Sốt Ở Trẻ Em: Dấu Hiệu, Lưu Ý Và Cách Chăm Sóc

Sốt đóng vai trò quan trọng giúp hệ thống miễn dịch chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Tuy nhiên, sốt ở trẻ em cũng gây ra cảm giác mệt mỏi, khó chịu khiến cho cha mẹ phải quan tâm đến các dấu hiệu và cách chăm sóc trẻ khi bị sốt. Tất cả sẽ được a:care Việt Nam chia sẻ trong bài viết này

Sốt là gì? Sốt có lợi hay có hại? 

Thân nhiệt là gì?

Thân nhiệt là nhiệt độ của cơ thể. Bình thường thân nhiệt dao động trong khoảng 36,3 – 37,1 ºC. Nhiệt độ cơ thể bình thường được xác định là 37 ºC dựa vào đo nhiệt độ của trẻ em bằng nhiệt kế thuỷ ngân hoặc nhiệt kế điện tử.

Đo thân nhiệt ở trẻ
Bố mẹ có thể đo thân nhiệt của trẻ bằng nhiệt kế thủy ngân hoặc nhiệt kế điện tử

Nhiệt độ lấy hậu môn biểu hiện thân nhiệt đúng nhất, nhiệt độ ở miệng thường thấp hơn nhiệt độ trực tràng (lấy ở hậu môn) khoảng 0,2 – 0,5 ºC. Nhiệt độ ở nách thấp hơn ở trực tràng 0,5 – 1 ºC.

Sốt là gì?

Sốt ở trẻ em
Trẻ em bị sốt là tình trạng gia tăng thân nhiệt cao hơn mức bình thường

Sốt là tình trạng gia tăng thân nhiệt (nhiệt độ cơ thể tăng cao hơn bình thường) do rối loạn trung tâm điều nhiệt dưới tác động của các yếu tố có hại, thường là nhiễm khuẩn.
Sốt là một triệu chứng, không phải là bệnh. Sốt là phản ứng bình thường của cơ thể trước một nhiễm khuẩn (vi-rút, vi khuẩn). Sốt giúp chống lại sự nhiễm trùng bằng cách khởi động hệ miễn dịch của cơ thể.

Các yếu tố gây sốt

Yếu tố gây sốt ở trẻ em
Các yếu tố có thể gây sốt ở trẻ như: vi khuẩn, vi rút, vi nấm,…

Các yếu tố gây sốt, còn gọi là chất gây sốt ngoại sinh tác động lên tế bào thực bào có nguồn gốc tủy xương làm sản xuất ra chất gây sốt nội sinh (bạch cầu trung tính trong máu và chất tiết, bạch cầu đơn nhân, đại thực bào ở phổi, gan). Chất gây sốt nội sinh tác động lên trung tâm điều nhiệt, làm thay đổi điểm điều nhiệt gây ra sốt. Các yếu tố gây sốt ngoại sinh gồm: 

  • Vi khuẩn Gram (+) và ngoại độc tố, vi khuẩn Gram (-) và nội độc tố, vi khuẩn lao với màng tế bào giàu lipid (LAM: lipoarabinomannan) có thể kích hoạt bạch cầu đơn nhân sản xuất IL1, TNF, IL6 gây sốt kéo dài
  • Siêu vi (vi-rút)
  • Vi nấm
  • Phức hợp kháng nguyên kháng thể
  • Kháng nguyên gây quá mẫn chậm, kích thích các tế bào lympho phóng thích một yếu tố hoà tan không gây sốt, chất này kích thích đại thực bào sản xuất ra chất gây sốt nội sinh.
  • Chất từ ổ viêm và ổ hoại tử
  • Thuốc
  • Tế bào bướu có thể sản xuất ra chất gây sốt

Sốt có lợi hay có hại?

Theo sinh lý học cơ thể người, sốt là một hiện tượng có lợi cho cơ thể, bởi những lý do sau: 

  • Khi có sốt, sức đề kháng của cơ thể tăng: tăng hoạt động của hệ miễn dịch, tăng thực bào, tăng tổng hợp kháng thể…
  • Khi sốt, có sự giảm lượng sắt trong huyết thanh do có sự tăng thu sắt bởi hệ thống tế bào đơn nhân thực bào, giảm hấp thu sắt từ ruột khiến vi khuẩn không sinh sản được.
  • Khi biết được tác nhân gây bệnh, sốt giúp ta theo dõi hiệu quả của việc điều trị.

Tuy nhiên sốt cũng làm cho trẻ khó chịu nên chúng ta cần phải theo dõi và xử trí sớm cho trẻ.

Triệu chứng sốt ở trẻ em: Nhiệt độ bao nhiêu là sốt?

Nhiệt độ đo được tại các vùng khác nhau của cơ thể để xác định trẻ bị sốt sẽ khác nhau, cụ thể là:

  • Nhiệt độ đo ở hậu môn ≥ 38 ºC
  • Nhiệt độ đo ở miệng ≥ 37,8 ºC
  • Nhiệt độ đo ở nách ≥ 37,5 ºC
  • Nhiệt độ đo ở trán ≥ 37,5 ºC

Những thông tin cần biết khi trẻ bị sốt

Lưu ý khi trẻ bị sốt
Bố mẹ cần lưu ý một số thông tin khi trẻ bị sốt
  • Tuổi của trẻ
  • Nhiệt độ của trẻ
  • Sốt ngày thứ mấy, diễn tiến sốt thế nào?
  • Tình trạng tiêm chủng của trẻ
  • Có đi du lịch ở đâu trong thời gian gần đây không?
  • Có tiếp xúc với người bệnh ở trường hay ở nhà không?
  • Có tiếp xúc với động vật không?
  • Các triệu chứng thường đi kèm sốt: ho, sổ mũi, sau chích ngừa, mọc răng, li bì, bỏ bú, phát ban ở tay, chân, loét miệng, tiêu chảy, nôn ói…

Hãy cung cấp đầy đủ thông tin cho bác sĩ khi bạn đưa trẻ đi thăm khám.

Cách theo dõi và xử trí khi trẻ bị sốt tại nhà

Phụ huynh cần theo dõi sát sao và biết cách xử trí khi trẻ bị sốt, tùy vào từng trường hợp khi trẻ sốt cao hoặc sốt nhẹ:

Khi thân nhiệt của trẻ < 39 ºC

  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước, hoặc cố gắng cung cấp nhiều nước/ sữa cho trẻ.
  • Mặc quần áo thoáng mát cho trẻ, vì hầu hết nhiệt độ sẽ thoát qua da. Không nên trùm kín hoặc mặc quần áo quá dày cho trẻ.
  • Lau mát cho trẻ.
  • Nếu trẻ kêu lạnh có thể lau người trẻ bằng nước ấm (29-32 ºC).
  • Chỉ cân nhắc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ có sốt cao, đe doạ co giật ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi, trẻ có tiền căn động kinh, hoặc sốt khiến trẻ khó chịu.
  • Không điều trị phòng ngừa sốt vì sẽ khó đánh giá đáp ứng điều trị.

Khi thân nhiệt của trẻ > 39 ºC

  • Cân nhắc dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.
  • Cần đưa trẻ đi khám bác sĩ hoặc đến các cơ sở y tế gần nhất để hạ sốt và loại trừ các bệnh lý nguy hiểm cho trẻ.
  • Cần chẩn đoán nguyên nhân trước khi điều trị và điều trị theo nguyên nhân gây bệnh.

Khi nào cần đưa trẻ bị sốt đi khám bác sĩ?

Một số dấu hiệu cần đưa trẻ đi khám ngay: 

  • Trẻ nhỏ hơn 3 tháng tuổi, nhiệt độ đo ở hậu môn ≥ 38 ºC; trẻ từ 3 tháng đến 6 tháng tuổi, nhiệt độ ≥ 38,4 ºC hoặc sốt hơn 1 ngày.
  • Trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, nhiệt độ ≥ 39,5 ºC hoặc sốt hơn 1 ngày.
  • Trẻ từ 1 đến 2 tuổi sốt cao kéo dài trên 24 giờ.
  • Trẻ ở bất kỳ lứa tuổi nào, sốt trên 40 ºC.
  • Trẻ sốt cao liên tục, không đáp ứng với thuốc.
  • Trẻ lên cơn co giật, động kinh.
  • Khó thở, thở nhanh, thở co kéo, co lõm lồng ngực.
  • Cứng cổ.
  • Nhức đầu nặng.
  • Đau họng.
  • Kèm bỏ ăn, bỏ bú, lơ mơ, li bì.
  • Nôn vọt.
  • Ban dạng chấm xuất huyết ở vùng da trong cánh tay, mặt trong đùi.
  • Hồng ban tẩm nhuận (không mất khi căng da).
  • Dấu hiệu mất nước nặng/ tiêu chảy: thóp lõm, mắt sâu, môi khô.
  • Tiêu phân đen, hoặc có máu trong phân, xuất huyết các lỗ tự nhiên.
  • Đau khi đi tiểu.
  • Nổi bóng nước ở bàn tay và loét miệng.

Trường hợp nào cần đưa trẻ đi tái khám?

Trẻ bị sốt sẽ cần phải tái khám khi:  

  • Nếu trẻ vẫn không hạ sốt dần, sốt kéo dài trên 3 ngày trong thời gian điều trị, các triệu chứng ngày càng tệ hơn, hoặc xuất hiện các dấu hiệu gợi ý trẻ có thể gặp tình trạng nặng kể trên, cần đưa trẻ đến tái khám hoặc đến cơ sở y tế gần nhất.
  • Tái khám theo lịch hẹn của bác sỹ dù trẻ đã hạ sốt để đảm bảo nguyên nhân gây sốt đã được trị hết.

Các biện pháp phòng ngừa sốt ở trẻ

Phòng ngừa sốt ở trẻ em
Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin cho trẻ để phòng ngừa bị sốt
  • Giữ không gian nhà ở và nơi làm việc được sạch sẽ.
  • Khi trẻ bị sốt nên hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người khác, đặc biệt là trẻ em. Cách ly và giữ ấm cho trẻ. Không cho trẻ dùng chung các vật dụng với người khác.
  • Cần cho trẻ nghỉ học đến khi khỏi hẳn để tránh lây nhiễm cho trẻ khác.
  • Cần cho trẻ đi tiêm ngừa đầy đủ.
  • Để phòng bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa, muốn cho cơ thể trẻ luôn có sức đề kháng tốt cần cho trẻ uống đủ nước và bổ sung các thực phẩm giàu kẽm, vitamin A, vitamin C: cam, quýt, lê, dâu tây, rau cần, ớt chuông, cà rốt, rau ngót, đu đủ chín, con hàu, thịt nạc, các loại cá, lòng đỏ trứng, gan động vật, thịt đỏ…
  • Cần đảm bảo chế độ ngủ, nghỉ hợp lý và cần tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt như: chăm sóc răng miệng, rửa tay sạch sẽ – đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh. Riêng đối với trẻ nhỏ, nhắc nhở và giúp trẻ rửa tay, giữ sạch sẽ khi chơi đùa cũng sẽ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính bàn tay của trẻ.

Hy vọng qua bài viết này của a:care Việt Nam bậc phụ huynh có thêm thông tin tham khảo về dấu hiệu, lưu ý và cách chăm sóc trẻ khi bị sốt và khi nào cần đưa trẻ đi khám ngay.

VTM1291412 (v1.0)