Đừng chủ quan với bệnh viêm phổi ở người cao tuổi

PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc
PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc
Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam. / Chủ tịch Liên Chi Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh. / Chủ tịch Hội Đồng Y Đức BV Chợ Rẫy / Nguyên Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy / Nguyên Phó Trưởng Khoa Y – Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.
  • Ngày cập nhật: 12/12/2023

Viêm phổi ở người cao tuổi thường không có các triệu chứng điển hình như sốt hoặc ho có đờm. Điều này đôi khi gây khó khăn cho việc chẩn đoán bệnh, trong khi người cao tuổi thường cần điều trị tích cực hơn, có nguy cơ biến chứng cao hơn, và thường dễ bị tử vong do viêm phổi hơn so với người trẻ tuổi.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng ở phổi, có thể một hoặc cả hai phổi, khi các túi khí trong phổi (phế nang) chứa đầy vi khuẩn hoặc dịch tiết hay mủ. Bệnh biểu hiện ở nhiều mức độ khác nhau, tùy theo từng người và từng điều kiện miễn dịch của cơ thể.

Các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe, và tác nhân gây nhiễm trùng ảnh hưởng nhiều đến cách cơ thể chống đỡ và phục hồi sau viêm phổi. Những người có hệ miễn dịch yếu thường gặp phải tình trạng viêm phổi nặng hơn và có biến chứng nhiều hơn.

Viêm phổi là gì

Hệ thống miễn dịch của cơ thể suy yếu tự nhiên theo tuổi tác. Điều này có nghĩa là phải hết sức cẩn thận trong điều trị viêm phổi ở người cao tuổi, vì nguy cơ viêm phổi nặng càng cao khi tuổi càng cao. 

Nếu không được điều trị, viêm phổi ở người cao tuổi có thể ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài đến chất lượng cuộc sống.

2. Vì sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

3 nguyên nhân chính khiến người cao tuổi dễ bị viêm phổi là:

  • Hệ miễn dịch suy yếu, giảm khả năng chống lại tác nhân gây bệnh
  • Giảm cơ chế đề kháng tại chỗ (phản xạ ho, tổn thương lớp biểu mô đường thở) của đường hô hấp 
  • Đồng mắc các bệnh nền, mạn tính

3. Tác nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi?

Các tác nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi bao gồm vi khuẩn, virus, vi nấm.

Vi khuẩn

Có nhiều loại vi khuẩn gây viêm phổi, Streptococcus pneumoniae (còn gọi là phế cầu) là nguyên nhân thường gặp.

Một số vi khuẩn gây viêm phổi với các triệu chứng, đặc điểm khác với viêm phổi thông thường. Nhiễm trùng này được gọi là viêm phổi không điển hình. Vi khuẩn gây viêm phổi không điển hình thường gặp là Mycoplasma pneumoniae, Chlamydia pneumoniae.

Tác nhân gây viêm phổi ở người cao tuổi

Virus

Virus xâm nhập vào phổi và đường hô hấp có thể gây viêm phổi. Cúm (Virus cúm) và cảm lạnh thông thường (do rhinovirus,…) là những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm phổi do virus ở người lớn.

Nấm

Các loại nấm như Pneumocystis jirovecii có thể gây viêm phổi, đặc biệt đối với những người có hệ miễn dịch yếu.

4. Vì sao viêm phổi ở người cao tuổi lại đáng lo ngại hơn so với người trẻ?

Ở người cao tuổi, sức đề kháng giảm, phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm trùng như viêm phổi cũng ít rầm rộ hơn nên thường không sốt, không ho khạc đàm nhiều như những người trẻ, một số trường hợp còn không có triệu chứng. Điều này dễ làm người bệnh và người nhà chủ quan tưởng bệnh nhẹ, trong khi viêm phổi ở người cao tuổi có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt ở người có nhiều bệnh nền. 

Do đó, cần lưu ý nhận diện các triệu chứng cảnh báo của viêm phổi để đi khám và điều trị sớm.

5. Khi nào cần thăm khám bác sĩ?

Người cao tuổi cần thăm khám sớm nếu có các dấu hiệu, triệu chứng của viêm phổi. Nếu thấy khó thở, sốt cao, sốt kéo dài hoặc ho, hãy đi thăm khám bác sĩ. 

Đặc biệt khi người cao tuổi có bệnh mạn tính như COPD, suy tim, bệnh động mạch vành, đái tháo đường, bệnh thận mạn tính và nghi ngờ viêm phổi thì cần đi khám khẩn cấp.

Tùy nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định chữa trị, theo dõi tại nhà hay cần phải điều trị và theo dõi tại bệnh viện.

 Khi nào cần thăm khám bác sĩ

6. Dấu hiệu viêm phổi nặng ở người cao tuổi cần nhập viện ngay

Các dấu hiệu viêm phổi nặng có thể kể đến như:

  • Nhầm lẫn, lơ mơ lú lẫn hoặc bất tỉnh tạm thời
  • Khó thở và/hoặc thở nhanh (hơn 30 nhịp mỗi phút),
  • Tim đập nhanh (trên 120 nhịp mỗi phút),
  • Tụt huyết áp (huyết áp tâm thu dưới 90 mmHg, huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg), và
  • Sốt cao (cao hơn 40 độ C) hoặc hạ thân nhiệt (thấp hơn 35 độ C).

7. Viêm phổi ở người cao tuổi có thể gây ra biến chứng gì?

Viêm phổi ở người cao tuổi có thể gây ra các biến chứng như áp xe phổi, suy hô hấp, suy tim. Một số biến chứng khác có thể gặp như nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm trùng, suy thận cấp, tràn dịch màng phổi, viêm hay mủ màng phổi.

Áp xe phổi

Người lớn tuổi dễ bị áp xe phổi hơn, cần báo ngay cho bác sĩ điều trị nếu có triệu chứng sau đây:

  • Sốt cao, trên 38 độ C 
  • Ho ra mủ
  • Đổ mồ hôi đêm
  • Không cảm thấy đói, chán ăn
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi

Suy hô hấp

Viêm phổi ở người cao tuổi dễ dẫn đến suy hô hấp hơn so với người trẻ. Bên cạnh đó, người có hệ thống miễn dịch yếu, có tiền sử nghiện rượu hoặc đang nằm viện cũng có khả năng bị suy hô hấp cao hơn.

Suy tim

Khả năng gặp biến cố tim mạch liên quan đến viêm phổi sẽ cao hơn ở người lớn tuổi, đang nằm viện hoặc đã mắc bệnh tim trước đó.

8. Bác sĩ sẽ điều trị viêm phổi ở người cao tuổi như thế nào?

Người cao tuổi cần được điều trị viêm phổi càng sớm càng tốt. Bác sĩ sẽ chỉ định kháng sinh hoặc thuốc không kê đơn, tùy thuộc vào mức độ và tác nhân gây bệnh.

Một số loại thuốc có thể được chỉ định:

  • Thuốc kháng sinh điều trị viêm phổi do vi khuẩn, viêm phổi do virus bội nhiễm vi khuẩn
  • Thuốc kháng virus điều trị viêm phổi do virus
  • Thuốc kháng nấm điều trị viêm phổi do nấm
  • Thuốc không kê toa để hạ sốt hoặc giúp dễ thở
Bác sĩ sẽ điều trị viêm phổi ở người cao tuổi như thế nào
PGS.TS.BS. Trần Văn Ngọc
Phó Chủ tịch Hội  Phổi Việt Nam.
Chủ tịch Liên Chi Hội Hô hấp TP. Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hội Đồng Y Đức BV Chợ Rẫy
Nguyên Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Chợ Rẫy
Nguyên Phó Trưởng Khoa Y – Đại học Y dược TP. Hồ Chí Minh.

Nếu viêm phổi nặng cần phải nhập viện, các phương pháp điều trị mà bác sĩ có thể chỉ định là:

  • Thuốc kháng sinh
  • Truyền dịch
  • Liệu pháp oxy
  • Thở máy

Trong trường hợp nghiêm trọng, hoặc viêm phổi tái lại nhiều lần BS có thể làm nội soi phế quản xem có tắc nghẽn do u hay dị vật hoặc có thể phải phẫu thuật để loại bỏ những phần phổi bị áp xe.

9. Phòng ngừa viêm phổi ở người cao tuổi như thế nào? 

Viêm phổi có thể được phòng ngừa bằng những cách như:

Tiêm vaccine phòng cúm và phế cầu

  • Tiêm phòng cúm hàng năm giúp ngăn ngừa cúm mùa, vì cúm là nguyên nhân phổ biến gây viêm phổi nên việc tiêm phòng cúm là cách tốt để phòng ngừa viêm phổi. Các phân tích tổng hợp cho thấy tiêm vaccine cúm có hiệu quả trong ngăn ngừa nhập viện do viêm phổi hoặc cúm, hiệu quả ước tính dao động từ 25 đến 53%.
  • Tiêm phòng phế cầu cũng giúp phòng viêm phổi do phế cầu, dạng viêm phổi do vi khuẩn thường gặp.
Phòng ngừa viêm phổi ở người cao tuổi như thế nào

Rửa tay bằng xà phòng hoặc chất khử trùng.

Không hút thuốc. Hút thuốc lá làm giảm khả năng loại bỏ tác nhân gây bệnh và bảo vệ cơ thể chống lại vi trùng.

Tăng cường hệ miễn dịch bằng cách hoạt động thể dục phù hợp và ăn uống lành mạnh.

Một số trường hợp khác:

  • Trường hợp khó nuốt, hãy ăn nhiều bữa nhỏ với thức ăn đặc và kê cao gối khi ngủ, để tránh lọt thức ăn, đồ uống hoặc nước bọt vào phổi.
  • Trường hợp chuẩn bị phẫu thuật, bác sĩ thường khuyến nghị không nên ăn trong 8 giờ hoặc uống nước trong 2 giờ trước khi phẫu thuật, để ngăn chặn tình trạng thức ăn hoặc đồ uống đi vào đường thở trong khi đang dùng thuốc an thần.
  • Trường hợp suy giảm hệ miễn dịch, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh để dự phòng vi khuẩn phát triển gây viêm phổi.

10. Cách chăm sóc người cao tuổi mắc viêm phổi tại nhà

Có thể kiểm soát triệu chứng như sốt và ho tại nhà theo các bước sau:

Kiểm soát cơn sốt bằng paracetamol, thuốc chống viêm không steroid hoặc aspirin theo hướng dẫn của bác sĩ/dược sĩ. 

Uống nhiều nước để làm loãng đờm và dịch tiết.

Uống đồ uống ấm, tắm nước ấm, sử dụng máy tạo độ ẩm để giúp dễ thở. Liên hệ với bác sĩ ngay nếu cảm thấy khó thở hơn.

Tránh xa khói thuốc bao gồm không hút thuốc, tránh hít phải khói thuốc thụ động, khói củi. Hỏi tư vấn bác sĩ nếu đang hút thuốc lá và gặp khó khăn trong việc bỏ thuốc.

Nghỉ ngơi nhiều. Nhờ người thân làm giúp việc nhà cho đến khi thấy khỏe hơn. Điều quan trọng cần lưu ý là không làm gì quá sức cho đến khi bình phục hoàn toàn.

Trước khi dùng thuốc giảm ho cần hỏi ý kiến bác sĩ. Ho là một cách để cơ thể loại bỏ một số tác nhân gây nhiễm trùng. Nếu cơn ho gây khó chịu và khó nghỉ ngơi, hãy hỏi bác sĩ để được tư vấn và tìm ra biện pháp phù hợp.

Tài liệu tham khảo:

1. Pneumonia: What needs to be considered in older people? Nih.gov. Published August 9, 2018. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK525776/

2. Contributors WE. What to Know About Pneumonia in Older People. WebMD. https://www.webmd.com/healthy-aging/what-to-know-about-pneumonia-in-older-people#1-4

3. Chebib N, Cuvelier C, Malézieux-Picard A, et al. Pneumonia prevention in the elderly patients: The other sides. Aging Clinical and Experimental Research. 2019;33(1). doi:10.1007/s40520-019-01437-7

4. Pneumonia – Causes and Risk Factors | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. Published March 24, 2022. https://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/causes#:~:text=Older%20adults%2C%20age%2065%20or

5. Stamm DR, Stankewicz HA. Atypical Bacterial Pneumonia. PubMed. Published 2020. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK532239/

6. Rope K. 6 serious complications of pneumonia you should know. WebMD. Published 2020. https://www.webmd.com/lung/complications-pneumonia

7. American Lung Association. Pneumonia symptoms and diagnosis. www.lung.org. Published August 3, 2023. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/symptoms-and-diagnosis

8. Association AL. Five Top Pneumonia Questions For Your Doctor. www.lung.org. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/five-top-questions-for-dr

9. Pneumonia – Prevention | NHLBI, NIH. www.nhlbi.nih.gov. Published March 24, 2022. https://www.nhlbi.nih.gov/health/pneumonia/prevention#:~:text=You%20can%20take%20a%20few

10. Pneumonia Treatment and Recovery. www.lung.org. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/pneumonia/treatment-and-recovery#:~:text=Drink%20warm%20beverages%2C%20take%20steamy

11. Heo JY, Song JY, Noh JY, et al. Effects of influenza immunization on pneumonia in the elderly. Hum Vaccin Immunother. 2018;14(3):744-749. doi:10.1080/21645515.2017.1405200

VTM1297539 (v1.0)