Triệu chứng và dấu hiệu phổ biến của cảm cúm
Thời tiết giao mùa, nắng mưa thất thường là những nguyên nhân khiến nhiều người dễ mắc bệnh cảm cúm. Tuy nhiên, các triệu chứng của cảm cúm ra sao không phải ai cũng nắm rõ.
Vừa qua, BS. Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy Cao áp thuộc Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng, thành viên chủ chốt “nhóm bác sĩ quân y hỗ trợ online chăm sóc, điều trị F0 tại nhà” đã chỉ ra một số nguyên nhân gây nên cảm cúm, cũng như cách điều trị cảm cúm hiệu quả.

Nguyên nhân cảm cúm
Cảm cúm do nhiều loại vi rút gây ra, phổ biến là cúm A, cảm cúm xảy ra khi vi rút tấn công hệ hô hấp gồm mũi, họng, phế quản hoặc phổi. Theo BS. Huy Hoàng có nhiều điều kiện thuận lợi khiến người dân dễ mắc cảm cúm như uống nước đá lạnh, thời tiết nắng mưa thất thường…
“Bên cạnh đó, tuy không phải nguyên nhân trực tiếp nhưng môi trường sống cũng là một trong những nguyên nhân gây nên cảm cúm như bụi bặm, hóa chất… đây là những yếu tố làm ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ của cơ thể, khi đó hàng rào bảo vệ sẽ yếu đi. Bụi và các hoá chất ở môi trường không làm tăng vi khuẩn nhưng nó làm khả năng phòng vệ của cơ thể bị giảm đi, đồng nghĩa với việc sức đề kháng kém, hệ miễn dịch bên trong cơ thể giảm và vi rút sẽ sinh sôi gây cảm cúm, cảm lạnh”, BS. Huy Hoàng phân tích.
Các triệu chứng của cảm cúm bộc lộ sớm
Triệu chứng của cảm cúm bộc lộ sớm theo chuyên gia y tế, đầu tiên là cơ thể mệt mỏi một cách đột ngột.
Thêm một triệu chứng của cảm cúm bộc lộ sớm có thể nhận biết đó chính là đau nhức cơ thể và ớn lạnh. Khi xuất hiện triệu chứng này, người bệnh nên uống thuốc, giữ ấm cơ thể.
Ngoài ra, triệu chứng của cảm cúm bộc lộ sớm còn thể hiện qua dấu hiệu đau họng, ho khan, ho dai dẳng, không thể nuốt đồ ăn hoặc nước như bình thường.
Thêm vào đó, sốt cũng là triệu chứng của cảm cúm phổ biến ở giai đoạn đầu, có thể sốt từ 38 độ trở lên. Kèm theo đó là các vấn đề về tiêu hóa như tiêu chảy, buồn nôn, đau dạ dày hoặc nôn.

Triệu chứng cảm cúm ở trẻ nhỏ
BS. Huy Hoàng cho biết, triệu chứng cảm cúm ở trẻ em thường bắt đầu với việc sốt đột ngột, ớn lạnh, run rẩy, đau cơ, mệt mỏi, ho khan, đau họng, chán ăn.
Phân biệt triệu chứng cảm cúm ở trẻ với triệu chứng cảm cúm ở người lớn:
Trẻ bị cúm có nhiều triệu chứng như người lớn, tuy nhiên trẻ cũng có một số triệu chứng khác biệt. Cụ thể, với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có thể sốt cao và không có dấu hiệu nào khác, trẻ thường có nhiệt độ 39,5 độ C, thậm chí có thể sốt co giật.
Phân biệt cảm cúm với cảm lạnh thông thường?
Theo bác sĩ, cảm cúm và cảm lạnh đều là bệnh về đường hô hấp. Tuy nhiên, hai loại cảm này do các loại vi rút khác nhau gây ra.
Bác sĩ cho biết phân biệt cảm cúm và cảm lạnh rất khó vì các triệu chứng tương tự nhau. Tuy nhiên, bệnh cúm thường nặng hơn cảm lạnh thông thường. Biểu hiện của cảm lạnh đơn thuần là sổ mũi, tắc mũi, hắt hơi, chảy mũi, đau họng.
Còn triệu chứng của cảm cúm là thường sốt hoặc cảm thấy sốt/ớn lạnh, ho, đau họng, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, đau nhức cơ hoặc toàn thân, nhức đầu và mệt mỏi.
Để biết có bị cảm cúm hay không thì cần xét nghiệm trong các ngày đầu tiên của bệnh.
Theo các chuyên gia y tế, cảm lạnh thường giảm sau 7 đến 10 ngày, một số triệu chứng có thể kéo dài 2 tuần.
Trong khi đó, các triệu chứng của cảm cúm thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần và có thể trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số dấu hiệu cảnh báo mức độ nghiêm trọng của cảm cúm
BS. Huy Hoàng cho hay, cúm là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, rối loạn ở dạ dày, tiêu chảy…
Đa phần người khỏe mạnh có thể bình phục sau khi mắc bệnh cúm và không gặp bất kỳ vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, một số ít trường hợp, cúm gây ảnh hưởng đến não, co giật kéo dài… làm suy yếu hệ thống miễn dịch.
“Trường hợp 2-3 ngày đầu bị sốt có thể uống thuốc hạ sốt, nhưng nếu kéo dài quá 3 ngày mà không hạ sốt thì người bệnh cần đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị”, BS. Huy Hoàng nhấn mạnh.
Những ai dễ mắc cảm cúm?
Theo BS. Huy Hoàng, các đối tượng dễ mắc cảm cúm bao gồm trẻ nhỏ và người cao tuổi, đặc biệt những ai có các bệnh lý nền.
Thêm vào đó, những ai có hệ miễn dịch suy yếu dễ mắc bệnh cúm, trong đó có bệnh nhân đang sử dụng phương pháp điều trị ung thư, dùng thuốc chống thải ghép, corticosteroid và HIV/AIDS.
Những ai mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, đái tháo đường hoặc các vấn đề về tim, cũng đều là những đối tượng có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cúm.
Thêm một đối tượng dễ mắc cảm cúm nữa đó chính là phụ nữ mang thai.
Cách điều trị cảm cúm hiệu quả
Xưa kia, để điều trị cảm cúm hiệu quả, cha ông ta thường xông, ăn nhiều tỏi, giữ ấm cơ thể, hoặc ngậm chanh đào mật ong. Tuy nhiên, hiện nay khi bị cúm, người bệnh thường sử dụng các thuốc hỗ trợ long đờm, bổ phế. Dù dùng cách nào cũng đều có hiệu quả nhất định.
Để điều trị cảm cúm hiệu quả, người bệnh cần bổ sung nước, điện giải, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, tập luyện thể dục hợp lý. Bên cạnh đó, cần giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ.
Làm thế nào để phòng ngừa bệnh cảm cúm?
Để phòng ngừa bệnh cảm cúm, BS. Huy Hoàng cho biết điều quan trọng là cần tiêm vắc-xin phòng cúm theo Chương trình tiêm chủng, cùng với đó cần giữ ấm, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể dục thể thao.
“Đối với người lớn và trẻ nhỏ, cần làm quen với môi trường bên ngoài, thích nghi với các loại thời tiết”, BS. Huy Hoàng cho hay.
Theo bác sĩ Huy Hoàng, để phòng ngừa bệnh cảm cúm có thể uống bổ phế đối với người lớn và các thuốc tăng cường miễn dịch đối với trẻ nhỏ.
Có thể sử dụng các loại thuốc bằng thảo dược, người bị tiểu đường nên dùng kết hợp với tỏi, gừng… giúp nâng cao sức khỏe và bảo vệ đường hô hấp.
BS. Huy hoàng cho hay, bên cạnh những cách phòng ngừa bệnh cảm cúm nêu trên có thể sử dụng nước muối sinh lý, các dung dịch sát khuẩn để phòng bệnh.
Những ai nên tiêm ngừa cảm cúm?
Để hạn chế mắc cảm cúm, theo BS. Huy Hoàng ngoài việc ăn uống nghỉ ngơi điều độ, tập thể dục thể thao thường xuyên thì việc tiêm phòng cúm là điều hết sức cần thiết. Bất kỳ ai cũng nên tiêm phòng cúm, từ người lớn đến trẻ nhỏ từ 6 tháng tuổi và phải tiêm nhắc lại định kỳ mỗi năm.

Tựu chung lại, để hạn chế bị cảm cúm, cảm lạnh theo các chuyên gia y tế, người dân cần có ý thức bảo vệ nâng cao sức khỏe của bản thân, hay nói cách khác là tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch.
Với những thông tin nêu trên, hy vọng rằng mỗi người dân sẽ tự biết cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi các bệnh lý liên quan đến cảm cúm, cảm lạnh nhất là tại thời điểm giao mùa như hiện nay.
HOÀNG BÍCH
Chú thích ảnh:
Ảnh 1: BS. Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ về triệu chứng của cảm cúm.
Ảnh 2: Các triệu chứng cảm cúm bộc lộ sớm.
Ảnh 3: Nên tiêm vắc-xin phòng cúm.