà trẻ cần để thay thế lượng nước cơ thể đã mất. Một gói pha 200 ml hoặc 1000 ml nước đun sôi để nguội (lượng nước theo đúng hướng dẫn sử dụng), uống 50-100ml sau mỗi lần tiêu tiêu chảy ở trẻ < 2 tuổi, 100-200ml ở trẻ > 2 tuổi, cho trẻ uống từng muỗng hoặc uống từng ngụm nhỏ.
  • Cho trẻ ăn uống bình thường: Cho bé ăn uống như bình thường. Nhưng có thể cho trẻ ăn lượng thức ăn ít hơn và chia làm nhiều bữa nhỏ để dễ tiêu hóa. Tránh cho trẻ ăn những thực phẩm có nhiều chất xơ, chất béo và đường.

Những triệu chứng nguy hiểm cần đưa bé nhập viện

Nếu bé có các triệu chứng dưới đây bạn cần đưa bé nhập viện để được điều trị kịp thời:

  • Ốm nặng
  • Bị tiêu chảy > 3 ngày
  • Trẻ nhỏ hơn 6 tháng tuổi
  • Nôn ra chất lỏng màu xanh hoặc màu vàng có máu
  • Bé bị nôn mửa nhiều lần và không thể uống bất kỳ chất lỏng nào
  • Bị sốt dai dẳng
  • Mất nước
  • Phân có máu
  • Trẻ dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy trên 3 đợt trở lên
  • Bé bị tiêu chảy hơn 4 lần trong 8 giờ
Bé bị nôn mửa nhiều lần cần được đưa tới cơ sở y tế
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
  • Hệ thống miễn dịch yếu
  • Có phát ban
  • Bị đau bụng hơn 2 giờ đồng hồ
  • Chưa đi tiểu trong vòng 6 giờ đối với trẻ sơ sinh và 12 giờ với trẻ nhỏ

Tránh bệnh lây lan như thế nào?

Cách tốt nhất để tránh tiêu chảy lây lan là tránh tiếp xúc với các tác nhân truyền nhiễm bệnh. Do đó, việc rửa tay và vệ sinh thân thể là rất quan trọng để ngăn ngừa bệnh lây lan.

Bạn có thể áp dụng các biện pháp dưới đây để ngăn ngừa tiêu chảy cho bé:

  • Rửa tay thường xuyên: Dạy trẻ rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn. Các bậc cha mẹ cũng nên rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và thay tã cho bé. 
Rửa tay thường xuyên để hạn chế tiêu chảy cấp lây lan
Hình ảnh mang tính chất minh họa
  • Giữ phòng tắm sạch sẽ để ngăn ngừa sự lây lan vi khuẩn, vi rút gây tiêu chảy cấp. 
  • Bỏ thịt sống hoặc chín vào tủ lạnh càng sớm càng tốt vì vi khuẩn có thể phát triển trong thịt khi để ở nhiệt độ phòng quá lâu.
  • Gọt vỏ, rửa sạch trái cây và rau quả trước khi cho trẻ ăn 
  • Rửa bát đĩa đã đựng thịt sống trong nước nóng và chất tẩy rửa. 
  • Không nên cho bé ăn hàu, nghêu hoặc trai sống hoặc chưa nấu kỹ bởi những thực phẩm này có thể bị ô nhiễm và gây tiêu chảy cấp.
  • Uống vắc xin rotavirus để ngăn ngừa tiêu chảy cấp do rotavirus gây ra.

Trẻ bị tiêu chảy cấp nên ăn gì và không ăn gì?

Chế độ dinh dưỡng cũng đóng 1 vai trò quan trọng trong việc cải thiện tiêu chảy cấp ở trẻ. 

Trẻ em bị tiêu chảy cấp nên dùng các thực phẩm như: 

  • Gạo, khoai tây.
  • Thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò.
  • Sữa công thức có giảm đường lactose (nếu bác sĩ có chỉ định khi trẻ có tình trạng không dung nạp lactose), sữa chua.
  • Dầu thực vật.
  • Rau xanh, cà rốt, bí đỏ.
  • Chuối, táo.

Các thực phẩm không nên dùng cho trẻ tiêu chảy cấp gồm:

  • Thực phẩm có độ đường cao, nhiều chất béo có thể gây ra kém hấp thu.
  • Tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp.
  • Thực phẩm có nhiều xơ không tan và ít dinh dưỡng: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.

Các mẹ nên dựa vào chế độ ăn và sở thích của bé trước khi bị tiêu chảy cấp để điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp.

Qua những thông tin mà a:care Việt Nam vừa chia sẻ, hy vọng bậc cha mẹ đã hiểu được hậu quả của tiêu chảy cấp tới sức khỏe trẻ nhỏ. Hãy nhớ không nên chủ quan trước bệnh này, cần can thiệp kiểm soát và điều trị tiêu chảy cấp ở trẻ em sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm xảy ra. 

Tìm hiểu thêm: Trẻ bị tiêu chảy cấp: mẹ phải làm gì để bé nhanh khỏi?

Tài liệu tham khảo:

1. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì, kiêng gì? https://benhviennhitrunguong.gov.vn/tre-bi-tieu-chay-nen-an-gi-kieng-gi.htmla.

2. TIÊU CHẢY Ở TRẺ EM https://fr.slideshare.net/thinhtranngoc98/tiu-chy-tr-em-bs-tan-da-sua

3. Chăm sóc trẻ tiêu chảy cấp tại nhà https://bvndtp.org.vn/cham-soc-tre-tieu-chay-cap-tai-nha

4. Acute diarrhea in adults and children: a global perspective https://www.worldgastroenterology.org/UserFiles/file/guidelines/acute-diarrhea-english-2012.pdf

5: Diarrhea in Children: Causes and Treatments https://www.webmd.com/children/diarrhea-treatment

6. Acute Diarrhea in Children https://www.drugs.com/cg/acute-diarrhea-in-children.html

7. Acute Diarrhea in Children https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26946776/

8. Acute diarrhea https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7152011/

9. ĐÁNH GIÁ MỘT SỐ KIẾN THỨC VỀ BỆNH TIÊU CHẢY CẤP VÀ MỘT SỐ YẾU TỐ LIÊN QUAN CỦA CÁC BÀ MẸ CÓ CON TIÊU CHẢY CẤP TẠI KHOA TIÊU HÓA BỆNH VIỆN NHI TRUNG ƯƠNG https://drive.google.com/file/d/1KLE551anpQUZHg4UQ6qOapwHD2_Bfta0/view

VTM1301062 (v1.0)