Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh ra sao? 

Khi bước vào giai đoạn mãn kinh phụ nữ thường gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Trong đó phải kể đến là tình trạng loãng xương. Bệnh gây ra khá nhiều rắc rối cho cuộc sống của người bệnh. Do vậy tìm hiểu các thông tin về bệnh và cách điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh là điều hết sức cần thiết. Cùng tham khảo thêm thông tin trong bài viết sau đây từ a:care Việt Nam.  

Tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Loãng xương là bệnh về xương, khi mật độ khoáng trong xương và khối lượng xương giảm, hoặc khi cấu trúc và sức bền của xương thay đổi. Điều này có thể dẫn đến giảm sự chắc khỏe của xương và có thể làm tăng nguy cơ gãy xương.

Ở độ tuổi trên 50, khoảng 35% phụ nữ  mãn kinh bị loãng xương. Tình trạng mất xương tăng nhanh sau thời kỳ mãn kinh, làm tăng đáng kể nguy cơ loãng xương và gãy xương. 

Loãng xương sau mãn kinh là chứng loãng xương có liên quan đến việc giảm sản xuất estrogen xảy ra trong thời kỳ mãn kinh. Ở phụ nữ, estrogen có vai trò giúp làm chậm quá trình mất xương. Vì vậy khi nồng độ estrogen giảm, quá trình mất xương diễn ra nhanh chóng hơn làm dẫn đến loãng xương sau khi bước vào độ tuổi mãn kinh.

Trung bình, phụ nữ mất tới 10% khối lượng xương trong 5 năm đầu sau khi mãn kinh. Sau đó, tốc độ mất xương chậm lại.

Tình trạng loãng xương ở phụ nữ mãn kinh
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Các nguyên nhân dẫn đến loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Sự suy giảm hormone estrogen là một quá trình của thời kỳ mãn kinh, đây được coi là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng loãng xương ở phụ nữ giai đoạn này. Đó là bởi vì estrogen có thể ảnh hưởng đến xương thông qua các cơ chế như sau:

  • Làm giảm độ nhạy cảm của khối xương với hormone tuyến cận giáp, từ đó làm giảm quá trình tiêu xương. 
  • Tăng sản xuất calcitonin để ức chế quá trình tiêu xương.
  • Đẩy nhanh quá trình tái hấp thu canxi ở ruột
  • Giảm sự bài tiết canxi từ thận.
Estrogen là nguyên nhân gây loãng xương sau mãn kinh
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ

Ngoài nguyên nhân do thiếu hụt estrogen, loãng xương sau mãn kinh còn có thể khởi phát do các yếu tố như: Tiền sử gia đình mắc bệnh loãng xương, chế độ ăn ít vitamin D và canxi, sử dụng thuốc lá, uống nhiều rượu, thiếu cân, mãn kinh sớm, hoặc phẫu thuật cắt bỏ tử cung trước tuổi 45,…..

Các dấu hiệu của bệnh loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Các triệu chứng loãng xương sau mãn kinh thường không rõ ràng. Bệnh loãng xương có xu hướng phát triển chậm và âm thầm, nhiều người không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi bị gãy xương. Tình trạng gãy xương do loãng xương xảy ra thường xuyên nhất ở hông, đốt sống và cổ tay. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể bị gãy ở các vị trí khác như xương cánh tay hoặc xương chậu.

Một số triệu chứng gãy xương đốt sống bao gồm:

  • Đau lưng dữ dội
  • Giảm chiều cao.
  • Có những biến dạng cột sống (ví dụ như gù lưng, khom lưng) 
Dấu hiệu loãng xương sau mãn kinh
Đau xương, khớp là một trong những triệu chứng loãng xương

Phân loại các mức độ loãng xương

Loãng xương được chia làm 2 loại là loãng xương nguyên phát và loãng xương thứ phát. 

Loãng xương nguyên phát là dạng bệnh phổ biến nhất và bao gồm loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi tác. 

Loãng xương sau mãn kinh có liên quan đến việc giảm hormone estrogen và androgen dẫn đến tăng chuyển hóa xương, sự tiêu xương vượt quá sự hình thành xương

Loãng xương do tuổi tác là tình trạng mất xương dần dần do lão hóa toàn thân.

Loãng xương thứ phát là loãng xương có nguyên nhân được xác định rõ ràng, do bệnh lý hoặc một số rối loạn làm mất khối lượng xương.

Điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh

Để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh hiệu quả, các chuyên gia thường kết hợp giữa việc sử dụng thuốc hay các liệu pháp cùng với chế độ sinh hoạt, lối sống hợp lý. 

Dưới đây là một số phương pháp phổ biến được dùng để điều trị chứng loãng xương: 

  • Sử dụng thuốc: Các loại thuốc kê đơn giúp giảm tình trạng mất xương. Thuốc hoạt động bằng cách giảm tốc độ mất xương hoặc đẩy nhanh quá trình tạo xương. Một trong hai cơ chế trên đều giúp xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương.
  • Liệu pháp hormone: Đối với phụ nữ sau mãn kinh, liệu pháp nội tiết mãn kinh có thể làm tăng mật độ xương.

Chú ý: Việc sử dụng thuốc hoặc liệu pháp Hormon để điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh nhất thiết phải có chỉ định và hướng dẫn cụ thể từ bác sĩ.

Thay đổi lối sống: Ngoài sử dụng thuốc, phụ nữ mãn kinh cần thay đổi lối sống để điều trị loãng xương, bao gồm chế độ ăn, tập thể dục, bỏ thuốc lá.

  • Một chế độ ăn tối ưu để điều trị bệnh loãng xương bao gồm cung cấp đủ năng lượng (tránh suy dinh dưỡng), canxi và vitamin D. 
  • Phụ nữ có loãng xương nên tập thể dục ít nhất 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần và kết hợp các bài tập tăng cường cơ bắp và tư thế hai đến ba ngày một tuần.
  • Hút thuốc lá làm tăng tốc độ mất xương. Hút thuốc cũng có thể làm giảm tác dụng của liệu pháp hormone ở phụ nữ sau mãn kinh
Kết hợp các phương pháp điều trị loãng xương sau mãn kinh với lối sống phù hợp là rất cần thiết
Hình ảnh mang tính chất minh hoạ
  • Phẫu thuật: Các thủ thuật phẫu thuật bao gồm tạo hình đốt sống, tạo hình gù hoặc ghép đốt sống. Có thể được thực hiện trong những trường hợp nặng để cải thiện triệu chứng ở những người bị gãy xương do loãng xương.

Cách phòng ngừa loãng xương ở tuổi mãn kinh

Để hạn chế nguy cơ bị loãng xương khi đến tuổi mãn kinh, cần dự phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ. Thực hiện những thay đổi trong lối sống là phương pháp hữu hiệu để cải thiện sức khỏe xương. Bao gồm:

  • Chế độ ăn uống: Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng đủ lượng canxi và vitamin D. Một số thực phẩm chứa nhiều canxi như  sữa, đậu nành, đậu phụ và các thực phẩm tăng cường canxi như nước cam và ngũ cốc. Vitamin D được tìm thấy trong thực phẩm như cá hồi, cá ngừ, cá mòi và lòng đỏ trứng, các sản phẩm từ sữa, ngũ cốc
  • Tập thể dục thường xuyên, phù hợp để giúp xương chắc khoẻ hơn.
  • Duy trì cân nặng hợp lý giúp xương chắc khỏe và giảm bớt những áp lực đặt lên xương.
  • Tránh những thói quen có hại như uống rượu bia, hút thuốc lá để nguy cơ loãng xương. 

Bài viết cung cấp thông tin về loãng xương và điều trị loãng xương ở phụ nữ mãn kinh. Phòng ngừa loãng xương từ sớm luôn là biện pháp cần thiết để hạn chế nguy cơ mắc loãng xương nói chung và loãng xương ở sau mãn kinh nói riêng. Hãy theo dõi a:care Việt Nam để cập nhật những thông tin về loãng xương sớm nhất nhé. 

Nguồn tham khảo:

1. Niams.nih.gov. Osteoporosis. https://www.niams.nih.gov/health-topics/osteoporosis 

2. Betterhealth.vic.gov.au. Menopause and osteoporosis.  https://www.betterhealth.vic.gov.au/health/conditionsandtreatments/menopause-and-osteoporosis 

3. Ncbi.nlm.nih.gov. Primary osteoporosis in postmenopausal women. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5643776/ 

4. Bệnh viện Từ Dũ. Loãng xương do mãn kinh. https://tudu.com.vn/cache/1351100_Loang%20xuong%20do%20man%20kinh.pdf

5. Mayoclinic.org. Osteoporosis treatment: Medications can help. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/osteoporosis/in-depth/osteoporosis-treatment/art-20046869    

6. Primary osteoporosis in postmenopausal women – PMC (nih.gov)

7. Prevalence and diagnosis experience of osteoporosis in postmenopausal women over 50: Focusing on socioeconomic factors | PLOS ONE

VTM1297661