Có nên tiêm vắc xin cho người có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)?

Tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả để giúp hệ miễn dịch của cơ thể chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó với một số tác nhân gây bệnh, từ đó giảm nguy cơ mắc bệnh và bị biến chứng do các tác nhân đó gây ra. Vậy có nên tiêm vắc xin cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) không? Hãy cùng a:care Việt Nam tìm hiểu rõ hơn về vấn đề tiêm vắc xin cho bệnh nhân COPD ở bài viết sau đây. 

Bệnh cúm là gì? 

Cúm là một bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp như mũi, họng và có thể lan đến phổi, gây ra bởi vi rút cúm. Những người nhiễm cúm có thể tự khỏi. 

Tuy nhiên, bệnh cúm khá nguy hiểm vì khả năng lây lan nhanh và có thể bùng phát thành dịch. Tại các vùng ôn đới, bệnh cúm thường xảy ra khi trời lạnh. Trong khi đó ở các vùng nhiệt đới, bệnh thường xảy ra quanh năm và có những đợt bùng phát bất thường. Tại Việt Nam, cúm xuất hiện vào bất cứ thời điểm nào trong năm và thường có 1-2 đỉnh dịch/năm.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh cúm gồm: sốt, cảm giác ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ho, sổ mũi và đau họng. Cúm ở trẻ em còn kèm theo các triệu chứng khác như: buồn nôn, tiêu chảy. Bệnh cúm diễn tiến nhẹ, hồi phục từ 2–7 ngày, tuy nhiên trẻ vẫn có thể mệt mỏi sau 3-4 tuần nhiễm cúm. Bệnh có thể diễn tiến nặng và gây biến chứng ở người cao tuổi (≥ 65 tuổi), phụ nữ có thai, trẻ nhỏ (≤ 5 tuổi và đặc biệt là trẻ ≤2 tuổi), những người mắc bệnh mạn tính như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen, bệnh tim mạn, tiểu đường, tiền sử đột quỵ, bệnh thận mạn, rối loạn chuyển hóa,…

Bệnh cúm là gì
Sốt cao, đau đầu, đau cơ, ho, mệt mỏi là những dấu hiệu thường gặp của bệnh cúm 

Gánh nặng bệnh cúm trên bệnh nhân COPD, hen?

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) xảy ra chủ yếu ở những người lớn tuổi có hút thuốc hoặc tiếp xúc với các độc tố qua đường hô hấp nhiều năm, được đặc trưng bởi tình trạng viêm mạn tính đường thở và tắc nghẽn đường thở, gây hạn chế luồng khí thở ra, phần lớn không có khả năng hồi phục. Nhiễm cúm là một trong những nguyên nhân gây tử vong và biến chứng nặng ở những người mắc bệnh COPD.. Những người mắc COPD có nguy cơ nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp cao hơn trong thời gian dịch cúm bùng phát.

Bệnh nhân hen cũng có nguy cơ mắc cúm cao hơn và dễ gặp biến chứng do cúm hơn. Ở người mắc bệnh hen các triệu chứng cúm thường nhiều và nặng hơn. Khoảng 58% cơn hen cấp tính gây ra bởi nhiễm trùng đường hô hấp do virus, trong đó cúm cũng chiếm phần quan trọng. Khi mắc cúm, đường hô hấp của người bệnh hen cũng dễ bị viêm hơn và tiết nhiều dịch hơn. Điều này gây cản trở không khí vào phổi, dẫn đến khó thở, từ đó gây ra các triệu chứng hen.

Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xảy ra ở những người lớn tuổi
Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính xảy ra ở những người lớn tuổi  

Vì sao cúm nguy hiểm hơn trên bệnh nhân COPD? 

Bệnh cúm ở người bệnh hô hấp mạn tính như COPD hoặc hen thường đáng lo ngại hơn người bình thường. Vi rút cúm nguy hiểm  hơn nhiều đối với những người mắc bệnh COPD vì có thể khiến các triệu chứng COPD trở nên nghiêm trọng hơn. Theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, nhiễm trùng đường hô hấp trên, bao gồm nhiễm cúm, cảm lạnh, và viêm xoang, là những nguyên nhân thường gặp đưa đến các đợt bệnh cấp tính của COPD.

Theo CDC, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ làm cho đường thở bị sưng viêm, co thắt và tắc nghẽn do đàm nhầy từ đó khiến việc thở ở người bệnh khó khăn hơn. Khi người bệnh COPD nhiễm vi rút cúm, việc thở sẽ khó khăn hơn nữa vì virus cúm làm cho tình trạng viêm tăng lên, và làm tăng tình trạng sưng tấy đường hô hấp. Vốn dĩ, khi mắc COPD, lượng khí người bệnh có thể hít thở đã thấp hơn bình thường, nhiễm cúm sẽ làm cho bệnh nhân ho khạc đàm thêm, thở khò khè, và thậm chí là mất khả năng tự thở, cần phải nhập viện.

Ở những người mắc bệnh COPD nhiễm cúm có liên quan đến việc tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu cục bộ, viêm phổi, suy hô hấp và đợt cấp COPD.

Cách phòng ngừa cúm hiệu quả? 

Để phòng ngừa cúm hiệu quả,. Cách tốt nhất để phòng ngừa cúm đó là tiêm vắc xin phòng cúm hằng năm. Người bị COPD nên hạn chế tiếp xúc với những người mắc cúm, đeo khẩu trang y tế khi đến nơi công cộng. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và tránh chạm tay lên mặt. Trong trường hợp không có nước và xà phòng, hãy sử dụng nước khử trùng để vệ sinh tay trước bữa ăn hoặc sau khi bắt tay người khác.

Khi bị nhiễm cúm, bệnh nhân COPD cần nhanh chóng tới bác sĩ để thăm khám khi phát hiện những triệu chứng nghi ngờ cúm. Cần lắng nghe, theo dõi các biểu hiện của cơ thể.

Cách phòng ngừa cúm hiệu quả
Sử dụng cồn sát khuẩn để ngăn ngừa vi rút cúm 

Lợi ích của vắc xin cúm với bệnh nhân COPD?

Tiêm vắc xin cúm cho bệnh nhân COPD là cần thiết. Tiêm vắc xin cúm giúp cơ thể bạn chống lại tác nhân gây bệnh là vi rút cúm, giúp giảm nguy cơ về sức khỏe do cúm gây ra. 

Ở những người mắc bệnh phổi mạn tính, chủng ngừa cúm giúp giảm 52% tỷ lệ nhập viện và giảm 70% tỷ lệ tử vong trong mùa cúm.

Tiêm vắc xin cúm cho bệnh nhân COPD giúp giảm tỷ lệ mắc cúm và tỷ lệ tử vong do cúm. Hiệu quả của vắc-xin phụ thuộc vào khả năng tạo đáp ứng miễn dịch của người được tiêm  và mức độ tương đồng giữa các chủng vi-rút trong vắc-xin và các chủng vi-rút đang lưu hành.

Lợi ích của vắc xin cúm
Tiêm vắc xin là cách phòng cúm tốt nhất cho bệnh nhân COPD 

Các loại vắc xin cúm tại Việt Nam 

Hiện nay, tại Việt Nam đã có vắc xin phòng cúm tứ giá, xuất xứ từ Hà Lan và Pháp. Loại vắc xin Hà Lan có khả năng phòng ngừa 4 chủng vi rút gây cúm gồm: cúm A (H1N1), A (H3N2), cúm B Yamagata và cúm B Victoria. Đây đều là những chủng cúm gây ra dịch, đại dịch và các biến chứng nguy hiểm cho nhóm đối tượng có nguy cơ.

Trong đó, vaccine tiểu đơn vị chỉ chứa thành phần kháng nguyên chọn lọc của virus cúm nhằm hạn chế tác dụng ngoại ý như sốt, đau tại chỗ tiêm. Người mắc bệnh mạn tính như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) nên đến trung tâm tiêm chủng hoặc trung tâm y tế dự phòng gần nhất để tiêm phòng cúm hàng năm với vaccine cập nhật chủng mới nhằm phòng tránh biến chứng nguy hiểm, bảo vệ bản thân và gia đình.

a:care Việt Nam vừa cung cấp cho bạn các thông tin về bệnh cúm ở người mắc COPD. Hy vọng những chia sẻ trên đã giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của tiêm vắc xin cho bệnh nhân COPD và biết cách chăm sóc bản thân tốt hơn trong mùa cúm.

Tài liệu tham khảo

1. BỆNH CÚM. (n.d.). Cục Y Tế Dự Phòng. Retrieved November 16, 2023, from https://vncdc.gov.vn/benh-cum-nd14502.html

2. Kopsaftis Z, Wood-Baker R, Poole P. Influenza vaccine for chronic obstructive pulmonary disease (COPD). Cochrane Database Syst Rev. 2018;6(6):CD002733. Published 2018 Jun 26. doi:10.1002/14651858.CD002733.pub3

3. Wesseling G. Occasional review: influenza in COPD: pathogenesis, prevention, and treatment. Int J Chron Obstruct Pulmon Dis. 2007;2(1):5-10. doi:10.2147/copd.2007.2.1.5

4. Liao KM, Chen YJ, Shen CW, Ou SK, Chen CY. The Influence of Influenza Virus Infections in Patients with Chronic Obstructive Pulmonary Disease. Int J Chron Obstruct Pulmon Dis. 2022;17:2253-2261. Published 2022 Sep 14. doi:10.2147/COPD.S378034

5. Association AL. Protecting Your Lungs. www.lung.org. https://www.lung.org/lung-health-diseases/lung-disease-lookup/copd/living-with-copd/prevent-flare-ups

6. Boyce, P. (n.d.). COPD: Stay Healthy During Cold and Flu Season. Everyday Health. Retrieved November 16, 2023, from https://www.everydayhealth.com/copd/stay-healthy-during-cold-flu-season/

7. Biggers, A. (2019, May 21). Living with COPD: Tips for a Healthy Lifestyle. Healthline. Retrieved November 16, 2023, from https://www.healthline.com/health/copd/healthy-lifestyle-tips

8. Influenza (flu) – Symptoms and causes. (n.d.). Mayo Clinic. Retrieved November 16, 2023, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/symptoms-causes/syc-20351719

9. Influenza and Asthma: A Review. (n.d.). World Allergy Organization. Retrieved November 16, 2023, from https://www.worldallergy.org/education-and-programs/education/allergic-disease-resource-center/professionals/influenza-and-asthma-a-review 

10. \/. (2023, June 16). YouTube. Retrieved November 16, 2023, from https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0954611120301608

11. Colds, flu and asthma. (2021, September 30). Asthma + Lung UK. Retrieved November 16, 2023, from https://www.asthmaandlung.org.uk/conditions/asthma/asthma-triggers/colds-flu

VTM1295399 (v1.0)