Quan niệm sai lầm về táo bón và điều trị táo bón ở trẻ em ba mẹ thường mắc phải

Chuyên gia viết bài: GS.TS.BS Nguyễn Gia Khánh
Nguyên Chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam / Nguyên Trưởng khoa Tiêu Hóa Dinh Dưỡng Gan Mật Bệnh viện Nhi Trung Ương / Nguyên Chủ nhiệm bộ môn Nhi Trường Đại Học Y Hà Nội
  • Ngày cập nhật: 06/10/2023

Mục lục

  1. Bé táo bón là chuyện bình thường, cha mẹ không cần lo lắng
  2. Táo bón ở trẻ em theo thời gian sẽ tự khỏi, chỉ cần điều trị thời gian ngắn?
  3. Để chữa trị táo bón cho trẻ ăn thêm rau và trái cây là đủ
  4. Có thể sử dụng bơm thụt nhiều lần khi trẻ bị táo bón không?/a>
  5. Khi trẻ bị táo bón cha mẹ tự ý mua men tiêu hóa và men vi sinh về điều trị táo bón cho trẻ ở nhà
  6. Cha mẹ thường cho rằng dùng thuốc điều trị táo bón có thể nguy hiểm cho bé và chỉ nên dùng vài ngày
  7. Cha mẹ tự ý dừng thuốc nhuận tràng thẩm thấu khi thấy bé đã đỡ táo bón
  8. Một trường hợp táo bón cấp tính ở trẻ nhỏ được chẩn đoán và điều trị đúng cách
  9. Một trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài, gây ăn kém, chậm lớn

Táo bón rất thường gặp ở trẻ em chiếm 3%-5% nguyên nhân trẻ tới khám bệnh. Táo bón ở trẻ em là tình trạng trẻ đi tiêu không thường xuyên (dưới 3 lần trong 1 tuần), đi tiêu đau, khó khăn, phân rắn gây khó chịu và căng thẳng cho cả bệnh nhi và cha mẹ. 

Táo bón có thể xảy ra trong vài ngày, vài tuần, thường gọi là táo bón cấp tính. Nhưng cũng có thể kéo dài hàng tháng, hàng năm, còn gọi là táo bón kéo dài mạn tính. Táo bón mạn tính ảnh hưởng tới tiêu hóa, gây đau bụng kéo dài, ảnh hưởng đến bữa ăn, giấc ngủ, và gây tâm lý căng thẳng đối với trẻ. Từ đó dẫn tới suy dinh dưỡng, chậm phát triển thể chất và học tập của trẻ.

Táo bón ở trẻ em cần được phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, những quan niệm sai lầm của cha mẹ thường làm cho việc tiếp cận chẩn đoán chậm trễ, gây căng thẳng, khó khăn với trẻ. Sau đây là những quan niệm sai lầm cha mẹ thường mắc phải:

1. Bé táo bón là chuyện bình thường, cha mẹ không cần lo lắng

Trước hết cha mẹ cần hiểu thế nào là trẻ bị táo bón? 

Táo bón ở trẻ em là khi trẻ đi tiêu ít, dưới 3 lần 1 tuần. Phân cứng nên đi tiêu khó khăn, và trẻ mót đi tiêu mà không đi được nên khó chịu căng thẳng (đau khi mót đi ngoài, do phân cứng, rặn đau, ngồi lâu, đau chảy máu do rách hậu môn), khóc lóc sợ đi ngoài. Nếu quá trình trên cứ kéo dài vài tuần mà không được điều trị thì trẻ sẽ rất sợ đi ngoài

đau và không đi ngoài được nên trẻ nhịn khi mót. Phân sẽ càng ứ lại, trực tràng càng giãn to, hút nước nên phân càng rắn lại. Trẻ sẽ ăn kém đi, sợ và nhịn đi ngoài, và dần trở thành táo bón mạn tính kéo dài gây ăn kém, suy dinh dưỡng. Vì vậy, táo bón ở trẻ em không phải là chuyện bình thường.  

táo bón ở trẻ em không phải là chuyện bình thường
Táo bón mạn tính kéo dài có thể gây biếng ăn, suy dinh dưỡng ở trẻ

Ngay khi trẻ bị táo bón, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám bệnh để tìm nguyên nhân và điều trị ngay. Xem có phải do trẻ ăn phải thức ăn gì đặc biệt, hay uống thuốc gây táo bón, hay do chế độ ăn quá ít các chất xơ và uống ít nước. Việc xử trí sớm ngay khi bị táo bón cấp tính sẽ tránh cho trẻ nhiều nguy cơ trở thành táo bón kéo dài rất khó điều trị.

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ lo lắng mang trẻ tới khám vì 4-5 ngày mới đi ngoài 1 lần nhưng phân vẫn mềm tơi xốp, trẻ đi ngoài dễ dàng không phải rặn, hoặc trước đây trẻ đi tiêu 2-3 lần 1 ngày, nay chỉ đi tiêu 1 lần 1 ngày, hoặc 2 ngày 1 lần, nhưng đi ngoài dễ dàng, phân mềm, tơi xốp thì không phải là táo bón thực sự.

Do vậy táo bón ở trẻ em là một biểu hiện rối loạn tiêu hóa, cha mẹ cần theo dõi và quan sát khi trẻ đi ngoài, nếu phát hiện trẻ táo bón cần đưa trẻ đi khám ngay.

2. Táo bón ở trẻ em theo thời gian sẽ tự khỏi, chỉ cần điều trị thời gian ngắn? 

3 thời điểm táo bón ở trẻ em dễ xảy ra, với trẻ nhỏ là lúc chuyển từ chế độ ăn lỏng sang chế độ ăn đặc ngoài 6 tháng; lúc trẻ tập ngồi, bò một mình; và đa số là lúc trẻ đến trường ở tuổi mẫu giáo, tiểu học. 

thời gian táo bón ở trẻ em
Trẻ dễ bị táo bón hơn lúc đến trường, ở tuổi mẫu giáo, tiểu học

Táo bón ở trẻ em không tự khỏi. Đối với táo bón cấp tính, táo bón thường mất đi sau khi điều trị, khi dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu, thay đổi chế độ ăn uống như ăn thêm nhiều hoa quả, chất xơ, uống thêm nước. Nếu các nguyên nhân không được cải thiện táo bón sẽ tái phát trở lại và nếu không được tiếp tục điều trị sẽ trở thành táo bón mạn tính kéo dài ảnh hưởng tới thể chất và tinh thần trẻ. 

Do vậy đối với táo bón cấp tính điều trị một thời gian ngắn kèm theo với việc cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nước đầy đủ bệnh sẽ không tái phát. 

Tuy nhiên đối với táo bón kéo dài mạn tính, việc dùng thuốc và điều trị phải kéo dài theo hướng dẫn của thầy thuốc, tự ngừng điều trị, điều trị không đúng và đủ, trẻ sẽ tái phát táo bón. 

Tóm lại cần phải cho trẻ đi khám và có kế hoạch điều trị táo bón với sự hướng dẫn của thầy thuốc.

3. Để chữa trị táo bón cho trẻ ăn thêm rau và trái cây là đủ

Quan niệm này chỉ đúng với phòng bệnh táo bón, còn khi trẻ đã bị táo bón, phân thường khô cứng và to do ứ đọng ở đại tràng, nên trẻ thường rất khó đi ngoài và phải rặn lâu, rặn đau khi đi ngoài.

cho trẻ táo bón ăn trái cây
Khi trẻ bị táo bón, ba mẹ chỉ cho ăn thêm rau và trái cây là chưa đủ

Trẻ đã bị táo bón, nhất là táo bón kéo dài, nếu chỉ cho ăn thêm rau và trái cây không làm phân mềm lại được. Trẻ cần được uống thuốc nhuận tràng thẩm thấu để làm mềm phân, tống hết phân cũ, cứng ứ đọng trong thời gian táo bón và tiếp tục làm mềm phân mới. Trẻ cũng cần được uống đủ nhu cầu nước hàng ngày, cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ. Tóm lại khi trẻ bị táo bón cần có sự chẩn đoán và hướng dẫn điều trị của thầy thuốc.

4. Có thể sử dụng bơm thụt nhiều lần khi trẻ bị táo bón không?

Có thể sử dụng bơm thụt xổ khi trẻ táo bón lâu, bụng chướng rất khó chịu và không tự đi ngoài được (ứ phân). Tuy nhiên không nên sử dụng bơm thụt nhiều lần, 2-3 ngày một lần rất khó chịu đối với trẻ, có thể làm tổn thương hậu môn, trực tràng của trẻ. 

Nếu cần xổ phân vì ứ đọng lâu, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng các thuốc nhuận tràng thẩm thấu liều cao uống, để phân mềm nhanh và thải ra được dễ dàng (Thuốc nhuận tràng thẩm thấu dạng siro, uống 2 lần/ngày, trong 7 ngày…) để trẻ có thể tự đi ngoài mà không cần phải thụt. 

Khi điều trị táo bón ở trẻ em, việc dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu giúp trẻ đi ngoài hàng ngày đều đặn mà không cần thiết phải xổ. 

sử dụng bơm thụt khi trẻ bị táo bón
Không nên sử dụng bơm thụt nhiều lần khi trẻ bị táo bón

5. Khi trẻ bị táo bón cha mẹ tự ý mua men tiêu hóa và men vi sinh về điều trị táo bón cho trẻ ở nhà

Khi trẻ bị táo bón, phân thường ứ đọng lâu nên phân cứng và to làm trẻ không đi ngoài được. Nếu cha mẹ chỉ cho uống các men vi sinh và men tiêu hóa thì không thể làm mềm phân ngay, trẻ sẽ không đi ngoài được ngay. Như vậy, cần phải cho thuốc có tác động làm mềm phân ngay, liều cao hơn bình thường, trẻ mới đi ngoài được. 

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh các loại men vi sinh không có tác dụng điều trị táo bón ở trẻ em kể cả khi phối hợp với các thuốc có tác động làm mềm phân như thuốc nhuận tràng thẩm thấu. Các loại men tiêu hóa cũng không có tác dụng phòng và điều trị táo bón ở trẻ em. Vì vậy các bậc cha mẹ không nên tự ý mua men vi sinh và men tiêu hóa về điều trị táo bón cho con.

Bị táo bón phân thường ứ đọng lâu nên phân cứng và to làm trẻ không ỉa được
Thuốc có tác dụng làm mềm phân ngay sẽ giúp bé đi ngoài được ngay

6. Cha mẹ thường cho rằng dùng thuốc điều trị táo bón có thể nguy hiểm cho bé và chỉ nên dùng vài ngày

Đối với những trẻ bị táo bón, bên cạnh việc thay đổi chế độ ăn, uống, thói quen sinh hoạt, thì thuốc có tác động làm mềm phân ngay như nhuận tràng thẩm thấu chính là biện pháp cần thiết mang lại thành công cho điều trị.

Có một điều có thể cha mẹ chưa hiểu rõ là việc điều trị táo bón ở trẻ em đặc biệt là táo bón tái phát liên tục và kéo dài đòi hỏi rất nhiều thời gian và cần sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu kéo dài

Theo những khuyến cáo mới nhất trên thế giới và trong nước, sau khi đã đi ngoài sạch hết các phân cứng ứ đọng trong đại tràng, trực tràng và trẻ đã đi tiêu bình thường ít nhất 3 lần một tuần, phân mềm thì vẫn phải sử dụng các thuốc nhuận tràng thẩm thấu, cải thiện chế độ ăn đủ các chất xơ, nước uống, thay đổi các thói quen sinh hoạt trong một thời gian, ít nhất là 6 tháng. Sau đó thuốc nhuận tràng thẩm thấu được từ từ giảm dần, và ngưng hẳn, trong khi các biện pháp khác như ăn, uống, thói quen vận động, đi ngoài hàng ngày vẫn tích cực duy trì thì điều trị táo bón mới thực sự có kết quả. Việc tự ngưng thuốc nhuận tràng thẩm thấu đột ngột, táo bón ở trẻ sẽ tái phát.

thay đổi thói quen cho trẻ bị táo bón
Thay đổi thói quen sinh hoạt cần được duy trì trong ít nhất 6 tháng

Các thuốc nhuận tràng thẩm thấu sử dụng để điều trị táo bón cho trẻ có thể sử dụng kéo dài. Do điều trị táo bón, đặc biệt là táo bón mạn tính phải sử dụng thuốc nhuận tràng thẩm thấu kéo dài từ 6 tháng hoặc hơn nữa, vì vậy các thuốc dùng để điều trị táo bón phải rất an toàn không gây hại cho trẻ cũng như không bị nhờn thuốc.

Ví dụ một loại thuốc được các bác sĩ hay sử dụng cho trẻ là thuốc nhuận tràng thẩm thấu dạng siro là một loại đường tổng hợp, không hấp thụ vào máu, vừa làm mềm phân dễ đi tiêu, vừa giúp duy trì các vi khuẩn có lợi trong trong đường ruột của trẻ, ngay cả ở trẻ sơ sinh. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã chứng minh được hiệu quả và tính dung nạp khi sử dụng lâu dài. Tất nhiên chỉ định sử dụng kéo dài cần theo chỉ định và hướng dẫn của thầy thuốc, bố mẹ không nên ngần ngại trước chỉ định sử dụng các thuốc làm mềm phân kéo dài của thầy thuốc.

7. Cha mẹ tự ý dừng thuốc nhuận tràng thẩm thấu khi thấy bé đã đỡ táo bón 

Đối với những trường hợp táo bón cấp tính việc sử dụng các thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường kết thúc khi phân đã mềm, và đi ngoài trở lại bình thường. 

Tuy nhiên đối với những trường hợp táo bón ở trẻ em đã kéo dài hay tái phát đi tái phát lại nhiều tháng nhiều năm đòi hỏi phải có thời gian để tháo hết phân cứng ứ đọng từ trước, cải thiện thói quen nhịn đi tiêu, sợ đi tiêu và xây dựng thói quen đi ngoài hàng ngày.

Nghiên cứu và thực tế lâm sàng cho thấy phải duy trì tình trạng mềm phân, đi ngoài dễ 6 tháng sau khi phân táo cũ đã được tháo hết, và các thuốc làm mềm phân được giảm từ từ trước khi ngừng hẳn thì điều trị táo bón kéo dài mới thực sự hiệu quả. Do vậy cha mẹ không nên tự ý ngừng thuốc khi trẻ đã đỡ táo bón, mà cần theo hướng dẫn và chỉ định của thầy thuốc. Tự ý ngừng thuốc đột ngột sẽ làm táo bón tái phát trở lại.

tự ý dừng thuốc sẽ khiên trẻ bị táo bón trở lại
Tự ý ngừng thuốc làm mềm phân đột ngột sẽ làm táo bón tái phát trở lại.

8. Một trường hợp táo bón cấp tính ở trẻ nhỏ được chẩn đoán và điều trị đúng cách

Bé P, nam, 3 tháng tuổi, cân nặng 5,5 kg. Mẹ than phiền bé đi tiêu khó khăn, 4-5 ngày mới đi một lần, phân rất cứng và thường phải bơm hậu môn. Đôi lúc tiêu ra máu tươi sau khi phân cứng ra ngoài. Bé hay khóc khi đi tiêu. 

Bé đang bú mẹ và có bú thêm sữa công thức (mẹ vẫn có sữa nhưng nghĩ rằng bú thêm sữa công thức bé sẽ giúp bé phát triển tốt hơn). Mỗi ngày bé bú 3 cữ sữa mẹ và 5 cữ sữa công thức, mỗi cữ 60ml. Mẹ thấy bé không tăng cân nhiều nên pha sữa đặc gấp đôi so với hướng dẫn ghi trên hộp sữa. Sau mỗi cữ bú bé có uống ít nước chín. 

Bé sinh thường, đủ tháng, cân nặng lúc sinh 3.000g, sau sinh đi tiêu phân su ngay trong ngày đầu. Khám không phát hiện gì bất thường ở hệ tiêu hóa cũng như toàn thân. Bé được chẩn đoán táo bón cấp, do nguyên nhân dinh dưỡng: sữa công thức pha quá đặc.

Bé được điều trị bằng cách tiếp tục bú mẹ, sữa công thức pha nước bình thường, không pha đặc gấp đôi như trước. Bé được chỉ định dùng thuốc nhuận tràng thẩm thấu dạng siro liều cao trong 5 ngày để đi ngoài hết phân cứng cũ, sau 5 ngày điều trị, duy trì thuốc nhuận tràng ở liều bình thường trong 5 ngày. Sau 10 ngày điều trị trẻ đi tiêu bình thường trở lại.

GS.TS.BS Nguyễn gia Khánh 
Nguyên chủ tịch Hội Nhi Khoa Việt Nam.
Nguyên trưởng khoa Tiêu Hóa Dinh Dưỡng Gan Mật Bệnh viện Nhi Trung Ương.
Nguyên chủ nhiệm bộ môn Nhi Trường Đại Học Y Hà Nội.

9. Một trường hợp trẻ bị táo bón kéo dài, gây ăn kém, chậm lớn

Bé M, 5 tuổi, nặng 14kg, sinh thường, đủ tháng, bú mẹ. Từ 5-6 tháng sau khi cho ăn bổ sung cháo và bột sữa công thức, trẻ ngày càng ít đi ngoài, lúc đầu 3 ngày 1 lần, mỗi lần đi ngoài trẻ khóc, rặn cố phân mới ra được. 

Bố mẹ cho uống men vi sinh, uống thuốc nhuận trường trong 5-6 ngày trẻ lại đi ngoài được. Bố mẹ cho dừng thuốc, 4-5 ngày sau trẻ lại từ từ bị táo lại. 

Dần dần lúc 2-3 tuổi, 7-8 ngày trẻ mới đi ngoài 1 lần. Bố mẹ thấy khi trẻ buồn đi ngoài thường tìm chỗ vắng, khép chân để hết mót đi. Trẻ rất sợ, ngại đi vì những lần đi ngoài phải rặn rất lâu, phân to cứng nên rặn đau và kèm theo rây máu tươi ở đoạn phân cuối. Mỗi lần trẻ đi ngoài, bố mẹ rất lo lắng và căng thẳng vì sợ trẻ đau rát và không đi được. Trẻ ăn kém, tăng cân chậm. 

Khi thăm khám, trẻ thiếu 2 kg so với tuổi, da hơi xanh, bụng mềm có nhiều cục phân ở hố chậu trái, thăm hậu môn có sẹo rách hậu môn vị trí 12 giờ. Và có nhiều phân cứng ở trực tràng, các bộ phận khác bình thường. 

Cháu được chẩn đoán táo bón chức năng kéo dài và cần được diều trị ngoại trú với thuốc nhuận tràng thẩm thấu để làm mềm phân trong thời gian dài. Bên cạnh đó, hướng dẫn bố mẹ cho cháu uống đủ nhu cầu nước hàng ngày, cải thiện chế độ ăn đầy đủ các chất xơ, rau quả. Đồng thời hướng dẫn trẻ đi ngoài đều mỗi ngày hoặc 2 ngày 1 lần sau bữa ăn.

Điều trị giai đoạn 1 cho cháu bằng thuốc nhuận tràng thẩm thấu để tháo sạch phân cũ ứ đọng trong thời gian dài đến khi trẻ đã ỉa hết phân cũ và có thể đi ngoài phân mềm bình thường.

Giai đoạn 2, điều trị duy trì bằng các thuốc nhuận tràng thẩm thấu và các điều trị hỗ trợ tới khi trẻ đã thành tập quán đi ngoài sau khi ăn, ngày 1 lần đều đặn (khoảng 5-6 tháng). 

Giai đoạn 3, từ từ giảm dần các thuốc nhuận tràng thẩm thấu, đảm bảo trẻ ăn uống đủ nước và các chất xơ, xây dựng được thói quen đi ngoài đều hàng ngày. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu được giảm từ từ và ngừng hẳn. Trong khi các biện pháp điều trị hỗ trợ khác như uống đủ nước, ăn đủ chất xơ, đi ngoài đều hàng ngày vẫn được theo dõi và duy trì.

Sau 9 tháng điều trị kiên trì, trẻ đã đi ngoài đều 1-2 ngày 1 lần, phân khuôn, không đau khi đi ngoài và lên cân 2 kg trong 9 tháng do ăn uống được tốt hơn.

Hà Nội, Tháng 9/2023

VTM1291225 (v1.0)