Điều trị táo bón cho người cao tuổi

- Ngày cập nhật: 31/05/2025
Mục lục
1. Táo bón ở người lớn tuổi – Đừng xem thường
Táo bón là vấn đề rất thường gặp ở người lớn tuổi. Theo thống kê, cứ ba người trên 60 tuổi thì có một người bị táo bón. Tại các cơ sở chăm sóc người cao tuổi, tỷ lệ này thậm chí còn có thể vượt quá 50%.
Táo bón không chỉ đơn thuần là ít đi tiêu, mà còn ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa. Khi táo bón, quá trình làm rỗng dạ dày chậm lại, người bệnh dễ gặp các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, đau quặn bụng và chướng hơi. Việc rặn mạnh khi đi tiêu còn có thể gây ra trĩ, nứt hậu môn hoặc chảy máu trực tràng.
Trong một số trường hợp nặng, táo bón có thể dẫn đến những biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng như phân bị mắc kẹt trong trực tràng, túi thừa đại tràng, nhiễm độc đại tràng, thậm chí thủng ruột.
2. Táo bón ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống
Táo bón ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh trong cuộc sống của người bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống và ảnh hưởng tiêu cực đến các sinh hoạt hàng ngày. Nhiều bệnh nhân vì táo bón mà trở nên mệt mỏi, khó chịu, thậm chí thu mình lại vì lo lắng hoặc đau đớn. Ở người lớn tuổi, táo bón còn khiến việc đi lại, vận động khó khăn hơn, tinh thần sa sút và chất lượng cuộc sống giảm rõ rệt.
3. Điều trị không dùng thuốc
Trong điều trị táo bón, nên bắt đầu từ những thay đổi đơn giản nhưng rất quan trọng trong lối sống và chế độ ăn. Tôi thường khuyên mọi người:
• Thường xuyên tập thể dục vào buổi sáng, tập thói quen đại tiện đúng giờ, xoa nhẹ thành bụng lập lại nhiều lần để kích thích nhu động ruột.
• Uống một ly cà phê buổi sáng (nếu không có chống chỉ định) vì caffeine có thể giúp đại tràng hoạt động tốt hơn.

• Ăn nhiều chất xơ từ rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
• Uống đủ nước mỗi ngày, khoảng 1,5–2 lít, để làm mềm phân và hỗ trợ đào thải dễ dàng hơn.
4. Lựa chọn thuốc có độ an toàn cao cho người cao tuổi bị táo bón
Việc lựa chọn thuốc điều trị táo bón phải dựa trên nhiều yếu tố như: nguyên nhân gây táo bón, tình trạng sức khỏe hiện tại, các bệnh lý đi kèm, loại thuốc đang sử dụng và khả năng đáp ứng của mỗi người.
Thông thường, chúng tôi sẽ bắt đầu điều trị theo từng bước rõ ràng:
- Khởi đầu bằng thuốc trị táo bón, ưu tiên loại thuốc hút giữ nước làm mềm phân hoặc tạo khối nếu phù hợp.
- Theo dõi hiệu quả và khả năng dung nạp trong thời gian đầu. Nếu chưa đủ hiệu quả, có thể tăng liều dần, hoặc chuyển sang loại thuốc khác nếu xuất hiện tác dụng phụ.
- Trong một số trường hợp, có thể cần phối hợp nhiều loại thuốc để đạt hiệu quả mong muốn.
Về thuốc, chúng tôi thường chọn nhóm thuốc hút giữ nước làm mềm phân như lactulose hoặc macrogol làm lựa chọn ưu tiên, đặc biệt là với người lớn tuổi không dùng thuốc giảm đau nhóm opioid. Những thuốc này hoạt động bằng cách kéo nước vào ruột, giúp phân mềm hơn, tăng thể tích và kích thích ruột co bóp tự nhiên để đẩy phân ra ngoài.

Lactulose là một loại đường tổng hợp không hấp thu tại ruột non thường được sử dụng trong điều trị táo bón mạn tính, đặc biệt ở người cao tuổi. Khi vào đến đại tràng, thuốc giữ nước trong lòng ruột, giúp làm mềm phân và kích thích ruột co bóp, từ đó giúp việc đi tiêu trở nên dễ dàng hơn. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng lactulose giúp tăng số lần đi tiêu, làm phân mềm hơn, giảm cảm giác đầy bụng ở người cao tuổi bị táo bón kéo dài.
Chúng tôi cũng đánh giá cao độ an toàn của lactulose khi sử dụng dài hạn. Tác dụng phụ, nếu có, thường nhẹ như đầy hơi, chướng bụng hoặc tiêu chảy nhẹ khi dùng liều cao. Bên cạnh đó, lactulose không gây lệ thuộc thuốc như một số thuốc kích thích ruột khác. Vì vậy, người dùng dễ tuân thủ điều trị và cải thiện rõ rệt chất lượng sống.
Xem thêm:
- Vì sao táo bón tái đi tái lại ở người cao tuổi? Giải đáp từ chuyên gia
- Điều trị táo bón ở người cao tuổi có bệnh nền
- Làm thế nào để quản lý táo bón ở người cao tuổi
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Emmanuel A, Mattace-Raso F, Neri MC, et al. Constipation in older people: A consensus statement. Int J Clin Pract 2017;71.
2. Reşat Dabak, Kerim Güler (2023); Comparative Evaluation of Lactulose and Mustafa Bisacodyl in the Management of Chronic Constipation: Efficacy, Safety, and Patient Preferences , Bagcilar Med Bull ;8(4):335-340
3. Seung Joo Kang,Young Sin Cho,Tae Hee Lee et al (2021); Constipation Research Group of the Korean Society of Neurogastroenterology and Motility ; Medical Management of Constipation in Elderly Patients: Systematic Review ; J Neurogastroenterol Motil, Vol. 27 No. 4 October, 2021
4. Vazquez Roque M, Bouras EP. Epidemiology and management of chronic constipation in elderly patients. Clin Interv Aging 2015;10:919–30.
5. Young Sin Cho, Yoo Jin Lee, Jeong Eun Shin et al,; 2022 Seoul Consensus on Clinical Practice Guidelines for Functional Constipation ; J Neurogastroenterol Motil, Vol. 29 No. 3 July, 2023
6. Lee-Robichaud, H., Thomas, K., Morgan, J., & Nelson, R. L. (2010); Lactulose versus Polyethylene Glycol for Chronic Constipation; Cochrane Database of Systematic Reviews