Tiêm phòng cúm cho người lao động – Điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm

PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa
Chuyên gia viết bài: PGS.TS.BS. Cao Hữu Nghĩa
Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pasteur TP.HCM
  • Ngày cập nhật: 29/09/2023

Các đại dịch CÚM ngày xưa vẫn không thôi ám ảnh nhân loại dù hiện nay chúng ta đã có những phương pháp điều trị và trang thiết bị hiện đại. Phương châm của ngành Y học Việt Nam vẫn là “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, nên với CÚM- một bệnh mà chúng ta đã có vắc xin- thì việc làm cho người lao động hiểu rõ và tiêm chủng vắc xin CÚM nhiều hơn luôn là nỗi lo canh cánh bên lòng của mọi cán bộ y tế.  

Kibourne từng có phát biểu rất hay khi bàn về bệnh cúm “CÚM là bệnh không thay đổi nhưng do một loại vi rút luôn biến đổi” (1980). Và điều đó thực sự là vậy!

1. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về vi rút CÚM gây bệnh

Vi rút CÚM Influenzea thuộc họ Orthomyxoviridae; thường có dạng hình cầu đường kính 80 – 120 nm. Nucleocapsid đối xứng kiểu xoắn trôn ốc chứa 8 đoạn ARN (vi rút cúm B có thể có 7 đoạn ARN). Vỏ ngoài cùng của virus cúm là một lớp lipid có nguồn gốc từ tế bào chủ mà nó đã nhân lên. Có 2 loại glycoprotein (H) và (N) xuyên qua màng tạo thành cấu trúc gai nhú với khoảng 500 chồi gai khác nhau, xếp xen kẽ bề mặt virus cúm. Tỷ lệ giữa HA và NA là khoảng 4:1. Đây chính là các gai nhú khởi phát “tấn công” vào tế bào hô hấp của con người.

Vi rút CÚM được chia thành nhiều nhóm khác nhau: A, B, C… Chính vi rút CÚM A với đặc tính “luôn thay đổi” nên thường là nhóm vi rút gây đại dịch, dịch CÚM trên con người. Nhóm B: thường gây bệnh lẻ tẻ và hiếm khi gây thành dịch.

vi rút gây ra bệnh cúm
Hình ảnh minh họa 3D của vi rút CÚM – 2 loại glycoprotein (H) và (N) xuyên qua màng tạo thành cấu trúc gai nhú

2. Bệnh CÚM ảnh hưởng đến năng suất lao động và gây tổn thất về kinh tế

Bên cạnh vi rút CÚM, có nhiều dòng vi rút khác cũng gây bệnh cảnh tương tự, nhưng NHẸ hơn và hiếm khi thành dịch. Ví dụ: vi rút Para-influenzea, vi rút Adeno… khiến chúng ta lầm tưởng rằng cúm là bệnh nhẹ.

Bảng phân loại một số khác biệt giữa Cúm do vi rút Influenzea và Cảm hay nhiễm vi rút hô hấp do những nguyên nhân khác:

Triệu chứngCảm lạnhCúm
SốtÍt gặpCao (39-40oc)
Đau đầuHiếm gặpThường gặp
Đau cơNhẹNặng
Thời gianNhẹ, một vài ngàyNhiều, có thể 3 tuần
Mệt mỏi nhiềuÍt gặpThường gặp
Tắc mũiThường gặpThường gặp
Hắt hơiThường gặpĐôi khi
Chảy mũiThường gặpThường gặp
Đau họngThường gặpThường gặp
Ho / Đau ngựcNhẹTrung bình – nặng

Ngoài các triệu chứng gây ảnh hưởng đến khả năng lao độngtốn kém chi phí điều trị, cúm còn có thể gây những biến chứng khác nhau khiến người lao động phải nhập viện

  • Viêm phổi: Viêm phổi bội nhiễm vi khuẩn có thể phát triển từ viêm đường hô hấp trên lan xuống đường hô hấp dưới.
  • Nhiễm trùng huyết: một biến chứng nhiễm trùng toàn thân khác khi vi trùng có cơ hội xâm nhập vào máu, dẫn đến suy nội tạng và tử vong.
  • Biến chứng tim mạch: Vi rút cúm có thể làm tăng nguy cơ suy tim và cơn đau thắt ngực. Một nghiên cứu năm 2018 ở Mỹ cho thấy bệnh nhân có nguy cơ bị đau tim sau khi nhiễm cúm cao gấp sáu lần so với bình thường.
  • Suy giảm miễn dịch: Viêm phổi ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch hay phụ nữ mang thai sẽ nguy hiểm hơn người thường, vì bệnh có thể diễn tiến trầm trọng, thậm chí dẫn đến tử vong.
  • Hậu cúm: cúm vẫn có khả năng dẫn đến “cúm kéo dài” hay “hậu cúm”. Đây là một biến chứng muộn của cúm (xuất hiện sau giai đoạn Covid-19).      
bệnh cúm và những biến chứng của cúm ở người lao động
Với những loại vi rút khác nhau, người lao động sẽ có biến chứng khác nhau

Mặc dù phần lớn các trường hợp bệnh cúm đều ở mức nhẹ và có thể tự hồi phục sau 5 – 7 ngày, tuy nhiên bệnh vẫn ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh do tình trạng sốt, hắt hơi, sổ mũi và mệt mỏi kéo dài. Ngoài ra, bệnh còn dẫn đến nhiều hậu quả khác cho xã hội như phải nghỉ học, nghỉ làm, giảm năng suất lao động và gây tổn thất về mặt kinh tế, gây bất ổn trong gia đình và xã hội, cũng như làm gia tăng tình trạng quá tải ở các cơ sở chăm sóc y tế. Đặc biệt, bệnh cúm làm tăng tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh do những biến chứng, từ đó dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

3. Tại sao doanh nghiệp cần phòng ngừa cúm cho người lao động

phòng ngừa bệnh cúm cho người lao động
Kết hợp tiêm vắc xin cúm và một số giải pháp phòng ngừa cúm cho người lao động

Phòng ngừa nhiễm cúm là điều quan trọng và cần thiết với mỗi doanh nghiệp vì cho đến nay vẫn chưa có thuốc điều trị CÚM hiệu quả. Tuy vẫn có những dược phẩm kháng vi rút CÚM, nhưng cách dùng và thời điểm dùng cũng như cách tiếp cận thuốc tại những đơn vị chuyên khoa truyền nhiễm là trở ngại lớn cho người bệnh. 

Ngày nay, trong dự phòng không đặc hiệu đối với bệnh cúm, người lao động vẫn thấy những khuyến cáo như: rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi có triệu chứng về hô hấp…đặc biệt sau giai đoạn Covid-19. Tuy vậy, những giải pháp này vẫn chưa phát huy được vai trò chủ động của dự phòng CÚM; kéo theo hiệu quả can thiệp thấp đối với mọi người.

Trong khi đó từ 2011, với Quyết định 2078/QĐ-BYT, ngành Y tế đã đưa ra các giải pháp dự phòng Chủ động bệnh CÚM nhưng có vẻ người dân và ngành y tế vẫn chưa áp dụng triệt để. Đâu đó vẫn còn sự coi thường gánh nặng bệnh CÚM và các biến chứng đối với cộng đồng xã hội và doanh nghiệp

Đặc thù công việc của người lao động là “ca kíp” làm việc và giao tiếp và/hoặc tiếp xúc với nhiều người do đó nguy cơ mắc bệnh CÚM cao hơn hẳn so với cộng đồng. Tiêm phòng CÚM là cách giảm thiểu rủi ro liên quan tới sức khỏe của cán bộ, viên chức và người lao động. Nếu không may mắc bệnh, mức độ bệnh tật do CÚM giảm xuống, chi phí liên quan sức khỏe và chi phí ngày công lao động cũng giảm; Trong khi tiêm ngừa vắc xin CÚM, sức khỏe của cán bộ, viên chức và người lao động tốt hơn, sẽ tạo điều kiện để sản xuất kinh doanh dịch vụ của mọi doanh nghiệp tốt nhất.

lợi ích của tiêm phòng cúm cho người lao động
Tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ sức khỏe cho người lao động khỏi bệnh cúm và biến chứng

4. Lợi ích của vắc xin cúm cho người lao động

Vắc xin phòng cúm giúp người lao động phòng bệnh hiệu quả; 

  • giảm tỷ lệ tử vong 70-80%; 
  • giảm nguy cơ tăng nặng các bệnh đang mắc; 
  • tránh nguy cơ đồng nhiễm vi rút, vi khuẩn khác; 
  • giảm nguy cơ nhập viện (thậm chí chăm sóc đặc biệt) đến 26% ở người lớn, 74% ở trẻ em;
  • giảm chi phí y tếgiảm gánh nặng gián đoạn lao động do bệnh tật cho các doanh nghiệp. 

Bên cạnh đó, khi tăng tỷ lệ người được tiêm vắc xin CÚM trong cộng đồng (tỷ lệ bao phủ) thì vô hình chung lại giúp bảo vệ những người có nguy cơ cao bị biến chứng do cúm như trẻ em, phụ nữ mang thai, người già và người có bệnh nền

5. Một số thông tin an toàn khi tiêm vắc xin cúm cho người lao động

Vắc xin cúm đã được sử dụng từ hơn 60 năm và đã có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy độ an toàn và hiệu quả trong dự phòng bệnh cúm. Hiện nay, vắc xin CÚM đã có nhiều tiến bộ như sau:

  • Liều vắc xin CÚM được sử dụng cho mọi đối tượng là 0,5ml/liều. 
  • Vắc xin CÚM rất ưu thế khi bao phủ được cả 04 chủng; bao gồm 02 chủng CÚM A và 02 chủng CÚM B (Yamagata và Victoria) – tức là các chủng thường lưu hành trong 10 năm gần đây; bên cạnh cập nhật chủng CÚM những năm sắp tới. 

Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, việc tiêm phòng vắc xin cúm đã được chứng minh làm giảm 60% bệnh tật liên quan đến cúmgiảm tỷ lệ tử vong do cúm đến 70 – 80%.

PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa
PGS.TS.BS Cao Hữu Nghĩa Chủ nhiệm Bộ môn Khoa học Y sinh, Viện Pauster TP. HCM

Các tác dụng không mong muốn được ghi nhận thường nhẹtự hết sau 01 – 02 ngày

  • Thường gặp (tỷ lệ 1/10 người): đau đầu, mệt mỏi, khó chịu, đau cơ, đau khớp, cáu kỉnh, buồn ngủ, tiêu chảy, sốt, run rẩy, chán ăn, chóng mặt, tăng đổ mồ hôi, trẻ em quấy khóc; đau, sưng, đỏ, cứng, ngứa chỗ tiêm.
  • Không thường gặp (tỷ lệ 1/100 người): sưng hạch cổ, nách, bẹn; nôn, mày đay, triệu chứng giống cúm; xuất huyết, nóng chỗ tiêm.
  • Hiếm gặp (tỷ lệ 1/1000 người): Cảm giác tê hay như kiến bò (dị cảm), giảm cảm nhận xúc giác, cảm giác tê hay đau yếu cánh tay, đau dọc đường đi của dây thần kinh.
  • Các tác dụng không mong muốn khác không rõ tần suất và chưa chứng minh được liên quan đến việc tiêm vắc xin: co giật, viêm não tủy, viêm thần kinh, hội chứng Guillain – Barré, viêm mạch máu, giảm tiểu cầu…

Bên cạnh đó, các chuyên gia y tế và các nhà sản xuất vắc xin đều đồng thuận rằng vắc xin ngừa cúm dạng “tiểu đơn vị” (sub-unit) có độ an toàn và hiệu quả cao, ngay cả trong thai kỳ, hay khi đang cho con bú sữa mẹ. Chưa có nghiên cứu nào đến nay ghi nhận vắc xin ngừa cúm dạng bất hoạt làm tăng nguy cơ biến chứng trên sản phụ hoặc những ảnh hưởng bất lợi đến thai nhi.

tiêm vắc xin cho người lao động
Tiêm vắc xin cúm cho người lao động đem đến hiệu quả cho việc phòng chống bệnh cúm

6. Tiêm phòng cúm cho người lao động vào thời điểm nào?

Vì chủng vi rút cúm thay đổi hàng năm nên người lao động cần tiêm phòng vắc xin cúm mỗi năm trước khi vào mùa cúm

Ở bắc bán cầu, mùa cúm thường xảy ra từ tháng 10 năm trước đến tháng 03 năm sau, còn ở nam bán cầu thì mùa cúm là từ tháng 4 đến tháng 10. Ở miền nhiệt đới thì cúm có thể xảy ra quanh năm. Nên tiêm vắc xin cúm càng sớm càng tốt khi có vắc xin cúm mới của năm đó. Ở Việt Nam, có thể tiêm cúm ở bất kỳ thời điểm nào trong năm, ngay khi vắc xin cúm có sẵn.    

Tài liệu tham khảo

1. CDC. Learn more about the flu season. Centers for Disease Control and Prevention. Published September 20, 2022. https://www.cdc.gov/flu/about/season/index.html#

2. Influenza and other respiratory viruses – PAHO/WHO | Pan American Health Organization. www.paho.org. https://www.paho.org/en/topics/influenza-and-other-respiratory-viruses

3. Buchy P, Badur S. Who and when to vaccinate against influenza. Int J Infect Dis. 2020;93:375-387. doi:10.1016/j.ijid.2020.02.040

4. Blank C, Gemeinhart N, Dunagan WC, Babcock HM. Mandatory employee vaccination as a strategy for early and comprehensive health care personnel immunization coverage: Experience from 10 influenza seasons. Am J Infect Control. 2020;48(10):1133-1138. doi:10.1016/j.ajic.2020.01.015

VTM1290637 (v1.0)