Suy giảm nhận thức sau đột quỵ và những điều cần lưu ý.

TS BS Nguyễn Bá Thắng
Chuyên gia viết bài: TS.BS Nguyễn Bá Thắng
Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng khoa Thần kinh và Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM / Phó Trưởng bộ môn Thần kinh, trường Đại học Y Dược TPHCM / Phó chủ tịch Liên chi hội Đột quỵ TPHCM
  • Ngày cập nhật: 19/3/2024

1. Sơ lược về bệnh đột quỵ

Đột quỵ là bệnh xảy ra do mạch máu não bị tắc nghẽn gây thiếu máu nuôi não hoặc bị vỡ gây chảy máu não. Não bị tổn thương do thiếu máu nuôi hoặc chảy máu sẽ gây ra mất các chức năng của một phần cơ thể, thường gặp nhất là yếu liệt tay chân một bên, méo miệng, rối loạn lời nói, mất thăng bằng… 

Đột quỵ do tắc mạch máu não là loại đột quỵ thường gặp nhất. Nếu được cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng, người bệnh có thể phục hồi ngoạn mục tránh được các di chứng. Do đó cần phải nhận biết các dấu hiệu đột quỵ để đưa bệnh nhân đi cấp cứu ngay, càng sớm càng tốt, vì mỗi phút chậm trễ có thể làm mất thêm khoảng gần 2 triệu tế bào thần kinh của não bộ. 

Sơ lược về bệnh đột quỵ
Cấp cứu kịp thời trong thời gian vàng rất quan trọng 

Dấu hiệu để nhận biết đột quỵ là các triệu chứng trong từ FAST: méo miệng (F-face), yếu tay (A-arm), rối loạn lời nói (S-speech); hoặc ghi nhớ theo câu “Méo cười, ngọng nói, xuội tay – Mau gọi cấp cứu, đi ngay đừng chờ”.

Việc cấp cứu kịp thời sẽ giúp giảm thiểu các hậu quả, các di chứng sau đột quỵ. Di chứng của đột quỵ để lại có thể gồm hạn chế đi lại do yếu liệt tay chân một bên, suy giảm khả năng giao tiếp bằng lời nói, rối loạn tiêu tiểu, giảm trí nhớ và suy giảm nhận thức. Triệu chứng và di chứng sau đột quỵ khác nhau tùy vị trí và kích thước vùng não bị tổn thương do đột quỵ. 

2. Suy giảm nhận thức sau đột quỵ là gì?

Suy giảm nhận thức là tình trạng suy giảm các chức năng cao cấp của não bộ, có thể bao gồm giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung chú ý, giảm khả năng học hỏi, khả năng giao tiếp, khả năng suy nghĩ, tính toán, khả năng nhận thức xã hội. Suy giảm nhận thức ở mức độ nặng được gọi là sa sút trí tuệ. 

Suy giảm nhận thức sau đột quỵ là gì

Đột quỵ là một trong những nguyên nhân thường gặp gây suy giảm nhận thức

Suy giảm nhận thức sau đột quỵ là tình trạng suy giảm nhận thức do đột quỵ gây ra. Đột quỵ hay bệnh mạch máu não là nguyên nhân gây suy giảm nhận thức và sa sút trí tuệ đứng hàng thứ hai sau bệnh Alzheimer. Đột quỵ càng nhiều lần thì khả năng bị suy giảm nhận thức càng cao, tuy nhiên có người chỉ cần một lần đột quỵ đã bị suy giảm nhận thức đáng kể.

3. Ai dễ bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ?

Cả đột quỵ thiếu máu lẫn đột quỵ xuất huyết đều có thể gây suy giảm nhận thức. 

Vị trí vùng não bị đột quỵ là yếu tố quan trọng quyết định có suy giảm nhận thức hay không. Có một số vùng não có ý nghĩa then chốt cho chức năng nhận thức mà chỉ cần một tổn thương nhỏ ở đó sẽ gây ra suy giảm nhận thức. Ngoài các vùng não này, người bị đột quỵ càng nhiều lần, tổn thương não càng nhiều chỗ thì càng dễ bị suy giảm nhận thức. 

Ngoài ra, có những yếu tố nguy cơ mà người nào càng có nhiều thì cảng dễ bị đột quỵ cũng như bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ. Những yếu tố chính làm cho người bệnh dễ bị suy giảm nhận thức gồm tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol trong máu, béo phì, hút thuốc lá, tăng homocysteine, uống rượu bia nhiều.

Ai dễ bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ
Béo phì, mỡ máu cao, uống nhiều bia rượu,… làm tăng nguy cơ suy giảm nhận thức sau đột quỵ 

4. Suy giảm nhận thức ảnh hưởng đến cuộc sống như thế nào?

Suy giảm nhận thức, đặc biệt là giảm trí nhớ, giảm khả năng thông hiểu, suy nghĩ, phân tích, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh hoạt, giao tiếp, khả năng thực hiện những hoạt động sống độc lập mà không phải nhờ người trợ giúp. Hơn thế nữa, người bị suy giảm nhận thức sau đột quỵ còn gặp khó khăn trong việc hiểu và hợp tác để tập luyện phục hồi chức năng, khó tuân thủ điều trị, do đó sẽ kém hồi phục cả các chức năng khác như vận động, nói, nuốt… làm giảm chất lượng sống.

TS BS Nguyễn Bá Thắng
TS BS Nguyễn Bá Thắng
Trưởng Trung tâm Khoa học Thần kinh, trưởng khoa Thần kinh và Đơn vị Đột quỵ BV ĐHYD TPHCM
Phó Trưởng bộ môn Thần kinh, trường Đại học Y Dược TPHCM
Phó chủ tịch Liên chi hội Đột quỵ TPHCM
VTM1309236 (v1.0)