Phương pháp điều trị đồng mắc trào ngược dạ dày thực quản và khó tiêu chức năng

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường
Trưởng khoa Y, Trưởng bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch. Phó Tổng biên tập Tạp chí Gan Mật Việt Nam.
  • Ngày cập nhật: 26/3/2024

1. Đồng mắc trào ngược và khó tiêu chức năng ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày như thế nào?

Những người bị bệnh trào ngược dạ dày thực quản (trào ngược) có khó tiêu chức năng đi kèm thường có triệu chứng nặng hơn làm giảm chất lượng cuộc sống và khó đáp ứng điều trị hơn so với những người chỉ mắc trào ngược. 

Có đến 54% trường hợp mắc cả hai bệnh này có triệu chứng rất khó chịu hoặc cực kỳ khó chịu. Trong khi đó, nếu chỉ bị khó tiêu chức năng hoặc trào ngược, tỷ lệ này lần lượt chỉ 30% và 28%.

Đồng mắc trào ngược và khó tiêu chức năng ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày như thế nào?

Người đồng mắc trào ngược và khó tiêu chức năng cũng kém đáp ứng với thuốc ức chế bơm proton (PPI) so với người chỉ mắc trào ngược.

2. Điều trị đồng mắc và khó tiêu chức năng như thế nào?

Những người đồng mắc cả 2 bệnh cần thay đổi chế độ ăn và lối sống. 

  • Điều chỉnh chế độ ăn: ăn đúng giờ, chia nhiều bữa nhỏ, không nằm ngay sau ăn, không ăn tối trước khi đi ngủ 2-3 giờ
  • Điều chỉnh lối sống: giảm cân nếu thừa cân, nâng cao đầu giường, tránh nằm nghiêng phải, giảm stress
  • Thức ăn nên tránh như thức ăn cay, cà ri, các loại trái cây và nước ép có vị chua, thức ăn nhiều gia vị và dầu mỡ, nước uống có gas, caffein, chocolate  và thuốc lá.
Điều chỉnh chế độ ăn giúp điều trị đồng mắc và khó tiêu chức năng

Bên cạnh điều chỉnh lối sống, người bệnh nên được điều trị bằng PPI và thuốc trợ vận động. Nếu người bệnh có các triệu chứng ăn mau no, đầy bụng sau ăn, ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn nên được điều trị bằng PPI phối hợp với thuốc trợ vận động. Đối với các thuốc trợ vận động, thuốc có thể sử dụng lâu dài, độ an toàn cao và ít tương tác với PPI được ưu tiên lựa chọn.

3. Trường hợp điều trị đồng mắc trào ngược và khó tiêu chức năng

Một bệnh nhân nữ 38 tuổi, béo phì than phiền đau thượng vị, ợ nóng, cảm giác vướng họng, ợ hơi, đầy bụng chậm tiêu sau ăn, buồn nôn và mất ngủ 3-4 ngày/ tuần do ợ nóng về đêm đã 7 tháng nay. Chị được nội soi cách nay 2 tháng với kết quả viêm thực quản do trào ngược phân loại B theo Los Angeles, viêm phù nề hang vị, không nhiễm Helicobacter pylori. Chị được chẩn đoán trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày và được kê toa esomeprazole, nhôm phosphat và sulpiride. 

Sau khi dùng thuốc, ợ nóng đã giảm khoảng 50%, chị ngủ được hơn, khoảng 4 tiếng/đêm và bớt cảm giác vướng họng. Tuy nhiên các triệu chứng ợ hơi, đầy bụng chậm tiêu sau ăn và buồn nôn vẫn còn chưa giảm nhiều. Vậy nên được bổ sung thêm thuốc trợ vận động dạ dày là itopride trong 4 tuần tiếp theo. Sau 4 tuần thêm thuốc trợ vận động, các triệu chứng như ợ hơi, đầy bụng chậm tiêu sau ăn và buồn nôn đều cải thiện. Chị cảm thấy thức ăn được đẩy xuống nhanh chóng hơn và đã đỡ hơn nhiều.

Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn, chị cũng được đề nghị thay đổi lối sống như giảm cân nếu thừa cân béo phì, tránh ăn quá no, tránh thức ăn cay nóng và chứa nhiều dầu mỡ, ngủ đầu cao, không nằm ngay sau khi ăn. Các biện pháp kết hợp này sẽ giúp hạn chế tái phát và nâng cao chất lượng cuộc sống sau điều trị.

PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường
PGS.TS.BS Trần Thị Khánh Tường
Trưởng khoa Y, Trưởng bộ môn Nội, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch
Phó Tổng biên tập Tạp chí Gan Mật Việt Nam

Xem thêm:

Tài liệu tham khảo:

1.Lee SW, Lee TY, Lien HC, Yeh HZ, Chang CS, Ko CW. The risk factors and quality of life in patients with overlapping functional dyspepsia or peptic ulcer disease with gastroesophageal reflux disease. Gut Liver. 2014;8(2):160-164. doi:10.5009/gnl.2014.8.2.160

2.Vakil N, Stelwagon M, Shea EP, Miller S. Symptom burden and consulting behavior in patients with overlapping functional disorders in the US population. United European Gastroenterol J. 2016;4(3):413-422. doi:10.1177/2050640615600114

3.Yamawaki H, Futagami S, Wakabayashi M, et al. Management of functional dyspepsia: state of the art and emerging therapies. Ther Adv Chronic Dis. 2018;9(1):23-32. doi:10.1177/2040622317725479

4.Miwa H, Nagahara A, Asakawa A, et al. Evidence-based clinical practice guidelines for functional dyspepsia 2021. J Gastroenterol. 2022;57(2):47-61. doi:10.1007/s00535-021-01843-7

5.Ness-Jensen E, Hveem K, El-Serag H, Lagergren J. Lifestyle Intervention in Gastroesophageal Reflux Disease. Clin Gastroenterol Hepatol. 2016;14(2):175-82.e823. doi:10.1016/j.cgh.2015.04.176

6.Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị khó tiêu chức năng (2022) – Hội khoa học Tiêu hóa Việt Nam

7.Quigley EM, Lacy BE. Overlap of functional dyspepsia and GERD–diagnostic and treatment implications. Nat Rev Gastroenterol Hepatol. 2013;10(3):175-186. doi:10.1038/nrgastro.2012.253

VTM1309437-2(v2.1)