CÚM MÙA Ở TRẺ EM CÓ THỂ GÂY BIẾN CHỨNG NẶNG

- Ngày cập nhật: 22/04/2025
Mục lục
Cúm là bệnh do virus lây qua đường hô hấp, dễ bùng phát thành dịch. Bệnh diễn biến đa dạng từ nhẹ đến nặng, và có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, viêm phổi – thậm chí tử vong. Tôi đã gặp nhiều trẻ nhập viện vì cúm nặng, trong đó có những bé trước đây hoàn toàn khỏe mạnh. Vì vậy, tôi muốn chia sẻ thêm về cúm để cha mẹ hiểu rõ hơn và bảo vệ con tốt hơn.
1. Những trẻ có nguy cơ bị cúm nặng
Một số trẻ dễ gặp biến chứng do cúm, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi; trẻ có bệnh mạn tính như hen phế quản, COPD, bệnh tim mạch…; cơ địa suy giảm miễn dịch, dùng thuốc ức chế miễn dịch, hóa chất điều trị…; hoặc mắc bệnh 2 lần trong vòng 1 tháng hoặc bệnh đã giảm nhưng lại sốt cao trở lại.
Nếu con bạn thuộc nhóm này, hãy đặc biệt cẩn trọng khi trẻ có dấu hiệu cúm!

2. Khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay?
Cúm ác tính có thể diễn tiến rất nhanh, ban đầu giống cúm thông thường nhưng sau đó trẻ có thể suy nhiều cơ quan. Những dấu hiệu cảnh báo cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay gồm khó thở hoặc thở nhanh, môi hoặc mặt xanh tím, không uống đủ nước hoặc có dấu hiệu mất nước như khô miệng, ít đi tiểu, co giật hoặc rối loạn ý thức, sốt cao không giảm 48 giờ liên tục, đau ngực hoặc đau bụng dữ dội, và không tỉnh táo hoặc khó đánh thức.
3. Khi nào cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay?
- Viêm phổi do bội nhiễm: Khi virus cúm làm suy yếu hệ miễn dịch, vi khuẩn hoặc nấm dễ dàng xâm nhập gây viêm phổi nặng, khiến trẻ ho dai dẳng, sốt cao, khó thở.
- Nhiễm khuẩn Tai – Mũi – Họng: Viêm tai giữa, viêm họng, viêm mũi do vi khuẩn tấn công sau cúm có thể khiến trẻ đau tai, ù tai, chảy mủ tai, nghẹt mũi kéo dài.
- Viêm não, màng não: Một số trẻ mắc cúm có thể bị viêm não, tắc mạch não, có thể để lại di chứng thần kinh hoặc gây tử vong.
- Viêm cơ tim: Đây là biến chứng rất nguy hiểm, việc điều trị thường khó khăn và có nguy cơ tử vong.
- Suy đa phủ tạng: Ở những ca cúm nặng, virus có thể làm tổn thương đồng thời nhiều cơ quan cùng lúc gây suy hô hấp, suy tuần hoàn, rối loạn đông máu,…
- Viêm phổi do virus cúm: khiến phổi bị tổn thương lan tỏa, gây suy hô hấp nhanh.

Do vậy, cha mẹ cần chủ động tiêm phòng cúm cho trẻ. Tiêm vaccine giúp bảo vệ trẻ khỏi biến chứng và nhập viện do cúm, với tỷ lệ hiệu quả khoảng 57%. Nếu trẻ không may nhiễm bệnh, cần được chẩn đoán sớm ngay từ ngày đầu tiên trẻ sốt. Như vậy sẽ giúp theo dõi, phát hiện biểu hiện nặng, điều trị kịp thời và tránh bệnh lây lan.
Xem thêm:
- Triệu chứng và cách phòng cúm hiệu quả cho trẻ em
- 5 bệnh theo mùa thường gặp ở trẻ em và những điều ba mẹ cần biết
- Triệu chứng cảm cúm và cách chăm sóc trẻ nhỏ mắc cúm (phần 1)
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyen SD, Ngo THT, Nguyen TVH, Do TH. Severe Neurological Complications With Influenza in Vietnamese Children. Influenza Other Respir Viruses. 2024;18(11):e70035. doi:10.1111/irv.70035
2. Nguyen LV, Nguyen DS, Pham QT, et al. Clinical Features and Treatment Outcomes of Influenza-Associated Encephalitis and Encephalopathy: A Study on 16 Children in Vietnam. Glob Pediatr Health. 2024;11:2333794X241286549. Published 2024 Oct 11. doi:10.1177/2333794X241286549
3. Influenza-Associated Neurologic Complications in Hospitalized Children. Frankl S, Coffin SE, Harrison JB, Swami SK, McGuire JL. The Journal of Pediatrics. 2021;239:24-31.e1. doi:10.1016/j.jpeds.2021.07.039.
4. Influenza Vaccine Is Able to Prevent Neuroinflammation Triggered by H7N7 IAV Infection. Demuth L, Ohm M, Michaelsen-Preusse K, et al. Frontiers in Pharmacology. 2023;14:1142639. doi:10.3389/fphar.2023.1142639.
5. Prevalence, Risk Factors, and Outcomes of Influenza-Associated Neurologic Complications in Children. Antoon JW, Hall M, Herndon A, et al. The Journal of Pediatrics. 2021;239:32-38.e5. doi:10.1016/j.jpeds.2021.06.075.