Phục hồi và cải thiện chức năng nhận thức sau đột quỵ như thế nào?

TS BS Nguyễn Bá Thắng
Chuyên gia viết bài: TS BS Nguyễn Bá Thắng
Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng khoa Thần kinh và Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM. Phó Trưởng bộ môn Thần kinh, trường Đại học Y Dược TPHCM. Phó chủ tịch Liên chi hội Đột quỵ TPHCM.
  • Ngày cập nhật: 19/3/2024

1. Suy giảm nhận thức được chẩn đoán như thế nào?

Suy giảm nhận thức có thể được nhận biết qua các biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, như trí nhớ, thông hiểu và diễn đạt lời nói, sử dụng các vật dụng hàng ngày… Tuy nhiên để chẩn đoán suy giảm nhận thức, bác sĩ sẽ phải thực hiện thăm khám chức năng thần kinh, đánh giá chức năng nhận thức bằng các bộ trắc nghiệm, và xem xét hình ảnh cộng hưởng từ sọ não, cũng như một số xét nghiệm khác.

2. Các biện pháp quản lý suy giảm nhận thức?

Quản lý điều trị suy giảm nhận thức sau đột quỵ bao gồm kiểm soát các yếu tố nguy cơ, tập luyện nhận thức, điều trị thuốc và điều trị hỗ trợ. 

Người bị suy giảm nhận thức cần nhận diện và điều chỉnh tối ưu các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, giảm cân, giữ chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Đặc biệt, thêm một lần đột quỵ sẽ thêm hư hại bộ não làm nặng thêm suy giảm nhận thức. Do đó người bệnh tích cực điều trị phòng ngừa đột quỵ tái phát, bao gồm kiểm soát tích cực các yếu tố nguy cơ và tuân thủ dùng các thuốc được kê toa phù hợp theo nguyên nhân gây đột quỵ. 

Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, có chế độ ăn lành mạnh… sẽ giúp ích cho người bệnh
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ, có chế độ ăn lành mạnh… sẽ giúp ích cho người bệnh

Người bị suy giảm nhận thức tuỳ mức độ sẽ được bác sĩ chỉ định các thuốc điều trị góp phần cải thiện suy giảm nhận thức, bao gồm các thuốc như choline alfoscerate giúp bổ sung choline cho não, donepezil, memantin, thuốc hỗ trợ trí nhớ.

Tập luyện nhận thức cũng là các biện pháp hữu ích giúp duy trì và cải thiện nhận thức cho người bệnh.

3. Bài tập hỗ trợ cải thiện chức năng nhận thức sau đột quỵ?

Hoạt động thể chất không những có lợi cho sức khoẻ nói chung, bảo vệ tim, giảm nguy cơ đột quỵ, mà còn có lợi cho chức năng nhận thức. Chỉ cần năng vận động và tập các bài thể dục thông thường đã có thể giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức, duy trì và cải thiện chức năng nhận thức.

Rèn luyện thể chất giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức
Rèn luyện thể chất giúp phòng ngừa suy giảm nhận thức

Bên cạnh đó, có thể thực hành các hoạt động hỗ trợ cải thiện chức năng nhận thức. Đây là hoạt động, các bài tập nhằm cải thiện tập trung chú ý, cải thiện trí nhớ, khả năng lý luận lý giải, và tốc độ xử lý thông tin. Hoạt động trị liệu và các bài tập chuyên biệt cho chức năng nhận thức sẽ được thực hiện với hướng dẫn của các chuyên gia tại các trung tâm chăm sóc bệnh nhân suy giảm nhận thức. 

Bên cạnh đó, trong cuộc sống hàng ngày, người bệnh suy giảm nhận thức có thể tham gia các hoạt động có tác động tốt trên chức năng nhận thức, ví dụ như đọc sách, xem tin tức, đánh cờ, giải ô chữ, một số trò chơi cải thiện trí nhớ và nhận thức…, đồng thời tăng cường gặp gỡ, giao lưu xã hội, tham gia các hoạt động cộng đồng. Nhìn chung các bài tập và các hoạt động này rất đa dạng, cần được thực hiện lâu dài. Do đó, người bệnh được khuyến khích chọn những hoạt động phù hợp sở thích, tính cách, thuận tiện và phù hợp với bối cảnh sống của mình.

Các hoạt động giúp hỗ trợ chức năng nhận thức nên được thực hiện trong cuộc sống hằng ngày
Các hoạt động giúp hỗ trợ chức năng nhận thức nên được thực hiện trong cuộc sống hằng ngày

4. Một trường hợp điều trị suy giảm nhận thức sau đột quỵ 

Bệnh nhân nam, 74 tuổi, đến khám vì hay quên. Bệnh nhân có tiền căn tăng huyết áp, tăng cholesterol máu điều trị không đều. Trước khi đến khám khoảng 1 tháng, bệnh nhân đột ngột thấy tê châm chích tay chân phải, vẫn cử động đi lại được bình thường. Bệnh nhân đi khám, được chụp cộng hưởng từ (MRI) sọ não ghi nhận nhồi máu não vùng đồi thị bán cầu trái. Bệnh nhân được điều trị với thuốc dự phòng đột quỵ, triệu chứng tê ổn định và có giảm dần, nhưng người nhà ghi nhận bệnh nhân hay quên hơn trước đây nên đưa đến khám tại bệnh viện Đại học Y Dược.

Khám ghi nhận bệnh nhân tỉnh, nhưng giảm tập trung chú ý, giảm nhận biết về thời gian, nơi chốn, và giảm trí nhớ gần. Sau khi khám và thực hiện các bài kiểm tra về trí nhớ và nhận thức, chẩn đoán được đưa ra là suy giảm nhận thức sớm sau đột quỵ, trên người bệnh có nhồi máu não đồi thị và tăng huyết áp. Bên cạnh các thuốc dự phòng đột quỵ, bệnh nhân được kê toa thuốc hỗ trợ nhận thức choline alfoscerate, và hướng dẫn chế độ ăn cũng như tập thể dục phù hợp.

Bệnh nhân tái khám mỗi tháng, sau 3 tháng ghi nhận bệnh nhân có cải thiện nhận thức đáng kể, bao gồm cải thiện tập trung chú ý và nhận thức về thời gian, nơi chốn, cải thiện một phần trí nhớ.

TS BS-Nguyễn Bá Thắng
TS BS Nguyễn Bá Thắng
Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng khoa Thần kinh và Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM
Phó Trưởng bộ môn Thần kinh, trường Đại học Y Dược TPHCM
Phó chủ tịch Liên chi hội Đột quỵ TPHCM

Xem thêm:

VTM1309239 (v1.0)