Rối loạn lipid máu: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

Rối loạn lipid máu là một trong những nguy cơ hàng đầu của các bệnh tim mạch. Mỗi năm thế giới có khoảng 17 triệu người chết vì các bệnh tim mạch mà đa số là liên quan đến xơ vữa động mạch. Bài viết dưới đây a:care Việt Nam sẽ giúp bạn trả lời câu hỏi rối loạn lipid máu có nguy hiểm không và cung cấp tới bạn cách phòng ngừa hiệu quả. 

Bạn cần biết gì về lipid?

Lipid là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể, tham gia cung cấp 25%-30% năng lượng cho cơ thể và là nguồn năng lượng dự trữ lớn nhất trong cơ thể, dạng dự trữ là mỡ trung tính triglyceride tại mô mỡ.

Trong thực tế, lipid máu bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.

Rối loạn lipid máu là bệnh gì? 

Rối loạn lipid máu là tình trạng bệnh lý khi có một hoặc nhiều thông số lipid bị rối loạn như: Tăng cholesterol, tăng triglyceride, tăng LDL-c, hoặc giảm HDL-c…. Rối loạn lipid máu thường được phát hiện cùng lúc với một số bệnh lý tim mạch, nội tiết, chuyển hóa.

Rối loạn lipid máu là gì?
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Các loại thành phần chính của lipid máu bao gồm:

  • LDL – Cholesterol (loại xấu)

Đây được xem là loại cholesterol xấu, khi lượng LDL này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự tích tụ mảng bám ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch não. 

  • HDL – Cholesterol (loại tốt)

Loại này chiếm khoảng 1/4- 1/3 tổng số cholesterol trong máu của bạn. HDL – cholesterol được cho là loại tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu và do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác. 

  • Triglycerides

Triglyceride cũng là một dạng mỡ trong cơ thể bạn. Tăng triglycerides thường gặp ở những người béo phì/thừa cân, lười vận động, hút thuốc lá, đái tháo đường, uống quá nhiều rượu… Những người có triglyceride trong máu tăng cao thường đi kèm tăng cholesterol toàn phần, bao gồm tăng LDL và giảm HDL. Hiện nay, các nhà khoa học cho thấy việc tăng triglyceride trong máu cũng có thể liên quan đến các nguy cơ bệnh tim mạch.

Giá trị của các chỉ số lipid máu sẽ giúp đánh giá tình trạng bệnh mỡ máu như sau:

Cholesterol Toàn phần                                       

  • < 200 mg/dL: Nồng độ lý tưởng và nguy cơ bệnh động mạch vành thấp.
  • 200 – 239 mg/dL: Mức ranh giới, cần chú ý.
  • ≥ 240 mg/dL: Mức tăng cholesterol máu. Những người có mức này thường có nguy cơ bị bệnh động mạch vành cao gấp hai lần người bình thường.

HDL Cholesterol (tốt)

  • < 50 mg/dL (nữ giới) HDL cholesterol thấp. Đây là một trong các nguy cơ chính của bệnh tim mạch.
  • > 60 mg/dL:  HDL cholesterol tăng. Điều này có nghĩa là tốt và mang tính bảo vệ cơ thể bạn trước các nguy cơ tim mạch.

LDL Cholesterol (xấu)

  • < 100 mg/dL:  Rất tốt
  • 100 – 129 mg/dL: Giới hạn bình thường
  • 130 – 159 mg/dL: Tăng giới hạn
  • 160 – 189 mg/dL: Tăng (nguy cơ cao)
  • ≥ 190 mg/dL: Nguy cơ rất cao

Triglyceride

  • < 150 mg/dL: Bình thường
  • 150–199 mg/dL: Tăng giới hạn
  • 200–499 mg/dL: Tăng
  • ≥ 500 mg/dL (≥ 5,6 mmol/L): Rất tăng

Phân loại bệnh rối loạn lipid máu

Dựa trên nguyên nhân, rối loạn lipid máu có thể được chia làm 2 loại:

  • Rối loạn lipid máu nguyên phát: Rối loạn lipid máu nguyên phát có thể do di truyền. Các loại rối loạn lipid máu nguyên phát cụ thể bao gồm: Tăng lipid máu gia đình kết hợp; Tăng cholesterol máu gia đình và tăng cholesterol máu đa gen; Giảm betalipoprotein máu gia đình.
  • Rối loạn lipid máu thứ phát: Rối loạn lipid máu thứ phát là do các yếu tố lối sống hoặc tình trạng bệnh lý ảnh hưởng đến lượng lipid trong máu theo thời gian.

Triệu chứng rối loạn lipid máu

Để biết rối loạn lipid máu có nguy hiểm không, trước hết cần nắm rõ về các triệu chứng của bệnh. Hầu hết những người bị rối loạn lipid máu thường không xuất hiện các triệu chứng đặc trưng cho tới khi họ gặp phải biến chứng nguy hiểm như đột quỵ hoặc đau tim. 

Tuy nhiên, bạn có thể nhận thấy một số triệu chứng sau đây ở những người có chỉ số lipid máu cao: 

  • Các vết sưng màu vàng hoặc nếp nhăn màu vàng trên da, được hình thành do chất béo tích tụ quanh gân và khớp.
  • Vòng cung trắng quanh giác mạc của mắt, đôi khi xảy ra ở những người trẻ tuổi có cholesterol cao.
  • Nổi cục màu vàng ở góc trong của mắt.

Nguyên nhân gây bệnh rối loạn lipid máu

Các nguyên nhân gây rối loạn lipid máu bao gồm:

  • Hút thuốc lá.
  • Béo phì và lối sống ít vận động.
  • Tiêu thụ thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
  • Tiêu thụ rượu quá mức.
Tiêu thụ rượu quá mức là nguyên nhân gây rối loạn lipid máu
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
  • Bạn có nguy cơ mắc chứng rối loạn lipid máu nguyên phát cao hơn nếu một hoặc cả hai cha mẹ bạn mắc chứng rối loạn lipid máu.
  • Tuổi cao. 

Các tình trạng bệnh lý khác cũng có thể làm tăng nguy cơ rối loạn lipid máu bao gồm:

  • Bệnh tiểu đường loại 2.
  • Suy giáp.
  • Bệnh thận mãn tính.

Phương pháp chẩn đoán

Để chẩn đoán rối loạn lipid máu, bác sĩ thường yêu cầu bạn thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra mức cholesterol – được gọi là bảng lipid hoặc hồ sơ lipid thường cho biết:

  • Tổng lượng toàn bộ cholesterol
  • Lượng HDL-cholesterol (loại tốt) 
  • Lượng LDL- cholesterol (loại xấu)
  • Triglyceride 

Để thực hiện xét nghiệm này bạn cần nhịn ăn, nhịn uống, chỉ được uống nước lọc trong vòng 9 đến 12 giờ trước khi xét nghiệm.

Xét nghiệm máu chẩn đoán rối loạn lipid máu
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Rối loạn lipid máu có nguy hiểm không?

Vậy rối loạn lipid máu có nguy hiểm không? Rối loạn lipid máu có thể gây ra sự tích tụ của cholesterol và các mảng xơ vữa trên thành động mạch gây ra xơ vữa động mạch. Những mảng bám này có thể làm giảm lưu lượng máu qua động mạch, gây ra các biến chứng, như:

  • Đau ngực: Nếu các động mạch cung cấp máu cho tim (động mạch vành) bị ảnh hưởng, bạn có thể bị đau thắt ngực và các triệu chứng khác của bệnh động mạch vành.
  • Đau tim: Nếu mảng bám bị rách hoặc vỡ, cục máu đông có thể hình thành tại vị trí mảng bám bị vỡ – ngăn chặn dòng máu hoặc vỡ ra và làm tắc nghẽn động mạch ở hạ lưu. Nếu lưu lượng máu đến một phần tim của bạn ngừng lại, bạn sẽ bị đau tim.
  • Đột quỵ: Tương tự như cơn đau tim, đột quỵ xảy ra khi cục máu đông chặn dòng máu đến một phần não của bạn.

Phương pháp điều trị rối loạn lipid máu

Thay đổi lối sống như tập thể dục và ăn uống lành mạnh là giải pháp đầu tiên để kiểm soát rối loạn lipid máu. Tuy nhiên, nếu lipid máu vẫn cao thì bác sĩ sẽ cân nhắc phối hợp thêm thuốc điều trị rối loạn lipid máu để kiểm soát rối loạn lipid máu cho bệnh nhân bên cạnh thay đổi lối sống. 

Một số thuốc điều trị rối loạn lipid máu như: 

  • Statin: Statin ngăn chặn chất mà gan cần để tạo ra cholesterol. Điều này giúp cho gan loại bỏ cholesterol khỏi máu. 
  • Thuốc ức chế hấp thu cholesterol: Ruột non của bạn hấp thụ cholesterol từ chế độ ăn và giải phóng nó vào máu. Thuốc ức chế hấp thu cholesterol giúp giảm cholesterol trong máu bằng cách hạn chế hấp thu cholesterol trong chế độ ăn. 
  • Thuốc ức chế PCSK9: Những loại thuốc này có thể giúp gan hấp thụ nhiều cholesterol LDL hơn , làm giảm lượng cholesterol lưu thông trong máu của bạn. Các loại thuốc này sử dụng dưới dạng tiêm dưới da.
  • Niacin: Niacin hạn chế khả năng sản xuất cholesterol LDL và VLDL của gan. Nhưng niacin không mang lại nhiều lợi ích hơn statin. Niacin cũng có liên quan đến tổn thương gan và đột quỵ, vì vậy hầu hết các bác sĩ hiện nay chỉ khuyên dùng nó cho những người không thể dùng statin.
  • Fibrate: làm giảm sản xuất VLDL từ gan và loại bỏ triglyceride – chất béo trung tính ra khỏi máu.
  • Bổ sung axit béo omega-3: Bổ sung axit béo omega-3 có thể giúp giảm chất béo trung tính. 
rối loạn lipid máu có nguy hiểm không
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa

Cách phòng tránh bệnh rối loạn lipid máu

Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị, lượng calo từ chất béo bão hòa chỉ nên chiếm không quá 6% trong chế độ ăn. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và rau quả có thể làm giảm cholesterol cao.

Một vài phương pháp khác có thể giúp bạn duy trì mức cholesterol và chất béo trung tính tốt bao gồm:

  • Sử dụng thịt gia cầm không da và không mỡ.
  • Sử dụng các sản phẩm từ sữa ít béo hoặc không béo.
  • Tiêu thụ chất béo không bão hòa đa và chất béo không bão hòa đơn thay vì chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.
  • Ăn đồ luộc, hấp thay vì đồ chiên. 
  • Hạn chế uống rượu, rượu khiến nồng độ chất béo trung tính tăng cao.
  • Tránh thức ăn nhanh, đồ ăn vặt và thịt chế biến sẵn.
Hạn chế ăn thức ăn nhanh và chế biến sẵn
Hạn chế ăn thức ăn nhanh và chế biến sẵn

Người bị rối loạn lipid máu nên làm gì? 

  • Thay đổi lối sống 

Thay đổi lối sống thường là chìa khóa để kiểm soát tình trạng mỡ máu cao. Ngay cả khi chứng tăng lipid máu của bạn là do di truyền thì việc thay đổi lối sống vẫn là một phần thiết yếu trong điều trị bệnh.

  • Sử dụng một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim

Thay đổi chế độ ăn uống của bạn có thể làm giảm mức cholesterol LDL và tăng mức cholesterol HDL. Tránh sử dụng chất béo bão hòa có chủ yếu trong thịt đỏ, xúc xích và các sản phẩm từ sữa đầy đủ chất béo. Sử dụng chất béo không bão hòa đơn như ô liu, bơ và dầu hạt cải để nấu ăn.

Tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn. Tất cả chất xơ đều tốt cho tim, chất xơ hòa tan có trong yến mạch, cám, trái cây, đậu và rau có thể làm giảm mức cholesterol LDL của bạn. 

  • Giảm cân

Nếu bạn có trọng lượng cơ thể cao hoặc béo phì, việc giảm cân có thể giúp giảm mức cholesterol toàn phần.

  • Luyện tập thể dục đều đặn

Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe, chúng giúp giảm cân và mức cholesterol. Khi bạn không hoạt động thể chất đầy đủ, mức cholesterol HDL của bạn sẽ giảm xuống. Điều này có nghĩa là không có đủ cholesterol “tốt” để mang cholesterol “xấu” ra khỏi động mạch của bạn. Bạn chỉ cần 40 phút tập thể dục ở mức độ vừa phải mỗi ngày, 3 – 4 lần một tuần sẽ giúp giảm mức cholesterol toàn phần. 

Hy vọng bài viết trên a:care Việt Nam đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc rối loạn lipid máu có nguy hiểm không. Một chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp có thể giúp bạn kiểm soát tốt chứng rối loạn lipid cũng như ngăn ngừa hiệu quả những biến chứng bệnh. Bên cạnh đó, nếu bạn thuộc trường hợp có nguy cơ mắc bệnh cao nên chủ động đi khám, xét nghiệm lipid máu định kỳ ít nhất 6 tháng – 1 năm một lần để phát hiện, điều trị bệnh sớm.

Tài liệu tham khảo:

1. Rối loạn chuyển hóa lipid máu: https://vncdc.gov.vn/roi-loan-chuyen-hoa-lipid-mau-nd14588.html.

2. Rối loạn lipid máu: https://emed.bvbnd.vn/wiki/phac-do/phac-do-dieu-tri-ngoai-tru/roi-loan-lipid-mau/

3. Rối loạn lipid máu và nguy cơ bệnh tim mạch: https://benhvien108.vn/roi-loan-lipid-mau-va-nguy-co-benh-tim-mach.htm

4. Dyslipidemia: Everything you need to know: https://www.medicalnewstoday.com/articles/321844#what-is-dyslipidemia

5. What to know about lipid disorders: https://www.medicalnewstoday.com/articles/lipid-disorder

6. Dyslipidemia: What You Need to Know: https://www.healthline.com/health/dyslipidemia#symptoms

7. High cholesterol: https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/high-blood-cholesterol/diagnosis-treatment/drc-20350806.

8. Lipid Disorder: What You Should Know About High Blood Cholesterol and Triglycerides: https://www.healthline.com/health/high-cholesterol/lipid-disorder

9. What You Should Know About Hyperlipidemia: https://www.healthline.com/health/hyperlipidemia#causes-risk-factors

VTM1300330 (v1.0)