Rối loạn lipid máu: Dấu hiệu, hậu quả và cách phòng ngừa

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh rối loạn lipid máu rất mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác, khiến nhiều người mắc rối loạn lipid máu không hay biết. Cùng a:care Việt Nam tìm hiểu kỹ hơn về căn bệnh này để bảo vệ sức khỏe bản thân.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu là gì?

Rối loạn lipid máu (RLLM) hay còn gọi là rối loạn mỡ máu, là tình trạng tăng cholesterol toàn phần, tăng LDL-Cholesterol, tăng Triglycerid và giảm HDL-Cholesterol.

Cholesterol và các thành phần của mỡ máu như triglycerid, phospholipid và các chất béo khác rất quan trọng trong mọi hoạt động của cơ thể; cấu tạo nên màng tế bào, tạo ra năng lượng, tổng hợp nội tiết tố, các vitamin cần thiết cho cơ thể. Mỡ máu chỉ trở nên đáng sợ khi các thành phần này bị rối loạn.

Cơ chế diễn ra như sau:

  • Cholesterol được tạo ra từ hai nguồn: 20% được hấp thu trực tiếp từ thức ăn và 80% do cơ thể tổng hợp.
  • Cholesterol trong máu được vận chuyển bởi một chất có tên gọi là lipoprotein. Có nhiều loại lipoprotein trong máu, hay được biết tới nhiều như LDL, HDL. Cholesterol trong LDL còn được gọi là cholesterol xấu do gây xơ vữa động mạch, còn cholesterol trong HDL được gọi là cholesterol tốt do giúp bảo vệ chống xơ vữa động mạch. Ngoài cholesterol thì triglyceride (TG) cũng được chứa trong lipoprotein.
  • Sự bất thường về tổng hợp và vận chuyển cholesterol trong cơ thể gây nên rối loạn mỡ máu. Những LDL-Cholesterol dư thừa này sẽ lắng đọng trong lòng động mạch tạo mảng xơ vữa dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Những dấu hiệu của rối loạn lipid máu

Các dấu hiệu cảnh báo của bệnh rất mờ nhạt và dễ nhầm lẫn với những bệnh khác khiến nhiều người bị rối loạn lipid máu không hề hay biết.

Không có dấu hiệu hay triệu chứng riêng cho Rối loạn lipid máu, sinh hoạt và làm việc bình thường cho đến khi có biến chứng.

Có thể có triệu chứng là do hậu quả của Rối loạn lipid máu gây nên như: mệt mỏi, chóng mặt, buồn ngủ (làm việc kém tập trung, giảm hiệu suất công việc), tê bì chân tay, dấu hiệu kiến bò dị cảm ở đầu chi, nặng đầu, nặng ngực, thấy tăng cân, béo phì,…

Buồn ngủ là một trong những triệu chứng của rối loạn lipid máu
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Chỉ xét nghiệm máu mới biết chính xác (chắc chắn) có mắc rối loạn lipid máu hay không.

Các đối tượng dễ mắc rối loạn lipid máu

Rối loạn lipid máu dễ gặp phải ở những đối tượng: 

  • Những người ít vận động, có lối sống tĩnh tại, thừa cân, béo phì.
  • Thói quen ăn uống: Khẩu phần ăn có nhiều chất béo, thức ăn nhanh, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia.
Người có khẩu phần ăn nhiều chất béo, thức ăn nhanh dễ mắc rối loạn lipid máu
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

• Những người có các chứng bệnh gây RLLM (khoảng 10%) như đái tháo đường, hội chứng thận hư, tăng ure máu, suy tuyến giáp, bệnh gan… 

• Rối loạn lipid máu có yếu tố gia đình (có yếu tố di truyền), chỉ định xét nghiệm gien khi có phả hệ rõ ràng và sẽ được tiến hành điều trị suốt đời.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối lipid máu

Tất cả chúng ta đều nên kiểm soát nồng độ cholesterol và triglyceride của bản thân. Do nhiều yếu tố nguy cơ, một số người có thể dễ gặp các vấn đề về tim tiềm ẩn hơn những người khác. Có một vài yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, như tuổi tác hay di truyền. Tuy nhiên, bạn có thể kiểm soát một số yếu tố khác để giảm nồng độ cholesterol và triglyceride cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch (CVD). Bạn cần nắm rõ các yếu tố nguy cơ rối loạn mỡ máu của mình dựa trên tình trạng sức khỏe của mình và hướng đến lối sống lành mạnh hơn để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Hãy trò chuyện với bác sĩ để hiểu thêm về các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu (Rối loạn lipid máu) cũng như biết cách giúp giảm bớt những nguy cơ đó.

Duy trì lối sống lành mạnh để giảm nguy cơ mắc rối loạn mỡ máu

Lối sống của bạn ảnh hưởng rất lớn đến nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu, chính vì vậy, bạn cần điều chỉnh lối sống sao cho 2 thành phần này duy trì ở mức ổn định. Dưới đây là các yếu tố nguy cơ mà bạn có thể kiểm soát:

A. Béo phì

Béo phì làm tăng nồng độ triglyceride, khiến cholesterol xấu cao, đồng thời giảm cholestertol tốt. Người mắc bệnh béo phì bị dư thừa mỡ nội tạng. Mỡ nội tạng này sẽ bao phủ các cơ quan nội tạng như gan và tim.

Khác với những người thừa mỡ ở mông, đùi và phần thân dưới; người thừa mỡ ở phần bụng có nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao hơn vì mỡ nằm quanh các cơ quan nội tạng của họ.

Thừa cân đồng nghĩa với việc tim của bạn phải hoạt động vất vả hơn để đưa máu đi khắp cơ thể, dẫn đến tình trạng huyết áp cao.

Bí kíp để giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì:

  • Duy trì chế độ ăn lành mạnh bằng cách hạn chế chất béo bão hòa có trong phô mai, thịt heo và bơ
  • Đổi sang các loại thực phẩm lành mạnh hơn như rau, củ, quả và cá
  • Tăng cường tập thể dục, vận động thể chất
  • Tính chỉ số khối cơ thể (BMI) để xác định xem cơ thể bạn cân đối, thừa cân hay béo phì

Bạn có biết?  

Do chỉ số BMI không tính đến khối cơ, nên nếu bạn có nhiều cơ bắp, có thể bạn sẽ nằm trong nhóm béo phì. Do đó, bạn nên trao đổi với bác sĩ để xác định chỉ số BMI chính xác nhất.   

B. Thuốc lá

Hút thuốc là một yếu tố khác làm giảm nồng độ cholesterol tốt.  Khói thuốc chứa khoảng 5.000 thành phần hóa chất, trong đó có hàng trăm chất gây hại cho sức khỏe. 

Mỗi năm, có hàng nghìn người bỏ hút thuốc. Giờ đến lượt bạn! Hãy ngừng gây tổn thương cho chính bạn và những người xung quanh.  

C. Chế độ ăn uống không lành mạnh

Dù cho bạn không bị thừa cân, chế độ ăn giảm nồng độ cholesterol và triglyceride cũng là một trong những vũ khí hữu hiệu nhất giúp giảm nồng độ cholesterol và triglyceride.

Bí kíp để duy trì chế độ ăn uống lành mạnh:

  • Hạn chế chất béo bão hòa và các sản phẩm từ sữa tươi nguyên chất
  • Uống ít đồ có cồn. Khi được nạp vào cơ thể, cồn sẽ phân giải và tái cấu trúc thành triglyceride và cholesterol. Nếu nồng độ triglyceride quá cao, gan sẽ không thể đào thải hiệu quả cholesterol xấu. Do vậy, uống rượu sẽ làm tăng nồng độ triglyceride và cholesterol.  Ngoài ra, uống rượu có thể làm tăng huyết áp và tăng cân,  đây là hai yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh rối loạn mỡ máu.

D. Ít tập thể dục

Lối sống thụ động, ít hoạt động sẽ làm giảm nồng độ cholesterol tốt,  đồng nghĩa với việc cơ thể bạn sẽ khó loại bỏ cholesterol xấu và triglyceride khỏi động mạch hơn. Tập thể dục 150 phút/tuần ở cường độ vừa phải sẽ làm giảm nồng độ cholesterol và triglyceride. 

Tập thể dục 150 phút/tuần ở cường độ vừa phải sẽ làm giảm nồng độ cholesterol và triglyceride
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Căng thẳng được ghi nhận là nguyên nhân gây tăng cân và dẫn đến chế độ ăn uống không lành mạnh – từ đó làm tăng nồng độ cholesterol và triglyceride.  Nếu bạn gặp căng thẳng ở chỗ làm, rất có thể bạn sẽ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao. Các hoạt động thể chất sẽ giúp bạn giảm bớt căng thẳng. 

E. Căng thẳng cao độ

Bạn càng có nhiều yếu tố trên thì càng có khả năng có nồng độ cholesterol và triglyceride cao. Nếu bạn có nồng độ cholesterol cao và có các thói quen không lành mạnh như trên, bạn sẽ rất dễ mắc phải các bệnh tim mạch hoặc thậm chí bị nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.  

Tìm hiểu thêm: Rối loạn mỡ máu ảnh hưởng như thế nào đến tim mạch?

Hãy trao đổi với bác sĩ để thay đổi lối sống của mình. Bác sĩ chính là chìa khóa giúp trái tim bạn khỏe mạnh!

Có các yếu tố nguy cơ nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn

A. Tuổi tác

Tuổi càng cao thì nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao sẽ càng lớn. Người trên 50 tuổi có nguy cơ có nồng độ cholesterol và triglyceride cao hơn.

Bạn có biết?

Theo các cơ quan y tế của Anh:

  • Nhóm phụ nữ dưới 45 tuổi có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 14% đến 24% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 6% đến 12%
  • Nhóm nam giới dưới 45 tuổi có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 30% đến 43% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 12% đến 19%
  • Nhóm phụ nữ từ 60 tuổi trở lên có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 11% đến 18% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 5% đến 8%
  • Nhóm nam giới từ 60 tuổi trở lên có nồng độ cholesterol cao nhất sẽ có 20% đến 32% nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ ở tuổi 75, trong khi đó con số này ở những người có nồng độ cholesterol thấp nhất là 8% đến 16%

B. Di truyền

Tăng cholesterol máu di truyền gia đình (FH) là bệnh lý di truyền gây ra nồng độ lipoprotein tỷ trọng thấp cao (LDL). Đối với bệnh này, khả năng mắc rối loạn di truyền sẽ cao hơn và tiền sử gia đình sẽ đóng vai trò quan trọng hơn. Nếu người thân trong gia đình bạn có nồng độ cholesterol cao, bạn cần biết tiền sử cholesterol của họ. Ngoài ra, nếu bạn mắc bệnh tăng cholesterol máu di truyền gia đình, có một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm nồng độ cholesterol của bạn. Bạn cần trao đổi với bác sĩ về các phương pháp này.

Dù nguy cơ và nguyên nhân gây rối loạn mỡ máu là gì, bác sĩ là người tốt nhất để bạn trao đổi về vấn đề này. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Hậu quả của rối loạn lipid máu

Một số hậu quả của rối loạn lipid máu có thể kể đến là: 

  • Tăng huyết áp
  • Xơ vữa động mạch (mất tính đàn hồi co giãn của mạch máu)
  • Tắc mạch (gây hẹp lòng mạch máu)
  • Thiểu năng vành (thiếu máu cơ tim)
  • Nhồi máu cơ tim
  • Đột quỵ, tai biến mạch máu não
  • Bệnh thận
  • Bệnh mạch máu ngoại biên
Rối loạn lipid máu có nhiều hậu quả nguy hiểm
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Cách phòng tránh rối loạn lipid máu

Cách phòng tránh rối loạn lipid máu

  • Hạn chế hoặc loại bỏ các yếu tố nguy cơ cho cá nhân và gia đình.
  • Điều trị tích cực các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu nếu có.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh.
  • Tập thể dục, vận động thường xuyên.
  • Khám sức khỏe định kỳ ít nhất mỗi 6-12 tháng.
Luyện tập khoa học thường xuyên để ngăn ngừa rối loạn lipid máu
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Phương pháp điều trị bằng thay đổi lối sống

Chế độ ăn uống lành mạnh

• Chế độ ăn hạn chế mỡ béo: Nên ăn thịt nạc, thịt gia cầm (gà, vịt) nên bỏ da, ăn cá các loại, hạn chế thực phẩm chiên xào, hạn chế lòng động vật (ruột, gan, thận, lách…), lòng đỏ trứng (1 tuần/1 lòng đỏ).

• Tránh mỡ động vật, dầu thực vật có độ bão hòa cao như dầu dừa, dầu cọ. Nên dùng dầu ô liu, dầu hạt cải chưa bão hòa. Sản phẩm bơ sữa ít béo thay thế sản phẩm bơ sữa nguyên kem.

• Hạn chế thức ăn nhanh, ăn nhiều rau xanh, đạm thực vật, các chế phẩm đậu nành có thể giảm LDL-Cholesterol.

• Ngưng thuốc lá, hạn chế rượu bia.

Hoạt động thể lực: tăng cường hoạt động thể lực, tập luyện đều đặn thời gian tổng cộng ít nhất 150 phút mỗi tuần, không nên ngưng tập 2 ngày liên tiếp. Người lớn tuổi có thể chia đi bộ nhiều lần trong ngày, mỗi lần 10 đến 15 phút.

Kiểm soát cân nặng: Nên duy trì chỉ số khối cơ thể (BMI = cân nặng(kg)/ bình phương chiều cao(m)) trong khoảng từ 18,5 đến 22,9.

Ngoài yếu tố di truyền, lối sống không lành mạnh, ít vận động cùng thói quen sử dụng thức ăn nhanh là những nguyên nhân có thể dẫn đến rối loạn lipid máu. Hãy chủ động thay đổi thói quen xấu và xây dựng lối sống tích cực để phòng ngừa rối loạn mỡ máu tránh những hậu quả nguy hiểm của bệnh. Hy vọng những thông tin a:care Việt Nam cung cấp trên đây hữu ích với bạn.

Tài liệu tham khảo

1.Centers for Disease Control and Prevention. Knowing Your Risk: High Cholesterol. https://www.cdc.gov/cholesterol/risk_factors.htm, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
2.Klop B, Elte J, Cabezas M. Dyslipidemia in obesity: Mechanisms and potential targets. Nutrients 2013;5(4):1218-1240.
3.British Heart Foundation. Obesity. https://www.bhf.org.uk/informationsupport/risk-factors/your-weight-and-heart-disease, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
4.American Heart Association. Saturated Fat. www.heart.org. https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-eating/eat-smart/fats/saturated-fats, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
5.American Heart Association. Prevention and Treatment of High Cholesterol (Hyperlipidemia). https://www.heart.org/en/health-topics/cholesterol/prevention-and-treatment-of-high-cholesterol-hyperlipidemia, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
6.American Heart Association. How Smoking and Nicotine Damage Your Body. https://www.heart.org/en/healthy-living/healthy-lifestyle/quit-smoking-tobacco/how-smoking-and-nicotine-damage-your-body, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
7.Heart. Alcohol. https://www.heartuk.org.uk/low-cholesterol-foods/alcohol, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
8.Marcondes F, Costa R, Sanches A et al. Dyslipidemia induced by stress. Roya Kelishadi, IntechOpen 2012.
9.NHS UK. Should younger adults get their cholesterol levels checked? https://www.nhs.uk/news/heart-and-lungs/should-younger-adults-get-their-cholesterol-levels-checked/, Published 2020. Accessed October 21, 2020.
10.HEART UK. The Cholesterol Charity. What is High Cholesterol? https://www.heartuk.org.uk/cholesterol/what-is-high-cholesterol, Published 2020. Accessed October 5, 2020.
11.National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion, Alcohol Use and Your Health. https://www.cdc.gov/alcohol/fact-sheets/alcohol-use.htm, Accessed November 02, 2020.

VTM1294258 (v1.1)