Tại sao nên tiêm vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi

Vắc xin phòng cúm giúp cơ thể ngăn chặn sự tấn công, xâm nhập của các chủng vi rút cúm. Việc tiêm ngừa vắc xin giúp giảm nguy cơ mắc bệnh, tỷ lệ biến chứng, nhập viện và tử vong cho mọi người. Vậy có nên tiêm vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi hay không? Thắc mắc về vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi sẽ được a:care Việt Nam giải đáp ở bài viết dưới đây. 

Cúm là gì? Bệnh cúm có nghiêm trọng không?

Bệnh cúm được gây ra bởi các vi rút cúm tuýp A, B, hoặc C. Thông thường bệnh cúm khá lành tính, người bình thường mắc cúm có thể hồi phục trong vòng 2–7 ngày. 

Tuy nhiên, bệnh cúm có thể diễn tiến nặng ở các đối tượng như: người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em, người bị suy giảm miễn dịch, phụ nữ mang thai. Bệnh cúm tiến triển nặng khiến các đối tượng này có thể bị viêm phổi, viêm não, viêm tai, viêm phế quản…

Cúm là gì? Bệnh cúm có nghiêm trọng không?
Bệnh cúm có thể trở nặng đối với đối tượng là trẻ em

Vắc xin cúm làm giảm tỷ lệ tử vong do cúm và có hiệu lực bảo vệ lên tới 90%

Ở những nước công nghiệp hóa, tiêm phòng vắc xin cúm có khả năng bảo vệ cơ thể, chống lại nguy cơ mắc cúm ở khoảng 70-90% người trưởng thành khỏe mạnh, miễn là có sự phù hợp giữa kháng nguyên của vi rút trong vắc xin và các vi rút đang lưu hành. Với những người lớn tuổi không sống trong viện dưỡng lão, tiêm chủng có thể làm giảm số ca nhập viện từ 25-39% và giảm tỷ lệ tử vong khoảng 39-75% trong mùa cúm.

Trong số ít trường hợp bị nhiễm cúm sau khi chủng ngừa, vắc xin có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của bệnh. Vắc xin cúm còn giúp giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng cũng như giảm khả năng nhập viện do bệnh cúm trở nên trầm trọng.

Với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, việc tiêm phòng vắc xin cúm mang lại những lợi ích có thể kể đến: 

  • Giảm nguy cơ mắc cúm, giúp cha mẹ không cần nghỉ làm để chăm sóc trẻ.  
  • Giảm nguy cơ nhập viện do cúm ở trẻ em
  • Giúp giảm bớt tính nghiêm trọng của bệnh cúm so với trẻ không tiêm phòng, đặc biệt ở trẻ dưới 5 tuổi hoặc trẻ có bệnh mạn tính.

Giúp ngăn ngừa lây lan bệnh cúm cho gia đình và bạn bè, kể cả trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi còn quá nhỏ để chủng ngừa cúm.

Tiêm vắc xin cúm bao lâu thì có tác dụng

Phải mất khoảng hai tuần sau khi tiêm chủng, các kháng thể mới được tạo ra trong cơ thể và cung cấp khả năng bảo vệ chống lại nhiễm vi-rút cúm. Đó là lý do tại sao cần tiêm phòng vi rút cúm cho trẻ trước khi dịch cúm lây lan trong cộng đồng.

Khả năng miễn dịch của cơ thể đối với bệnh cúm giảm dần theo thời gian. Vi rút cúm biến đổi liên tục, do đó tiêm phòng cúm trong mùa cúm trước sẽ có thể không có tác dụng bảo vệ bạn trong mùa cúm sắp tới. Đó cũng là lý do vắc xin cúm được cập nhật định kì và bạn cần tiêm vắc xin cúm mới hàng năm để có được sự bảo vệ tốt nhất.

Có những loại vắc xin cúm nào?

Phân loại vắc xin dựa theo số chủng vi rút cúm bao gồm 4 loại như sau: 

  • Vắc xin cúm đơn giá đầu tiên ra đời khi vi rút cúm A xuất hiện.
  • Vắc xin cúm nhị giá: Được phát triển để bảo vệ người dân khỏi cả 2 chủng cúm A và B.
  • Vắc xin cúm tam giá: Bảo vệ người dùng trước 2 chủng cúm A (H1N1 và  H3N2) và 1 chủng cúm B.
  • Vắc xin cúm tứ giá: Vắc xin cúm tứ giá được thiết kế để bảo vệ chống lại bốn chủng vi-rút cúm khác nhau, bao gồm hai chủng vi-rút cúm A và hai chủng vi-rút cúm B.

Hiện nay tại Việt Nam đã có vắc xin cúm tứ giá.

Có những loại vắc xin nào?
Ảnh mang tính chất minh họa

Các lưu ý về lịch tiêm phòng cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi

  • Trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 9 tuổi nếu trước đây chưa bị cúm hoặc chưa từng tiêm vắc xin cúm thì tiêm 2 mũi. Mũi 2 cách mũi 1 tối thiểu 1 tháng. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.
  • Trẻ từ trên 9 tuổi thì tiêm 1 mũi. Sau đó tiêm nhắc lại mỗi năm một lần.

Nêntiêm vắc xin cúm cho trẻ ngay khi có thể, đặc biệt là những trẻ được khuyến cáo tiêm 2 liều.

Đối với trẻ em có khối u ác tính, nên tiêm vắc xin ≥2 tuần trước khi hóa trị liệu.

Đối với những trẻ đã được điều trị bằng liệu pháp kháng tế bào B trong 6 tháng trước đó, nên trì hoãn tiêm phòng cho đến khi có bằng chứng về sự phục hồi của tế bào B. Phụ huynh cần hỏi ý kiến bác sĩ để được tư vấn phù hợp. Những người trong gia đình tiếp xúc với trẻ trong trường hợp này nên được chủng ngừa cúm hàng năm. Cần nỗ lực thúc đẩy tiêm phòng cúm cho tất cả trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi và những trẻ thuộc nhóm nguy cơ cao cũng như những người tiếp xúc gần với trẻ, trừ khi có chống chỉ định.

Khuyến nghị về việc tiêm vắc xin cúm cho trẻ em trong mùa dịch
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Bài viết trên cung cấp những thông tin về vắc xin cúm cho trẻ từ 6 tháng tuổi. a:care Việt Nam hy vọng rằng bài viết hữu ích cho bạn và bé. Hãy đưa bé đến cơ sở ý tế tiêm vắc xin phòng cúm từ sớm để bảo vệ cơ thể trước nguy cơ cúm mùa. 

Tài liệu tham khảo

1.Bệnh viện Nhi đồng thành phố. vi rút cúm có thực sự nguy hiểm không?
https://www.google.com/url?q=https://bvndtp.org.vn/vi rút-cum-co-that-su-nguy-hiem-khong/%23
2.WHO. Influenza. https://www.who.int/teams/health-product-policy-and-standards/standards-and-specifications/vaccines-quality/influenza
3.Mayoclinic.org. Flu shot: Your best bet for avoiding influenza. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/flu/in-depth/flu-shots/art-20048000
4.CDC. Vaccine for Flu (Influenza). https://www.cdc.gov/vaccines/parents/diseases/flu.html
5.Health.baltimorecity.gov. Frequently Asked Questions about Flu Vaccines. https://health.baltimorecity.gov/flu/frequently-asked-questions-about-flu-vaccines
6.Healthline.com. When Should You Get a Flu Shot and How Long Should It Last? healthline.com/health/cold-flu/how-long-does-flu-shot-last
7.Barberis I, Myles P, Ault SK, Bragazzi NL, Martini M. History and evolution of influenza control through vaccination: from the first monovalent vaccine to universal vaccines. J Prev Med Hyg. 2016;57(3):E115-E120.
8.Publications.aap.org. Recommendations for Prevention and Control of Influenza in Children, 2023–2024 . https://publications.aap.org/pediatrics/article/152/4/e2023063772/193776/Recommendations-for-Prevention-and-Control-of?autologincheck=redirected
9.CDC.gov. Quadrivalent Influenza Vaccine
https://www.cdc.gov/flu/prevent/quadrivalent.htm

VTM1295401 (v1.0)