Vì sao cần quan tâm hơn đến bệnh võng mạc đái tháo đường?

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê
Nguyên Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường – Nội tiết TPHCM / Phó chủ tịch Hội Y học khóa V, VI, VII, VIII, phụ trách Khoa học – Đào tạo, / Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết – Đái tháo đường Đại học Y dược TPHCM
  • Ngày cập nhật: 28/3/2024

1. Bệnh võng mạc đái tháo đường là gì?

Bệnh võng mạc Đái tháo đường là những thay đổi ở võng mạc (danh từ dân gian thường gọi là đáy mắt) của người bị đái tháo đường (ĐTĐ) có thể đưa đến giảm thị lực hoặc mù. 

Bệnh võng mạc đái tháo đường
Võng mạc bình thường và võng mạc đái tháo đường

(Nguồn IDF : Chăm sóc mắt do ĐTĐ-Hướng dẫn dành cho nhân viên y tế)

2. Vì sao võng mạc của người ĐTĐ bị tổn thương?

Đường huyết tăng cao sẽ làm tổn thương đến cấu trúc của mạch máu ở đáy mắt, mạch máu bị biến dạng, tăng tính thấm (xuất huyết và xuất tiết do các thành phần của máu thấm qua thành mạch vào võng mạc), mạch máu bị tổn thương gây thiếu máu tại võng mạc, phù nề. Khi võng mạc thiếu máu, sẽ xuất hiện các mạch máu mới; tuy nhiên các mạch máu mới này có thể phát sinh không theo vị trí cơ thể học bình thường (gây tăng nhãn áp) và rất dễ bị vỡ, gây ra các mảng xuất huyết ở võng mạc, xuất huyết vào dịch kính có thể gây mù cấp tính.

Ngoài ra nếu vùng hoàng điểm bị phù nề cũng gây giảm thị lực (hoàng điểm là nơi vùng ở võng mạc nhận hình ảnh trung tâm, màu sắc và các chi tiết của hình ảnh) 

3. Vì sao cần quan tâm đến bệnh bệnh võng mạc ĐTĐ?

Theo ước tính của các nghiên cứu dịch tễ, khoảng 1/3 người bệnh ĐTĐ có tổn thương ở đáy mắt, trong số này khoảng 5-10% có thể giảm thị lực hoặc mù do mạch máu tăng sinh hoặc thoái hóa hoàng điểm.  

Tuy nhiên nguy cơ trong đời của người ĐTĐ típ 2 bị bệnh võng mạc ĐTĐ là 50-60%, còn ĐTĐ típ 1 có thể  là 90%. Tình trạng này có vẻ xấu hơn ở các nước đang phát triển do việc chăm sóc ĐTĐ chưa được toàn diện.

4. Triệu chứng của bệnh võng mạc ĐTĐ là gì?

Trong giai đoạn đầu, người bệnh có thể không cảm thấy thay đổi gì về thị lực.   Tuy nhiên nếu có xuất huyết trong dịch kính do vỡ các mạch máu tân tạo tăng sinh có thể mù cấp tính. Nếu hoàng điểm bị tổn thương người bệnh đó thể thấy những vùng mờ khi nhìn một hình ảnh (gọi là ám điểm) hoặc các hình ảnh phần nào bị biến dạng. 

Triệu chứng của bệnh võng mạc ĐTĐ
Triệu chứng có thể gặp khi bị võng mạc đái tháo đường

5. Những yếu tố nào tạo thuận lợi cho bệnh võng mạc ĐTĐ xuất hiện

Các yếu tố chính là thời gian dài bị bệnh ĐTĐ, đường huyết tăng cao, tăng huyết áp. 

Ngoài ra có một số yếu tố khác cũng được nhắc đến, nhất là khi có phù hoàng điểm: tuổi cao, hút thuốc lá, rối loạn mỡ máu, xơ vữa động mạch. 

6. Làm sao để phát hiện bệnh võng mạc đái tháo đường?

Do bệnh không có triệu chứng hoặc triệu chứng không rõ ràng trong giai đoạn đầu, việc khám mắt định kỳ rất quan trọng để phát hiện bệnh sớm. 

Bệnh nhân ĐTĐ típ 2 cần được đo thị lực và khám đáy mắt ngay khi mới chẩn đoán, nếu bình thường sẽ khám lại sau 2 năm. Nếu bất thường tùy theo mức độ tổn thương, cần khám lại sau 3, 6 tháng hoặc 1 năm. ĐTĐ típ 1 khám đáy mắt 5 năm sau chẩn đoán, sau đó tiếp tục khám để tầm soát theo quy trình như ĐTD típ 2.

PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê
PGS.TS.BS Nguyễn Thy Khuê
Nguyên Chủ tịch Liên chi hội Đái tháo đường – Nội tiết TPHCM
Phó chủ tịch Hội Y học khóa V, VI, VII, VIII, phụ trách Khoa học – Đào tạo,
Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Nội tiết – Đái tháo đường Đại học Y dược TPHCM

Để tầm soát nhất là ở vùng sâu vùng xa, Liên đoàn ĐTĐ quốc tế khuyến cáo chụp hình đáy mắt không dãn đồng tử bằng máy ảnh, sau đó nếu có bất thường sẽ hỏi ý kiến chuyên khoa.

Tại các bệnh viện, bệnh nhân thường được khám đáy mắt bằng đèn soi hoặc chụp ảnh có nhỏ thuốc dãn đồng tử, hoặc dùng kính hiển vi đèn khe.

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1. IDF : Chăm sóc mắt do ĐTĐ-Hướng dẫn dành cho nhân viên y tế

2. Klein R, Klein BE, Moss SE, Davis MD, DeMets DL. The Wisconsin epidemiologic study of diabetic retinopathy. II. Prevalence and risk of diabetic retinopathy when age at diagnosis is less than 30 years. Arch Ophthalmol. 1984;102(4):520-526. doi:10.1001/archopht.1984.01040030398010 

3. Yau JW, Rogers SL, Kawasaki R, et al. Global prevalence and major risk factors of diabetic retinopathy. Diabetes Care. 2012;35(3):556-564. doi:10.2337/dc11-1909

VTM1310625 (v1.0)